Tom Catena, một bác sĩ người Mỹ đã dành phần lớn thời gian của mình ở rặng núi Nuba của Sudan, một vùng xa xôi và hẻo lánh, nhưng công việc phi thường của ông lại được cả thế giới biết đến. Ông là bác sĩ duy nhất làm việc trong khu vực nhiều lần bị tàn phá bởi cuộc nội chiến tàn khốc.
Bác sĩ Catena (phải) và các đồng nghiệp
Núi Nuba là nơi sinh sống của hơn 750 ngàn người và Catena là bác sĩ thường trực duy nhất ở đó. Điện thoại của ông mở 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần. Có những ngày, ông khám tới 400 bệnh nhân.
“Trái tim của Nuba”
Hầu hết các tổ chức nhân đạo đã rời khỏi núi Nuba khi cuộc chiến nổ ra vào năm 2007, nhưng bác sĩ Catena đã dũng cảm chọn ở lại. Ông là một trong số ít nhân viên y tế cùng với một tổ chức viện trợ quốc tế ở lại sau khi nội chiến Sudan nổ ra trong khu vực.
Theo số liệu từ Liên Hợp Quốc, kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu vào năm 2011, ít nhất 50 ngàn người đã thiệt mạng và ước tính một phần tư dân số Sudan đã bị di tản.
Bây giờ thế giới đang chú ý đến việc phục vụ dũng cảm, đối mặt với nguy hiểm của bác sĩ Catena. Bộ phim tài liệu “Trái tim của Nuba” kể về cuộc đời của bác sĩ. Tạp chí Time đã chọn ông là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất năm 2015 và năm 2017, ông đã nhận được giải thưởng Aurora, một giải thưởng nhân đạo toàn cầu được thành lập để công nhận những anh hùng thời hiện đại.
Thực sự phải dựa vào Chúa mỗi ngày
Công việc của bác sĩ Catena đã trở thành ánh sáng cho thế giới, một điều rất phù hợp, vì ông là một người Công giáo sùng đạo, được đức tin hướng dẫn và thêm sức mạnh. Ông chia sẻ: “Chúng tôi thực sự phải dựa vào Chúa mỗi ngày, không chỉ trong những tình huống khó khăn mà còn trong những công việc thường ngày. Nhiệm vụ của chúng tôi là tiếp tục trung thành”.
Chắc chắn những điều hàng ngày này bao gồm nhiều thách thức thực tế. Bác sĩ nói: “Có rất nhiều điều thất vọng xuất hiện nhiều lần trong ngày. Chúng tôi có rất ít chuyên gia y tế được đào tạo, mặc dù dần dần chúng tôi đang có nhiều hơn. Một trong những vấn đề lớn nhất của chúng tôi là hậu cần. Có thể mất một tháng trong mùa mưa để đưa những thứ chúng tôi cần từ nơi khác đến. Chúng tôi cũng phải nhận mọi thứ được gửi bằng máy bay từ Kenya, rất tốn kém. Có vài tháng trong năm chúng tôi hoàn toàn bị xa cách với thế giới bên ngoài và chúng tôi phải làm việc chỉ với những gì chúng tôi có”.
“Chính niềm tin của tôi giữ tôi ở đó”
Sống trong một khu vực bị chiến tranh tàn phá và những thiếu thốn hạn chế nghiêm trọng như vậy cũng đủ để khiến bất cứ ai rơi vào tuyệt vọng, nhưng trong lò lửa đau khổ, bác sĩ Catena đã học được cách kín múc sức mạnh của mình từ Thiên Chúa, và tìm thấy sự kiên trì và can đảm nơi Chúa. Bác sĩ chia sẻ: “Khi cuộc sống dễ dàng và mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp, bạn có thể cảm thấy rằng bạn không cần phải dựa vào Chúa. Tuy nhiên, khi bạn không chắc rằng bạn sẽ sống sót qua thời gian này, khi có những điều đáng buồn xảy ra xung quanh bạn, đức tin là thứ duy nhất còn lại để dựa vào. Chính niềm tin của tôi giữ tôi ở đó”.
Nếu có điều gì đó mà ông Catena muốn những người ủng hộ và các Kitô hữu của mình biết, đó là bạn không cần phải đi đến một đất nước xa xôi để phục vụ Chúa và những người khác. Bạn có thể tham gia vào sứ vụ của bác sĩ Catena, ngay tại nơi bạn đang ở vì nó không chỉ là sứ vụ của ông, mà còn là của Chúa Kitô.
Thánh lễ là điều thật sự không thể thiếu
Công việc mà bác sĩ Catena thực hiện nghe có vẻ gần như siêu phàm, và theo một cách nào đó, đó là: ân sủng siêu nhiên trợ giúp ông khi thiếu hụt các phương tiện con người. Ông kể: “Chúng tôi thực sự may mắn vì chúng tôi là một bệnh viện truyền giáo và nhà thờ cách đó 30 mét. Chúng tôi có một linh mục ở đó dâng Thánh lễ mỗi ngày. Điều đó thật sự không thể thiếu. Không có tất cả điều đó tôi không thể nghĩ rằng tôi có thể tiếp tục làm điều này”.
Cảm hứng từ thánh Phanxicô và Mẹ Têrêsa
Bên cạnh Bí tích Thánh Thể, bác sĩ Catena được nâng đỡ nhờ sự can thiệp của các thánh. Ông tìm cảm hứng nơi các ngài, đặc biệt là các vị thánh của Sudan như Josephine Bakhita và Daniele Comboni. Mẹ Teresa và thánh Phanxicô Assisi, cả hai đều chăm sóc người bệnh, cũng là quan thầy và gương mẫu cho ông. Ông chia sẻ: “Tôi nghĩ về thánh Phanxicô Assisi và cách tiếp cận của ngài, và tôi cố gắng bắt chước điều đó”.
Giáo hội cần các giáo dân tích cực phục vụ
Theo ông, cuộc đời của thánh Phanxicô có liên quan đặc biệt đối với Giáo hội ngày nay. Ông nói: “Thánh Phanxicô đã sống trong thời điểm có rất nhiều vụ bê bối giữa các giáo sĩ và tôi nghĩ rằng có rất nhiều điểm tương đồng với thời đại của chúng ta. Người Công giáo thời hiện đại có thể thấy ở thánh Phanxicô một gương mẫu của lòng trung thành, ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng. Ngài đã không rời bỏ Giáo hội, nhưng vẫn ở lại và làm việc lặng lẽ và khiêm nhường để thay đổi nó từ bên trong”. Ngày nay hơn bao giờ hết, Giáo hội cần các giáo dân xắn tay áo lên và tích cực trong hoạt động phục vụ.
Hồng Thủy
(VaticanNews 19.10.2019)
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.