Tác giả Juan Vicente Boo xuất bản quyển sách “33 chìa khóa của Đức Phanxicô, Những năm tháng khó khăn ”, theo tác giả, mục đích của ngài không phải là cải tổ hành chánh nhưng là hoán cải quả tim.
Trong một cuộc phỏng vấn với báo Europa Press, tác giả Juan Vicente Boo giải thích: “Mục tiêu của Đức Phanxicô không phải là cải cách cấu trúc hành chánh nhưng là hoán cải quả tim.” Sau khi xuất bản quyển “Giáo hoàng của Niềm vui” năm 2016 và quyển “Thuốc cho Tâm hồn” năm 2017, gần đây nhà báo và là nhà kinh tế Juan Vicente Boo đã xuất bản quyển “33 chìa khóa của Đức Phanxicô” trong đó ông mô tả “triều giáo hoàng chín muồi” của Đức Phanxicô giữa các năm 2017 và 2019 qua 33 bài báo được đăng hàng tuần trên trang “Alfa và Omega” của Tòa giám mục Madrid, Tây Ban Nha. Ông tuyên bố: “Đã có nhiều quyển sách về chân dung và bước khởi đầu của Đức Phanxicô nhưng chưa có quyển nào về giai đoạn chín muồi hiện nay của triều giáo hoàng của ngài. Có vẻ như vừa bắt đầu gần đây, nhưng chúng ta đã ở năm thứ bảy”. Gom chung 33 bài báo theo chủ đề này là một bức tranh khá hoàn chỉnh về tình trạng hiện nay.
Cụ thể, các bài viết tập trung vào những năm gần đây nhất, vì theo ông, quan trọng là giai đoạn gần đây, với thời điểm hiện tại, cụ thể là mùa xuân năm 2019, sau hội nghị thượng đỉnh lịch sử đầu tiên của các chủ tịch Hội đồng giám mục thế giới, để kết thúc một lần cho xong các vụ lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên”.
Tác giả tin rằng vấn đề khó khăn nhất, với một sự khác biệt lớn lao mà Đức Phanxicô phải đương đầu trong những năm này là lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên trong Giáo hội; và dù con số cho thấy các trường hợp mới “rất nhỏ” nhưng ngài cũng bị chỉ trích là che đậy.
Tác giả giải thích: “Dù các trường hợp mới rất nhỏ, nhờ các biện pháp trước đây của Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI, nhưng ngược lại, cách xử lý gần như thiếu nhân bản của nhiều giáo phận khi họ đối xử với các nạn nhân và mức độ rộng lớn của tầm mức che đậy bị đưa ra ánh sáng đã làm cho vụ bê bối ngày nay không đến từ chính tội ác nhưng từ sự thiếu quan tâm đến các nạn nhân và cách che giấu nó.”
Tác giả cũng thừa nhận, những năm này là “những năm khó khăn” do sự “thù địch tạo ra phần lớn vì lợi ích kinh tế và mặt trận chính trị bảo thủ của Hoa Kỳ.” Ngoài ra, một vấn đề khác mà theo ông đã đánh dấu cho triều giáo hoàng của Đức Phanxicô ở thời điểm này, đó là “sự bất động của nhiều cấu trúc giáo hội” và các mục tử của một vài nước chưa “thay đổi con chip” mà Đức Phanxicô yêu cầu các tín hữu trong tài liệu phi thường: Tông huấn Niềm vui Tin Mừng.
Ngoài ra, tác giả tin rằng, nhiều năm đã trôi qua, Đức Phanxicô nhận thấy càng ngày càng dễ dàng để tiến đến đàng trước với cải cách này. Ông giải thích: “Đây là một quá trình tương tự như khi bạn bắt đầu đẩy một chiếc xe hơi, ngay cả đẩy một chiếc tàu ở bến cảng. Lúc đầu bạn dùng sức rất nhiều nhưng xe hay tàu không di chuyển. Nhưng một khi nó bắt đầu di chuyển thì trở nên dễ dàng hơn và nhanh hơn”.
“Các cử chỉ sẽ được lặp lại”
Tác giả Juan Vicente Boo không dự đoán Đức Phanxicô sẽ có một hành động cụ thể đặc biệt nào để đánh dấu tương lai triều giáo hoàng của mình, nhưng ông nghĩ rằng “các sự việc trong sáu năm đầu tiên sẽ được lặp lại” với “một liều lượng lớn lao các cử chỉ của lòng dịu dàng, của sự đơn giản hay quan tâm đến người nghèo, những việc đã dẫn dắt thế giới khám phá lại bản chất của kitô giáo.
Còn về việc cải cách giáo triều, dự kiến sẽ được phê duyệt vào cuối năm 2019, tác giả Juan Vicente Boo đảm bảo ở Vatican “đã có rất nhiều thay đổi hướng đến phong cách phục vụ và giúp đỡ, hơn là chỉ kiểm soát các giám mục trên thế giới”. Chính xác ông cho biết, “tình huynh đệ được thấy rõ trong các chuyến thăm ngũ niên của các hội đồng giám mục”.
Theo ông, các thay đổi trong Giáo hội đã bắt đầu thấy trong tháng thứ hai hoặc thứ ba của triều giáo hoàng, khi “nhiều giám mục nhận ra họ sống thoải mái tiện nghi, giàu có quá mức và họ không lắng nghe giáo dân cho đủ. Các vị nhìn giáo dân từ trên cao và không rời ghế của mình để đến nghe giáo dân”.
Một trong các bài viết trong quyển sách, tác giả nhấn mạnh cần có một giáo triều với ít giáo sĩ và nhiều giáo dân hơn, đặc biệt nhiều phụ nữ hơn; ít người Ý hơn và nhiều người Mỹ hơn. Về điểm này, nhà báo khẳng định: “Đức Phanxicô đã đẩy nhanh việc bổ nhiệm phụ nữ vào các địa vị chưa bao giờ có trong lịch sử, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm”.
Ông thừa nhận “việc quốc tế hóa là chậm” và ông nhấn mạnh: “Nhiều hiện tượng văn hóa được phát sinh ra tại Mỹ, và một nửa số người công giáo sống ở Mỹ, nhưng đối với nhiều người Ý ở giáo triều, dường như họ không xem trọng điều này và không cố gắng để hiểu”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
“33 chìa khóa của Đức Phanxicô, Những năm tháng khó khăn”, Juan Vicente Boo, (San Pablo).
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.