Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô, giáo sư phụng vụ tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Tôi do dự trình bày thêm về các nghi thức đầu lễ trong mùa Vọng; Giáo Hội bỏ kinh Vinh Danh (Gloria) trong Mùa Vọng để nhắc nhở chúng ta về sự đơn giản của mùa Vọng và thậm chí tính chất sám hối trong mùa này. Tuy nhiên, vòng hoa Mùa Vọng đã trở thành một biểu tượng quan trọng trong nhiều giáo xứ. Việc thắp sáng các ngọn nến của Vòng hoa mùa Vọng trong lễ Chủ nhật, mà không thắp vào các ngày trong tuần ít tạo ý nghĩa cho các tín hữu, vì họ thường chỉ tham dự thánh lễ chủ nhật. Tôi đã giải quyết việc này bằng cách bảo người giúp lễ thắp nến trong nghi thức Sám hối. Chúng tôi dùng hình thức thứ ba, bởi vì trong ba chủ nhật đầu của mùa Vọng, chúng tôi dùng hình thức thứ nhất: “Chúa đến để qui tụ các dân nước…” Vào ngày Chủ Nhật cuối của mùa Vọng, và vào dịp lễ Giáng sinh, chúng tôi dùng hình thức thứ hai: “Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Thiên Chúa uy hùng và Hoàng tử hòa bình …” Vì vậy, có câu được đọc hay hát đi kèm việc thắp nến, chứ không phải việc thắp nến là làm cho có lệ. Vào các ngày thường, nến được thắp sáng trước Thánh Lễ. Cha có ý kiến nào về việc này không? – T. D., Tây Úc.
Đáp:
Các ý kiến đã được thúc đẩy ngay từ đầu bởi một bài giải đáp của tôi ngày 20-12-2011, trong đó tôi đã viết: “Về quan điểm phụng vụ, chỉ có việc làm phép Vòng hoa mùa Vọng vào Chủ nhật thứ nhất mùa Vọng được tiến hành trong Thánh lễ. Nghi thức này đã nhận được sự chấp thuận của Tòa Thánh đối với các quốc gia đề nghị đưa nghi thức ấy vào Sách các Phép. Nó không có trong Sách các Phép gốc Latinh”.
“Nhiều nghi thức và nghi lễ khác, vốn đã phát triển xung quanh việc thắp nến sáng cho Vòng hoa mùa Vọng, nhắm chủ yếu đến sự cử hành trong gia đình. Chúng có thể được sử dụng hữu ích trong nhà thờ, nhưng phải ngoài Thánh lễ. Ví dụ, có thể tổ chức một việc cầu nguyện trước Thánh Lễ tối thứ Bảy”.
“Tuy nhiên, nếu không có nghi thức ngoài Thánh Lễ để thắp sáng các ngọn nến vào các chủ nhật thứ hai, thứ ba và thứ tư mùa Vọng, tôi nghĩ rằng thật là hợp pháp khi linh mục cho thắp nến ấy vào Thánh lễ đầu tiên của Chủ nhật tương ứng (hoặc tối thứ Bảy), mà không có nghi thức hoặc câu đọc kèm theo. Ví dụ, sau khi bái gối trước Nhà tạm hoặc cúi bái trước Bàn thờ, vị chủ tế đơn giản thắp một dây nến từ một ngọn nến sáng trước đó, và thắp lửa từ dây nến vào ngọn nến tiếp theo, mà không nói gì cả. Sau đó, ngài hôn bàn thờ và tiếp tục thánh lễ như thường lệ. Người phụ trách phòng thánh sẽ thắp sáng các ngọn nến của Vòng hoa mùa Vọng trước khi diễn ra các thánh lễ sau đó”.
Trong khi tôi đồng ý với độc giả trên đây rằng vai trò của vòng hoa Mùa Vọng đã trở thành quan trọng hơn, nó vẫn chỉ là một biểu tượng không có tính phụng vụ, và không nên phóng đại tầm quan trọng của nó. Phụng vụ Mùa Vọng là đủ để cung cấp mọi chất liệu giáo huấn cần thiết nhằm chuẩn bị cho lễ Giáng sinh.
Đúng như câu trả lời trước đây của tôi, tôi thấy không có khó khăn lớn nào trong việc thắp sáng ngọn nến vào đầu mỗi Thánh Lễ Chúa Nhật theo cách đơn giản, mà tôi đã mô tả.
Tuy nhiên, tôi sẽ phản đối việc thắp nến trong nghi thức Sám hối, theo cách thức mà độc giả trên đã mô tả. Tôi xin nêu ra bốn lý do.
Trước hết, nguyên tắc tổng quát của phụng vụ không cho phép bất cứ ai, dựa vào quyền của mình, đưa thêm hoặc loại bỏ bất cứ điều gì từ các nghi thức thánh.
Thứ hai, sự đề nghị này loại bỏ sự tự do cần thiết của vị chủ tế, để sử dụng bất kỳ hình thức nào khác của nghi thức sám hối, và do đó làm cho phụng vụ qui phục các nhu cầu của một việc thực hành đạo đức.
Thứ ba, tôi nghi ngờ rằng việc kết hợp thắp sáng nến với nghi thức Sám hối gửi đi một thông điệp đúng đắn. Việc nhìn nhận tội lỗi của chúng ta là một phần quan trọng của Thánh lễ, bởi vì chúng ta chuẩn bị linh hồn mình để sống các mầu nhiệm thánh. Sự kết hợp việc sám hối với thắp nến sáng có thể gây lơ là cho ý nghĩa chủ yếu, mà lại chú ý đến các thông điệp khác, vốn tốt nhất nên dành cho lúc khác.
Sau cùng, vòng hoa Mùa Vọng có các sắc thái khác nhau về ý nghĩa, và tự thân không chủ yếu có ý nghĩa sám hối. Vòng tròn của vòng hoa, không có nơi bắt đầu hay nơi kết thúc, được làm bằng các cành lá cây thường xanh, tượng trưng cho sự vĩnh cửu và sự sống bất diệt trong Chúa Kitô. Bốn cây nến (gồm ba nến tím và một nến hồng) tượng trưng cho bốn tuần của Mùa Vọng, mà sự thắp sáng tăng dần thể hiện sự mong đợi và hy vọng xung quanh việc Đấng Mêsia đến.
Các sắc thái này có thể bị mất đi, khi kết hợp việc thắp nến sáng với nghi thức Sám hối.
Tôi tin vào lòng thành và ước muốn của độc gỉa trên đây, để có lợi ích mục vụ tốt nhất từ hành vi đạo đức ấy. Tuy nhiên, tôi vẫn không tin rằng đề xuất này là một hành động mục vụ khả thi và phù hợp hoàn toàn với các qui tắc phụng vụ.
(Nguyễn Trọng Đa, Zenit.org 27-11-2012)
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.