Thánh Kinh bằng hình: Chúa nhật Phục Sinh năm A

 

 

 Chúa nhật, 20 tháng 04 năm 2014

Phúc Âm Ga 20, 1-9

Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.

Suy niệm về Phục Sinh không chỉ là nghĩ về một biến cố, nhưng là về một con người gắn liền với thân phận của ta. Con người ấy là Đức Ki-tô, ý nghĩa đích thực của đời ta. Cùng là những dấu hiệu bề ngoài nói lên việc Chúa Giê-su đã sống lại, nhưng mỗi người lại có những quyết đoán và thái độ khác nhau khi nhìn thấy những dấu chỉ ấy đã.  

Trước hết, bà Ma-ri-a Mác-đa-la “thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ” và bà nghĩ rằng xác Chúa đã bị ai đó đem đi đâu mất rồi.  Tiếp đến, ông Phê-rô và người môn đệ Chúa Giê-su thương mến cũng tới nơi mộ Chúa.  Mỗi người nhìn thấy những dấu chỉ sự Phục Sinh theo một cách riêng.  Người môn đệ Chúa thương mến thì “cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó”.  Còn ông Phê-rô lại “vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó và khăn che đầu Đức Giê-su”.  Cái nhìn của hai ông đã đưa các ông bước sang một lãnh vực linh thiêng:  “Ông đã thấy và đã tin”.  Đó chính là “bước nhảy vọt” của đức tin.  

Tự khả năng riêng, ta không thể vượt qua bước nhảy vọt đó để đi tới đức tin, nhưng cần phải có sự trợ giúp của Chúa là Kinh Thánh các ông mới hiểu được “Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết”.  Cùng với sự trợ giúp của Chúa cũng cần phải có sự cố gắng của ta. 

Không biết thánh sử Gio-an có ý gì khi ghi lại những cử chỉ của người môn đệ Chúa thương mến và ông Phê-rô là “cúi xuống” và “vào thẳng trong mộ”, nhưng ta lại nhận thấy những cử chỉ ấy thật cần thiết để giúp ta tiến đến đức tin.  Thực vậy, nếu ta không chịu “cúi xuống”, khiêm tốn nhìn nhận sự siêu việt của Chúa, ta sẽ chẳng bao giờ tin Chúa được.  Nếu ta không “vào thẳng trong mộ”, tức là vào trong con người của ta đã chết vì tội lỗi, ta cũng sẽ không thể tin lòng thương của Chúa muốn cứu độ ta.

Trong hành trình đức tin, những cái nhìn của bà Ma-ri-a, ông Phê-rô và người môn đệ Chúa thương đều cần thiết cả.  Nếu ta không thể nhận ra thực tại thiêng liêng đằng sau dấu chỉ, ta cần phải nhờ đến sự giúp đỡ của người khác, như bà Ma-ri-a đã chạy về gặp ông Phê-rô và người môn đệ Chúa thương.  Dấu chỉ đưa ta tới lòng tin luôn luôn có chung quanh ta hoặc ngay trong những biến cố và sinh hoạt cuộc sống ta.  Điều cần thiết là ta có muốn đọc những dấu chỉ ấy theo ân sủng của Chúa, theo ý nghĩa Kinh Thánh hoặc theo sự chỉ dạy của những người muốn giúp đỡ ta không.

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

Thánh Kinh bằng tiếng Việt

Thánh Kinh bằng tiếng Anh

 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi