Tham dự Thánh lễ Chúa nhật II mùa Phục Sinh – cũng là Đại lễ ‘Lòng Chúa thương xót’ – chúng ta sẽ cùng suy niệm bài Tin Mừng dưới đây:
“Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: “Bình an cho các con”. Đoạn Người nói với Tôma: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Tôma thưa rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” Chúa Giêsu nói với ông: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin” (Ga 20,26-28).
Đoạn Tin Mừng này đã được minh hoạ thật sống động trong bức tranh sơn dầu “Thánh Tôma cứng lòng” của François-Joseph Navez:
– Đôi tay Tôma run rẩy chạm vào cạnh sườn Chúa;
– Ánh mắt Tôma đầy cảm xúc, nhìn vào vết thương ở cạnh sườn ấy như nhìn thấy chính trái tim của Chúa, và choáng ngợp hạnh phúc vì bắt gặp được cả một kho tàng vô giá của đời mình là Thánh Tâm Chúa Giêsu.
– Đôi cánh tay của Chúa Giêsu phục sinh giang ra như muốn mở hết con tim để trao ban trọn vẹn cho Tôma và cho toàn nhân loại.
Tác phẩm “Thánh Tôma cứng lòng” tuyệt diệu này được François-Joseph Navez vẽ theo trường phái Tân Cổ Điển.
Những bức tranh của trường phái này thường được sơn phết một cách tỉ mỉ, với bề mặt thật mịn màng, nhằm giấu đi những vệt màu của họa sĩ. Chúng làm cho người xem có cảm tưởng như đang nhìn xuyên qua khung tranh mà đi vào thế giới thật.
Những nhân vật trong tranh được vẽ như hình chụp, và còn đẹp hơn hình chụp rất nhiều, với bố cục hoàn hảo, mầu sắc hài hoà và những xúc cảm của các nhân vật được bộc lộ rõ nét qua những cử chỉ thật chuẩn mực, với những cơ bắp được vẽ rất đúng với khoa giải phẫu học.
Đặc biệt là những nếp áo được hoạ lại thật công phu như đang chuyển động theo từng động tác của nhân vật (xem tranh “Tàn sát trẻ thơ ở Bêlem” của François-Joseph Navez dưới đây).
Hoạ sĩ François-Joseph Navez sinh năm 1787 tại Bỉ. Là con của một phó thị trưởng, năm 16 tuổi ông bắt đầu học vẽ tại trường Hội Hoạ Hàn Lâm của Bỉ và lập tức nổi tiếng với nhiều giải thưởng.
Ông từng học hỏi với Jacques-Louis David, một hoạ sĩ tân-cổ-điển lừng danh, đồng thời mê say nét vẽ của Jean-Auguste-Dominique Ingres. Tranh của ông đậm nét tân-cổ-điển tả thực, và về sau, có thêm tính cách của trường phái lãng mạn.
Ông là một hoạ sĩ thành công, có phòng triển lãm thường trực, đạt được nhiều giải nghệ thuật. Năm 1830, ông được chọn làm giám đốc trường Hội Hoạ Hàn Lâm của Bỉ và từ chức năm 1859.
Hoạ sĩ François-Joseph Navez
Về già bị lãng tai, ông thường trao đổi với thân hữu bằng thư từ. Những lá thư này đã trở thành nguồn thông tin phong phú về sinh hoạt hội hoạ giữa thế kỷ 19. Ông qua đời năm 82 tuổi.
Vi Hữu
Tổng hợp từ: Encyclopedie de Larouse,
Web Gallery of Art, Wikipedia, Designs.vn
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.