Giới trẻ Công giáo Nhật: ‘Chúng tôi muốn tiếp cận mọi người’

Bạn Minori Takeuchi, một người trẻ công giáo Nhật, nói với Hãng tin CNA: “Hầu hết người dân Nhật đều không biết sự tồn tại của chúng tôi. Hoặc có thể là họ nghĩ chúng tôi theo một giáo phái nào đó. Họ liệt chúng tôi vào thành phần nguy hiểm, hay điên rồ. Dù họ không nói điều đó, nhưng chúng tôi biết họ nghĩ vậy.” Minori, 22 tuổi, là sinh viên đại học, người quản lý kênh truyền thông: “Tiếng nói Kitô Hữu Tokyo – Tokyo Christian Vox”, một kênh Youtube nhằm cung cấp nhiều nội dung hữu ích cho người Công giáo ở Nhật. Cô dịch, chia sẻ và tải lên các video về Giáo hội Công giáo cho thính giả biết tiếng Nhật. Cô cũng là sinh viên của Đại học Sophia, một trường đại học Công giáo hàng đầu Nhật Bản, nổi tiếng là đối thủ của Đại học Quốc gia Nhật.

CNA cũng nói chuyện với một nhóm các bạn trẻ lãnh đạo Giới trẻ Công giáo Nhật về tình trạng của Giáo hội và những vấn đề mà giới trẻ Công giáo đang phải đối diện ở Nhật.

Kazuki, 20 tuổi, sinh viên Đại học Sophia, cho biết: “Khi tôi còn học trung học cơ sở, tôi đã tham gia một câu lạc bộ bóng chày. Tôi không thể đến nhà thờ ngoại trừ lễ Phục sinh và Giáng sinh. Người Nhật không muốn tạo khác biệt với người khác.”

Juno Matsumoto, 22 tuổi, đang tham gia vào một câu lạc bộ bóng rổ trong khoảng thời gian chuẩn bị Rước lễ lần đầu. Để tham dự Thánh lễ Rước lễ lần đầu, cô đã phải từ bỏ một trận bóng rổ quan trọng. Đây là một chọn lựa rất hiếm, và thường không được chấp nhận, vì việc một người trẻ tham gia vào một câu lạc bộ rất được coi trọng tại Nhật. Cha mẹ Juno đã buộc cô phải bỏ trận đấu. Điều đó khiến cô rất buồn, và nó ảnh hưởng rất tiêu cực đối với cô và đội bóng của cô. Cô đã khóc và nhiều lần từ chối rước lễ. Cô chia sẻ: “Đến bây giờ tôi vẫn còn bị di chấn tinh thần về điều đó.”

Juno tin rằng sự phát triển mạng xã hội ở Nhật có thể giúp các bạn trẻ Công giáo cảm nhận sự việc như vậy là “bình thường”, và giúp họ phát triển một mạng lưới để kết nối các bạn trẻ Công giáo lại với nhau, và giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn tương tự.

Bạn Yuhki Iizaka, một người trẻ Công giáo, 26 tuổi ở Tokyo nói: “Tôi đã từng xa tránh Giáo hội khi tôi còn là một học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông”. Yuhki đã tham dự thánh lễ hàng tuần khi còn học tiểu học, nhưng khi chuyển sang trường trung học cơ sở thì văn hóa ở đó đã thay đổi anh.

Anh nói thêm: “Điều đưa tôi trở lại nhà thờ chính là âm nhạc. Một vài người thấy tôi biết đánh trống và đã mời tôi giúp họ trong một Thánh lễ dân gian. Tôi đã chơi trống và mọi người rất vui khi gặp lại tôi. Đối với tôi, âm nhạc là một sự nối kết với nhà thờ.”

Joshua Kurniawan, 24 tuổi, làm việc tại Tokyo và đang tham gia các sự kiện Công giáo hướng đến giới trẻ. Joshua nói với CNA: “anh đang mong chờ một cuộc hội thảo sắp diễn ra trong giới trẻ Công giáo, để bàn về việc sử dụng tài năng thiên bẩm của họ cho việc rao truyền đức tin. Hội thảo đó sẽ có một diễn giả đến từ Philippines, có việc ca hát và các hoạt động gắn kết những người tham dự. Tuy nhiên, bên cạnh những bạn trẻ sinh viên và lao động được gắn kết chặt chẽ trong một nhóm thuộc giáo xứ, thì vẫn còn có rất nhiều bạn ở bên ngoài, và không gắn kết hoàn toàn với nhóm.”

Naoya Okuda, 25 tuổi, là một người lãnh đạo sinh viên tại Đại học Sophia và giám sát một số cuộc trò chuyện nhóm trên ứng dụng nhắn tin phổ biến “Line”. Các cuộc trò chuyện thường hướng đến việc hình thành các nhóm hỗ trợ cho sinh viên Công giáo. Nhưng không phải ai đăng ký vào nhóm cũng hoạt động. Naoya nói: “Ở giáo xứ của tôi, một nửa trong số họ không đến nhà thờ. Họ không bình luận trên Line, họ không muốn đến. Chúng tôi có 60 hoặc 70 thành viên, nhưng một nửa trong số họ không đến. Nói họ không còn lòng nhiệt thành yêu mến thì không đúng lắm, nhưng có lẽ họ bận rộn với công việc, hay con cái.” Naoya cũng quản lý một nhóm sinh viên trên Facebook với 165 thành viên.

Shiori Kimura, 34 tuổi, một phụ nữ Công giáo làm giáo viên trường Mầm non ở Tokyo, điều hành một chương trình phát thanh trên Youtube có tên là “KatoRi – Đài phát thanh Công giáo”. Trong chương trình, cô thường xuyên nói chuyện với một linh mục về phụng vụ. Cả hai sử dụng chương trình như một cách để đưa những giáo lý căn bản của Công giáo đến người ngoài Công giáo, cũng như cố lôi kéo người Công giáo đến tham dự lễ Chúa nhật. Shiori nói với một nụ cười buồn, lịch sự: “Chúng tôi đang cố tiếp cận những người quá bận rộn, không thể đến nhà thờ”.

(Theo Timothy Nerozzi, Hãng Tin CNA)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi