|
I. TIẾN TRÌNH TÍN ĐIỀU MẸ LÊN TRỜI
Theo hai cha Pohle và Scheeben, mấy thế kỷ đầu không có dấu tích gì về lòng tin Đức Mẹ Maria lên trời. Nhưng một cái quách (sarcophagus) đầu thế kỷ IV, hiện ở nền nhà thờ Santa Engracia thành Saragossa (Tây Ban Nha), có bức chạm trổ hình Đức Mẹ lên trời. Và chứng tích của Thánh Epiphanô cho biết niềm tin Mẹ Maria bất tử và thân xác Mẹ vinh quang đã được truyền bá sâu rộng trong một ít giáo đoàn như Antiokia.
Do xác tín và ngợi khen “Chức phẩm Thiên Mẫu” và “Đức Đồng Trinh” của Mẹ là hai căn nguyên bước vinh quang của Người, Thánh Epiphanô mở đường cho lòng tin và sự xác quyết của các Thánh Giáo phụ, các Đức Giáo hoàng, các Giám mục, các nhà thần học và toàn thể Giáo hội.
A. Các Thánh Giáo phụ
Các Thánh Giáo phụ trong những thế kỷ đầu, như các Thánh Môđestô, Basiliô, Giêrônimô, Augustinô, Germanô, Đamascenô, và Thêôđôrê Studium, đồng thanh tung hô bước vinh quang của Mẹ Maria do chức phẩm Thiên Mẫu và đức Đồng Trinh của Mẹ .
Riêng Thánh Đamascênô nói: “Cần thiết rằng Con Thiên Chúa, khi sinh ra, đã gìn giữ vẹn tuyền đức Trinh của Mẹ, thì phải gìn giữ Mẹ khi chết, khỏi hư hoại. Đấng đã cưu mang Đấng Tạo Hoá cần được ở trong cung điện của Thiên Chúa. Mẹ Thiên Chúa cần phải có tất cả mọi điều thuộc về Con của Mẹ và cần được mọi thụ tạo tôn vinh”.
B. Các Đức Giáo hoàng
– Đức Adrianô I và Đức Pascalê I có những đồ thờ trang trí bằng hình ảnh Mẹ lên trời.
– Đức Alexanđrô III nói: “Mẹ Maria thụ thai không bị xấu hổ, sinh con không bị đau đớn, từ trần không bị hư hoại trong mồ, vì theo lời Thiên thần, Mẹ đã được đầy ơn”.
– Đức Thánh Giáo Hoàng Piô V sửa đổi lại kinh Phụng vụ với bài đọc lễ Mẹ Lên Trời.
– Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XIV: Về ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời, Giáo hội đọc các bài giảng của thánh Đamascenô và thánh Bênađô, thấy rõ ràng Rất Thánh Trinh Nữ lên trời cả hồn và xác. Đó là một dấu chỉ và một bằng chứng niềm tin của Giáo hội.
– Đức Giáo Hoàng Piô XII nối tiếp các Đức Giáo Hoàng tiền nhiệm về niềm tin đó. Trong Thông điệp “Corporis Mystici” ngày 29-6-1943, Ngài viết: “Chúng ta hãy nài xin Mẹ rất thánh của mọi phần tử của Chúa Kitô mà Ta đã tín thác hiến dâng loài người cho Trái Tim Mẹ. Ngày nay ở trên trời, thân xác và linh hồn Mẹ toả sáng trong vinh quang, hiển trị cùng với Con của Mẹ”.
C. Các Đức Giám mục và toàn thể Giáo Hội
Ngày 23-2-1870, 200 Giám mục của Công đồng Vatican I làm đơn thỉnh nguyện Đức Thánh Cha định tín Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.
Năm 1920, 260 Giám mục từ nhiều nước, cũng hợp ý tâu xin, đầu tiên là các Giám mục nước Ý, nước Pháp, trong khi các Hội Đồng Giám Mục nước Đức, Áo, Anh, và Thụy Sĩ còn im lặng.
Năm 1934, sau năm năm chiến dịch “Forge Italiane” ráo riết vận động, 600 Tổng Giám mục và Giám mục đã chấp thuận cuộc trưng cầu dân ý khắp thế giới, tâu xin Toà thánh định tín.
Tại Pháp và Ý năm 1929, một hội cầu nguyện được thành lập để xin Chúa cho việc định tín được thành tựu.
Đại Hội Thánh Mẫu tại Nantes năm 1924 cũng bày tỏ nguyện vọng đó.
D. Các nhà thần học
Nối tiếp các Thánh Giáo phụ và Thẩm quyền của Giáo hội, các nhà thần học qua các thế kỷ, cũng tích cực đồng tâm nhất trí về tín lý Mẹ Maria Hồn Xác Lên Trời:
Thế kỷ XII và XIII có các Thánh Albertô, Bônaventura, Tôma, Fullertô và các nhà thần học Hugh St. Victor, Sicard Cremona, Durand Mende.
Thế kỷ XV có Thánh Antôniô và nhà thần học Gabriel Biel. Thế kỷ XVI có các Thánh Canisiô, Bellarminô, các nhà thần học Suarez, Soto, Đức Hồng y De Berulle và cả trường phái Pháp.
Thế kỷ XVII có các nhà thần học Billuart, Theophile Raynaud.
Thế kỷ XVIII có Thánh Anphong, Đức Hồng y Lambertini (sau này là Đức Giáo hoàng Beneđictô XIV), các nhà thần học Sedlmayr, Trombelli.
Thế kỷ XIX và XX có các nhà thần học Scheeben, Lannerz, Janssens, Lagrange, Jugie, Roschini, Balic, Bittremieux và Đức Hồng y Lépicier.
Theo cha Deneffe, từ cha Scheeben, có ít là 18 nhà thần học xác quyết rằng tín lý Mẹ hồn xác lên trời có thể định tín.
Nhà thần học Sertillanges viết một câu rất dí dỏm về sự phục sinh của Mẹ: “Chúng tôi tin rằng đường lối mọi xác phàm phải ngoắt quay đi khi nói về Đức Trinh Nữ. Anh hùng ca của sâu bọ phải im bặt để chúng ta ca lên trên ngôi mộ này Hoan khúc Magnificat thay vì Ai khúc De profundis”.
Như vậy, toàn thể Giáo Hội, cùng với các Thánh Giáo phụ, các Đức Giáo Hoàng và các nhà thần học, đều cùng một niềm tin Mẹ Maria lên trời cả hồn và xác. Do đó, cùng với nhà thần học Bainvel, Dân Chúa tin tưởng tín lý Mẹ Hồn Xác Lên Trời mau chóng được định tín.
E. Chuẩn bị định tín
Ngày 1-5-1946, với Thông điệp “Deiparae Virginis” gửi các Giám mục khắp Giáo Hội, Đức Giáo Hoàng Piô XII cho biết từ năm 1840 đến năm 1940, những đơn thỉnh nguyện tâu xin Toà Thánh định tín Mẹ Maria Hồn Xác Lên Trời, đã đóng thành hai cuốn sách. Những đơn thỉnh nguyện này do các Đức Hồng Y, các Thượng Phụ Giáo Chủ, các Giám Mục, đặc biệt 200 Nghị Phụ Công đồng Vatican I, các linh mục, tu sĩ nam nữ, các trường Đại học, các đoàn thể và đông đảo giáo dân.
Đức Thánh Cha xin các Đức Giám Mục cho ngài biết lòng sùng kính Đức Mẹ lên trời của hàng giáo sĩ, giáo dân của giáo phận các ngài và xin các ngài theo sự khôn ngoan, xét đoán thế nào về việc tuyên tín.
Ngày 30-10-1950, Đức Thánh Cha gửi tông thư cho Cơ Mật Viện, loan báo vào ngày mồng 1 tháng 11 năm 1950, một biến cố sẽ là niềm vui lớn lao cho toàn thế giới Công giáo. Đó là nhờ ơn soi động và sự trợ lực của Thiên Chúa, ngài sẽ tuyên tín Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.
Một tia sáng mới sẽ bừng sáng trên vầng trán của Mẹ mà từ xa xưa, qua các thời đại, Giáo Hội cùng với các Giáo phụ, tiến sĩ và các nhà thần học vẫn tin tưởng mộ mến và sùng kính Mẹ lên trời cả hồn xác.
Đức Thánh Cha cũng hỏi ý kiến Cơ Mật Viện về việc ngài sẽ long trọng tuyên tín Mẹ Hồn Xác Lên Trời như một chân lý đã được Thiên Chúa mặc khải.
Sau khi đã biết ý kiến tích cực đồng thuận, Đức Thánh Cha tỏ lòng hoan hỉ được các Hồng Y, Giám Mục đồng tâm nhất trí với ngài để chứng minh điều Giáo Hội vẫn tin tưởng, mộ mến và giảng dạy.
G. Ban hành Thông điệp “Munificentissimus Deus”
Ngày mồng 1 tháng 11 năm 1950, Đức Giáo Hoàng Piô XII ban hành Thông điệp “Munificentissimus Deus”, long trọng định tín Mẹ Maria linh hồn và xác lên trời là một tín điều buộc mọi người phải tin.
Đại lược thông điệp bất hủ này là:
Sau khi chúc tụng lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa đã yêu thương quan phòng làm êm dịu những khổ đau, đem lại niềm an vui cho các dân tộc, Đức Thánh Cha nêu cao sự kiện ơn Chúa thương, dù giữa thời buổi nhiều người sai lạc chân lý và nhân đức, vẫn có nhiều cách biểu lộ đức tin, lòng sùng mến Mẹ Maria và những con cái Mẹ vẫn được khuyến khích chiêm niệm những đặc ân của Mẹ. Thật vậy, từ muôn đời, Thiên Chúa đã đặc biệt yêu thương Mẹ và rồi ban cho Mẹ dạt dào những đặc ân mà Giáo hội nhận biết và khám phá ra. Nhưng thời đại của chúng ta đã được dành riêng để chiêm ngưỡng đặc ân Mẹ hồn xác lên trời.
Sau đó, Đức Thánh Cha lược qua tiến trình tín lý này qua đức tin của Giáo Hội, qua Phụng vụ, các Giáo phụ, các nhà thần học hằng tin tưởng Mẹ thụ thai, hạ sinh và nuôi dưỡng Chúa Kitô, thì sau cuộc đời này, Mẹ cũng được kết hợp với Chúa cả hồn và xác. Và Mẹ đã cùng với Chúa Kitô chiến thắng địch thù hoả ngục, thì Mẹ cũng được cùng với Chúa, khải hoàn vinh quang.
Đức Thánh Cha cũng kể qua cuộc chuẩn bị của ngài. Và ngài hy vọng rằng việc ngài định tín sẽ đem lại lợi ích lớn lao cho thế giới quay về với Thiên Chúa Ba Ngôi, cho giáo dân thêm lòng sùng mến Mẹ hơn, hiểu biết giá trị đời sống con người và mục đích cao siêu của linh hồn và xác. Sau hết, đức tin vào Mẹ hồn xác lên trời sẽ làm thêm vững mạnh đức tin của chúng ta vào vinh phúc mai sau.
H. Định Tín
Tín điều Mẹ Maria đầu thai vô nhiễm do Đức Piô IX tuyên tín năm 1854, đã là một viên bích ngọc rực sáng trên triều thiên của Mẹ, và là một luồng sáng rọi chiếu vào tín lý Mẹ lên trời cả hồn xác đã loé sáng lên qua bao thế kỷ, để ngày nay, bừng sáng lên thành tín điều, thêm một viên hoàng ngọc trên triều thiên vinh quang của Mẹ.
Do đó, Lễ Các Thánh ngày mồng 1 tháng 11 năm 1950, tại Quảng Trường Thánh Phêrô, Rôma, trước 40 Hồng y, 500 Tổng Giám mục và Giám mục, hàng trăm đại diện chính quyền các quốc gia, hàng ngàn linh mục tu sĩ nam nữ và hơn 700,000 dân chúng, dưới bầu trời tươi sáng, Đức Thánh Cha Piô XII sốt sắng cất tiếng trong máy vi âm, ngân vang khắp Quảng Trường Thánh Phêrô, vọng vang vào Đền Thờ chật ních hơn 80,000 dân chúng, vang xa khắp hoàn cầu, vang lên tới cung trời cao thẳm, những lời trịnh trọng tuyên tín:
“Do uy quyền của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, của hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, và với thẩm quyền của Ta, Ta phán quyết, tuyên ngôn, và định tín là tín điều đã được mạc khải rằng: Đức Maria, Mẹ Vô Nhiễm của Thiên Chúa trọn đời đồng trinh, sau cuộc sống trần gian này, đã được phúc vinh quang Thiên đàng cả hồn và xác. Nếu ai cả dám tự tình chối bỏ hay nghi ngờ điều Ta đã định tín, thì họ phải biết rằng họ hoàn toàn phản bội đức tin Công giáo của Thiên Chúa”.
Đức Thánh Cha vừa dứt lời, thánh ca Te Deum do tất cả mọi người trong Quảng Trường Thánh Phêrô ca lên hùng tráng hoà nhịp với những tiếng chuông trầm hùng của Đền Thánh Phêrô và của 400 đền thờ khắp thành Rôma, như cùng với toàn thể thần thánh trên trời, hân hoan reo mừng chúc tụng ngợi khen Mẹ vinh quang của Thiên Chúa, của Giáo Hội và của toàn thể loài người.
II. LỊCH SỬ PHỤNG VỤ
Đầu tiên, Giáo Hội Đông Phương thành lập lễ tôn vinh Mẹ Thiên Chúa tại Giêrusalem sau Công đồng Êphêsô năm 431, và gọi là “Ngày của Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa”.
Năm 380, giáo đoàn Antiôkia, và đầu thế kỷ VI, Giáo hội Đông Phương gọi là “Lễ Mẹ ly trần”.
Năm 600, hoàng đế Maurice ra sắc lệnh mừng lễ này khắp nước Byzantine.
Khi quân Ba tư xâm chiếm Trung đông, các đan sĩ chạy sang Rôma năm 650, đem theo lễ này sang và đổi là “Lễ Mẹ Lên Trời” và mừng vào ngày 15 tháng 8.
Rồi từ Rôma, lễ này được lan đến Milan và Tây Ban Nha.
Đức Thánh Cha Sergiô I tổ chức một cuộc rước long trọng sùng kính Mẹ lên trời.
Thế kỷ VIII, lễ này lan sang Anh và Đức như Hội Đồng Giám Mục Áo tại Salzburg xác nhận, và sang Pháp do Hội Đồng Giám Mục Pháp tại Mayenne.
Dần dần, lễ này được lan tới tất cả các nước khắp thế giới.
Đức Giáo Hoàng Lêô IV qui định lễ Mẹ Lên Trời có tuần tám ngày, và Đức Giáo Hoàng Nicolas I cho biết từ lâu, lễ Mẹ Lên Trời có lễ Vọng ngày áp.
Thế kỷ thứ XIII, lễ Mẹ Lên Trời còn có ngày chay trước lễ và là lễ long trọng nhất các lễ Đức Mẹ.
Thế kỷ XVI, theo nhà thần học Suarez, lễ này đặc biệt hơn mọi lễ Đức Mẹ, vì bày tỏ cho chúng ta thấy vinh quang, phần thưởng và sự khải hoàn của Rất Thánh Trinh Nữ.
Thời Trung Ccổ, lễ Mẹ Lên Trời là ngày làm phép mùa màng và các hoa trái đầu mùa.
Năm 1950, lễ Mẹ Lên Trời có tầm quan trọng trong khắp Giáo hội do Đức Giáo Hoàng Piô XII định tín “Mẹ Maria lên trời cả hồn và xác” và qui định thành Lễ Trọng đặc biệt trong khắp Giáo hội với luật buộc mọi người tham dự Thánh lễ.
Năm 1970, Phụng vụ qui định lễ Mẹ lên trời là một lễ Đức Mẹ duy nhất có lễ Vọng vào chiều ngày 14, trước chính ngày lễ 15 tháng 8.
III. Ý NGHĨA PHỤNG VỤ
1. Mẹ Maria hồn xác lên trời là biến cố sau cùng trong mầu nhiệm đời sống Đồng công Cứu chuộc của Mẹ đặc biệt liên đới với mầu nhiệm Nhập Thể Cứu thế của Chúa Giêsu, Con Mẹ.
2. Vì Mẹ đã chịu thai và hạ sinh Chúa Giêsu, thì sau khi về trời vinh quang, Chúa Giêsu cũng đưa Mẹ vào phúc vinh quang cùng với Người.
3. Mẹ đã cho thân xác Chúa sự sống nhân loại, thì đáp lại, Chúa cũng cho thân xác Mẹ sự sống trường sinh vinh quang.
4. Do đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, thân xác trinh trong của Mẹ được thoát án lệ của tội Nguyên Tổ, mà được sống lại và lên trời cùng với linh hồn trong sáng của Mẹ.
5. Biến cố Mẹ lên trời hồn xác hoàn thành sự thánh thiện và huân nghiệp của Mẹ, là niềm ủi an và hy vọng tràn trề của chúng ta, là khởi đầu và là hình ảnh Hội Thánh sẽ được thành toàn trên Nước Trời.
6. Hồn Xác Mẹ lên trời vinh quang, được Chúa Ba Ngôi tôn phong làm Nữ Vương trời đất và làm Đấng Trung Gian ban phát mọi ơn lành cho chúng ta.
7. Đặc ân Mẹ Lên Trời vinh quang chung qui mọi đặc ân của Mẹ và là cùng đích trót cuộc sống, sứ mạng và huân công của Mẹ. Lễ Mẹ Lên Trời vinh quang chung kết mọi lễ tôn vinh Mẹ, nên là một lễ trọng thể và là lễ luật buộc.
Đặc ân Mẹ lên trời gồm nhiều điều kỳ diệu:
– Mẹ chết êm ái, không chút đớn đau,
– Mẹ phục sinh, không bị hư thối,
– Mẹ lên trời hiển vinh.
IV. Ý NGHĨA LỜI CHÚA TRONG THÁNH LỄ
Bài đọc I: Khải huyền 11:19; 12:1-6, 10
Tác giả sách Khải huyền mô tả cuộc tranh hùng giữa thiện và ác, giữa dòng dõi con Rồng hoả ngục và dòng dõi người nữ là Mẹ Maria.
Mẹ được hình dung là một mỹ nữ mặc áo mặt trời như kiểu Thiên Chúa thường cho người phụ nữ ăn mặc (xem Kn 3:21; Mt 6:30) nghĩa là Thiên Chúa cho Mẹ mặc áo vinh quang tức là ánh sáng rực rỡ nhất là mặt trời.
Mẹ chân đạp mặt trăng. Mặt trăng khi tròn khi khuyết, tượng trưng sự đổi thay mà Mẹ không bị biến đổi theo thời gian, theo tứ thời bát tiết vì Mẹ làm chủ như đạp trên tất cả.
Đầu Mẹ đội một triều thiên mười hai ngôi sao. Các ngôi sao ở trên trời cao (xem G 22:12) tức là Mẹ làm Nữ Vương số đông dân chúng đầy đủ như mười hai chi tộc Israel. Triều thiên tượng trưng sự vinh thắng của Mẹ.
Tất cả điều lạ, là hình ảnh Khám giao ước mà Thiên Chúa dùng để ở cùng dân Người, và Người ở trong đó như ở trong Đức Trinh Nữ Maria.
Mỹ nữ đang mang thai và đã sinh một con trai. Con trai đây là Đức Kitô, là Đấng Thiên Sai mà Thánh vương Đavid đã tiên báo trong Thánh vịnh 2 và 110.
Con Rồng lớn màu đỏ là sức mạnh của thần dữ, không thể tiêu diệt Con Trai đó. Giáo Hội đã trải qua biết bao thời kỳ đẫm máu, nhưng quỉ hỏa ngục cũng không phá nổi (x. Mt 16:18).
Thiên Chúa sắp sẵn cho mỹ nữ một nơi trong sa mạc, nghĩa là Chúa đưa Giáo Hội vào nơi gian nan thử thách (x. Đnl 8:2). Giáo Hội gặp nhiều thử thách, nhưng Giáo Hội vẫn đứng vững.
Con trẻ được cất bổng lên ngai Thiên Chúa, nghĩa là Chúa Kitô sẽ được phục sinh.
Sau hết, là bài ca chiến thắng: ơn Cứu độ, quyền năng và vương tước của Thiên Chúa đã toàn thắng và mọi uy quyền đều thuộc về Chúa Kitô.
Bài đọc II: 1 Côrintô 15:20-26
Cuộc chiến thắng thần dữ trong bài đọc này, trở thành một chiến thắng thần chết.
Sự sống lại của Chúa Kitô là mầm mống sự sống lại của chúng ta và là chân lý căn bản. Thiếu chân lý này, đức tin của chúng ta sẽ trở nên hão huyền (16-19).
Chúa Kitô là hoa quả đầu mùa của mọi người đều phải chết. Hoa trái đầu mùa hiến dâng Thiên Chúa tượng trưng sự hiến thánh mùa màng cho Người (x. Đnl 26:1-11). Hoa trái đầu mùa còn là dấu hiệu bảo đảm mùa màng đầy đủ, tức là sự phục sinh của chúng ta trong vinh quang.
Sức mạnh thần dữ trong thế giới sẽ bị bại hoại và địch thù cuối cùng bị hủy diệt là thần chết.
Cuộc chiến thắng thần chết, chính là sự chiến thắng của Chúa Kitô phục sinh mà chúng ta sẽ được sống lại để cùng với Mẹ chia sẻ sự phục sinh của Người.
Phúc âm: Luca 1:39-56
Thánh truyện Mẹ Maria thăm viếng bà Elizabeth có nhiều điểm rất ý nghĩa cho lễ Đức Mẹ Lên Trời.
Bà Elizabeth ca ngợi Mẹ Maria là diễm phúc hơn hết mọi phụ nữ, là vì bà nhận biết Mẹ là kẻ đã tin mọi điều Chúa truyền phán cho Mẹ sẽ thành hiện.
Lời ca ngợi của bà Elizabeth cũng giống như lời ca khen của một phụ nữ: “Phúc cho lòng dạ cưu mang Ngài và vú Ngài đã bú” (Lc 11:27-28) mà Giáo Hội trích đọc trong Lễ Vọng Mẹ Lên Trời.
Đáp lại lời ngợi khen, chúc phúc của bà Elizabeth, Mẹ Maria tuyên tụng Chúa Toàn Năng đã làm cho Mẹ những điều cao cả, là vì Chúa đoái nhìn đến phận hèn của nữ tỳ của Người. Do đó, Mẹ nhận biết từ đây mọi thế hệ sẽ khen Mẹ có phúc.
Những điều cao cả nhất Chúa đã làm cho Mẹ, là một điều chứng tỏ sự quan phòng của Người:
– Hiền ái đối với những kẻ kính sợ Người,
– Cho no phỉ những người nghèo đói,
– Làm tang tóc bè lũ trí lòng kiêu căng,
– Trung thành lời hứa với các tổ phụ.
Trong dịp thăm viếng bà Elizabeth, Đấng toàn năng đã làm nhiều điều trọng đại cho Mẹ.
L.m. Phêrô, CMC
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.