18 biên tập viên và phóng viên Công giáo từ 12 quốc gia đã hội tụ tại CCM, Kuala Lumpur, Malaysia từ ngày 14 đến 16-8-2019 để thảo luận về chủ đề “Báo chí Hòa Bình trong một nền Văn Hóa Lan Truyền”.
Hội nghị do Văn phòng Báo chí của SIGNIS Châu Á tổ chức dưới sự bảo trợ của SIGNIS thế giới.
Các diễn giả của Hội nghị bàn tròn là: Bà Helen Osman – Chủ tịch SIGNIS thế giới cũng là Chủ tịch Văn phòng Báo chí thế giới của SIGNIS, Tiến sĩ Peter Monthienvichen – Giám đốc điều hành của UCANews, Lm. Paul Samasumo – Phó Chủ tịch SIGNIS thế giới cũng là Trưởng ban tiếng Anh và tiếng Swahili của Radio Vatican, và Lm. Pakkam Michael Harris – Cố vấn của Bộ Truyền Thông Vatican.
Trong ngày đầu tiên của Hội nghị, các tham dự viên đã chia sẻ tình hình văn hóa – tôn giáo, chính trị – xã hội của họ để Hội nghị hiểu về bối cảnh nhiệm vụ tương ứng của họ. Những chia sẻ cá nhân của các tham dự viên đã mở ra những thông tin về thực tế cơ bản của các quốc gia châu Á khác nhau và những thách thức mà các biên tập viên và các nhà xuất bản Công giáo phải đối mặt trong chức vụ của họ.
Hội nghị bàn tròn nêu lên một số mối quan tâm chung:
Số độc giả giảm bớt trong bối cảnh lan truyền mạnh mẽ của mạng xã hội, chính quyền không ủng hộ, tài chính khủng hoảng, thiếu các kỹ năng và đào tạo cần thiết cho những người tham gia ngành Báo chí Công giáo.
Các tham dự viên nhất trí nhắc lại rằng ngành in ấn của Giáo hội cần phải tồn tại ngay trong bối cảnh bất lợi ở khu vực châu Á.
Hội nghị khuyến nghị:
1. SIGNIS châu Á sẽ tổ chức các khóa đào tạo mang tính thực hành cho các nhà báo đang hoặc mới hoạt động.
2. Kết nối với nhau để chia sẻ kinh nghiệm, thông tin, chuyên môn và các tài nguyên khác.
3. Cần loan báo Tin Mừng vì đã được rửa tội và được Chúa sai đi. Tránh xa chủ nghĩa giật gân và tin tức giả trong các ấn phẩm. Quyết tâm tuân thủ các giá trị Tin Mừng về sự thật, trung thực và minh bạch trong tác vụ của mình.
4. Xây dựng Bộ Quy tắc đạo đức cho các nhà báo Công giáo châu Á.
5. Thúc đẩy sự hiệp nhất và hòa bình giữa các nhà báo và giữa các công dân trong nước. Hoạt động để thúc đẩy sự hợp tác đại kết và liên tôn trong vùng miền.
6. Nỗ lực ủng hộ Giáo hội và cùng với Giáo hội phát huy những điều tốt đẹp của Giáo hội, đặc biệt trong việc cổ võ công lý và phục vụ người nghèo. Tuân thủ các Giáo huấn của Giáo hội về Đức tin và Luân lý.
7. Cung cấp dịch vụ của mình cho Giáo hội địa phương trong việc phổ biến thông tin 24/7. Thực hiện chuyên môn của mình để giúp các Đấng Bản Quyền trong việc quản lý mạng và xử lý khủng hoảng.
8. Thiết lập một diễn đàn cho các biên tập viên, các nhà báo Công giáo và các nhà xuất bản của khu vực Châu Á. Đề nghị thành lập Hiệp hội Báo chí Công giáo châu Á, dưới sự bảo trợ của SIGNIS châu Á phối hợp với Ban Truyền thông của FABC.
9. Dành ưu tiên cho Tin tức Vatican trong các ấn phẩm để thông báo cho độc giả về Đức Giáo hoàng, các hoạt động của ngài và Giáo hội trên thế giới.
Hội nghị bàn tròn đã được tổ chức thành công, nhờ kế hoạch tỉ mỉ của các thành viên SIGNIS Malaysia. Chúng tôi rất biết ơn Đức Tổng Giám mục Julian Leow – Tổng Giám mục của Kuala Lumpur, Ông Lawrence John – Phó chủ tịch SIGNIS thế giới, Bà Adeline James – Thành viên Hội đồng quản trị SIGNIS Châu Á cũng là Trưởng phòng Báo chí châu Á và Thư ký SIGNIS Malaysia, Ông Raymund Jagan – Điều hành Ban Thảo luận, Cô Melissa Fernando – MC của Hội nghị bàn tròn, Bà Majella Gomes – Thành viên SIGNIS Malaysia, Bà Karen Arukesamy – Chủ tịch SIGNIS Malaysia, Nữ tu Christine Sudin, FSP và các thành viên của chủ nhà SIGNIS Malaysia.
Signis Asia Journalism Desk (Linh Hữu chuyển ngữ)
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.