Thánh Tôma Tông Đồ

Thánh Thomas (Tôma) Tông Đồ hay cũng còn được gọi là là Đi-đy-mô, xuất thân từ một gia đình nghèo túng tại Galilea, Do-thái. Tuy nhiên, không ai biết về ngày tháng năm sinh của Ngài, cũng không ai biết Ngài đã sinh ra tại địa điểm cụ thể nào ở Galilea. Theo tương truyền,


Kết quả hình ảnh cho không thấy mà tinNgài đã đến Mailapur, một khu vực thuộc thánh phố Madras của Ấn-độ ngày nay, và đã chết tại đó vào năm 72 sau Chúa Ki-tô với tư cách là một vị Tử Đạo. Ngài là một trong nhóm 12 Tông Đồ, tức những môn đệ thân tín nhất của Chúa Giê-su, đã đồng hành với Chúa Giê-su suốt ba năm trường với tư cách là những người bạn và những môn sinh (xc. Ga 15,15). Tên của Ngài được đặt theo tiếng Aram: ta’am (Thomas), có nghĩa là „một cặp“ hay „người được sinh đôi“. Vì thế, trong Kinh Thánh, Thomas cũng được gọi là Didymos, vì từ Thomas được dịch sang tiếng Hy-lạp là δίδυμος (didymos). Theo truyền thống Syria, Thánh Nhân cũng còn được gọi là Judas Thomas, vì tại đó, Thomas được hiểu là tên đệm, hay tục danh.

Trong các Giáo hội Công giáo, Chính thống giáo và Anh giáo, Thánh Thomas được tôn kính với tư cách là vị Thánh Tông Đồ Tử Đạo. Trong các Giáo hội Tin Lành cũng có ngày tưởng nhớ tới Ngài.

1.Hình ảnh của Thánh Thomas trong Kinh Thánh:

Thánh Thomas được cả bốn Tin Mừng nhắc tới trong bảng danh sách các Tông Đồ. Trong Tin Mừng Nhất Lãm, tức ba cuốn Tin Mừng đầu tiên, Ngài đứng bên cạnh Thánh Mát-thêu – viên quan ngành thuế (Mt 10,3; Mc 3,18; Lc 6,15). Trong sách Công Vụ Tông Đồ, người ta thấy Ngài đứng bên cạnh Tông Đồ Philiphê (Cv 1,13). Tin Mừng theo Thánh Gio-an đã cung cấp một số chi tiết đặc biệt về Thánh Nhân, mà những chi tiết đó đã mô tả một cách rõ nét về những tính cách nơi con người Ngài.

a.Thomas là người đa nghi:

Trước tiên, con đường dẫn tới việc tuyên xưng Đức Tin vào Con Thiên Chúa được trình bày nơi Thánh Thomas, dựa trên nền tảng căn bản phát xuất từ mối tương quan cá nhân của Ngài với Chúa Giê-su. Tin Mừng theo Thánh Gio-an (xc. Ga 20,19-29) đã cung cấp cho chúng ta một cái nhìn như thế:

Vào chiều ngày ấy, tức ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em! ” Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”

„Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.” Rồi Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Ông Tô-ma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con! ” Đức Giê-su bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!

Sở dĩ Thánh Thomas bị gọi là người „đa nghi“ là vì, như được trình bày trong đoạn văn Kinh Thánh nêu trên, trước khi tuyên xưng niềm tin của mình vào Chúa Giê-su Phục Sinh thì Ngài đã nghi ngờ về sự phục sinh của Chúa, cho tới khi chính Ngài tận mắt thấy được những vết đanh trên người của Đấng Phục Sinh.

b.„Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống“:

Một chi tiết tiếp theo về Thánh Thomas được ghi lại trong trình thuật về Bữa Tiệc Ly (xc. Ga 14,4). Trong Bữa Tiệc này, sau khi loan báo về cái chết đang đến gần của Ngài, Chúa Giê-su đã nói rằng, Ngài sẽ đi để dọn chỗ cho các Môn Đệ, để Ngài ở đâu thì các ông cũng sẽ được ở đó với Ngài; và Ngài đã giải thích cho các ông rằng: „Thầy đi đâu thì anh em cũng đã biết đường đến đó rồi“ (Ga 14,4). Nhưng Thánh Thomas đã xen vào và nói: „Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?“ (Ga 14,5). Câu hỏi của Thánh Nhân đã tạo điệu kiện cho Chúa Giê-su tuyên bố một lời rất nổi tiếng: „Thầy chính là đường, là sự thật và là sự sống“ (Ga 14,6).

c.“Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy!:

Thánh Thomas lại xuất hiện một lần nữa trong Tin Mừng trước khi Chúa Giê-su làm cho La-gia-rô phục sinh. Trong một khoảnh khắc đầy nguy ngập đối với cuộc sống của Ngài, Chúa Giê-su đã quyết định đi tới Bê-ta-ni-a để làm cho La-gia-rô được sống lại, và như thế, Ngài đã lên đường trong sự nguy hiểm, vì Bê-ta-ni-a nằm rất gần Giê-ru-sa-lem, nơi các thủ lãnh của dân đã quyết định làm mọi cách để khử trừ Chúa Giê-su (xc. Ga 10,22-39), do đó, chỉ cần nói tới đi đến Giê-ru-sa-lem thôi thì tất cả các môn đệ của Chúa Giê-su lẫn những người đi theo Ngài đều cảm thấy kinh hoàng và sợ hãi (xc. Mc 10,32). Trước sự quyết tâm của Chúa Giê-su và trước nỗi do dự của các Tông Đồ khác, Thánh Thomas đã nói với họ: „Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy!

2.Thánh Thomas đã nghi ngờ về cuộc Thăng Thiên của Đức Maria:

Theo tương truyền, Thánh Thomas cũng là một Tông Đồ duy nhất đã không có mặt trong cuộc Thăng Thiên của Đức Maria. Khi được các Tông Đồ khác thuật lại cho biết sự kiện vừa nêu, Ngài cũng đã tỏ ra nghi ngờ giống như Ngài đã từng nghi ngờ về cuộc Phục Sinh của Chúa Giê-su. Vì thế Đức Mẹ đã hiện ra với kẻ đa nghi này và trao cho Ngài dây thắt lưng của Mẹ như là bằng chứng về việc cả hồn lẫn xác của Mẹ đều đã được nghinh đón trên Thiên Đàng. Do đó, trong nền kiến trúc Barock, hình ảnh Đức Maria cầm dây thắt lưng chính là một Mô-típ rất được yêu chuộng và phổ biến trong nghệ thuật Ki-tô giáo.

3.Những tương truyền về hoạt động tông đồ của Thánh Thomas:

Cuốn Didache, tức cuốn Giáo Lý của các Thánh Tông Đồ – một trong những tác phẩm Ki-tô giáo cố nhất ngoài 27 cuốn sách của Tân Ước – xuất hiện vào khoảng năm 100 sau Chúa Ki-tô, chứa đựng những bằng chứng cổ nhất bằng văn bản về hoạt động truyền giáo của Thánh Thomas tại Ấn-độ. Theo cuốn sách này, Ngài đã thành lập Giáo hội tại Ấn-độ và tại những khu vực lân cận.

Khoảng một trăm năm sau, những tài liệu được gọi là những văn kiện về Thánh Thomas mới xuất hiện. Những tác phẩm này đã tường thuật lại một cách khá giống nhau về những công việc của Thánh Thomas, nhưng được thêu dệt thêm bởi rất nhiều những tình tiết giầu tính tưởng tượng, và có vẻ như bị ảnh hưởng nhiều bởi ngộ đạo thuyết.

Giáo phụ Ô-ri-gen cho biết rằng, trước tiên Thánh Thomas đã đến loan báo Tin Mừng tại Irak và Iran. Sau đó Ngài mới đến miền Nam Ấn-độ để hoạt động Tông Đồ, và vì những hoạt động truyền giáo của mình, nên Ngài đã bị giết tại Mailapur – một khu vực thuộc miền Nam Ấn-độ – vào năm 70 của thế kỷ thứ nhất. Người ta vẫn còn giữ được nhiều văn bản nói về những hoạt động của Thánh Thomas tại Ấn-độ, nhưng những văn bản đó xuất hiện sau thời Ô-ri-gen. Trong đó có những bản văn của Thánh Hieronymô (347-420), và của những người sống cùng thời với Ngài là Thánh Gaudentiô thành Brescia và Thánh Paulinô thành Nola (354-431).

Thánh Grêgôriô thành Tours (538-594) đã không chỉ cho chúng ta biết rằng, Thánh Thomas Tông Đồ đã hoạt động và chết tại Ấn-độ, nhưng còn cho biết thêm là, Ngài đã được mai táng tại đó trong một thời gian dài, và sau đó, các Thánh Tích của Ngài đã được chuyển tới Edessa, nhưng nơi có ngôi mộ nguyên thủy của Ngài vẫn còn được tiếp tục tôn kính tại Ấn-độ. Thánh Isidor thành Sevilla (560-636) cũng nói tương tự như thế về Thánh Thomas, và cũng nói về cách thức lãnh nhận ơn Tử Đạo của Ngài tại Ấn-độ.

Một truyền thống khác phát sinh tại Nam Ấn-độ, và có nguồn gốc từ thời các Thánh Tông Đồ, và luôn tồn tại từ đó tới nay, đã cho biết về những hoạt động truyền giáo của Thánh Thomas tại đó, và cho biết rằng, Ngài đã thành lập 7 giáo đoàn đầu tiên tại vùng duyên hải Malabar, cũng như cho biết về cuộc Tử Đạo của Ngài tại Mailapur nằm đối diện với vùng duyên hải Coromandel. Ngay cả truyền thống có tính địa phương của Ấn-độ về Thánh Thomas cũng xác nhận về việc các Thánh Tích của Ngài đã được chuyển một phần lớn về Edessa, mà tại đây, trong các cuộc khai quật sau sau này, người ta đã phát hiện ra một ít Thánh Tích vẫn còn sót lại của Ngài.

Ibas Edessa đã cho xây dựng một ngôi Thánh Đường tại quê hương của ông để tôn kính các Thánh Tích của Thánh Thomas. Còn hộp sọ được cho là của Thánh Thomas thì hiện tại đang được bảo quản trong Nhà Thờ Chính Tòa Sioni tại Tiflis, Giorgia, và được tôn kính tại đó bởi Giáo hội Tông Truyền Chính thống Giorgia như là Thánh Tích. Trong cuộc Thập Tự Chinh vào năm 1258, phần lớn Thánh Tích của Thánh Thomas đều được chuyển từ Edessa về Ortona, Ý, và những Thánh Tích đó vẫn đang được bảo quản tại đó cho tới tận ngày nay, trong một hòm đựng Thánh Tích đặt trong Nhà Nguyện nằm bên dưới Vương Cung Thánh Đường Ortona. Ngôi mộ nguyên thủy của Thánh Thoams tại Ấn-độ hiện đang là một điểm hành hương có sức lôi cuốn rất mạnh. Ngoài Vương Cung Thánh Đường kính Thánh Thomas được xây dựng ngay trên ngôi mộ trước đây của Ngài tại Mylapore, thuộc thành phố Chennai, thì tại khu vực phía Nam Ấn-độ cũng còn vô số những điểm hành hương khác, mà những điểm hành hương này đều có liên quan đến Thánh Thomas cũng như liên quan tới những hoạt động truyền giáo của Ngài tại đó. Sau đây là một số địa điểm nổi tiếng nhất:

1.Thánh Đường kính Thánh Thomas trên núi Chennai: đây là nơi mà theo tương truyền, Ngài đã Tử Đạo tại đó;

2.Thánh Đường kính Thánh Thomas nằm trên một ngọn núi nhỏ khác tại Chennai: đây là nơi mà theo tương truyền, Thánh Thomas đã đến ẩn náu tại đó trước khi chịu Tử Đạo;

3.Núi và Thánh Đường Malayattoor tại Kerala: đây là nơi được cho là Thánh Thomas đã đến sống ẩn dật tại đó trong một thời gian dài để cầu nguyện và suy niệm;

4.Thánh Đường Codungallur: theo tương truyền, nơi đây đã từng là một thành phố cảng nổi tiếng, và vào năm 52, Thánh Thomas đã cập bến tại đây, và là một trong bảy cộng đoàn nguyên thủy do Thánh Thomas thành lập. Một cánh tay của Thánh Nhân đang được tôn kính tại đây. Cánh tay này đã được chuyển đến từ Ortona, nước Ý, như là một món quà của Đức Pi-ô XII nhân dịp mừng kỷ niệm 1900 năm Ngày thánh Thomas đặt chân tới Ấn-độ.

5.Thánh Đường Palayur: đây là một trong bảy cộng đoàn nguyên thủy tại vùng duyên hải Malabar, và nguyên là một đền thờ của người Ấn giáo. Sau khi hầu hết các Giáo sĩ Bà-la-môn gia nhập Giáo hội Công giáo, Thánh Thomas đã biến ngôi đền này thành một ngôi Thánh Đường.

Theo một số truyền thống khác, mà những truyền thống này có lẽ có nguồn gốc từ ngộ đạo thuyết và từ phái Manichê, Thánh Thomas được coi là người anh em song sinh của Chúa Giê-su.

Thánh Thomas còn bị gán là tác giả của một cuốn Tin Mừng và của nhiều tác phẩm khác. Nhưng tất cả các tác phẩm này đều bị liệt vào số các sách Ngụy Thư.

4.Việc tôn kính Thánh Thomas:

Tại Châu Âu, ngoài việc được tôn kính với tư cách là Thánh Tông Đồ Tử Đạo, Thánh Thomas còn được tôn kính với tư cách là vị Bổn Mạng của những người làm nghề thợ nề và thợ mộc. Bên cạnh đó, Ngài còn được tôn kính là Bổn Mạng của các Thần Học Gia.

Trước đây Giáo hội mừng kính Thánh Thomas vào ngày 21 tháng 12, nhưng từ năm 1969, với cuộc cải tổ Phụng Vụ, Giáo hội đã mừng kính Ngài vào ngày mồng 03 tháng 07 với bậc Lễ Kính, tức Lễ Bậc II. Ngày mồng 03 tháng 07 được coi là ngày di chuyển các Thánh Tích của Thánh nhân từ nơi Ngài được phúc Tử Đạo, tức từ Kalamina về Edessa hồi thế kỷ thứ III.

Giáo hội Chính Thống giáo mừng kính Thánh Thomas vào ngày mồng 06 tháng 10.

Còn các Giáo hội Tin Lành thì vẫn tiếp tục mừng kính Thánh Thomas vào ngày 21 tháng 12.

Và Giáo hội Anh giáo cũng mừng kính Thánh Thomas vào ngày 21 tháng 12.

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi