Ga 18, 1-19. 42
“Sự Thương Khó Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”
Bài Thương Khó Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, theo Thánh Gioan:
Bấy giờ, Đức Giê-su đi ra cùng với các môn đệ, sang bên kia suối Kít-rôn. Ở đó, có một thửa vườn, Người cùng với các môn đệ đi vào.2 Giu-đa, kẻ nộp Người, cũng biết nơi này, vì Người thường tụ họp ở đó với các môn đệ.3 Vậy, Giu-đa tới đó, dẫn một toán quân cùng đám thuộc hạ của các thượng tế và nhóm Pha-ri-sêu; họ mang theo đèn đuốc và khí giới.4 Đức Giê-su biết mọi việc sắp xảy đến cho mình, nên tiến ra và hỏi: “Các anh tìm ai? “5 Họ đáp: “Tìm Giê-su Na-da-rét.” Người nói: “Chính tôi đây.” Giu-đa, kẻ nộp Người, cũng đứng chung với họ.6 Khi Người vừa nói: “Chính tôi đây”, thì họ lùi lại và ngã xuống đất.7 Người lại hỏi một lần nữa: “Các anh tìm ai? ” Họ đáp: “Tìm Giê-su Na-da-rét.”8 Đức Giê-su nói: “Tôi đã bảo các anh là chính tôi đây. Vậy, nếu các anh tìm bắt tôi, thì hãy để cho những người này đi.”9 Thế là ứng nghiệm lời Đức Giê-su đã nói: “Những người Cha đã ban cho con, con không để mất một ai.”
10 Ông Si-môn Phê-rô có sẵn một thanh gươm, bèn tuốt ra, nhằm người đầy tớ vị thượng tế, mà chém đứt tai phải của y. Người đầy tớ ấy tên là Man-khô.11 Đức Giê-su nói với ông Phê-rô: “Hãy xỏ gươm vào bao. Chén mà Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống? “
12 Bấy giờ toán quân và viên chỉ huy cùng đám thuộc hạ của người Do-thái bắt Đức Giê-su và trói Người lại.13 Trước tiên, họ điệu Đức Giê-su đến ông Kha-nan là nhạc phụ ông Cai-pha. Ông Cai-pha làm thượng tế năm đó.14 Chính ông này đã đề nghị với người Do-thái là nên để một người chết thay cho dân thì hơn.
15 Ông Si-môn Phê-rô và một môn đệ khác đi theo Đức Giê-su. Người môn đệ này quen biết vị thượng tế, nên cùng với Đức Giê-su vào sân trong của tư dinh vị thượng tế.16 Còn ông Phê-rô đứng ở phía ngoài, gần cổng. Người môn đệ kia quen biết vị thượng tế ra nói với chị giữ cổng, rồi dẫn ông Phê-rô vào.17 Người tớ gái giữ cổng nói với ông Phê-rô: “Cả bác nữa, bác không thuộc nhóm môn đệ của người ấy sao? ” Ông liền đáp: “Đâu phải.”18 Vì trời lạnh, các đầy tớ và thuộc hạ đốt than và đứng sưởi ở đó; ông Phê-rô cũng đứng sưởi với họ.19 Vị thượng tế tra hỏi Đức Giê-su về các môn đệ và giáo huấn của Người. 42 Vì hôm ấy là ngày áp lễ của người Do-thái, mà ngôi mộ lại gần bên, nên các ông mai táng Đức Giê-su ở đó.
Sứ điệp: Thập Giá Chúa Giêsu không phải là dấu hiệu của sự thất bại tủi nhục mà là biểu hiệu của toàn thắng vinh quang. Thập giá là ngai tòa vua Giêsu tình yêu hiển thắng trong sứ mệnh cứu độ nhân loại.
- Ghi nhớ:“Đức Giêsu nói: “Thế là đã hoàn tất!”. Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí” (Ga 18,30).
- Suy niệm: Tưởng niệm Chúa Giêsu chết. Thánh Gioan nhấn mạnh ý nghĩa cái chết của Chúa Giêsu: thân xác đã chết, đã được tôn vinh, là nguồn suối phát sinh mọi ân huệ thiêng liêng của Thánh thần, đem lại sự sống mới cho tín hữu. Tuy nhiên, Thập giá vẫn mãi mãi là một mầu nhiệm. Tại sao một Thiên Chúa uy quyền lại có thể chịu chết cách nhục nhã trên thập giá ? Thiết nghĩ trong cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu, chúng ta chỉ có thể thinh lặng ngắm nhìn. Trong thinh lặng, chúng ta mới cảm nhận được cái nhìn yêu thương của Chúa và trong cái nhìn ấy chúng ta mới nghe được tiếng gọi yêu thương của Ngài. Thập giá của Chúa luôn là ánh sáng, ánh sáng của tình yêu, của sự tha thứ, để chiếu soi đời ta và làm sáng tỏ thân phận đau khổ của con người.
- Sống lời Chúa: Nhìn vào thập giá của Chúa để biết sống bao dung và tha thứ.
- Cầu nguyện: Lạy Mẹ Maria, xin cho con biết noi gương Mẹ, để cùng với Mẹ, con luôn biết đón nhận thập giá cuộc đời con. Amen.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, đối với người không có niềm tin thì Thập giá tiêu biểu cho một hình thức khổ đau thật nhục nhã, và rao giảng về Thập giá là sự điên rồ. Chính con mỗi lần đối diện với Thập giá cuộc đời, trí khôn như muốn nổ tung và lòng như muốn khăng khăng chối từ.
Nhưng hôm nay, nhờ mầu nhiệm Chúa chịu chết trên Thánh giá, Chúa đã đem lại cho khổ đau Thập giá một giá trị tuyệt vời: giá trị cứu độ trần gian. Vâng, Thánh giá là đỉnh cao của con đường cứu độ, là tiếng nói vĩ đại của lời yêu thương tha thứ tội lỗi nhân loại, là chăng đường Chúa đã đi để phục sinh một con người mới, một dân tộc mới. Con đường khổ đau Thánh giá mà Chúa đã đi trở thành lời mời gọi con bước theo: “Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ chính mình, hãy vác lấy khổ giá của mình mỗi ngày mà theo Ta”.
Vâng, con đường mà Chúa đã đi làm rõ nét thêm lời Chúa đã thưa khi nhập thể: “Này Con xin đến để thi hành theo Thánh Ý Cha”, và lời thưa trên Thánh giá: “Mọi sự đã hoàn tất”. Như vậy, đau khổ Thập giá là cái Chúa đón nhận để xin vâng sứ mệnh Chúa Cha trao phó. Con đường đau khổ Thập giá còn ghi đậm nét hình bóng Tình yêu Nhập thể, Tình yêu Cứu rỗi.
Xin cho con xác tín rằng theo Chúa là từ nay cả cuộc đời con, với từng phút giây, từng biến cố vui buồn sướng khổ, là những bước chân tiến vào con đường Thập giá như Chúa. Xin cho con xác tín rằng cả cuộc đời con, với những trăn trở khắc khoải cho mình và tha nhân, là sợi chỉ đan kết dệt nên ơn gọi Kitô hữu mà đỉnh cao vẫn là Thập giá của Chúa. Amen.
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.