Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Đâu là cách thích hợp để xử lý Máu Thánh còn dư lại sau Rước Lễ? Theo Giáo Luật số 1367 và huấn thị Redemptionis Sacramentum, số 107 và 172a, có vẻ như việc đổ Máu Thánh vào giếng ở phòng thánh là bị cấm. Tôi đã hỏi ba linh mục cần phải làm gì. Hai vị cho biết việc Máu Thánh còn dư lại là đôi khi xảy ra, và họ xử lý bằng cách đổ vào giếng ở phòng thánh. Vị thứ ba cho biết Máu Thánh nên được pha loãng với nước cho đến khi không còn có sự Hiện diện Thật sự nữa (vì nó quá loãng nên nó không còn là “rượu”), và sau đó được đổ xuống giếng ở phòng thánh. Cách thứ hai này nghe có vẻ hợp lý hơn (và được phép?) đối với tôi, nhưng chữ đỏ chính thức về điều này nói gì? Ngoài ra, một giáo dân có thể làm gì khi linh mục không thấy có vấn đề nào về việc đổ Máu Thánh vào giếng ở phòng thánh? Linh mục nói: “Nói cho cùng, giếng ở phòng thánh dùng vào việc gì chứ?” Tôi biết rằng huấn thị Redemptionis Sacramentum còn nói trong số 107 rằng Máu Thánh còn dư lại phải được linh mục hay thừa tác viên khác rước hết, nhưng điều gì xảy ra khi cac vị này không rước hết? – J. P., New Jersey, Hoa Kỳ.
Đáp: Giếng ở phòng thánh là một chậu hoặc bồn rửa, thường nằm trong phòng thánh, với một ống thoát nước riêng biệt trực tiếp xuống đất, chứ không vào đường cống công cộng.
Các bản văn mà độc giả trên đây nhắc đến, và một số đoạn văn khác nữa, nêu ra như sau:
“Giáo luật, Ðiều 1367: Ai ném bỏ bánh thánh, lấy hoặc giữ với mục đích phạm thánh, bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết (latae sententiae) dành cho Tòa Thánh. Ngoài ra, giáo sĩ còn có thể bị phạt bằng hình phạt khác, kể cả hình phạt khai trừ khỏi hàng giáo sĩ” (Bản dịch Việt ngữ của các Linh Mục Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh).
Điều khoản này xuất hiện cho thấy thật nghiêm túc biết bao khi Giáo Hội xem xét tội chống lại phép Thánh Thể, và như là một hệ quả, việc chăm sóc và tôn kính cần được thực hiện biết bao, đối với những gì liên quan đến Mình Thánh Máu Thánh.
Qui chế Tổng quát Sách Lễ Rôma (GIRM) cho biết:
“284. Khi cho rước lễ dưới hai hình;
“a. Thông thường thầy phó tế cho rước Máu Thánh, hoặc, nếu không có phó tế, thì linh mục, hay thầy có chức giúp lễ hay một thừa tác viên cho rước lễ ngoại thường khác, hay một tín hữu, được giao cho việc này, trong trường hợp cấp bách.
“b. Phần Máu Thánh còn lại phải được rước hết tại bàn thờ bởi vị tư tế, phó tế, hay thầy có chức giúp lễ, đã cho rước chén và thầy này tráng, lau và xếp các bình thánh theo cách thường lệ.
Các tín hữu chỉ muốn rước dưới một hình bánh thôi, thì rước lễ dưới dạng này.
“285. Ðể cho rước lễ dưới hai hình cần phải chuẩn bị:
“a. Nếu rước Máu Thánh bằng cách uống trực tiếp thì chuẩn bị một chén lớn cho đủ, hoặc nhiều chén, tuy nhiên luôn luôn dự kiến đừng để sau Thánh Lễ phải uống quá nhiều Máu Thánh còn dư lại” (Bản dịch Việt ngữ của Lm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).
Các Giám mục Hoa Kỳ có các hướng dẫn cụ thể, được công bố lần đầu vào năm 2002 và được cập nhật trong năm 2011, cho phù hợp với huấn thị Redemptionis Sacramentum, liên quan đến việc Rước lễ dưới hai hình, vốn là bắt buộc tại Hoa Kỳ. Đối với mục đích của chúng ta, bản văn năm 2002 là đủ rõ ràng:
“Lập kế hoạch
“30. Khi việc Rước Lễ diễn ra dưới hai hình, cần lập kế hoạch cẩn thận để cho:
“-Đủ bánh và rượu cho các tín hữu Rước lễ trong mỗi Thánh lễ. Như một quy luật chung, mọi người rước lễ từ Mình Thánh được truyền phép trong chính Thánh lễ họ đang tham dự, chứ không từ Mình Thánh được lưu giữ trong Nhà Tạm. Máu Thánh không được lưu lại từ Thánh lễ này để dùng trong Thánh Lễ khác; và
“-số các thừa tác viên cho rước lễ là cần phù hợp trong mỗi Thánh lễ. Về việc cho rước Máu Thánh, cứ có một thừa tác viên cho rước Mình Thánh, thì cần có hai thừa tác viên cho rước Máu Thánh, để thời gian cho việc Rước lễ là không dài quá.
“52. Khi Máu Thánh còn dư lại nhiều, và nếu Giám mục hay linh mục chủ tế không rước hết, thì thầy Phó tế, đứng tại bàn thờ, “ngay lập tức và kính cẩn rước Máu Thánh còn lại, và nếu vẫn còn Máu Thánh, các phó tế và linh mục khác rước cho hết”. Khi có các thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ ở đó, họ có thể rước Máu Thánh còn lại từ Chén họ đang cầm, với sự cho phép của Giám Mục Giáo phận.
“54. Máu Thánh không được lưu giữ, trừ trường hợp sẽ cho người bệnh rước lễ. Chỉ có người bệnh nào không thể rước Mình Thánh mới được rước Máu Thánh mà thôi, theo phán đoán của Linh mục. Nếu Máu Thánh không được truyền phép trong Thánh lễ có người bệnh tham dự, Máu Thánh được lưu giữ trong một bình được che đậy đúng cách, và được đặt trong Nhà tạm sau phần Rước lễ. Máu Thánh có thể được mang tới cho bệnh nhân trong một bình đậy kín, nhằm tránh mọi nguy cơ đổ ra ngoài. Nếu Máu Thánh còn dư lại sau khi người bệnh rước, thừa tác viên nên rước hết, và tráng bình đúng cách.
“55. Sự tôn kính đối với Máu Thánh đòi hỏi rằng Máu Thánh cần được rước hết, sau khi phần Rước lễ đã hoàn tất, và không bao giờ được đổ xuống đất hoặc giếng ở phòng thánh”.
Trong khi đó, Huấn thị Redemptionis Sacramentum nói:
“4. VIỆC RƯỚC LỄ DƯỚI HAI HÌNH
“100. Để biểu lộ rõ ràng hơn cho các tín hữu tính viên mãn của dấu chỉ bàn tiệc Thánh Thể, giáo dân cũng được rước lễ dưới hai hình trong những trường hợp các sách phụng vụ được dự liệu, với điều kiện phải dạy trước đó phải luôn luôn giảng dạy cách thích hợp về các nguyên lý tín lý đã được Công Đồng chung Trentô ấn định trong lãnh vực này.
“101. Để cho giáo dân rước lễ hai hình, phải để ý một cách thích hợp đến các hoàn cảnh, mà việc đánh giá trước tiên là thuộc quyền Giám Mục giáo phận. Phải tuyệt đối loại bỏ việc này khi có một nguy cơ, dù là rất nhỏ, xúc phạm đến Mình Máu Thánh Chúa. Để đảm bảo một sự phối hợp rộng rãi hơn trong lãnh vực này, các Hội Đồng Giám Mục cần công bố những quy tắc liên quan chủ yếu về “cách cho các tín hữu rước lễ dưới hai hình và về phạm vi của quyền cho rước lễ dưới hai hình này”; những quy tắc này phải được Tông Toà, nghĩa là Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, xác nhận.
“102. Không được cho giáo dân rước với chén thánh, nếu, vì số người rước lễ đông, khó mà lường được lượng rượu cần thiết cho Thánh Lễ ; quả nhiên, phải tránh nguy cơ “còn dư quá nhiều Máu Chúa Kitô phải rước cuối buổi cử hành”. Phải hành động như thế đó trong những trường hợp sau đây : khó tổ chức cho giáo dân rước lễ với chén thánh ; việc cử hành đòi hỏi sử dụng một lượng rượu mà khó biết chắc chắn được nguồn gốc và phẩm chất của nó ; cho một cử hành xác định, không có đủ số các thừa tác viên có chức thánh, cũng như các thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ được huấn luyện thích hợp ; một số lớn dân chúng khăng khăng vì nhiều lý do, không chịu rước lễ với chén thánh, việc này có kết quả là làm mờ nhạt đi cái có thể gọi là dấu chỉ hiệp nhất.
“103. Quy tắc Sách Lễ Rôma chấp nhận nguyên tắc theo đó, khi cho rước lễ dưới hai hình, “có thể rước Máu Chúa Kitô hoặc bằng cách uống trực tiếp với chén thánh, hoặc bằng cách chấm Mình Thánh vào Máu Thánh, hoặc dùng ống hút hay một cái muỗng”. Khi cho giáo dân rước lễ, các Giám Mục có thể loại trừ cách cho rước lễ với ống hút hoặc cái muỗng, trong những không có thói quen, nhưng duy trì luôn cách cho rước lễ bằng cách chấm. Tuy nhiên, trong trường hợp sau này, phải dùng những bánh lễ không được quá mỏng, cũng không quá nhỏ, và người rước lễ phải nhận Thánh Thể do vị linh mục trao trực tiếp vào miệng.
“104. Không cho phép người rước lễ tự chấm Mình Thánh vào chén thánh, cũng không được nhận trên tay Mình Thánh đã được chấm vào Máu Thánh Chúa Kitô. Cũng thế, bánh thánh dành để rước lễ bằng cách chấm, phải được làm bằng một chất thành sự và được truyền phép ; vậy, tuyệt đối cấm dùng bánh không có truyền phép hoặc làm với một chất khác.
“105. Nếu một chén không đủ để cho các linh mục đồng tế hoặc giáo dân rước lễ dưới hai hình, thì không gì ngăn cấm linh mục chủ tế dùng nhiều chén. Quả nhiên, phải nhớ là mọi linh mục cử hành Thánh Lễ buộc phải rước lễ dưới hai hình. Vì lẽ dấu chỉ tỏ bày, nên dùng một chén chính lớn hơn, cùng với những chén khác nhỏ hơn.
“106. Tuy nhiên, sau khi truyền phép, phải tuyệt đối tránh sang Máu Thánh Chúa Kitô từ chén này qua chén khác, để tránh xúc phạm đến mầu nhiệm cực đại dường ấy. Để đựng Máu Thánh Chúa Kitô, không bao giờ sử dụng hũ, bình hoặc những vật nào khác, không hoàn toàn đúng với các quy luật đã ban hành.
“107. Theo giáo luật, “ai ném bỏ Mình Máu Thánh, lấy hoặc giữ với mục đích phạm thánh, thì bị vạ tuyệt thông tiền kết (latae sententiae) dành riêng cho Toà Thánh ; hơn nữa, giáo sĩ còn có thể bị phạt bằng một hình phạt khác, kể cả việc khai trừ khỏi hàng giáo sĩ”. Cũng phải thêm vào trường hợp này mọi hành vi khinh bỉ, cố ý và nghiêm trọng, đối với Mình Máu Thánh Chúa. Vậy, ai hành động nghịch lại với các quy định trên đây, ví dụ, như ném Mình Máu Thánh Chúa vào trong giếng của phòng thánh hay trong một nơi bất xứng, hoặc ném xuống đất, thì bị những hình phạt ấn định về chuyện này. Vả lại, mọi người phải nhớ rằng, khi cử hành Thánh Lễ, lúc cho rước lễ xong, phải tuân thủ các quy định của Sách Lễ Rôma. Đặc biệt, Máu Thánh Chúa Kitô có thể còn lại phải được chính linh mục hay, theo quy tắc, một thừa tác viên khác rước ngay lúc ấy. Cũng vậy, Mình Thánh Chúa có thể còn lại, phải được linh mục rước tại bàn thờ, hay được đem cất vào một nơi dành để lưu giữ Mình Thánh Chúa” (Bản dịch Việt Ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).
Mặc dầu người ta giả định rằng trong trường hợp được độc giả chúng ta trình bày trên đây, không có ý định xúc phạm và phạm thánh, các linh mục và phó tế có nghĩa vụ thông báo cho nhau về các qui chế liên quan, và sự không hay biết (thiếu kiến thức) về việc này là không được giả định. Họ cũng chịu trách nhiệm tìm hiểu và thông báo cho các thừa tác viên khác nữa. Do đó, một linh mục đổ Máu Thánh hoặc chỉ dẫn cho người khác đổ Máu Thánh vào giếng ở phòng thánh, có thể phải chịu các hình phạt nặng nhất. Nếu điều này xảy ra, thì người ta nên báo tin cho Giám mục, để ngài có hành động thích hợp. Nếu không có hành động được đưa ra và việc lạm dụng cứ tiếp tục, người ta cần báo tin cho Tòa Thánh.
Vì các văn bản trên đây là rõ ràng, cách duy nhất mà Máu Thánh được “xử lý” sau phần rước lễ là các linh mục, và phó tế rước Máu Thánh, và, nếu cần thiết, và với sự cho phép của Giám mục, các thừa tác viên ngoại thường rước cho hết. Điều này đòi hỏi có kế hoạch cẩn thận để tránh lượng Máu Thánh còn dư quá nhiều.
Không có trường hợp nào mà Máu Thánh được đổ xuống giếng ở phòng thánh cả.
Khả năng pha thật loãng Máu Thánh thường không được xem là một lựa chọn. Giải pháp này có thể thỉnh thoảng được sử dụng trong trường hợp đặc biệt. Thí dụ, khi Máu Thánh được đưa đến một người nào đó có một căn bệnh cản trở việc rước Mình Thánh, và nơi đó có nguy cơ lây lan bệnh. Nếu người đó không thể rước hết Máu Thánh, thì người ta có thể pha thật loãng Máu Thánh và đổ vào giếng ở phòng thánh.
Mục đích chính của giếng ở phòng thánh là chứa đựng nước đã được sử dụng cho bất kỳ mục đích thánh thiêng nào, như rửa chén lễ, khăn bàn thờ và nước dùng cho phép rửa tội, nếu giếng rửa tội không có giếng đổ nước riêng. Tro của các vật thánh được đốt, như dầu dùng trong các bí tích, cũng có thể được rửa và đổ xuống giếng này.
Trong trường hợp đặc biệt, giếng này có thể được sử dụng để xử lý nước được dùng hòa tan các mảnh Mình Thánh, hoặc, rất hiếm khi, pha thật loãng Máu Thánh. Nó cũng được sử dụng để xử lý nước đã được dùng để làm sạch các nơi Mình Thánh đã rơi xuống, hoặc nơi Máu Thánh đã bị đổ ra.
(Nguyễn Trọng Đa/ Zenit.org 4-10-2016)
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.