Thưa cha, con nhận thấy rằng các linh mục đã không có cùng một quan điểm mục vụ như nhau trước những gì đang diễn ra trong cuộc sống. Có linh mục đã ban Bí tích Rửa tội cho một em nhỏ của một cặp vợ chồng đang sống chung với nhau không có hôn phối với hy vọng rằng họ sẽ hiểu sâu hơn về sự phong phú của đời Kitô hữu. Nơi khác một linh mục lại từ chối rửa tội cho những đứa con của cháu gái con mà hoàn cảnh cũng giống như trường hợp trên. Xin cha cho biết ý kiến của cha về việc này.
Nhận xét của bạn về những thái độ mục vụ khác nhau của các linh mục là xác thực. Và điều làm cho bạn băn khoăn có lẽ vì bạn thấy dường như có một sự thiếu đồng nhất nào đó trong cách hành động của những người trách nhiệm trong Hội thánh. Thái độ mục vụ khác nhau đó có thể tạo cảm tưởng là có sự phân biệt đối xử hay có sự phản ứng tùy tiện của cha xứ… Đôi lúc sự không đồng nhất trong cách hành động cũng làm cho anh chị em giáo dân cảm thấy phân vân và hoang mang không biết phải làm thế nào cho đúng.
Vì những thắc mắc ấy nên tôi xin trình bày với bạn những điểm sau đây:
Trước hết bạn biết rằng Giáo hội có những nguyên tắc luân lý và luật lệ phải được tuân hành khắp mọi nơi. Những gì liên quan đến luật Hội thánh thì đã được thiết lập, được thâu tóm và được trình bày trong bộ Giáo luật hiện hành. Những nguyên tắc luật định sẽ chi phối cách hành xử của mọi tín hữu Công giáo. Tuy nhiên, bộ Giáo luật cũng không thể bao quát hết mọi tình huống và mọi hoàn cảnh cụ thể của mọi nơi, mọi thời và của mọi dân tộc. Vì thế, ngay trong bộ Giáo luật cũng có những điều khoản dành cho những người có trách nhiệm trong Hội thánh tùy nghi thích ứng với những tình huống riêng biệt sao cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể.
Đây cũng là một điểm rất độc đáo trong luật Giáo hội vì nếu không có sự mềm dẻo để thích nghi thì Giáo luật lại trở thành một thứ khuôn khổ cứng nhắc áp đặt cách máy móc trên tất cả mọi người. Càng ngày xã hội càng mở ra cho những khám phá mới, tâm lý con người ngày nay cũng đa diện hơn, hoàn cảnh sống lại đa dạng cần những điều luật linh hoạt, uyển chuyển hơn. Một điều luật cứng nhắc dễ đưa tới cảm nghĩ Giáo hội độc đoán, cứng cỏi thiếu khoan dung và luật lệ trong Hội thánh không được coi là dụng cụ của bí tích cứu độ.
Do đó, cách ứng dụng một điều luật vào những tình huống xem ra giống nhau nhưng trong những môi trường mục vụ khác nhau mà những con người sống trong đó lại có cách nhìn, cách cảm nhận cũng vấn đề ấy một cách khác nhau, thì không phải lúc nào cũng như nhau được. Trong những trường hợp như vậy thì cách hành xử đúng nhất lại là làm thế nào cho tinh thần của luật luôn được tôn trọng cho dù phải có những quyết định khác nhau.
Hiểu được như thế bạn sẽ thấy rằng thái độ mục vụ khác nhau của các linh mục không những chỉ là dễ hiểu mà còn là cần thiết nữa. Nói thế không có nghĩa là những người trách nhiệm có thể hành động tùy tiện làm theo ý mình viện cớ là để thích nghi với hoàn cảnh thực tế. Có những điều luật đã có những qui định rõ ràng, có những chuẩn mực chặt chẽ thì không thể tùy nghi xử trí mà phải tuân hành theo những gì luật đã đề ra và không ai có quyền thay đổi trừ những người có thẩm quyền. Còn những điều luật nào dành để cho những người trách nhiệm hành xử theo nhu cầu mục vụ thì các ngài sẽ quyết định theo sự khôn ngoan và theo những yếu tố cụ thể của hoàn cảnh.
Bây giờ ta hãy quay về với trường hợp bạn vừa nêu ra để xem coi Giáo luật nói gì về việc rửa tội cho trẻ em.
Điều 868 của bộ Giáo luật 1983 qui định như sau:
§1. Để một nhi đồng rửa tội cách hợp pháp cần thiết phải:
1- Có sự đồng ý của cha mẹ, ít là của một trong hai, hoặc của người thế quyền cha mẹ theo luật;
2- Có hi vọng vững chắc là em bé sẽ được giáo dục trong đạo Công giáo. Nếu hoàn toàn không có hi vọng, thì phải hoãn việc rửa tội dựa theo các qui định của luật địa phương, sau khi đã cho cha mẹ biết lý do.
§2. Trong cơn nguy tử, một nhi đồng con của cha mẹ Công giáo, và thậm chí không Công giáo, có thể được rửa tội cách hợp pháp, cho dù trái ý cha mẹ.
Qua điều luật này chắc bạn cũng có thể rút ra một vài nhận xét:
– Việc rửa tội hoặc không rửa tội cho trẻ em không dựa trên tình trạng hôn phối của cha mẹ như bạn đã nêu lên mà dựa vào việc em có hi vọng được giáo dục trong đạo Công giáo không. Tuy nhiên tình trạng hôn phối cũng ảnh hưởng nhiều trong việc giáo dục con cái.
– Việc hoãn rửa tội còn phải dựa theo các qui định của luật Giáo hội địa phương nữa.
Cha xứ sẽ tùy theo hoàn cảnh cụ thể mà có thể hành xử theo phương thức ngài cho là tốt nhất phù hợp với những qui định của giáo phận. Ngài có thể hoãn việc rửa tội cho đến khi có được những bảo đảm cho việc giáo dục em bé trong đạo Công giáo và ngài cũng sẽ phải cho cha mẹ em nhỏ biết rõ lý do.
Đây là một trường hợp minh họa khá rõ nét cho tính uyển chuyển của luật để thích nghi với nhu cầu mục vụ.
Đến đây chắc bạn đã có thể có một cái nhìn xuyên suốt hơn về những khác biệt trong thái độ mục vụ. Nếu bạn có những thắc mắc, băn khoăn bạn có thể mở bộ Giáo luật để tham khảo và nếu cần, bạn có thể trao đổi và góp ý cách chân thành.
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.