Thánh Gioan Euđê là một trong số những người chấn hưng tôn giáo tại Pháp thời vua Luy XVI. Isaac Euđê, cha Ngài là nhà nông kiêm nghề giải phẫu tại thành Ri gần Argentan, đã có ý định trở thành linh mục, nhưng rồi lại bỏ ý định để lập gia đình. Mẹ Ngài là bà Mattha Corbin tưởng sẽ phải son sẻ. Nhưng rồi sau nhờ cầu nguyện, họ sinh được Gioan với bốn em gái và hai em trai nữa.
Gioan có tính nóng nảy, nhưng hiến mình cho Đức Trinh Nữ Maria, Ngài quyết sửa mình bằng cách ngày càng mến Mẹ hơn. Hồi 9 tuổi, có lần Ngài bị một thằng bạn vả mặt, nhớ lời Chúa Ngài đưa má kia ra: còn má này nữa, nếu muốn anh cứ vả tiếp đi. Thằng bạn ngượng ngùng và sau này đã kể lại sự kiện đó với niềm thán phục sâu xa.
15 tuổi Gioan theo học các cha dòng Tên tại Caen. Từ trong huyết quản Gioan đoan hứa dâng mình cho mẹ Thiên Chúa. Nhưng khi trở về nhà, cha mẹ nói với Ngài về việc hôn nhân. Ngài bày tỏ ước vọng với cha mẹ và phải khó khăn lắm mới được cha mẹ ưng thuận. Ngài nhập dòng giảng thuyết và năm 1625 thụ phong linh mục.
Sau ngày thụ phong, Gioan phục vụ giáo xứ ở Aubervilliers. Hai năm sau, một cơn dịch xảy tới tàn phá giáo phận Sees. Các bệnh nhân bị những người khác bỏ mặc và trốn chạy. Gioan chỉ muốn bay tới để giúp đỡ họ. Trong suốt hai tháng trời, Ngài hết mình phục vụ. Khi cơn dịch hạ giảm, Ngài thực hiện sứ vụ tại Caen. Nhưng cơn dịch chưa dứt mà chỉ dời chỗ. Lần này cơn dịch tràn tới Caen. Gioan lại tận tâm quên mình phục vụ. Không có gì làm cho Ngài sợ hãi cả. Nhưng dân chúng lại sợ Ngài truyền bệnh. Bởi đó Ngài bị giam mình trong một cái thùng để ở ngoài đồng ruộng, khiến lúc đó cánh đồng được gọi là “cánh đồng của thánh nhân”. Các nữ tu thương hại Ngài ngày ngày mang của ăn đến cho Ngài. Ngài trở về dòng hiến mình phục vụ hai tu sĩ và bề trên sắp chết vì bệnh dịch. Cuối cùng, cơn dịch tan biến, nhưng Gioan lên cơn sốt, dân chúng khẩn cầu tha thiết cho Ngài được chữa lành và niềm vui thật lớn lao khi người “Samaritanô nhân hậu” tái xuất hiện.
Bây giờ bắt đầu công trình rao giảng và truyền giáo của Ngài. Ngài chống lại lạc thuyết Calvinô, những kinh hoàng của cuộc nội chiến, sự dốt nát của hàng giáo sĩ, những tật xấu của các tín hữu. Chúng ta có thể đo lường hoạt động của một vị thánh như thế nào: 15 ngàn người chen lấn nghe thánh nhân giảng, các tội nhân sám hối và để được xưng tội, họ phải chờ 4 hay 5 ngày mới đến lượt. Trong khi để tiết kiệm thì giờ của họ. Ngài chỉ dùng vài miếng bánh để dưỡng sức. Các thói tục ngoại giáo biến dạng. Ở Autun, cuộc rước Trinh nữ thay thế cho những gương mù ngày Mi-Careme (thứ 5 tuần III mùa chay). Ở Meaux dân chúng mang các sách đồi trụy đến công trường để đốt bỏ.
Cha Gioan Euđê đã giảng thuyết khắp vùng Normandie Bretagne, tới tận Saint Etienne. Tại Paris, cha sở thánh thiện của Saint – Sulpice, M.Olier, đã tổ chức cho Ngài 5 kỳ giảng thuyết. Ngài danh tiếng đến nỗi có 10 giám mục hiện diện. Ở Saint Germain-Laye, vua và hoàng hậu đến ngồi vào ghế thính giả. Cha Gioan Euđê thuyết giảng lần cuối cùng tại Sain-Lô.
Suốt 40 năm, cha Gioan đi rao giảng đó đây. Nhưng việc rao giảng chỉ là một phần hoạt động của Ngài. Nhận thấy hàng giáo sĩ không được đào tạo đầy đủ, Ngài từ giã dòng giảng thuyết năm 1643, để lập hội dòng Chúa Giêsu và Đức Maria lo việc tổ chức các chủng viện. Theo lời đề nghị của Đức Hồng Y Richelieu, Ngài lập đại chủng viện ở Caen rồi sau này ở Lisieux, Rouen, Eureux và Renner. Đàng khác Ngài rất thương cảm các thiếu nữ bất hạnh hoàn lương, năm 641 Ngài đã lập dòng Chúa chiên lành để săn sóc họ.
Giữa bao nhiêu công chuyện, ước mơ lớn nhất của thánh Gioan Eusê là phổ biến lòng tôn sùng Thánh Tâm, Ngài là người khởi xướng, viết sách và các thánh thi ca tụng Thánh Tâm. Đây là nỗ lực chống lại chủ trương sai lầm của thuyết Giansêniô.
Ngày 19 tháng năm 1680, thánh Gioan Euđê từ trần, Ngài được phong chân phước năm 1925 được suy tôn hiển thánh.
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.