Ở tuổi 99, sự dấn thân tận tụy của cha Roberto de Maracanaú trong ơn gọi linh mục có thể là một lời mời mỗi người chúng ta sống ơn gọi của mình trong cuộc sống, dù làm bất cứ công việc gì, luôn làm với cùng lòng quảng đại và kiên trì, dùng những ơn Chúa ban một cách có trách nhiệm.
Thông thường, khi nói về các ngôi sao internet, chúng ta thường nghĩ đến những người có các tài khoản trên các mạng xã hội, tương tác với nhiều người và có nhiều người thích các video, các thông tin họ đăng. Cha Roberto de Maracanaú thì ngược lại; cha không có tài khoản Facebook của riêng mình, nhưng các thông tin, hình ảnh về cha đã 3 lần “gây sốt” trên mạng xã hội này ở Braxin. Đó là những hình ảnh về các hoạt động đơn sơ hàng ngày trong sứ vụ linh mục của cha, được những người khác quay phim, chụp ảnh và đăng lên Facebook.
Cụ già 99 tuổi, tay chống gậy, bái gối chào Chúa
Hôm tháng 8 vừa qua (2019), một video quay cha Roberto chầm chậm và cách tôn kính, quỳ gối khi bước vào đền thánh Thánh Tâm ở Fortaleza, Braxin, nơi cha đã chịu chức linh mục gần 75 năm trước, ngày 1/10/1944. Đó là một cử chỉ đơn giản, nhiều người làm hàng ngày, nhưng nhìn thấy nó được thực hiện bởi một linh mục già 99 tuổi, chống gậy, lưng còng, thì lại là điều khác và cử chỉ này mang một thông điệp.
Lẽ ra ở tuổi của cha, với sức yếu của cha, cha không cần khó nhọc quỳ xuống, cha chỉ cần cúi đầu chào Chúa, nhưng trong tương quan với Chúa, cha không muốn những miễn giảm này. Cử chỉ của cha bày tỏ lòng tôn kính Chúa. Cha không biết là người khác đang quay phim mình, cha chỉ làm điều cha làm nhiều lần mỗi ngày, trong suốt 85 năm trong dòng tu Phanxicô và trong 75 linh mục. Có lẽ trong nhiều thập kỷ, nó đã trở thành một phản xạ, một thói quen mà cha không hoàn toàn ý thức, nhưng bây giờ rõ ràng hành động này đòi hỏi rất nhiều cố gắng, nó hoàn toàn là một hành động của ý chí. Cử chỉ của cha cho thấy cha đang ý thức mình ở trước mặt Chúa, cha muốn dành sự tôn kính tuyệt đối cho Chúa. Cha thực hiện cử chỉ bái gối với lòng kính yêu.
Cầu nguyện cho một cảnh sát
Cha Roberto là linh mục Capuchino cao niên nhất tại Brazil vẫn còn dâng Thánh lễ mỗi ngày và đều đặn đến thăm viếng các bệnh nhân tại các bệnh viện. Năm 2017, trong một lần cha được mời đến bệnh viện, người ta chụp được hình ảnh cha đang cầu nguyện cho một cảnh sát đang làm nhiệm vụ, cha đặt tay trên đầu người cảnh sát này. Tấm ảnh này cũng đã được đăng trên các mạng xã hội và được nhiều người chia sẻ.
Vừa đi kiệu thống hối vừa giải tội
Cha Roberto vẫn ngồi tòa giải tội. Năm 2016, giáo phận Fortaleza tổ chức một cuộc đi kiệu thống hối, với đoạn đường dài khoảng gần 7 cây số. Cha đã đi suốt đoạn đường và vừa đi vừa giải tội. Nhiều người ngạc nhiên về sức chịu đựng và dấn thân của cha. Các tấm ảnh về cha được phổ biến và chia sẻ rộng rãi trên các mạng xã hội và cả các trang báo. Một độc giả của báo Aciprensa viết: Mẫu gương của đức tin, yêu thương và trung thành với những việc của Thiên Chúa mà cha Roberto tỏ cho chúng ta thấy hôm nay, là thêm một bằng chứng về sự hiện diện thật sự và sống động của Thiên Chúa trong trái tim cha. Chúng ta phải theo gương cha!”
Một tu sĩ Capuchino gương mẫu
Trong suốt những năm thi hành sứ vụ của mình, cha Roberto đã là giáo sư triết học tại chủng viện, làm cha xứ, hiệu trưởng trường học, giám quản đền thánh Phanxicô và cha cũng đi truyền giáo tại Angola bên Phi châu. Cha Eduardo Janderson, phụ trách truyền thông của dòng Capuchino ở Ceara và Piaui, chia sẻ với báo điện tử ACI: “Cha Roberto là một gương mẫu thật sự của một tu sĩ Capuchino về đặc sủng của chúng tôi: nổi bật về sự khiêm nhường, tình huynh đệ, cầu nguyện và truyền giáo… Cha là một người đơn giản và khiêm tôn, và là mẫu gương của một tu sĩ, dù cho những giới hạn của tuổi già sức yếu, vẫn chào đón mọi người với tình yêu thương quý mến. Cha là gương mẫu trung thành và kiên trì trong cầu nguyện.”
Dùng những ơn Chúa ban một cách có trách nhiệm
Cha Roberto được Chúa ban cho sống lâu và có đủ sức khỏe để có thể tiếp tục sứ vụ linh mục một cách tích cực và cha đã dùng những ơn Chúa ban để tiếp tục phục vụ Chúa và Dân Người. Nhìn thấy sự dấn thân tận tụy trong ơn gọi linh mục, có thể là một lời mời mỗi người chúng ta sống ơn gọi của mình trong cuộc sống, dù làm bất cứ công việc gì, luôn làm với cùng lòng quảng đại và kiên trì, dùng những ơn Chúa ban một cách có trách nhiệm.
Hồng Thủy – Vatican
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.