Có được phép đem tro người chết thả ngoài sông, hồ hay biển được không?

Hỏi: xin cha giải đáp thắc mắc sau :

1-    Có được phép đem tro người chết thả ngoài sông, hồ hay biển được không?
2-    Khi rước Lễ,  có thể chỉ rước Mình Thánh hay Máu Thánh được không?
3-    Các tu sĩ  nam hay nữ  có được phép rửa tội và chứng hôn không?

Trả lời:

 

1- Có được phép bỏ tro người chết xuống hồ, sông hay biển ?

 

Trước hết, phải nói lại một lần nữa là việc chôn xác kẻ chết là một việc đạo đức được khuyến khích và tôn trọng từ xưa đến nay trong Giáo Hội và trong mọi nền văn hóa nhân loại. Riêng trong Giáo Hội Công Giáo, việc  đạo đức này được đặc biệt tôn trọng vì niềm tin “ xác loài người ngày sau sống lại”  (Kinh Tin Kính), cho nên phải được chôn cất cho xứng đáng với niềm tin này.Vì thế, ở khắp nơi trong Giáo Hội đều có các nghĩa trang được làm phép để chôn người chết  cho  con cháu, thân nhân  đến viếng thăm quanh năm , và  đặc biệt trong tháng cầu cho các linh hồn ( tháng 11 dương lịch). Ai viếng thăm nghĩa trang và cầu cho các linh hồn mà xác đang còn nằm ở đây thì được ân đại xá nhưng phải nhường lại ân huệ này cho các linh hồn thân nhân hay các linh hồn khác có xác đang nằm trong nghĩa trang. Đây là việc đạo đức  mà các tín hữu được khuyến khích siêng năng làm để cầu cho các linh hồn còn đang được thanh tẩy trong nơi Luyện tội ( Purgatory)

 

Trước  đây,  có thời  Giáo Hội  đã cấm thiêu xác người chết ( cremation) vì có bè rối ( heretics) chủ trương đốt xác kẻ chết để thách đố Giáo Hội xem còn  lấy  gì để tin xác kẻ chết sẽ  sống lại  như Giáo Hội dạy. Sau này bè rối đó tan và từ sau Công Đông Vaticanô  II ( 1962-65) đến nay,  Giáo Hội lại cho phép đốt xác nhưng phải tin rằng dù xác chết tan trong lòng đất hay tan  thành tro bụi  khi  đem thiêu,  thì vẫn được quyền năng của Thiên Chúa cho sống lại  hiệp cùng linh hồn để vào Nước Trời hưởng hạnh phúc Thiên Đàng hay bị phạt trong nơi gọi là hỏa ngục.( hell) trong ngày cánh chung.( . Mt 25 : 31-46)

Giáo Lý và giáo luật của Giáo Hội đều dạy phải tôn kính thi hài của người quá cố  được an táng trong nghĩa trang Công giáo để chờ ngày sống lại.

 

Nếu chọn hỏa táng ( cremation)  thì việc này không được làm trái với niềm tin của Giáo Hội về sự sống lại của kẻ chết. ( giáo luật số 1176; SGLGHCG số 1684- 1690). Nghĩa là  phải tin rằng dù xác kẻ chết đã ra tro bụi, thì  vẫn được sống lại cùng với linh hồn trong ngay sau hết như  đã nói ở trên. Vì thế, tro của người hỏa táng cũng phải được  tôn kính như xác chôn ngoài nghĩa địa. Nghĩa là phải cất giữ tro này ở nơi xứng đáng, hoặc  ở tư gia hay trong nhà thờ  nào có nhận cất giữ tro của người  hỏa táng. Nghĩa là  không được phép mang tro này ra trải ngoài sông, ao hồ hay biển cả, như những người không có niềm tin vào sự sống  lại của kẻ chết đang làm. Vì không tin,  nên  họ đã trải  tro của thân nhân họ ra sông , hồ hay biển cả , vì cho rằng  con người là hư không, chết là hết, nên thả tro ra sông,  biển  để nói lên sự hư không này của thân phận con người.

 

Ngược lại, vì người Công Giáo tin xác loài người sẽ sống lại, nên xác chết phải được giữ gìn trong nghĩa trang hay trong các hộp tro để cho con cháu, thân nhân viếng thăm và cầu nguyện. Vậy nếu đem  tro của người  chết  trải ra ngoài sông, biển thì lấy  đâu ra nơi cụ thể để viếng thăm đặc biệt trong tháng cầu cho các linh hồn.  Nghiêm trọng hơn nữa là nếu đem trải tro người chết ra sông, hay  biển thì vô tình chia sẻ niềm tin của những người không tin có sự sống lại của thân xác hay sao ?

 

2- Có được phép chỉ rước Máu Thánh Chúa Kitô trong Thánh lễ ?

 

Từ  xa xưa, việc rước Lễ của giáo dân chỉ trong giới hạn rước Mình Thánh Chúa mà thôi, vì Giáo Hội dạy rằng Chúa Kitô hiện diện trọn vẹn trong hình bánh,và chỉ có linh mục cử hành Thánh lễ được rước cả hai Mình và Máu Thánh Chúa.

 

Nay  vì muốn diễn tả cách trọn vẹn  ý nghĩa Thánh Lễ, về một phương diện,  là bữa ăn cuối  cùng của  Chúa Giêsu với 12 Tông Đồ. Trong Bữa Ăn lịch sử này, Chúa đã lập Bi tích Thánh  Thể  khi biến bánh và rượu thành Mình Máu Người cho các Tông  Đồ  ăn và uống lần đầu tiên.Vì thế , ngày nay Giáo Hội cho  phép  giáo dân  được rước cả hai hình thức Thánh Thể  là bánh và rượu đã được truyền phép (consecrated) trong Thánh Lễ. Nhưng ở  các  Giáo Hội  địa phương ( Giáo phận) các Giám mục vẫn có toàn quyền để cho phép rước Thánh thể  cả hai hình thức hay một hình thức như cũ..

 

Tuy nhiên,  ở nơi nào cho rước cả hai hình thức Thánh Thể, thì  giáo dân, hoặc chọn rước cả hai hay chỉ một Mình Thánh mà thôi. Nghĩa là không được chọn rước một hình thức là Máu Thánh  mà không rước Mình Thánh. Nói rõ hơn , rước  một Mình Thánh thì được , nhưng không được phép chỉ rước Máu Thánh không thôi.

 

Tuy nhiên, trong trường hợp một bệnh nhân không thể rước Mình Thánh vì không nuốt được chất đặc nào qua miệng, thì có thể  chỉ cần rước Máu Thánh là đủ.

 

Riêng  hàng tư tế , tức linh mục và Giám mục,  thì buộc phải rước cả hai hình thức Thánh Thể  khi  chủ tế hay đồng tế Thánh Lễ.

 

3-  Tu Sĩ có được phép rửa tội, xức dầu và chứng hôn không ?

 

Trước khi trả lời câu hỏi này, cần phân biệt như sau:

 

Tu sĩ ( religious)  là  những  người có ba lời khấn  khó nghèo, khiết tịnh ( chastity)  và vâng phục  trong một  Tu Hội hay Nhà Dòng  được thành lập đúng theo giáo luật.

 

Giáo sĩ ( clerics) là những người có chức thánh như Phó tế, Linh mục và Giám mục. Giáo sĩ chỉ có  hai lời khấn là khiết tịnh ( độc thân)   và vâng phục  mà thôi. Giáo sĩ không phải là Tu sĩ. Nhưng  nam tu sĩ có thể  trở  thành giáo sĩ  nếu có các chức thánh nói trên, mặc dù vẫn thuộc hàng tu sĩ, vì có ba lời khấn  trong Tu Hội hay Nhà Dòng liên hệ. Giáo sĩ thì thuộc về một địa phận dưới quyền của một Giáo mục,  và được gọi là các linh mục triều ( diocesan priests), trong khi các tu sĩ  linh mục thì được gọi là các linh mục Dòng ( religious priests),

 

 Liên quan đến câu hỏi đặt ra, nếu chỉ là Tu sĩ ( religious ) có lời khấn Dòng mà không có chức Phó tế, Linh mục hay giám mục, thì không ai được phép cử hành bất cứ bí tích nào. Phải nói rõ điều này vì ở một địa phương kia, có cha xứ đã cho một nữ tu rửa tội cho trẻ em ở nhà thờ trước sự chứng kiến của cha xứ ! và cả  hai đã bị bề trên liên hệ khiển trách nặng,  vì đã làm việc hoàn toàn sai  trái về kỷ luật  bí tích của Giáo Hội.

 

Nhưng  nếu Tu sĩ cũng là giáo sĩ ( nam tu sĩ), nghĩa là có chức linh mục hay giám mục thì  vẫn có năng quyền để cử hành các bí tích  như mọi  giáo sĩ.  Dĩ nhiên, linh mục Triều hay Dòng, muốn làm mục vụ trong giáo hội địa phương ( giáo phận),  thì phải có phép của Đấng bản quyền địa phương, nghĩa là phải xin năng quyền ( faculties) của Tòa Giám mục.

 

Tuy nhiên trong trường hợp khẩn cấp, nguy tử, thì tu sĩ ( nam nữ)  hay giáo dân đều có thể được phép rửa tội ở bất cứ nơi nào, nhưng phải theo đúng công thức của Giáo Hội, nghĩa là  phải  có  nước và  đọc công thức Chúa Ba Ngôi.

 

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi