Mong lúa trổ bông

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm 

Giáo phận Mỹ Tho vừa có thêm một nhà thờ mới là nhà thờ Đức Huệ, tại thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Cách đây 3 năm, khi cha sở Hiệp Hòa lên Tòa giám mục xin phép tôi để xây nhà thờ Đức Huệ, tôi hình dung sẽ chỉ là ngôi nhà thờ nhỏ. Cách đây 1 năm, khi có dịp đến thăm công trình xây nhà thờ, tôi ngỡ ngàng khi thấy một công trình lớn trên khu đất rộng. Và hôm nay càng ngỡ ngàng hơn nữa khi đến đây làm lễ cung hiến thánh đường: một ngôi nhà thờ nguy nga với 3 ngọn tháp cao vút trên nền trời, nội thất nhà thờ rộng rãi, khang trang và thoáng mát giữa khung cảnh thiên nhiên gần gũi của miền Tây sông nước.

Hình nhà thờ mới

Giáo xứ Đức Huệ chọn ngày 8/12, lễ Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội, để cử hành lễ cung hiến, và chính ngày lễ này giúp các tín hữu hiểu được ý nghĩa đích thực của nhà thờ.

Tin Mừng Lc 1, 26-38 kể lại việc sứ thần Gabriel được sai đến một làng quê nhỏ bé là Nazareth để gặp một thiếu nữ tên là Maria sống tại đó. Đức Mẹ chỉ là một thôn nữ bình thường trong ngôi làng nhỏ bé miền quê chứ không phải ở thủ đô Giêrusalem, ấy thế mà người thôn nữ nhỏ bé đó lại trở thành “người có phúc hơn mọi người nữ”. Ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội cũng phát xuất từ đây. Lý do duy nhất là vì “Giêsu con lòng bà gồm phúc lạ”: Thiên Chúa đã làm người trong lòng Mẹ, Mẹ trở thành Đền thờ của Thiên Chúa hằng sống, Mẹ được gọi là theotokos – Mẹ Thiên Chúa, vì thế Mẹ là người có phúc nhất trên đời.

Cũng vậy, điều làm cho một ngôi nhà thành Nhà thờ không phải vì là công trình kiến trúc to lớn hoặc được làm bằng chất liệu quý giá, nhưng vì đây là Nhà của Chúa và đó là lý do Hội Thánh cử hành lễ cung hiến thánh đường. Ý thức đó phải thúc đẩy các tín hữu Công giáo biết gìn giữ và trân trọng Nhà thờ, tuyệt đối không sử dụng Nhà thờ vào những việc bất xứng.

Điều đặc biệt khác nữa là Nhà thờ Đức Huệ là ngôi nhà thờ đầu tiên được xây dựng tại huyện Đức Huệ. Cuối Thánh Lễ, tôi cảm ơn chính quyền các cấp đã tạo điều kiện cho việc xây nhà thờ, đồng thời nói lên suy nghĩ của tôi về các sinh hoạt tôn giáo của người Công giáo. Những sinh hoạt này không những để bày tỏ tâm tình thờ phượng Thiên Chúa nhưng còn để giáo dục con người: đào tạo những người Công giáo tốt, mến Chúa yêu người, tôn trọng ích chung, xa tránh tệ nạn xã hội, biết nghĩ đến người khác hơn là chỉ lo cho bản thân mình. Những người Công giáo như thế sẽ góp phần xây dựng một xã hội công bằng và văn minh mà mọi người đều mong ước.

“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy các con hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10,2). Ước mong Nhà thờ Đức Huệ sẽ mở ra mùa gặt mới trên vùng đất này.

Nguồn: giaophanmytho.net

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi