Bản ghi cuộc phỏng vấn của đài truyền hình CBS với Đức giáo hoàng Phanxicô

Hôm 24.04 tại nhà trọ Thánh Marta, Đức giáo hoàng Phanxicô đã dành cho đài truyền hình CBS của Hoa Kỳ buổi phỏng vấn riêng, và được phát sóng trên chương trình truyền hình “60 Minutes” (60 phút) trong hai ngày 19 và 20. 05. 2024. Sau đây là bản dịch Việt ngữ Bản ghi một phần khoảng 13 phút của cuộc phỏng vấn của Đức Thánh Cha:

ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ:
CUỘC PHỎNG VẤN VỚI ĐÀI TRUYỀN HÌNH CBS

Đức Phanxicô là vị giáo hoàng đầu tiên của Châu Mỹ, người đầu tiên mang tên Phanxicô, và hơn bất kỳ vị giáo hoàng nào khác trong thời gian gần đây, ngài đã cống hiến cuộc đời và tác vụ của mình cho người nghèo, người bị gạt ra bên lề xã hội, và người bị lãng quên. Thi hành tất cả những điều này, đồng thời lãnh đạo Giáo hội Công giáo về những vấn đề khó khăn và đôi khi gây tranh cãi mà không phải ai cũng ủng hộ. Chúng tôi đã được phép có một cuộc phỏng vấn đặc biệt tại Vatican và chúng tôi đã nói chuyện với ngài bằng tiếng Tây Ban Nha, ngôn ngữ mẹ đẻ của ngài, thông qua một phiên dịch viên, trong hơn một tiếng đồng hồ. Dù qua phiên dịch nhưng không vì thế mà đánh mất đi sự ấm áp, thông minh và sức thuyết phục của một cụ ông 87 tuổi. Chúng tôi bắt đầu bằng việc thảo luận về việc Giáo hội cử hành “Ngày Thế giới Trẻ em” lần thứ nhất. Cuối tuần tới, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chào đón hàng chục ngàn trẻ em đến Vatican, trong đó có cả những trẻ em tị nạn chiến tranh.

Norah O’DonnellTrong Ngày Thế giới Trẻ em, Liên Hiệp Quốc cho biết hơn một triệu người sẽ phải đối diện với nạn đói ở Gaza, nhiều người trong số họ là trẻ em.

Đức Phanxicô: Không chỉ ở Gaza. Chúng ta hãy nghĩ về Ukraine. Rất nhiều trẻ em từ Ukraine đến đây. Bạn có biết điều gì không? Những trẻ em đó không biết cười. Tôi sẽ nói về các em rằng.… Các em đã quên cười như thế nào rồi. Và điều này rất đau lòng.

Norah O’DonnellĐức Thánh Cha có lời nhắn nào muốn gửi tới Vladimir Putin về Ukraine chăng?

Đức Phanxicô: Làm ơn… tại các quốc gia đang có chiến tranh, mọi người hãy chấm dứt chiến tranh! Hãy tìm kiếm sự đàm phán. Hãy tìm kiếm hòa bình. Một nền hòa bình được đàm phán luôn tốt hơn một cuộc chiến bất tận.

Norah O’DonnellNhững gì đang xảy ra ở Gaza đã gây ra rất nhiều sự chia rẽ, rất nhiều nỗi đau trên khắp thế giới. Con không biết liệu Đức Thánh Cha có thấy ở Hoa Kỳ đã xảy ra rất nhiều cuộc biểu tình trong khuôn viên trường đại học và chủ nghĩa bài Do Thái ngày càng gia tăng hay không. Đức Thánh Cha sẽ nói gì về việc làm thế nào để thay đổi điều đó?

Đức Phanxicô: Mọi hệ tư tưởng đều xấu. Và chủ nghĩa bài Do Thái là một hệ tư tưởng, và nó rất tệ. Sự “chống lại” (anti) luôn luôn xấu. Người ta có thể chỉ trích chính phủ này, chính phủ kia, chính phủ Israel, chính phủ Palestine. Bạn có thể chỉ trích tất cả những gì bạn muốn, nhưng không được chống lại chủng tộc. Không chống người Palestine cũng không bài người Do Thái. Không!

Norah O’DonnellCon biết Đức Thánh Cha kêu gọi hòa bình. Đức Thánh Cha đã kêu gọi ngừng bắn trong nhiều bài giảng của mình. Liệu Đức Thánh Cha có thể giúp đàm phán hòa bình chăng?

Đức Phanxicô: [Thở dài] Điều  tôi làm là cầu nguyện. Tôi cầu nguyện rất nhiều cho hòa bình. Và cũng đề nghị: “Xin hãy dừng lại. Hãy đàm phán“.

[Cầu nguyện luôn là trọng tâm trong đời sống của Đức Thánh Cha Phanxicô kể từ khi ngài sinh ra dưới tên Jorge Mario Bergoglio ở Argentina vào năm 1936 trong một gia đình nhập cư Ý. Trước khi vào chủng viện, Bergoglio làm việc như một nhà hóa học.

Công thức riêng của ngài là sự đơn giản. Ngài tiếp tục đeo cây thánh giá bằng bạc đơn giản giống như ngài đã từng đeo khi còn là Tổng giám mục Buenos Aires. Nhưng không phải vật Đức Phanxicô đeo mà là nơi ngài sống đã tạo nên phong cách cho triều đại giáo hoàng của ngài trong suốt 11 năm.

Thay vì sống trong điện giáo hoàng phía trên Quảng trường Thánh Phêrô, ngài chọn sống tại Nhà trọ Thánh Marta của Vatican.

Tại đây, Đức Phanxicô đã tiếp đón chúng tôi, dưới bức tranh Đức Trinh Nữ Maria. Bất kể khung cảnh thiêng liêng xung quanh mình, Đức Phanxicô vẫn không từ bỏ khiếu hài hước vốn có, ngay cả khi đề cập đến những vấn đề nghiêm trọng, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng di cư.]

Norah O’DonnellÔng bà con theo đạo Công giáo. Họ di cư từ Bắc Ireland vào những năm 1930 đến Hoa Kỳ để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Và con biết rằng gia đình Đức Thánh Cha cũng chạy trốn chủ nghĩa phát xít. Và Đức Thánh Cha đã nói về những người di cư, nhiều người trong số họ là trẻ em, và Đức Thánh Cha đã nói rằng, Đức Thánh Cha kêu gọi các chính phủ hãy xây những cây cầu chứ không phải những bức tường.

Đức Phanxicô: Di cư là điều làm cho một đất nước phát triển. Họ nói rằng bạn, người Ireland, đã di cư và mang theo rượu whisky, còn người Ý đã di cư và mang theo mafia… Tôi chỉ nói đùa thôi, xin đừng hiểu lầm. Nhưng người di cư đôi khi phải chịu nhiều thiệt thòi. Họ đau khổ rất nhiều.

Norah O’DonnellCon lớn lên ở Texas. Và con không biết Đức Thánh Cha đã nghe chưa, nhưng ở Tiểu bang Texas, người ta đang cố gắng đóng cửa một nhà từ thiện Công giáo ở biên giới với Mexico, nơi cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho những người nhập cư không có giấy tờ. Đức Thánh Cha nghĩ gì về điều này?

Đức Phanxicô: Điên rồ, thật điên rồ. Việc đóng cửa biên giới và bỏ mặc họ ở đó… thật là điên rồ. Người di cư phải được tiếp nhận. Và rồi, bạn sẽ thấy việc này được xử lý như thế nào. Có lẽ người ta gửi trả họ trở về, tôi không biết, nhưng mỗi trường hợp nên được nghiên cứu với tính nhân đạo. Phải không?

[Vài tháng sau khi trở thành giáo hoàng, Đức Phanxicô đã đến thăm một hòn đảo nhỏ của Ý gần Châu Phi để gặp gỡ những người di cư chạy trốn nghèo đói và chiến tranh.]

Norah O’DonnellChuyến tông du đầu tiên của Đức Thánh Cha trên cương vị Giáo hoàng là đến đảo Lampedusa, nơi Đức Thánh Cha nói về đau khổ. Và con rất ấn tượng khi Đức Thánh Cha nói về tính toàn cầu hóa của sự thờ ơ. Chuyện gì đang xảy ra vậy?

Đức Phanxicô: Bạn có muốn tôi nói rõ điều đó không? Mọi người rửa tay! Có rất nhiều Pontius Pilate đang bị tha hoá ngoài kia… họ nhìn thấy những gì đang xảy ra, chiến tranh, bất công, tội ác… họ nói “Không sao đâu, không sao đâu” và họ rửa tay. Đó là sự thờ ơ. Đó là điều xảy ra khi trái tim chai sạn … và trở nên thờ ơ.

Làm ơn, chúng ta phải làm cho con tim mình nhạy cảm trở lại. Chúng ta không thể thờ ơ trước những thảm kịch này của nhân loại. Toàn cầu hóa sự thờ ơ là một căn bệnh rất xấu, rất tệ.

[Đức Thánh Cha Phanxicô đã không thờ ơ trước vụ bê bối nguy hại nhất đang hoành hành trong Giáo hội – vụ lạm dụng tình dục tràn lan hàng trăm ngàn trẻ em trên khắp thế giới trong nhiều thập niên.]

Norah O’Donnell: Đức Thánh Cha đã làm nhiều hơn bất cứ ai để cố gắng cải tổ Giáo hội Công giáo và sám hối về những vụ lạm dụng tình dục trẻ em không thể tả xiết trong nhiều năm bởi các thành viên giáo sĩ. Nhưng liệu Giáo hội đã làm đủ chưa?

Đức Phanxicô: Phải tiếp tục làm nhiều hơn nữa. Thật không may, bi kịch của những vụ lạm dụng vô cùng khủng khiếp. Và chống lại điều này, một lương tâm ngay thẳng không những không cho phép mà còn đặt ra các điều kiện để điều đó không xảy ra.

Norah O’DonnellĐức Thánh Cha đã nói “không nhân nhượng”.

Đức Phanxicô: Không thể dung thứ được điều đó. Trong Giáo hội cũng vậy, khi có trường hợp tu sĩ nam hay nữ lạm dụng thì phải áp dụng toàn bộ luật pháp. Đã có rất nhiều tiến bộ trong việc này.

[Chính khả năng tha thứ và cởi mở của Đức Phanxicô đã xác định sự lãnh đạo của ngài đối với một Giáo hội có gần 1,4 tỷ tín hữu Công giáo. Ngài đã khiến các tín hữu và thế giới chú ý khi vào năm 2013, trong một cuộc họp báo tự phát trên máy bay, ngài  đã phát biểu về vấn đề đồng tính luyến ái.

Đức Phanxicô đã nói: “Nếu một người là người đồng tính và họ tìm kiếm Chúa với thiện chí, thì tôi là ai mà phán xét?” …Và ngài không dừng lại ở đó.]

Norah O’DonnellNăm ngoái Đức Thánh Cha đã chấp thuận cho phép các linh mục Công giáo chúc lành cho các cặp đồng giới. Đây là một sự thay đổi lớn. Vì sao vậy?

Đức Phanxicô: Không, điều tôi cho phép không phải là chúc lành cho sự kết hợp đồng giới. Điều đó không thể được thực hiện vì đó không phải là bí tích. Tôi không thể cho phép điều đó. Chúa đã quy định như vậy. Nhưng chúc lành cho mỗi người thì có. Phúc lành là dành cho TẤT CẢ MỌI NGƯỜI. Cho tất cả. Nhưng, việc chúc lành cho một sự kết hợp đồng tính là đi ngược lại luật pháp, luật tự nhiên, luật của Giáo hội. Nhưng chúc lành cho mỗi người, thì tại sao không? Phúc lành là dành cho tất cả mọi người. Một số người đã bị vấp phạm vì điều đó. Nhưng tại sao? Phúc lành là dành cho tất cả. Tất cả mọi người!

Norah O’DonnellĐức Thánh Cha đã nói, “Tôi là ai mà phán xét? Đồng tính luyến ái không phải là một tội ác”.

Đức Phanxicô: Không. Đồng tính là một thực tế của con người.

Norah O’DonnellCó những giám mục bảo thủ ở Hoa Kỳ phản đối những nỗ lực mới của Đức Thánh Cha trong việc cân nhắc lại những giáo lý và truyền thống. Đức Thánh Cha phản ứng thế nào trước sự chỉ trích của họ?

Đức Phanxicô: Bạn sử dụng một tính từ, “bảo thủ”, nghĩa là, người bảo thủ là người bám vào một thứ gì đó và không muốn nhìn xa hơn điều đó. Đó là một thái độ tự sát. Bởi vì lưu tâm đến truyền thống, lưu tâm đến những tình huống trong quá khứ là một chuyện, nhưng khép mình trong một chiếc hộp giáo điều lại là chuyện khác.

[Đức Phanxicô đã bổ nhiệm nhiều phụ nữ vào các vị trí quyền lực hơn bất kỳ vị tiền nhiệm nào, nhưng ngài nói với chúng tôi rằng ngài phản đối việc cho phép phụ nữ được thụ phong linh mục hoặc phó tế.

Sự tận tâm của Đức Phanxicô đối với giáo lý truyền thống đã khiến một số phóng viên Vatican nói rằng ngài đã thay đổi nhịp điệu của Giáo hội, nhưng lời bài hát về cơ bản vẫn giữ nguyên. Điều này gây thất vọng cho những người muốn thấy ngài thay đổi những quy định liên quan đến việc các linh mục Công giáo có thể kết hôn, việc sử dụng các biện pháp tránh thai và mang thai hộ.]

Norah O’DonnellCon biết những phụ nữ sống sót sau bệnh ung thư không thể sinh con và họ phải nhờ đến những người mang thai hộ. Điều này đi ngược lại giáo lý của Giáo hội.

Đức Phanxicô: Nói về việc mang thai hộ, theo nghĩa chặt nhất của thuật ngữ này, không, nó không được phép. Đôi khi việc mang thai hộ đã trở thành một hoạt động kinh doanh và điều đó rất tệ. Nó rất tệ.

Norah O’DonnellNhưng đôi khi đối với một số phụ nữ, đó là niềm hy vọng duy nhất.

Đức Phanxicô: Có thể như vậy. Hy vọng khác là việc nhận con nuôi. Tôi muốn nói rằng, trong mỗi trường hợp, tình huống cần được xem xét cẩn thận và rõ ràng, tham khảo ý kiến về mặt y tế, và sau đó là về mặt đạo đức. Tôi nghĩ có một nguyên tắc chung trong những trường hợp này, nhưng bạn phải đi vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá tình hình, miễn là không vi phạm nguyên tắc đạo đức. Nhưng bạn nói đúng. Tôi muốn nói với bạn rằng tôi thực sự thích cách diễn đạt của bạn khi bạn nói với tôi rằng “Trong một số trường hợp, đó là cơ hội duy nhất”. Nó cho thấy rằng bạn cảm nhận những điều này rất sâu sắc. Cảm ơn.

Norah O’DonnellCon nghĩ đó là lý do tại sao rất nhiều người… đã tìm thấy niềm hy vọng nơi Đức Thánh Cha, bởi vì có lẽ Đức Thánh Cha cởi mở và thấu hiểu hơn so với các vị lãnh đạo trước đây của Giáo hội.

Đức Phanxicô: Chúng ta phải cởi mở với mọi thứ. Giáo Hội là như vậy: mọi người, mọi người, mọi người. “Người này người kia là tội nhân ư…?” Tôi cũng là một tội nhân. Mọi người! Tin Mừng dành cho mọi người. Nếu Giáo hội để nhân viên hải quan đứng trước cửa thì đó không còn là Giáo hội của Đức Kitô nữa. Mọi người.

Norah O’DonnellKhi Đức Thánh Cha nhìn thế giới, thì điều gì mang lại cho Đức Thánh Cha hy vọng?

Đức Phanxicô: Mọi thứ. Bạn thấy những bi kịch, nhưng bạn cũng thấy rất nhiều điều tốt đẹp. Bạn thấy những bà mẹ anh hùng, những người đàn ông anh hùng, những người đàn ông có hy vọng và ước mơ, những người phụ nữ nhìn về tương lai. Điều đó mang lại cho tôi rất nhiều hy vọng. Mọi người muốn sống. Mọi người tiến về phía trước. Và con người về cơ bản là tốt. Về cơ bản, tất cả chúng ta đều tốt. Đúng vậy, có một số kẻ bất hảo và tội lỗi, nhưng bản thân trái tim thì tốt lành.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Chuyển ngữ từ: cbsnews.com (19. 05. 2024)