Hôm 29/5/2021, Đức Hồng y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, đã đại diện Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự lễ tôn phong ba nữ Chân Phước tại nhà thờ chính tòa giáo phận Ostorga, Tây Ban Nha.
Đó là chị María Pilar Guillón và hai bạn là y tá thiện nguyện, bị sát hại vì sự oán ghét đức tin tại Pola de Somiedo (Asturias) năm 1936, trong cuộc nội chiến tại Tây Ban Nha.
Chị María Pilar bị giết lúc mới 25 tuổi đời. Chị sinh tại thủ đô Madrid, con cả trong gia đình có bốn người con, và tận tụy săn sóc cha mẹ với các em. Chị có đời sống thiêng liêng sâu xa và dấn thân trong Giáo hội cũng như xã hội. Giữa tháng Bảy năm 1936, áp cuộc nội chiến, trước tình thế xao động và thù nghịch gia tăng tại Madrid, chị María Pilar dọn về Astorga, nơi gia đình chị có một nhà nghỉ hè.
Chân Phước Tử Đạo thứ hai là Octavia Iglesias Blanco, 41 tuổi, chị họ của María Pilar, sinh sống tại Astorga và có lòng đạo đức sâu xa, dấn thân làm việc tông đồ như giáo lý viên trong xứ đạo, viếng thăm những người nghèo trong khu phố để giúp đỡ họ.
Vị Chân Phước Tử Đạo trẻ nhất, là chị Olga Pérez-Monteserín Nunez, 23 tuổi, sinh trưởng tại Paris, nhưng trở về Astorga với cha mẹ khi còn nhỏ.
Ba phụ nữ có chung một niềm tin, dấn thân tích cực trong các hội đoàn như Công giáo tiến hành, Hội Con Đức Mẹ và Tông đồ cầu nguyện, và chăm sóc những người túng thiếu. Trong những tháng đầu tiên của cuộc nội chiến, cả ba chị tham dự khóa huấn luyện cấp tốc về y tế do Hội Chữ Thập Đỏ tổ chức, để giúp đỡ các thương binh và bệnh nhân.
Đầu tháng Mười năm 1936, ba chị được kêu gọi làm y tá thiện nguyện tại nhà thương Puerto de Somiedo, miền Asturias, gần mặt trận. Sáng ngày 27/10, nhà thương bị tấn công. Tuy có thể trốn chạy, nhưng ba chị tình nguyện ở lại để không bỏ rơi những người bị thương. Khi quân địch tới, những người bị thương bị bắn chết và các nhân viên y tế bị bắt. Cả ba chị cùng với các tù nhân khác bị giải tới Pola de Somiedo. Các tù nhân bị bắn chết ít lâu sau đó.
Tuy ba chị có liên hệ với Hội Chữ Thập Đỏ, nhưng cũng bị loạn quân giao cho Ủy ban chiến tranh địa phương, và các dân quân hành hạ các chị suốt đêm, đòi các chị phải từ bỏ đức tin để được tự do. Sự từ chối của ba chị càng làm cho họ nổi xung. Ba chị bị lột quần áo, còng tay và bị dẫn đi qua các đường phố, rồi bị đưa tới một cánh đồng. Tại đây, ban trưa ngày 28/10 năm 1936, ba chị bị ba nữ dân quân bắn chết, rồi họ chia nhau y phục của các chị. Khi bị bắn, ba chị đã hô lớn “Hoan hô Chúa Kitô Vua!”.
Thi hài ba chị bị kéo đi trước sự nhạo cười của nhiều người và bị bỏ mặc cho đến chiều tối, trước khi được chôn trong một huyệt mộ chung.
Bài giảng của Đức Hồng y Semeraro
Trong bài giảng, Đức Hồng y Tổng trưởng Bộ Phong thánh áp dụng cho ba nữ Chân Phước nhận xét của thánh Augustino về các tông đồ là những người “để không cứng lại vì sợ hãi, đã nồng cháy ngọn lửa bác ái” (De Civ. Dei XVIII, 50: PL 41,613). Vì thế, Đức Hồng y nói, con đường để vượt thắng sợ hãi là lòng bác ái! Ba phụ nữ đã tiến bước trên con đường bác ái, nuôi dưỡng đời sống Kitô của mình bằng hoạt động tông đồ. Các chị dấn thân xoa dịu những đau khổ và nâng đỡ tinh thần của các bệnh nhân, các thương binh, đến độ trong nguy hiểm trước mặt, các chị không muốn bỏ mặc những người bị thương, nhưng vẫn tiếp tục trợ giúp họ, dù bị nguy hiểm đến tính mạng. Vì lòng bác ái nồng nhiệt đó, khi thân xác bị đe dọa, các chị đã không bị cứng lại vì sợ hãi, nhưng đã nồng cháy ngọn lửa bác ái, chịu đựng những tra tấn và hạ nhục. Các chị chịu đựng tất cả với sức mạnh siêu nhiên; sẵn sàng chịu chết trong tinh thần đức tin”.
Giuse Trần Đức Anh, O.P
(Osservatore Romano 29-5-2021, Rei 29-5-2021)
Nguồn: vietnamese.rvasia
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.