Nhân dịp Ngày Quốc tế Chống Thử Hạt nhân, tại trụ sở của Liên Hiệp Quốc diễn ra một Hội nghị Đại hội đồng Cấp cao Toàn thể. Tại buổi họp này Đức Tổng Giám mục Bernadito Auza, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp quốc đã có bài phát biểu, bày tỏ lập trường cương quyết của Tòa Thánh trong việc loại trừ các vụ thử hạt nhân.
Đức Tổng Giám mục nhấn mạnh rằng Ngày Quốc tế Chống Thử Hạt nhân là dịp để nâng cao nhận thức và giáo dục cộng đồng về những tác động của các vụ nổ thử vũ khí hạt nhân. Đây cũng là dịp để tố cáo việc thử vũ khí hạt nhân và mời gọi toàn thể nhân loại từng bước tiến đến một thế giới không còn vũ khí hạt nhân.
Trong bản tuyên bố Đức Tổng Giám mục nhắc lại lần thử hạt nhân đầu tiên và nói rằng: “Thật không may tên gọi của lần thử đầu tiên lại là “Chúa Ba Ngôi”, diễn ra cách đây 74 năm trong sa mạc New Mexicô ở Hoa Kỳ. Theo sau lần thử đó, có hơn 2.000 lần đã được thử nghiệm, do 8 quốc gia thực hiện ở 4 lục địa trong khu vực Thái Bình Dương. Mỗi lần trước các vụ thử Tòa Thánh luôn lên tiếng bày tỏ quan ngại về việc sử dụng năng lượng nguyên tử, và từ đó Tòa Thánh vẫn không ngừng kêu gọi thực hiện lệnh cấm thử vũ khí hạt nhân”.
Tiếp đến Đức Tổng Giám mục kêu gọi các quốc gia đã ký Hiệp ước Cấm thử Hạt nhân Toàn diện (CTBT) phải làm sao để Hiệp ước có hiệu lực. Từ năm 1998 lệnh cấm đơn phương đã được giữ vững, ngoại trừ các lần thử của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.
Chính Hiệp ước này đã nói đến những đau khổ và tác hại không thể chấp nhận đối với các nạn nhân trực tiếp tham gia vào quá trình thử, cũng như những người bị ảnh hưởng từ việc thử này. Tòa Thánh đã phê chuẩn ngay ngày đầu tiên Hiệp ước được mở để ký và phê chuẩn.
Cuối bản tuyên bố Đức Tổng Giám mục nhấn mạnh rằng trong tương lai bất kỳ vụ thử hạt nhân nào cũng đều có tác hại vô cùng tiêu cực. Hôm nay là dịp để cộng đồng quốc tế quyết tâm làm tất cả mọi sự để đảm bảo trong tương lại không còn bất kỳ vụ thử hạt nhân nào nữa (CSR_5182_2019)
Ngọc Yến
(VaticanNews 10.09.2019)
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.