Hành hương, rước kiệu và lần chuỗi Mân Côi ngày càng lôi cuốn nhiều giáo dân.
Đối với Đức Phanxicô, người thường xin mọi người cầu nguyện cho mình, lòng mộ đạo bình dân là một phần trong sứ vụ truyền giáo của Giáo hội.
Tháng 4 năm 2018, Đức Phanxicô đã đổi tên mạng lưới cầu nguyện toàn cầu thành Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu của Giáo hoàng, một công việc mang tính giáo hoàng. Linh mục Frédéric Fornos, giám đốc Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu nhấn mạnh: “Đây là công việc duy nhất cùng với Hội Truyền giáo Trực thuộc Tòa Thánh.”
Mạng lưới này được thành lập năm 1844 ở Pháp, Dòng Tên Pháp đã làm việc trong mười năm để đổi mới mạng lưới này bằng cách sử dụng các công nghệ mới, Linh mục Fornos nhấn mạnh “cầu nguyện theo ý chỉ giáo hoàng” vốn đã phổ biến trong đường hướng tôn kính Trái Tim Chúa Giêsu được các tu sĩ Dòng Tên thiết lập từ thế kỷ 19.
Linh mục Fornos cho biết: “Lòng mộ đạo bình dân rất quan trọng đối với Đức Phanxicô, tháng chín năm ngoái, trong vụ khủng hoảng lạm dụng tình dục, ngài đã kêu gọi giáo dân cầu nguyện xin Đức Mẹ che chở cho Giáo hội”.
Giáo sư Guzman Carriquiry, phó giám đốc Ủy ban Châu Mỹ La Tinh và là người gần gũi với Đức Phanxicô cho biết: “Khi còn nhỏ, cùng với cha mẹ mình, Đức Phanxicô thường hay cầu nguyện với Đức Mẹ Phù trợ. Ngoài ra ngài cầu nguyện với Đức Mẹ Lujan thân thiết của người dân Buenos Aires, với Đức Mẹ Guadalupe, bổn mạng châu Mỹ, với Đức Mẹ tháo gỡ nút thắt mà ngài tìm thấy trong một lần ngài đến Đức”.
Chúng ta có thể thêm vào danh sách này Đức Mẹ Bonaria, bổn mạng các nhà hàng hải mà hình Đức Mẹ thường để trước mặt ngài trên máy bay, hoặc Đức Mẹ bảo vệ người dân Rôma được tôn kính ở nhà thờ Đức Bà Cả, nơi ngài đến cầu nguyện trước và sau mỗi chuyến đi ra nước ngoài.
Đức Phanxicô nói với Linh mục Alexander Awi, tác giả quyển sách nói về lòng kính mến Đức Mẹ: “Từ nhỏ, bà nội đã dạy tôi đọc Kinh Kính Mừng”. Lớn lên khi đi học, lòng tôn kính có được từ thời thơ ấu được vững mạnh về mặt trí tuệ, đặc biệt là với “thần học quần chúng”. Thần học giải phóng đã dành cho nhánh thần học này một chỗ đứng mang chiều kích bình dân của kitô giáo.
Đức Jorge Mario Bergoglio cũng đã nhiều lần đề cập đến ảnh hưởng của Tông huấn Loan báo Tin Mừng (Evangelii nuntiandi) của Đức Phaolô-VI, thành quả của Thượng hội đồng về việc truyền giáo mà Đức Hồng y người Argentina Eduardo Pironio đã đóng một vai trò to lớn. Nhưng cũng với tài liệu của Puebla về các giám mục Châu Mỹ La Tinh (1979) mà các giáo sư Lucio Gera, Rafael Tello và Carlos Galli đã có ảnh hưởng mạnh mẽ trên ngài.
Giáo sư Guzman Carriquiry cũng nhấn mạnh đến phần đóng góp quan trọng của tài liệu Hội đồng Giám mục tổ chức ở Aparecida, trong đó Hồng y Bergoglio điều khiển ban biên tập năm 2007 về chủ đề này. Giáo sư tóm tắt: “Đối với Đức Phanxicô, các đoạn này nói lên thực tế của rất nhiều giáo dân hành hương, người nghèo và những người có tâm hồn đơn sơ ”. Đức Phanxicô đã đưa ra điều cốt yếu về triều giáo hoàng của mình trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng (Evangelii gaudium).
Theo giáo sư Guzman Carriquiry, chúng ta không nên quên lòng kính mến đặc biệt của ngài với Thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu và Thánh Giuse, ngài thường kèm hình các thánh trong các thơ riêng của mình. Giáo sư Carriquiry cho biết: “Đối với Đức Phanxicô, Thánh Têrêxa vừa là thánh của lòng thương xót, vừa là tuổi thơ thiêng liêng và ý nguyện truyền giáo”.
Linh mục Fornos nhắc lại: “Chính là qua Hội Truyền giáo cầu nguyện mà Thánh Têrêxa đã học cầu nguyện cho sứ mạng của Giáo hội. Thế kỷ 19 là thế kỷ của truyền giáo và trong lời cầu nguyện của mình, giáo dân đã cầu nguyện theo cách riêng của họ”. Chính vì vậy, dù ở Dòng Kín, Thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu không bao giờ ngơi nghỉ cầu nguyện cho các nhà truyền giáo mà bây giờ Thánh Têrêxa là bổn mạng của các nhà truyền giáo.
Linh mục Fornos tóm tắt: “Cũng vậy, với Đức Phanxicô, truyền giáo không thể nào tách rời khỏi cầu nguyện. Đối với ngài, cầu nguyện là trọng tâm sứ mạng của Giáo hội mà không có cầu nguyện, tất cả mọi sự chỉ là theo ý mình”. Linh mục nhấn mạnh đến chiều kích rất phổ bién của của cầu bàu mà từ lâu bị giới “học thức” coi thường: “Như thử chúng ta không tin rằng cầu nguyện có thể có ảnh hưởng đến thế giới.” Chính Đức Phanxicô, sau mỗi lần gặp khách ngài đều xin họ cầu nguyện cho mình, ngài cảm nhận sức mạnh của lời cầu nguyện.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch (phanxico.vn)
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.