Sáng thứ Tư 18/05, tại quảng trường thánh Phêrô, Đức Thánh đã có buổi tiếp kiến chung hằng tuần với bài giáo lý tiếp theo trong loạt bài về tuổi già. Đức Thánh Cha nói về hình ảnh của ông Gióp. Trong đau khổ, ông đã phản kháng với Thiên Chúa, đã thốt ra tất cả những lời cay đắng của ông với Chúa và đây là một cách cầu nguyện.
Đoạn Sách Thánh được đọc bài giáo lý được trích từ đoạn cuối của sách Gióp.
Ông Gióp thưa với Đức Chúa: Con biết rằng việc gì Ngài cũng làm được, không có gì Ngài đã định trước mà lại không thành tựu. […] Con đã nói dù chẳng hiểu biết gì về những điều kỳ diệu vượt quá sức con. Trước kia, con chỉ được biết về Ngài nhờ người ta nói lại, nhưng giờ đây, chính mắt con chứng kiến. Vì thế, điều đã nói ra, con xin rút lại, trên tro bụi, con sấp mình thống hối ăn năn. Đức Chúa giáng phúc cho những năm cuối đời của ông Gióp nhiều hơn trước kia. Sau đó, ông Gióp còn sống thêm một trăm bốn mươi năm nữa, ông được thấy con cái cháu chắt đến bốn đời. (G 42,1-6.12.16)
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha.
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Đoạn Kinh Thánh chúng ta vừa nghe khép lại Sách Gióp, một đỉnh cao của nền văn chương nhân loại. Chúng ta gặp ông Gióp trên hành trình những bài giáo lý về tuổi già: chúng ta gặp ông như một nhân chứng cho đức tin không chấp nhận một “hình ảnh biếm họa” về Thiên Chúa, nhưng gào lên sự phản kháng của ông khi đối mặt với sự dữ, cho đến khi Thiên Chúa đáp lại và mạc khải khuôn mặt của Người. Và cuối cùng, Thiên Chúa đáp lời, một cách đáng ngạc nhiên như thường lệ: Người cho Gióp thấy vinh quang của Người nhưng không đè bẹp ông, ngược lại, với sự dịu dàng trổi vượt. Cần phải đọc kỹ các trang của cuốn sách này, không định kiếnvà sáo rỗng, để nắm bắt được sức mạnh của tiếng kêu của Gióp. Sẽ rất tốt nếu chúng ta đặt mình nơi trường hợp của Gióp, để vượt qua cám dỗ của chủ nghĩa duy đạo đức khi đối diện với sự bực tức và chán nản vì nỗi đau mất tất cả.
Trong đoạn kết của cuốn sách – khi cuối cùng Thiên Chúa đáp lời – Gióp được ca ngợi vì hiểu được mầu nhiệm sự dịu dàng của Thiên Chúa ẩn sau sự im lặng của Người. Thiên Chúa quở trách những người bạn của Gióp, những người cho rằng họ biết mọi sự, về Thiên Chúa và về đau khổ, và khi đến để an ủi Gióp, rốt cuộc họ lại phán xét ông bằng những khuôn mẫu sẵn có của họ. Xin Chúa gìn giữ chúng ta khỏi thói đạo đức giả hình và trịch thượng này!
Đây là cách Chúa bày tỏ chính mình ra cho họ. Chúa nói thế này: “Ta bừng bừng nổi giận với [các ngươi] […] bởi vì các ngươi đã không nói đúng đắn về Ta như Gióp, tôi tớ của Ta […]”, Chúa nói với các bạn của Gióp như thế. “Gióp, tôi tớ của Ta, sẽ chuyển cầu cho các ngươi. Ta sẽ đoái nhìn nó và sẽ không xử với các ngươi xứng với sự ngu xuẩn của các ngươi, vì các ngươi đã không nói đúng đắn về Ta như Gióp, tôi tớ của Ta” (42,7-8). Lời tuyên bố của Thiên Chúa làm chúng ta ngạc nhiên, vì chúng ta đã đọc những trang phản kháng gay gắt của Gióp, khiến chúng ta khiếp đảm. Tuy nhiên – Chúa nói – Gióp đã nói đúng, thậm chí khi ông tức giận và ngay cả tức giận với Chúa, nhưng ông nói đúng, bởi vì ông từ chối chấp nhận rằng Thiên Chúa là một “Kẻ bách hại”. Thiên Chúa phải khác. Người là ai? Và ông Gióp đã đi tìm kiếm. Và như một phần thưởng, Thiên Chúa trả lại gấp đôi tất cả tài sản cho Gióp, sau khi yêu cầu ông cầu nguyện cho những người bạn xấu của ông.
Bước ngoặt của việc hoán cải đức tin diễn ra chính vào thời điểm đỉnh cao những lời của Gióp, khi ông nói: “Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất. Sau khi da tôi đây bị tiêu hủy, thì với tấm thân này, tôi sẽ được ngắm nhìn Thiên Chúa. Chính tôi sẽ được ngắm nhìn Người, Đấng mắt tôi nhìn thấy không phải người xa lạ”(19,25-27). Đoạn này thật đẹp. Tôi nhớ phần cuối bản nhạc Mêsia hùng hồn của Handel, sau cao trào Allelujah, bè cao từ từ hát đoạn này: “Tôi biết rằng Đấng Cứu Chuộc tôi đang sống”, với sự bình an. Và như thế, sau tất cả mọi đau khổ và niềm vui của Gióp, thì tiếng nói của Chúa là một điều khác. “Tôi biết rằng Đấng Cứu Chuộc tôi đang sống”: đó là một điều tuyệt đẹp. Chúng ta có thể chú giải câu đó thế này: “Lạy Chúa, con biết rằng Ngài không phải là Kẻ bách hại. Thiên Chúa của con sẽ đến và thực thi công lý cho con”.
Dụ ngôn trong sách Gióp trình bày một cách kịch tính và là ví dụ cho những gì thực sự xảy ra trong cuộc sống. Nói cách khác, những thử thách quá nặng nề đối với một người, một gia đình hay một dân tộc, vượt quá sự nhỏ bé và yếu đuối của con người. Trong cuộc sống thường xảy ra, như người ta nói, “đã nghèo lại gặp cái eo”. Và một số người bị choáng ngợp bởi những sự dữ xuất hiện thực sự quá sức và bất công.
Tất cả chúng ta đều biết đến những người như thế. Chúng ta xúc động bởi tiếng khóc của họ, nhưng chúng ta cũng thường ngạc nhiên về sự kiên vững của đức tin và tình yêu của họ trong sự thinh lặng của họ. Tôi nghĩ đến cha mẹ của những đứa trẻ bị khuyết tật nặng, những người đang sống với bệnh tật vĩnh viễn hoặc người thân bên cạnh họ… Những hoàn cảnh thường trầm trọng hơn do sự khó khăn về kinh tế. Trong một số điểm nối của lịch sử, những gánh nặng quá mức này dường như dồn lại vào một điểm. Đây là những gì đã xảy ra trong những năm gần đây với đại dịch Covid-19 và những gì đang xảy ra hiện nay với cuộc chiến ở Ucraina.
Liệu chúng ta có thể biện minh cho những “điều quá sức” này như một sự hợp lý cao siêu của tự nhiên và lịch sử không? Liệu chúng ta có thể chúc lành tôn giáo cho những điều đó như thể chúng là quả báo do tội lỗi của các nạn nhân, như thể họ đáng phải chịu không? Chúng ta không thể. Các nạn nhân có một loại quyền phản kháng khi đối diện với sự dữ, đó là quyền Thiên Chúa ban cho bất cứ ai, thậm chí tự thẳm sâu do chính Thiên Chúa khơi lên.
Đôi khi tôi gặp những người đến với tôi và nói: “Thưa cha, con đã phản kháng với Chúa vì con có vấn đề này, vấn đề kia …”. Nhưng bạn thân mến, bạn biết đấy, sự phản kháng đó cũng là một cách cầu nguyện, khi nó được thực hiện như thế. Khi đứa con phản kháng cha mẹ chúng, đó là một cách để thu hút sự chú ý và xin cha mẹ chăm sóc chúng. Nếu bạn có những vết thương trong lòng, những nỗi đau và bạn cảm thấy muốn phản kháng, ngay cả phản kháng đối với Chúa, Chúa sẽ lắng nghe bạn, Chúa là Cha, Chúa không sợ lời cầu nguyện phản kháng của chúng ta. Chúa hiểu điều đó. Hãy tự do, hãy tự do trong lời cầu nguyện của bạn, đừng giam hãm lời cầu nguyện của bạn trong những khuôn mẫu định sẵn! Đừng! Lời cầu nguyện phải thật tự phát, giống như của một người con với cha mình, nói ra tất cả mọi sự bởi vì nó biết cha sẽ hiểu điều đó. “Sự im lặng” của Thiên Chúa, trong thời điểm đầu tiên của thảm kịch, có nghĩa là điều này. Thiên Chúa sẽ không né tránh đối diện, nhưng ngay từ đầu, Người đã để cho Gióp thốt ra sự phản kháng của mình và Chúa lắng nghe. Có lẽ, đôi khi, chúng ta cần phải học Thiên Chúa về sự tôn trọng và sự dịu dàng này. Thiên Chúa không thích bách khoa từ điển, như người ta thường nói, để biện giải và suy tư như các bạn của Gióp đã làm. Cách múa lưỡi đó không thích hợp. Đó là một thứ tôn giáo giải thích tất cả, nhưng trái tim vẫn giá lạnh. Thiên Chúa không thích điều đó. Nhưng Chúa thích sự phản kháng của Gióp hay sự thinh lặng của ông.
Lời tuyên xưng đức tin của Gióp – nổi lên từ chính lời khẩn cầu không ngừng của ông lên Thiên Chúa, công lý tối cao – cuối cùng được kiện toàn với một kinh nghiệm gần như thần bí, khiến ông phải thốt lên: “Trước kia, con chỉ được biết về Ngài nhờ người ta nói lại, nhưng giờ đây, chính mắt con chứng kiến.” (42,5). Bao nhiêu người trong chúng ta sau một kinh nghiệm đau đớn, có phần mờ tối, nó đã cho chúng ta tiến thêm một bước và biết về Chúa hơn! Và chúng ta có thể nói rằng, như Gióp, “con đã nghe người ta nói một chút về Chúa, nhưng bây giờ con đã thấy Chúa, vì con đã gặp Ngài”. Lời chứng này đặc biệt đáng tin khi mang lấy tuổi già, trong sự mong manh và mất mát ngày càng tăng. Người già đã thấy nhiều trong cuộc sống! Và họ cũng thấy sự bất nhất trong lời hứa của con người. Những người theo luật, theo khoa học, và thậm chí theo tôn giáo, nhầm lẫn kẻ bách hại với nạn nhân, khi quy cho nạn nhân toàn bộ trách nhiệm về nỗi đau của họ. Những người này đã sai!
Những người già tìm ra con đường chứng tá này, hoán chuyển sự oán trách vì mất mát thành sự kiên trì chờ đợi lời hứa của Thiên Chúa. Họ là thành lũy vững chắc cho cộng đoàn trong việc đối diện với cái quá mức của sự dữ. Cái nhìn của tín hữu hướng về Thánh giá học được điều này. Chúng ta có thể học được điều đó từ các ông bà, từ nhiều người cao tuổi, như Đức Maria, kết hiệp những lời cầu nguyện của họ, đôi khi xé lòng, với lời cầu nguyện của Con Thiên Chúa, Đấng đã phó mình cho Cha trên thập giá.
Chúng ta hãy nhìn người già, nhìn bằng tình yêu, nhìn vào kinh nghiệm của họ, những người đã phải chịu đau khổ rất nhiều trong cuộc sống, những người đã học được rất nhiều điều trong cuộc sống. Họ đã trải qua rất nhiều và cuối cùng có được bình an này, một điều gần như thần bí, nghĩa là sự bình an của cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, và nói rằng: “Con đã biết Chúa qua những lời người ta nói, nhưng bây giờ chính mắt con đã nhìn thấy Chúa”. Những người già này có được sự bình an giống như sự bình an của Con Thiên Chúa trên Thánh giá, Đấng phó mình cho Cha.
Nguồn: vaticannews.va/vi/
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.