Lúc gần 10 giờ sáng Chúa Nhật 16/5/2021, Đại lễ Chúa Thăng Thiên, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại Đền thờ thánh Phêrô với cộng đoàn tín hữu Myanmar sinh sống tại Roma, để cầu nguyện cho đất nước này, từ ba tháng nay đang sống trong tình trạng bị đàn áp sau cuộc đảo chánh của quân đội.
Nhóm quân phiệt lật đổ chính phủ dân cử và lên cầm quyền tại Myanmar, từ ngày 1/02 năm nay. Từ đó đến nay, hơn 750 người tham dự các cuộc biểu tình đã bị giết chết. Ngay từ đầu, Đức Thánh Cha cũng như Liên Hiệp Quốc đã lên tiếng kêu gọi giới quân phiệt tôn trọng các quyền con người và chấm dứt bạo lực. Mặc dù cộng đồng quốc tế gia tăng sức ép, nhưng chưa có dấu hiệu chứng tỏ sự nhượng bộ của giới quân phiệt. Ngày 31/3 vừa qua, các linh mục, tu sĩ nam nữ người Myanmar sống ở Roma đã viết thư xin được tham dự thánh lễ của Đức Thánh Cha để cầu nguyện cho đất nước. Lá thư, được Đài Chân Lý Á Châu thuật lại, có đoạn viết: “Chúng con biết rằng Đức Thánh Cha đang cầu nguyện và quì gối với chúng con trước mặt Chúa để chấm dứt những hành vi vô nhân đạo và tàn bạo tại đất nước chúng con. Cộng đoàn chúng con sẽ được an ủi nếu được dự một thánh lễ với Đức Thánh Cha để cầu nguyện và cùng quì gối với Đức Thánh Cha trong khi cử hành thánh lễ”. Lời thỉnh cầu của các linh mục, tu sĩ Myanmar đã được Đức Thánh Cha chấp nhận và ngài cử hành thánh lễ theo ý nguyện trên đây.
Đồng tế với Đức Thánh Cha tại bàn thờ Ngai tòa, có hơn hai mươi linh mục Myanmar và trong số hơn 200 người hiện diện, có Đức Hồng y Mauro Gambetti, dòng Phanxicô Viện Tu, Giám quản đền thờ thánh Phêrô, hàng chục nữ tu và chủng sinh, giáo dân nam nữ người Myanmar.
Bài giảng của Đức Thánh Cha
Trong bài giảng thánh lễ, dựa vào lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong bài Tin mừng theo thánh Gioan (Ga 17), Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu, đặc biệt anh chị em Mynamar, hãy gìn giữ đức tin, sự hiệp nhất và chân lý, cả trong những hoàn cảnh khó khăn và đau thương.
Gìn giữ đức tin
Chúa Giêsu, “trong những giờ cuối cùng của đời Ngài, đã cảm thấy gánh nặng của lo âu vì cuộc khổ nạn đến gần. Chúa cảm thấy tối tăm của đêm đen sắp đổ ập trên mình, Ngài cảm thấy bị phản bội và bỏ rơi; nhưng chính trong lúc ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời, hướng về Thiên Chúa. Ngài không cúi đầu trước sự ác, không để mình bị đau khổ đè bẹp, không gập mình trong cay đắng của người bị thất bại và thất vọng, nhưng nhìn lên cao… Gìn giữ đức tin là hướng nhìn lên trời cao, trong khi trên mặt đất người ta đánh nhau và đổ máu vô tội. Gìn giữ đức tin là không chiều theo oán thù, nhưng luôn hướng nhìn lên Thiên Chúa của tình thương, Đấng kêu gọi chúng ta hãy là anh chị em đối với nhau”.
“Kinh nguyện mở cho chúng ta niềm tín thác nơi Thiên Chúa, cả trong những lúc khó khăn, giúp chúng ta hy vọng dù không có dấu hiệu gì để hy vọng, nâng đỡ chúng ta trong trận chiến hằng ngày. Đó không phải là một sự trốn chạy, tránh né vấn đề. Trái lạị, đó là khí giới duy nhất chúng ta có để gìn giữ yêu thương và hy vọng giữa bao nhiêu võ khí gieo rắc chết chóc… Anh chị em thân mến, anh chị em đừng ngưng nhìn lên cao. Hãy gìn giữ niềm tin!
Gìn giữ hiệp nhất
Đức Thánh Cha nói tiếp: “Một khía cạnh thứ hai là gìn giữ sự hiệp nhất. Chúa Giêsu cầu xin Chúa Cha gìn giữ các môn đệ của Ngài trong sự hiệp nhất (Ga 17,21). Chúa biết tâm hồn các môn đệ; nhiều lần Ngài đã thấy họ tranh luận xem ai là người lớn nhất, người chỉ huy. Đó là một tội trọng: tội chia rẽ. Chúng ta cảm nghiệm điều ấy trong chính tâm hồn, vì nhiều khi chúng ta bị chia rẽ ngay trong chính mình, trong gia đình, trong cộng đoàn, giữa các dân tộc, thậm chí cả trong Giáo hội. Có bao nhiêu tội chia rẽ: tị nạnh, ghen tương, tìm kiếm tư lợi thay vì thiện ích của mọi người, đoán xét người khác. Những xung đột nhỏ bé ấy giữa chúng ta phản ánh cả trong những xung đột lớn, như xung đột mà đất nước anh chị em đang sống trong những ngày này. Khi lợi lộc phe phái, khao khát lợi lộc và quyền hành chiếm ưu thế, thì luôn xảy ra những đụng độ và chia rẽ. Lời nhắn nhủ cuối cùng của Chúa Giêsu trước cuộc Vượt Qua của Ngài là hiệp nhất. Vì chia rẽ đến từ ma quỉ là kẻ chia rẽ…
Gìn giữ chân lý
Sau cùng là gìn giữ chân lý. Chúa Giêsu xin Chúa Cha thánh hiến trong chân lý các môn đệ của Ngài, được gửi vào thế gian để tiếp tục sứ mạng của Ngài. Gìn giữ chân lý không có nghĩa là bảo vệ các ý tưởng, bảo vệ một hệ thống đạo lý và tín điều, nhưng là gắn bó với Chúa Kitô để được thánh hiến cho Tin mừng của Ngài. Chân lý, theo ngôn ngữ của thánh Gioan tông đồ, là chính Chúa Kitô, là sự mạc khải tình thương của Chúa Cha… Gìn giữ chân lý có nghĩa là trở thành ngôn sứ trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, nghĩa là được thánh hiến cho Tin mừng và trở thành chứng nhân, cả khi điều này có nghĩa là phải đi ngược dòng.
Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Anh chị em Myanmar thân mến, hôm nay tôi muốn mang lên bàn thờ của Chúa những đau khổ của dân tộc anh chị em và cầu nguyện với anh chị em; xin Chúa hoán cải tâm hồn của tất cả mọi người về với hòa bình. Ước gì lời cầu nguyện của Chúa Giêsu giúp chúng ta gìn giữ đức tin, cả trong những lúc khó khăn, trở thành những người xây dựng hiệp nhất, soi sáng cuộc sống bằng chân lý Tin mừng. Anh chị em đừng mất hy vọng: Chúa Giêsu ngày hôm nay còn cầu nguyện cùng Chúa Cha và chuyển cầu cho tất cả chúng ta, để Chúa gìn giữ chúng ta khỏi ác thần và giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của sự ác”.
Trong phần các lời nguyện phổ quát, cộng đoàn đặc biệt cầu cho những người bị bách hại vì đức tin và công lý, để họ không nhượng bộ trước những sức mạnh của sự ác làm băng hoại, nhưng tín thác nơi quyền năng chiến thắng của Thánh Thần Chúa; cầu cho những người trẻ Myanmar, bị thử thách vì các cuộc xung đột dân sự và tôn giáo, được can đảm xây dựng một tương lai hy vọng, dựa trên căn bản công ích và những giá trị đích thực về nhân bản và tôn giáo.
Cuối thánh lễ, một linh mục Myanmar đã đại diện mọi người cám ơn Đức Thánh cha, sự quan tâm của ngài đối với số phận Myanmar: hơn sáu lần trong những tháng qua, Đức Thánh Cha đã lên tiếng kêu gọi và cầu nguyện cho nhân dân Myanmar trong tình cảnh đau thương hiện nay. Cha cho biết các tín hữu Công giáo ở Myanmar đang tham dự trực tuyến thánh lễ Đức Thánh Cha cử hành. Cha cũng nhắc lại ảnh hưởng chuyến viếng thăm của ngài tại Myanmar và xác tín rằng: thánh lễ này, với Đức Thánh Cha sẽ là một điểm khởi hành mới cho đất nước và dân tộc Myanmar. Hòa bình là điều có thể.
Giuse Trần Đức Anh, O.P
Nguồn: vietnamese.rvasia
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.