Mỗi khi tháng Năm về, khi cánh phượng vĩ đỏ thắm một khung trời, một góc sân trường thì trong khắp các xứ đạo, lòng người lại háo hức về dâng hoa kính Đức Mẹ. Tháng Năm vì thế được gọi là tháng hoa. Háo hức vì trong suốt cả tháng hoa tuần nào cũng có rước kiệu Đức Mẹ và dâng hoa kính Đức Mẹ rất đông đảo và sầm uất. Từ em thơ tới các cụ già, trai thanh tới nữ tú, mỗi chiều thứ Bảy hay Chúa Nhật lại xúng xính trong bộ quần áo đẹp nhất, cùng đi thật sớm để hòa cùng với cả giáo xứ dâng hoa, vãn hoa mừng kính Đức Mẹ.
Từ thời các thừa sai Dòng Tên, rồi các cha Đaminh, những sinh hoạt đạo đức và lễ hội của cộng đoàn tín hữu bình dân xứ Bắc đã được tổ chức khá bài bản. Các vãn dâng hoa, các thứ ngắm nguyện… đã trở thành truyền thống, đến độ hầu như không thể thiếu tại mỗi xứ đạo; đó cũng là những bài giáo lý vỡ lòng cho thiếu nhi, bài suy gẫm sâu sắc cho người lớn, và tạo nên bầu khí lễ hội cho cả làng…
“Một năm hai tháng Đức Bà,
Một là Hoa Phượng hai là Mân Côi.”
Sử ký Địa phận Trung (Nhà in Phú Nhai Đường, 1916, trang 223) mô tả rõ nét: “Trong tháng 5 Tây, quen gọi là Tháng Hoa Đức Bà thì trong các họ nhà xứ và trong nhiều họ lẻ, tối nào bổn đạo cũng đến nhà thờ mà dâng hoa kính Đức Bà. Lại các tối thứ Bảy và hôm trước các ngày lễ trọng trong tháng ấy thì rước hoa cùng kiệu tượng ảnh Đức Bà. Trong những làng to, thường rước hoa và kiệu tượng Đức Bà một tuần lễ hai lần. Song những họ nhỏ, có khi đến tối dâng hoa đổi lượt, một tối có, một tối không.”
Qủa thế, vào tháng hoa cả xứ đạo sốt sắng, rộn rã và náo nhiệt hơn hẳn bởi mọi người đi làm ăn xa đều trở về dâng hoa, dâng lòng kính Đức Mẹ. Mỗi giáo xứ, giáo họ đều quy tụ đội hoa riêng, trao cho bà quản tập tành suốt cả tháng trời, và ngày trước các “con hoa” còn tự đi hái hoa. Nhiều nơi, bà con bên lương và cả nhà chùa cũng tham gia vào bầu không khí lễ hội ấy bằng cách mở cửa cho người bên giáo vào hái hoa trong vườn chùa hoặc rủ nhau đến nhà thờ xem hội rất ư là cung kính, trang nghiêm.
Nhộn nhịp sôi nổi nhất là hai ngày khai hoa và giã hoa thường có sự thi đua giữa các xóm, đôi khi còn rước đoàn hoa của xứ bạn đến hội hoa hay góp hoa. Cộng đoàn đi rước kiệu một vòng quanh nhà thờ, ngoài những lúc hát hay đọc kinh, thỉnh thoảng hội kèn Tây trỗi lên những bản nhạc hùng tráng có sức thôi thúc lòng người làm cho ai nấy đều phấn khởi. Bên cạnh đó âm thanh từ trống lớn, trống con, chũm chọe quyện vào nhau nghe rất vui tai. Riêng hội Trắc với cách gõ những thanh trắc vào nhau rất nhanh và nhịp nhàng vừa tạo ra những âm thanh giòn giã, trông lại rất đẹp mắt.
Sau phần rước long trọng, đoàn hoa hát mừng Đức Mẹ, rồi đến ngũ bái, năm sắc và bảy hoa (quỳ, sen, lê, cúc, mai, lan và mẫu đơn) kết thành triều thiên 12 ngôi sao. Dâng hoa phải có cung điệu, có ca hát, có cử điệu nhịp nhàng và là cung cách đoàn con diễn tả tâm tình thảo kính với Đức Mẹ Nữ Vương Thiên Đàng. Trong tháng hoa, các giáo xứ cũng tổ chức vãn hoa rất sầm uất, đó là thói quen suy ngắm những bài suy niệm về hồng ân Thiên Chúa ban cho Đức Mẹ, hướng ta đến các nhân đức của Mẹ để noi gương.
Cuộc rước hoa, dâng hoa và Thánh lễ Chúa Nhật trọng thể luôn khiến mỗi tín hữu tràn ngập lòng yêu mến và xúc động, nhất là với những người con xa nhà không được tham dự ngày vui ấy mà chỉ được ngắm những bức ảnh ghi lại. Rời xa quê hương với biết bao kỷ niệm, nhiều người vẫn ấp ủ niềm ao ước có một ngày được trở về thăm lại giáo xứ quê nhà, nhất là mỗi khi tháng hoa về. Tháng hoa về như hồi chuông khơi lên trong lòng mỗi người tâm tình tạ ơn về sự đồng hành che chở của Mẹ qua mọi biến cố thăng trầm của cuộc sống. Tháng hoa nhắc nhở mỗi người con về những đóa hoa lòng dâng lên Mẹ là tâm tình đơn sơ của đức khiêm nhường, hoa bác ái tin yêu, hoa hy sinh và tận tụy phục vụ, hoa phó thác, hoa khao khát sống thánh thiện như Mẹ… Những đóa hoa đó mãi là những đóa hoa bất tử, luôn tỏa hương thơm ngát nơi tòa Mẹ cao sang.
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ đón nhận những đóa hoa nhỏ bé chúng con dâng, cùng xin Mẹ đặt mỗi người chúng con cùng với Con của Mẹ. Amen.
Hải Âu
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.