Tháng Bảy âm lịch, người bên lương thường cúng cô hồn. Giáo dân hay xin lễ cho các linh hồn mồ côi. Vậy hai khái niệm cô hồn và linh hồn mô côi có liên quan gì với nhau không?
- Khái niệm cô hồn.
– Cô , có nhiều chữ Hán 孤, 姑, 沽, 泒, 鴣 (鸪), 箍, 罛, 蛄, 觙, 辜, 酤, 菇, 咕, 菰, 苽, 觚, 軲. Trong từ cô hồn là chữ 孤, nghĩa là: (dt.) (1) Cha chết sớm, hay không có cha. (2) (cũ) Quan cô (tên chức quan, nằm khoảng giữa chức tam công và lục khanh, gồm thiếu sư, thiếu phó, thiếu bảo); (3) Xưa người diễn vai quan lại trong vỡ kịch. (4) Họ Cô. (đdt.) (5) vua chúa tự xưng: Xưng cô đạo quả. (đt.) (6) Phụ bạc: Cô ân (phụ ơn). (tt.) (8) Đơn độc: Cô sơn (núi trọi), cô thụ (cây trọi). (Pht.)(9) Lẻ loi: Cô lập vô trợ (trơ trọi một mình không ai giúp). (10) Học thức dốt nát hẹp hòi: Cô lậu, (11) Tính tình ngang bướng: Cô tịch(không thể hoà hợp với ai cả). (12) Một mình: Nhất ý cô hành (làm theo ý riêng).– Hồn, có những chữ Hán sau: 魂, 渾 (浑), 餛 (馄), 琿 (珲), trong từ cô hồn là chữ 魂,nghĩa là (dt.) (1) Phần thiêng liêng của con người: Linh hồn. (2) Tinh thần của sự vật: Quốc hồn (Phần thiêng liêng của quốc gia). (3) Tình cảm của con người khi quá xúc động: Tiêu hồn (mất hồn)…
a. Nghĩa thuật từ cô hồn (孤魂): Hồn người chết lẻloi, không ai cúng vái.
Quan niệm về cô hồn.– Theo Phật Giáo: Ngày Rằm tháng Bảy (Âm lịch) được gọi là ngày “Báo hiếu cha mẹ” tức lễ Vu Lan và cũng là ngày “Xá tội vong nhân” tức lễ cúng cô hồn. Trong dân gian, nhiều người vẫn nghĩ hai lễ này chỉ là một, nhưng thực ra đây là hai lễ khác nhau được cử hành trong cùng một ngày.Lễ Vu Lan bắt nguồn từ sự tích về lòng hiếu thảo của ông Mục Liên: Phật Tổ dạy ông Mục Liên vào giữa tháng Bảy bày trăm món ngũ quả thiết đãi chư tăng thập phương để chung sức cứu mẹ ra khỏi địa ngục đau khổ. Còn tục cúng cô hồn có liên quan đến câu chuyện giữa ông A Nan Ðà, thường gọi tắt là A Nan, với một con quỷ miệng lửa (diệm khẩu) cũng gọi là quỷ mặt cháy (diệm nhiên). Theo “Phật Thuyết Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni Kinh”: Một đêm kia, A Nan đang ngồi trong tịnh thất thì thấy một con ngạ quỷ thân thể khô gầy, cổ nhỏ mà dài, miệng nhả ra lửa bước vào. Quỷ cho biết rằng ba ngày sau A Nan sẽ chết và sẽ luân hồi vào cõi ngạ quỷ miệng lửa mặt cháy như nó. A Nan sợ quá, bèn nhờ quỷ bày cho phương cách tránh khỏi khổ đồ. Quỷ đói nói: “Ngày mai ông phải thí cho bọn chúng tôi mỗi đứa một hộc thức ăn, lại vì tôi mà cúng dường tam bảo thì ông sẽ được tăng thọ mà tôi đây cũng sẽ được sanh về cõi trên”. A Nan đem chuyện thưa với Ðức Phật, Phật bèn đặt cho bài chú gọi là “Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni”, đem tụng trong lễ cúng để được thêm phước. Phật tử Trung Hoa gọi lễ cúng này là Phóng Diệm Khẩu, tức là cúng để bố thí và cầu nguyện cho loài quỷ đói miệng lửa, nhưng dân gian thì hiểu rộng ra và trại đi thành cúng cô hồn, tức là cúng thí cho những vong hồn vật vờ không nơi nương tựa vì không có ai là thân nhân trên trần gian cúng bái.
– Theo Đạo Giáo: Rằm tháng Bảy gọi là Tết TrungNguyên. Tết Trung Nguyên bắt đầu từ thời Bắc Nguỵ (năm 386-534), còn gọi là Tết Quỷ. Đạo Giáo có Tam Quan, tức là Thiên Quan, Địa Quan và Thuỷ Quan, ngày sinh của Tam Quan là Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Bảy và Rằm tháng Mười, ba ngày này gọi là tam nguyên. Rằm tháng Bảy là Trung Nguyên, Địa Quan đến xá tội các giới. Theo truyền thuyết, ngày Rằm tháng Bảy cửa Địa Ngục mở ra, quỷ hồn đều được thả ra. Hồn có chủ thì về nhà, cô hồn thì đi khắp nơi tìm thức ăn, nên trong tháng Bảy người ta cúng cô hồn, để họ không làm hại người ta.
– Theo tập tục: Việc cúng cô hồn đã có từ đời nhà Đường bên Trung Quốc khi ngài Huyền Trang trở về sau chuyến Tây Du, lập đàn cúng tế cầu siêu cho tứ sanh[i] đang luân hồi trong lục đạo. Đến đời nhà Tống (960 – 1279), Nho Giáo, Phật Giáo và Lão Giáo liên kết với nhau. Ngày Xá Tội vong nhân của Phật Giáo, Tết Trung Nguyên của Đạo Giáo và việc thờ kính tổ tiên của Nho Giáo đã kết hợp hoạt động, hình thành tập tục cúng cô hồn tại vùng Đông Á.Như nhiều dân tộc Đông Á, người Việt Nam cũng cho rằng những người chết vì chiến tranh, đánh nhau, bệnh dịch, tàn sát, chết oan, tội lỗi, thiên tai, tai nạn xe cộ…, những người chết như vậy thì “đại miếu bất thu, tiểu miếu bất lưu” (Miếu lớn không nhận, miếu nhỏ không cho ở), hồn không được cúng dưỡng, phải đoạ đày trong địa ngục hay phải lang thang khắp nơi, có khi phá phách, làm hại người sống. Những linh hồn đó được gọi là cô hồn, tức là hồn người chết lẻ loi, không ai cúng vái. Để cõi âm và cõi dương đều được bình an, từ xa xưa người Việt cũng đã có tập tục cúng cô hồn vào tháng Bảy âm lịch, để họ sớm được thoát khỏi Địa Ngục, mà nhân gian cũng không bị cô hồn phá rối.
b. Nhận xét.
Như vậy, cúng cô hồn là một tập tục thể hiện lòng trắc ẩn, “nhân đạo”: nhằm cứu giúp những linh hồn khốn khổ, nhưng đồng thời cũng có thể là một hình thức “hối lộ”: để khỏi bị các oan hồn quấy phá, hoặc “vụ lợi”: để được họ “giúp đỡ”.Trong khái niệm cô hồn còn bao gồm một khái niệm khác là oan hồn. Oan hồn là gì? – Oan hồn là hồn người chết oan. Nhưng thế nào là chết oan? – Những người bị ám sát, bị bức tử, bị giết khi chưa kịp sinh ra (thai nhi), chết “bất đắc kỳ tử”… được coi là chết oan ức (theo nghĩa chữ: oan là trái lẽ công bằng). Do quan niệm ở đời có “sinh, lão, bệnh, tử”. Có sinh thì ắt có tử, chết vì già hay do bệnh tật thì là lẽ thông thường, còn những người chết không theo ‘lẽ thông thường’ này thì người ta gọi là chết oan, và oan hồn thường không thể “siêu thoát” hay “đầu thai” được vì nuối tiếc cuộc sống dang dở của mình. Vì thế, việc cúng cô hồn cũng bao gồm việc cúng tế các oan hồn.
2. Khái niệm linh hồn mồ côi.
a. Nghĩa chữ mồ và côi:
– Mồ, là tiếng Nôm, vì cách viết chữ chưa thống nhất[ii], trong từ mồ côi, mồ có thể viết ba cách: (1) 戊 (Hán Việt đọc là mậu, chỉ can thứ năm trong thập can) cách viết này được dùng nhiều hơn; (2) 慕[iii] (Hán Việt đọc là mộ, nghĩa là: nghĩ tới, nhớ tới; yêu mến, ham thích); và (3) 炐 (cũng đọc là phừng, gồm bộ hỏa (火) ghép với chữ phong (丰): hiều, đầy đủ). Mồ nghĩa là mất cha, hoặc mẹ, hoặc cả hai.
– Côi, cũng là tiếng Nôm, có bốn cách viết: (1) 孤, (Hán Việt đọc là cô, nghĩa là: một mình, trơ trọi, lẻ loi, cô đơn, không có cha hay cha chết[iv]; (2) (kết hợp bởi hai chữ cô (孤) và ngôi (嵬) nghĩa là: cao ngất); (3) kết hợp bởi hai chữ thị (示) nghĩa là: bảo cho biết, cho hay, biểu hiện, tỏ rõ; và quỷ (鬼) nghĩa là: tinh ma, xảo trá, đáng ghét; người chết cũng gọi là quỷ); (4) (kết hợp bởi hai chữ cô (孤) và khôi (魁) ghĩa là: to lớn, cao lớn; người đứng đầu, kẻ đầu sỏ).
Côi nghĩa là mất cha mẹ: Mẹ goá con côi.
b. Nghĩa thuật từ mồ côi: (1) Người không còn cha hay mẹ, hay không còn cả cha lẫn mẹ. Khi mất cha gọi là mồ côi cha, mất mẹ gọi là mồ côi mẹ: “Mồ côi cha, ăn cơm với cá, Mồ côi mẹ, lót lá mà nằm” (Ca dao). (2) Côi cút, đơn độc, thiếu sự hỗ trợ (về tinh thần hay vật chất) của những người khác trong một hoàn cảnh nào đó: “Đàn ông đi biển có đôi, Đàn bà đi biển mồ côi một mình” (Nói về sự khó nhọc mà người đàn bà phải chịu trong khi sinh nở).
c. Nghĩa của thuật ngữ “linh hồn mồ côi”: Theo tôi hiểu, “linh hồn mồ côi” là cụm từ được Giáo Hội Công Giáo dùng như một thuật từ để gọi chung linh hồn của những người đang ở trong Luyện Ngục mà khi còn sống trên đời đã phải đơn độc trong cuộc lữ hành đức tin, hoặc trong hiện tại không mấy ai nhớ cầu nguyện cách riêng cho họ nữa. Nói vắn tắt là: những linh hồn đang thiếu sự giúp đỡ của những người thân thuộc đang song.
d. Quan niệm về linh hồn mồ côi: Trong bài Lễ Các Đẳng[v], tôi đã có phân tích ý nghĩa của thuật từ này: Khi nói “linh hồn mồ côi”, chúng ta nghĩ tới linh hồn của hạng người phải đơn độc trong cuộc lữ hành đức tin khi còn ở trên đời. “Đơn độc”, “cô quả”, “mồ côi”…. hiểu theo nghĩa đời thường là không có người thân thích, bạn bè, không có ai đồng hành để được quan tâm, nâng đỡ đời sống đức tin. Họ có thể là những tín hữu cô nhi, quả phụ hay kẻ cơ bần sống đơn chiếc. Họ cũng có thể là những tín hữu giàu sang, con đàn cháu đống, bạn hữu tứ phương mà thực ra những người quen biết xung quanh họ không ai có niềm tin Công Giáo như họ, để xin lễ hay cầu nguyện cho họ. Họ cũng có thể là những tín hữu như bao tín hữu khác, khi qua đời cũng có thân nhân, bạn hữu cầu nguyện cho họ… nhưng hiện tại những người đó cũng đã qua đời và không còn mấy ai nhớ đến họ nữa, vì họ chết đã quá lâu. Và nay, những linh hồn đó đang ở trong Luyện Ngục, đang cần đến lời cầu nguyện từ Giáo Hội chiến đấu[vi]. Hay nói cách khác, người ta hiểu theo kiểu quan hệ của con người trong đời sống trần thế là cô thân cô thế. Vì thế “linh hồn mồ côi” không phải là linh hồn bị Giáo Hội bỏ rơi hay lãng quên, lại càng không phải là linh hồn không được Chúa đoái trông chăm sóc, ít được Chúa yêu thương hay bị Ngài lãng quên… Suy nghĩ như vậy là hoàn toàn sai lầm.Có những vị phủ nhận khái niệm linh hồn mồ côi trong đức tin Công Giáo, họ cho rằng: “Nói linh hồn “mồ côi” là nói theo suy nghĩ của con người mà thôi; và điều này không đúng với giáo lý và thực hành trong phụng vụ thánh của Giáo Hội, vì Giáo Hội không hề phân biệt linh hồn nào là mồ côi, linh hồn nào có thân nhân còn sống như người ta quen nghĩ mà chỉ cầu chung cho tất cả các tín hữu đã ly trần ngay cả trong những thánh lễ có người xin cầu riêng cho những linh hồn thân nhân của họ đã qua đời. Như vậy, không có vấn đề “linh hồn mồ côi” trong niềm tin và thực hành của Giáo Hội.”[vii] Hoặc: “Là linh hồn mồ côi khi không có ai cầu nguyện cho, bây giờ hàng ngày có người cầu nguyện cho thì hẳn là hết tình trạng mồ côi. Chúng ta chấp thuận lối lý luận sơ đẳng này chứ?… Giáo Hội không bao giờ quên cầu cho các linh hồn. Không những cầu cho các linh hồn Kitô hữu mà còn nhớ đến các linh hồn chưa biết Chúa, chưa tin Chúa đã sống lại. Cầu cho cả những ai không cùng niềm tin Kitô giáo… Với tâm tình đó Giáo Hội không có linh hồn mồ côi”[viii].
Chúng tôi đồng ý: “Nói linh hồn mồ côi là nói theo suy nghĩ của con người” nhưng không có gì “không đúng với giáo lý và thực hành trong phụng vụ thánh của Giáo Hội”. Trong phụng vụ, thánh lễ hay kinh nhật tụng, Giáo Hội không cầu nguyện cách riêng cho các linh hồn mồ côi KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ KHÔNG CÓ CÁC LINH HỒN NÀY.
Tại sao chúng ta phải nhớ cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ, thân nhân, hay cho những người nào đó cách riêng? Hội Thánh đã chẳng chính thức công nhận và khuyến khích việc cầu nguyện cho những linh hồn riêng rẻ đó sao (nhất là qua việc xin lễ)? Vậy thì, việc cầu nguyện ấy phải tăng thêm lợi ích cho các linh hồn riêng rẻ. Từ đó, suy ra: Những linh hồn không có thân nhân, không được ai nhớ đến trong luyện hình phải là những linh hồn ‘thua thiệt’, kém may mắn hơn. Vì thế, đức ái đòi buộc chúng ta phải chiếu cố đến họ – cũng tương tự như đối với những người cô thân, cô thế trong xã hội mà ta đang sống vậy. Nếu các linh hồn ấy không được ‘xếp loại’ để được chiếu cố thì cũng chẳng cần xin lễ cầu nguyện cho ai cả – “Giáo Hội đã chẳng cầu nguyện CHUNG trong Kinh Nguyện Thánh Thể rồi sao?” (!). Điều nầy vẫn không ra ngoài tín điều “Các thánh thông công”.
Nếu hiểu linh hồn mồ côi theo nghĩa hẹp là “vong linh mất cha hoặc mất mẹ hoặc mất cả cha lẫn mẹ” thì thuật từ này không có ý nghĩa gì hết. Vì “linh hồn nào không có Chúa là Cha và Mẹ Maria là mẹ” hoặc người đã ở bên kia thế giới (vong linh) thì thế nào gọi là mất cha hay mẹ? Vậy phải hiểu theo nghĩa rộng, tức là “vong linh thiếu lời cầu nguyện của người thân”, “thiếu” chứ không phải là “không có”, “thiếu” theo nghĩa là “chưa đủ mức”, như thánh Phaolô đã nói: “Những gian nan thử thách Ðức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1, 24).
Cha Mark (CMC), hiểu linh hồn mồ côi theo nghĩa đó, đã viết: “Việc cầu nguyện cho các linh hồn mồ côi vì là một điều rất nên có, một truyền thống tốt đẹp của giáo dân Việt Nam rất đáng trân trọng, khuyến khích, vừa theo văn hóa, vừa theo tình thương, vừa theo luật tự nhiên ‘Nay ta thương người, mai Chúa soi cho người khác thương ta’”. Và ngài còn nhắc lại ý tưởng của cha Gioan Trần Bình Trọng: “Các linh mục sau khi qua đời cũng rất dễ trở thành những linh hồn mồ côi. Linh mục là người tế lễ hằng ngày để thờ phượng Chúa và xin ơn tha tội cho người tội lỗi. Tuy nhiên thường không mấy ai nghĩ rằng linh mục cũng cần lời cầu nguyện vì người ta cho rằng linh mục phải thánh thiện hơn giáo dân. Rồi khi một linh mục nằm xuống vĩnh viễn thì thường ông bà cố thân sinh cũng như các anh chị đã ra đi trước, không còn mấy ai để nhắc nhở cho các cháu chắt cầu nguyện cho nữa. Như vậy phải chăng linh mục khi chết rồi, có thể trở thành những linh hồn mồ côi chăng?”[ix].
Anh A muốn xin lễ cho cha mình là một tử sĩ, đồng thời anh cũng muốn nhân dịp đó cầu nguyện chung cho các linh hồn “chiến sĩ trận vong”, chúng ta có thể từ chối ý lễ này vì lý do: “Giáo Hội không bao giờ quên cầu cho các linh hồn” hay “không có chỗ nào phân biệt linh hồn tử sĩ với các linh hồn khác” hay không?
3. Một vài suy nghĩ
Tất cả giáo huấn của Chúa Giêsu, chủ yếu tập trung nơi chính thân phận con người đang sống, để làm sao đạt được ơn cứu độ. Các vấn đề khác, tuỳ mức độ cần thiết trong tương quan đến chủ đích ấy, được mặc khải hay không và mặc khải ít hay nhiều.Giáo lý về các linh hồn (hiểu như là các hữu thể tồn tại từ con người sau khi đã chết) cho biết một số chân lý nào đó về số phận các linh hồn, nhưng cũng không bao giờ giải thích tường tận được theo logic mà con người đang dùng hôm nay. Thí dụ: Trong thế giới thiêng liêng có thời gian hay không? Linh hồn là hữu thể thiêng liêng, vậy có thay đổi không? Thời gian trong Luyện Ngục là gì? Cũng thế, nhiều giáo phái Kitô Giáo vẫn còn tranh luận về vấn đề hiện hữu của Hỏa Ngục, vì đối chiếu với tính nhân từ yêu thương vô hạn của Thiên Chúa… Việc các linh hồn mồ côi cũng thế. Nếu vẫn muốn hiểu theo cái logic của conngười đang dùng, thì vẫn còn nhiều điểm để tranh luận, chẳng hạn:
Chúa chẳng là Cha nhân từ đủ cho các linh hồn hay sao lại để phải có những linh hồn mồ côi?
Trong thế giới do chính Thiên Chúa làm Vua, lại còn có những phần tử thất thế, thua thiệt, côi cút, cần phải được con người thế trần đặc biệt chiếu cố?
Trong nơi không còn tội lỗi, chỉ có tình thương như Luyện Ngục, các linh hồn ‘giàu có’ có san sẻ với các linh hồn cô độc không? vv…
Tuy nhiên, về mặt luận lý, không bàn đến tín lý, thì cũng có thể đi từ ‘đầu kia’, nghĩa là các lập luận đã dẫn trên, để đến kết luận là cần cầu nguyện cho các linh hồn mồ côi. Điều này cũng tương tự như lập luận giải thích các mầu nhiệm khác thôi. Hơn nữa, đặc tính của Giáo Hội Công Giáo là thông công. Chính do đặc tính này mà mọi người được tha tội, thánh hoá và cứu độ nhờ vào Đầu là Chúa Giêsu Kitô. Do đó, Chúa muốn mọi chi thể phải luôn hợp thông với nhau bằng Đức Ái. Đối với các linh hồn, đức ái trọn vẹn thể hiện qua việc hợp thông với những linh hồn mồ côi. Cũng như trên trần thế, Đức Ái đặc biệt thể hiện qua những người ‘nghèo khó và bé nhỏ’.
Tóm lại: Thiên Chúa, tự Chúa, không cần chúng ta làm gì cả, để Chúa hiện hữu như chính Chúa, nghĩa là hiện hữu trọn vẹn và hợp lý. Nhưng mọi việc mà chúng ta phải làm, thực ra cũng chỉ là cho chính mình mà thôi. Nói thế, mới nghe có vẻ như nghịch với nguyên lý: Mọi sự phải quy về trong Chúa Kitô. Nhưng thực tế là thế, Chúa không cần chúng ta phải đọc mấy kinh dâng cho Chúa, để người được thêm vinh quang hay hài lòng…; Chúa cũng không cần chúng ta bố thí cho người cùi chén cơm nguội hay năm mười ngàn gì đó. Chúa có thể cho con người ấy thành một người hạnh phúc mọi mặt dễ dàng. Nhưng nói cho cùng, những hành động ấy, Chúa muốn ta làm giống như một người Cha khôn ngoan, tập cho con cái mình biết chia cái bánh cho anh chị em của nó vậy.Chúng ta chưa có thuật từ nào để gọi riêng cho tập thể các linh hồn nạn nhân của một cuộc thiên tai, khủng bố hay dịch họa… những linh hồn mà lương dân gọi là “oan hồn”, nhưng việc cầu nguyện cách riêng cho những trường hợp như thế không có gì là không đúng với giáo lý và thực hành trong phụng vụ thánh của Giáo Hội. Một thánh lễ cầu nguyện cho “các linh hồn nạn nhân cuộc khủng bố ngày 11/9” chẳng hạn, là việc tốt lành. Nhưng không thể nói đó là thánh lễ cầu nguyện cho “các oan hồn ngày 11/9”. Vì khái niệm “oan hồn” – như đã nói trên, ngoài ý nghĩa “chết không theo ‘lẽ thông thường’” còn hàm nghĩa: “không thể siêu thoát hay đầu thai”, “còn nuối tiếc cuộc sống dang dở của mình”… là những ý niệm không phù hợp đức tin Công Giáo.
“Qua nhiều chứng tá từ việc các linh hồn hiện về xin cầu nguyện[x] ta có thể nghiệm ra rằng: Linh hồn mồ côi chính là những linh hồn bị thân nhân quên lãng hoặc cũng được thân nhân xin lễ cầu nguyện định kỳ hàng năm theo thói quen (cho yên tâm) chứ không đặt tấm lòng vào thánh lễ hay các giờ kinh nguyện, để tha thiết nài xin cho linh hồn đó. Vậy xin anh chị em hãy “bỏ ống lòng thương xót” cho những linh hồn này hầu các ngài được về hưởng Nhan Thánh Chúa”[xi]
4. Kết Luận
Hai khái niệm cô hồn (linh hồn người chết lẻ loi, không ai cúng vái) và linh hồn mồ côi (linh hồn bị thân nhân quên lãng) đều gợi lên ý tưởng đơn độc, cô quả, khốn khổ, cần sự giúp đỡ.Nhưng để tránh sự lẫn lộn trong niềm tin về số phận của người quá cố trong các tôn giáo khác, Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam đã sử dụng cụm từ “linh hồn mồ côi”, với ý nghĩa mà chúng tôi đã nêu ra ở trên, như một thuật từ riêng của Giáo Hội tại Việt Nam vậy.
Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ
—————————————-
[i] Tứ sanh là bốn cách sanh ra. Các loài động vật được chia thành 4 nhóm theo cách thức sanh ra: thai sanh, noãn sanh, thấp sanh và hóa sanh.
[ii] Cách viết của chữ Nôm chưa thống nhất, nhưng theo ông Vũ Văn Kính, tác giả Tự Điển Chữ Nôm tái bản năm 1992, có lời giới thiệu của ông Hồng Dân, Chủ Tịch Hội Ngôn Ngữ Học Tp. HCM, thì cách cấu tạo chữ Nôm được xếp thành 7 loại chính: 1. Chữ Hán, 2. Đọc nghĩa, 3. Hài thanh, 4. Hài thanh Nôm, 5. Hội ý, 6. Giả tá, 7. Giả tá Nôm.
[iii] Hai chữ 戊 và 慕đều theo cách giả tá, tức là mượn chữ Hán.
[iv] [v] Xem Bài Giảng Chúa Nhật, số 11, năm 2010.
[vi] Công đồng Florence (1431) đã định tín: Có luyện ngục để thanh luyện các linh hồn. Các linh hồn ra khỏi trần gian không còn có thể làm được việc gì lành để cứu mình nên chỉ trông cậy vào những người còn sống lập công cầu nguyện cho mình để rút ngắn thời gian thanh luyện. Vì thế mà Giáo Hội kêu gọi tín hữu cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện tội.
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.