01.01.20
THỨ TƯ ĐẦU THÁNG CUỐI TUẦN BÁT NHẬT GS
Đức Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa
Lc 2,16-21
CHIÊM NGẮM MẦU NHIỆM
Ma-ri-a hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. (Lc 2,18)
Suy niệm: Một hài nhi mới sinh “bọc trong tã, nằm trong máng cỏ” mà lại là dấu hiệu nhận biết trẻ sơ sinh đó chính là “Đấng Cứu Độ”, là “Ki-tô, Đức Chúa”. Những người chăn chiên hẳn đã ngạc nhiên trước lời báo tin đó của sứ thần. Họ lại càng ngạc nhiên hơn khi chạy đến hang đá và thấy sự việc đúng như những gì sứ thần đã báo tin. Phúc Âm Lu-ca còn cho biết: ai nghe những người chăn chiên thuật lại chuyện đó cũng ngạc nhiên. Đức Ma-ri-a ngạc nhiên trước huyền nhiệm của Thiên Chúa nhưng không phải bằng cách ồn ào bên ngoài, trái lại Mẹ “hằng ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng.” Bằng cách chiêm ngắm mầu nhiệm đang diễn ra nơi chính mình như thế, Mẹ xác tín rằng Hài Nhi đây, yếu đuối, bé nhỏ khó hèn do Mẹ sinh ra thật đấy, nhưng là Con Đấng Tối Cao, bởi vì Mẹ thụ thai là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bởi thế Đức Ma-ri-a thật là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ của vị Thiên Chúa nhập thể làm người.
Mời Bạn: Mẹ Ma-ri-a nêu gương cho chúng ta cách cảm nhận mầu nhiệm Đấng Em-ma-nu-en, Thiên Chúa làm người ở cùng chúng ta. Noi gương Mẹ, chúng ta luôn lắng nghe, ghi nhớ Lời Chúa và suy đi nghĩ lại trong lòng đồng thời, thực hành Lời Chúa mỗi ngày.
Sống Lời Chúa: Bạn vẫn trung thành dành 5 phút mỗi ngày để suy niệm Lời Chúa. Mời bạn quảng đại lập kế hoạch cứ mỗi tuần hoặc mỗi tháng trong năm mới 2020 này, bạn lần lượt đọc hết toàn bộ Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước.
Cầu nguyện: Luật pháp Ngài, lạy Chúa, con yêu chuộng dường bao, suốt ngày cứ suy đi gẫm lại. Vì Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.
02.01.20
THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TRƯỚC LỄ HIỂN LINH
Thánh Ba-xi-li-ô Cả và Ghê-gô-ri-ô, giám mục, tiến sĩ HT
Ga 1,19-28
SỐNG KHIÊM TỐN NHƯ GIO-AN
Ông Gio-an trả lời: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” (Ga 1,26-27)
Suy niệm: Trong xã hội hôm nay, có những người làm đủ chiêu trò: đạo văn, đạo nhạc, phát ngôn gây sốc, v.v… để tự thể hiện, để nổi tiếng. Trong bối cảnh đó, Gio-an lại làm chứng cho điều ngược lại: giản dị và khiêm tốn. Gio-an nhận mình không đáng cởi quai dép cho Đấng đến sau, mặc dù khi đó dân chúng lũ lượt kéo đến nghe Gio-an rao giảng (Mt 2,5). Lối sống đạm bạc, giản dị và lời giảng kêu gọi sám hối của ông đánh động nhiều người đến xin chịu phép rửa. Gio-an càng khiêm tốn khi từ chối danh hiệu là Đấng Ki-tô, hay Ê-li-a (Ml 4,5), hay một trong các vị ngôn sứ, mà chỉ nhận mình là “tiếng hô trong hoang địa” (Is 40, 3) đến để làm chứng cho “Lời” là Con Một Thiên Chúa.
Mời Bạn: Sống khiêm tốn như Gio-an thật không dễ, hơn nữa, khi bạn được nhiều lời khen ngợi hay thành công trong cuộc sống. Nhưng khi nhìn nhận rằng: “Mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do từ trên” (Gc 1,17), thì bạn sẽ khiêm tốn tạ ơn Chúa và vận dụng mọi sự để phục vụ cuộc sống ngày thêm tốt đẹp, nhất là khiêm tốn qui hướng về Chúa để làm sáng danh Ngài.
Chia sẻ: Bạn đã khiêm tốn làm chứng về Chúa cho người khác như thế nào?
Sống Lời Chúa: Sống hiền lành, khiêm nhu, chan hòa giữa mọi người, để biểu lộ nét nhân hậu, từ ái bao la của Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, mọi sự đều là ân ban của Chúa, xin cho con luôn khiêm tốn để Chúa lớn lên trong mọi người và để mọi người được thăng tiến hơn trong tình yêu của Chúa. Amen.
03.01.20
THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TRƯỚC LỄ HIỂN LINH
Thánh Danh Chúa Giê-su
Ga 1,29-34
ĐÂY LÀ CHIÊN THIÊN CHÚA!
Hôm sau, ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian.” (Ga 1,29)
Suy niệm: Sau khi làm phép rửa cho Đức Giê-su, ngày hôm sau, Gio-an Tẩy giả đích thân giới thiệu Ngài cho dân chúng. Lời giới thiệu của vị sứ giả dọn đường là một lời giới thiệu chính xác và chính thức. Gio-an cho biết Đức Giê-su là “Chiên Thiên Chúa”, là “Đấng xóa bỏ tội trần gian”! Ngày xưa, con chiên Vượt Qua bị giết để mở màn cuộc giải phóng con cái It-ra-en. Vết máu chiên bôi trên khung cửa là dấu hiệu cho biết nhà của người Ít-ra-en; họ sẽ không bị tai ương tiêu diệt khi Đức Chúa giáng họa trên đất Ai Cập (x. Xh 12,13). Cái chết của con chiên Vượt Qua, vì thế, là cái chết thế mạng, chết thay. Là “Chiên Thiên Chúa”, Đức Giê-su chết thay cho chúng ta là những tội nhân đáng chết. Chết thay cho ta, Người “xóa bỏ tội lỗi” chúng ta. Chúng ta được trắng án, được sống sự sống vĩnh cửu trong Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Phục Sinh. Đó là trọng tâm của mối quan hệ giữa Đức Ki-tô và các Ki-tô hữu, những kẻ tin và thuộc về Ngài.
Bạn ơi, Bạn đừng quên rằng có người đã chết thay cho bạn, người đó là Đức Giê-su Ki-tô. Thật hồng phúc cho chúng ta, con người đó chết thay cho bạn ấy nhưng đã không chết luôn (để bạn phải xót xa nhớ tiếc!). Người đã sống lại và đang sống bất diệt. Bạn hãy đón nhận Người, sống với Người, thấm nhuần tinh thần của Người. Đó là cách tốt nhất để bạn bày tỏ lòng biết ơn Người.
Sống Lời Chúa: Bạn sống ngày hôm nay với đầy Chúa Giê-su nơi bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã chết vì yêu con, xin cho con biết chân thành yêu Chúa, sống vì Chúa và sống với Chúa. Amen.
04.01.20
THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TRƯỚC LỄ HIỂN LINH
Ga 1,35-42
GẶP GỠ ĐẤNG MÊ-SI-A
“Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a,” nghĩa là Đấng Ki-tô. (Ga 1,41)
Suy niệm: “Gặp gỡ Đức Ki-tô” là bài ca rất quen thuộc trong các buổi sinh hoạt đoàn thể, thiếu nhi giáo lý. Lời ca diễn tả những ơn phúc quí giá nhận được từ kinh nghiệm gặp Chúa Giê-su: “Gặp gỡ Đức Ki-tô, biến đổi cuộc đời mình. Gặp gỡ Đức Ki-tô, đón nhận ơn tái sinh.” Các môn đệ đầu tiên của Chúa Giê-su đã có trải nghiệm này. Được Gio-an, thầy của mình giới thiệu, các ông đi tới gặp Đức Giê-su, người Na-da-rét, rồi ở lại với Ngài. Sau đó các ông sung sướng đi nói với người thân của mình: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a” (Ga 1,41). Lần gặp gỡ đó đã ghi khắc vào tâm khảm các ông một dấu ấn đặc biệt bởi vì nhiều năm sau các ông còn nhớ mãi khoảnh khắc đó: “lúc đó vào khoảng giờ thứ mười” (Ga 1,39).
Mời Bạn: Cho dù giống như các tôn giáo khác, Ki-tô giáo có các giới răn, giáo luật, hệ thống giáo thuyết tín lý, luân lý… nhưng điều cốt lõi trong Ki-tô giáo là cuộc gặp gỡ cá nhân mỗi người với Đức Ki-tô. Cuộc gặp gỡ đó “mở ra cho cuộc sống một chân trời mới để rồi từ đó dẫn đến một hướng đi có tính quyết định” (ĐGH Bê-nê-đi-tô XVI, Thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu, số 1). Người ta trở nên một Ki-tô hữu và được cứu rỗi nhờ gặp Đức Ki-tô, tin nơi Ngài và được biến đổi trong Ngài.
Sống Lời Chúa: Khi đọc Lời Chúa, nhất là đọc Phúc Âm, tôi đọc như nghe Chúa Giê-su đang nói với tôi. Tôi nói chuyện với Ngài như với một người thầy, một người bạn đường rất muốn đồng hành với tôi trên mọi nẻo đường.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa muốn chúng con đến và ở lại với Chúa. Xin cho chúng con cởi mở tâm hồn và biết lắng nghe lời Chúa. Amen.
05.01.20
CHÚA NHẬT – CHÚA HIỂN LINH – A
Mt 2,1-12
ĐI THEO ĐƯỜNG LỐI CHÚA
Sau đó, [các nhà chiêm tinh] được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên họ đã đi lối khác mà về xứ mình. (Mt 2,12)
Suy niệm: Các nhà chiêm tinh, nhờ quan sát dấu chỉ của ngôi sao lạ, dò dẫm con đường tìm đến để bái lạy vị Vua mới sinh, rủi thay họ không ngờ lại gặp phải Hê-rô-đê bạo chúa. Thế rồi, nhờ được tiếp cận với lời Kinh Thánh – dù là qua miệng lưỡi mưu mô xảo quyệt của Hê-rô-đê – họ biết được đích xác vị vua mệnh danh là Ki-tô ấy “phải sinh ra tại Bê-lem;” thế là họ đã mau mắn “đến triều bái Người.” Một khi đã gặp được Vua Ki-tô, họ được mách bảo phải “đi lối khác” mà về quê hương xứ sở. Lần này, họ chọn đi con đường Chúa chỉ cho, nghĩa là họ đang đi trong con đường của Chúa, con đường của sự thật.
Mời Bạn: Nhà văn Lỗ Tấn từng nói rằng trên trần gian làm gì có con đường; lối đi mà người ta cứ đi mãi thì sẽ thành đường thôi. Thế nhưng, trước những thực tại của cuộc sống, có vô vàn “lối đi” và chúng ta có tự do để chọn lựa đi lối này hoặc đi lối khác. Giữa muôn vàn con đường như thế, bạn phải phân định để nhận biết có những lối mòn, có những cung đường vô định không đi đến đâu, lại có những con đường mang tên Hê-rô-đê dối trá dẫn đến vực thẳm. Con đường đích thực là con đường dẫn đến chân lý, sự sống, và hạnh phúc, con đường đó được định hướng bởi Lời Chúa.
Sống Lời Chúa: Tôi quyết tâm thực hành việc đọc Lời Chúa mỗi ngày để được Lời của Ngài biến đổi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, đường lối của Chúa kỳ diệu vượt quá sự hiểu biết của chúng con. Xin tỏ cho chúng con thấy đường lối của Ngài để chúng con can đảm và mạnh mẽ tiến bước trên hành trình tiến về Nước Trời. Amen.
06.01.20
THỨ HAI SAU LỄ HIỂN LINH
Mt 4,12-17.23-25
THÔNG PHẦN SỨ VỤ CHÚA KI-TÔ
Thế rồi Đức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân. (Mt 4,23)
Suy niệm: Khi Gio-an Tẩy giả bị cầm tù, Chúa Giê-su bắt đầu thi hành sứ vụ công khai với đúng những lời Gio-an đã rao giảng: “Hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần” (x. Mt 3,2). Thế nhưng dân chúng mau chóng nhận ra sự mới mẻ trong lời rao giảng của Đức Giê-su (x. Mc 1,22) vì lời Ngài là lời cứu độ, vì Ngài là chính hiện thân của Nước Trời “đã đến ở giữa họ mà họ không biết” (x. Ga 1,26). Ngài “chữa lành mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền” để ứng nghiệm lời các ngôn sứ rằng thời đại cứu thế đã đến rồi. Việc cấp bách phải làm ngay đó là “sám hối và tin vào Tin Mừng” để được cứu độ. Đó chính là trọng tâm của sứ vụ cứu thế của Đức Ki-tô.
Mời bạn: Nhờ bí tích Rửa tội, người ki-tô hữu được thuộc về Đức Ki-tô, đúng như danh hiệu của mình. Vì thế, người ki-tô hữu cũng thông phần sứ mạng của Đức Ki-tô, sứ mạng đó được thể hiện qua ba chức vụ ngôn sứ, tư tế và vương đế, đó là bằng chính cuộc sống của mình, tuỳ theo bậc sống và bổn phận của mỗi người, người ki-tô hữu dấn thân loan báo Tin Mừng và phục vụ tha nhân và rồi hiến dâng cuộc sống đó lên Thiên Chúa làm của lễ kết hợp với lễ hiến tế của Chúa Ki-tô.
Sống Lời Chúa: Ba chức vụ ngôn sứ, tư tế và vương đế đòi hỏi bạn phải thực hành cụ thể những việc gì? Mời bạn hãy thực hiện những việc ấy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho chúng con ơn khôn ngoan và can đảm để chúng ta có thể làm chứng cho Chúa mọi nơi mọi lúc trong cuốc sống chúng con. Amen.
07.01.20
THỨ BA SAU LỄ HIỂN LINH
Mc 6,34-44
THẦY TRÒ CHẠNH LÒNG THƯƠNG
Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. (Mc 6,34a)
Suy niệm: Vừa ra khỏi thuyền, Đức Giê-su đã nhìn thấy “một đám người rất đông”, một đám người nheo nhóc, lếch thếch, đang chờ đợi Ngài. Chúa Giê-su thấy rõ họ đang đói khát của ăn thiêng liêng, đói khát ơn cứu độ. Họ mong mỏi những lời giảng dạy có sức làm no thoả tâm hồn như đàn chiên bơ vơ mong người chủ chăn dẫn tới đồng cỏ xanh tươi, dòng suối mát trong lành. Chúa đã chạnh lòng thương và cho họ no nê Lời Hằng Sống. Tuy nhiên, đến lúc mặt trời ngả bóng thì tới lượt các môn đệ của Đức Giê-su cũng phải chạnh lòng trước một nhu cầu thực tế mà cũng rất cấp bách. Các ông thưa Thầy đã trễ rồi và dân chúng rất đói. Nhu cầu thì quá hiển nhiên, mà lực thì bất tòng tâm, các ông không thể tự mình cung cấp thức ăn cho đoàn dân. May thay, các ông lại có sáng kiến trình bày ưu tư của mình cho Đức Giê-su và xin Thầy cứu giúp.
Mời Bạn: Đức Giê-su đã mời gọi các môn đệ đóng góp phần bánh và cá của mình cho đám đông. Phép lạ đã xảy ra vì cả Thầy và trò cùng chung một mối lo cho một đám dân đói thực sự: Đói Lời Chúa và đói lương thực.
Sống Lời Chúa: Hãy để trái tim của bạn tập trung vào một người đang cần sự giúp đỡ của bạn trong ngày hôm nay. Bạn sẽ nhìn ra nhu cầu của người đó là gì và bạn hãy thực hiện như Thầy Giê-su đã chạnh lòng thương, bởi bạn là trò của Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con cũng có trái tim luôn chạnh lòng thương như Chúa, và xin duy trì trái tim của con yêu thương mọi người cho đến hơi thở cuối cùng trong cuộc đời. Amen.
08.01.20
THỨ TƯ SAU LỄ HIỂN LINH
Mc 6,45-52
HÃY TIN VÀO THẦY
“Cứ an tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (Mc 6,50)
Suy niệm: Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng muốn tôn Đức Giê-su lên làm vua (x. Ga 6,15). Ngài “lập tức” bắt các môn đệ xuống thuyền sang bờ bên kia, còn Ngài giải tán đám đông. Chúa Giê-su luôn quyết liệt chống lại cơn cám dỗ cứu thế bằng đường lối thế tục. Ngài không cho phép các môn đệ say men thành công sau phép lạ ngoạn mục, cũng không để họ chạy theo giàu sang và quyền lực thế gian. Ngài kéo họ ra khỏi đám đông đầy tham vọng đó và bắt họ “qua bờ bên kia” đến “vùng ngoại vi”, nơi của những người bị bỏ rơi loại trừ: những người phong cùi, tội lỗi, những người đang đói khát Tin Mừng. Bị bứng khỏi chỗ dựa của tiền của, quyền lực và danh vọng, các môn đệ lại càng hụt hẫng đơn độc trên con thuyền lênh đênh trên biển “vất vả chèo chống vì gió ngược.” Thế nhưng, các ông không đơn côi vì họ luôn có Thầy đồng hành. “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” Có Chúa trợ giúp, đồng hành, các ông có được sức mạnh để vượt thắng nỗi sợ, đi đến bến bờ bình an.
Mời Bạn: Bạn có quá lo lắng trước những sóng gió trong cuộc đời? Cuộc đời nào không có chông gai, thách đố? Hạnh phúc nào không đòi phải hy sinh? “Thầy đây, đừng sợ!” phải là niềm xác tín của bạn để bạn vượt qua nỗi sợ, phó thác đời mình trong tay Chúa.
Sống Lời Chúa: Giờ cầu nguyện buổi sáng, bạn phó dâng cho Chúa những lao nhọc thách đố sẽ gặp trong ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin ban thêm lòng tin cho chúng con, để chúng con luôn tin tưởng phó thác nơi Chúa. Điểm tựa của chúng con là nơi Chúa. Có Chúa, chúng con mới có thể đứng vững trước những sóng gió của cuộc đời.
09.01.20
THỨ NĂM SAU LỄ HIỂN LINH
Lc 4,14-22a
ĐỂ LỜI CHÚA NÊN ỨNG NGHIỆM
Người ta trao cho Đức Giê-su cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: “Thần Khí Đức Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai tôi đi công bố Tin Mừng cho người nghèo hèn.” (Lc 4,17-18)
Suy niệm: Đọc xong đoạn sách ngôn sứ I-sai-a, Chúa Giê-su tuyên bố: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quý vị vừa nghe” (Lc 4,21). Không chỉ có lời Kinh Thánh Chúa Giê-su công bố tại hội đường hôm ấy, mà tất cả lời Sách Thánh đều được Ngài làm cho nên ứng nghiệm. Ngài còn tuyên bố: “Trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành” (Mt 5,18). Là Ngôi Lời của Thiên Chúa, Đức Ki-tô làm cho Lời Chúa nên hiện thực nơi đời sống của mình. Vì thế, tất cả những gì Ngài thể hiện đều là thông điệp Thiên Chúa muốn nói với loài người chúng ta. Vậy nên, điều cần thiết đối với chúng ta, là “hãy vâng nghe Lời Người” (Lc 9,35).
Mời Bạn: Những gì Chúa Giê-su thể hiện, Ngài cũng muốn lặp lại nơi đời sống chúng ta: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Và Ngài sai chúng ta đi cũng để tiếp tục làm cho Lời Chúa nên ứng nghiệm: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ là được vào Nước trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21).
Sống Lời Chúa: Uốn nắn tư tưởng, lời nói, hành động của mình sao cho Lời Chúa được nên ứng nghiệm mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, lương thực của Chúa là làm theo ý Chúa Cha. Xin cho chúng con được nuôi dưỡng bởi Lời của Chúa, để nhờ đó mọi người hiểu rằng Chúa ở trong con. Amen.
10.01.20
THỨ SÁU SAU LỄ HIỂN LINH
Lc 5,12-16
KHI ĐỨC KI-TÔ MUỐN
Có một người đầy phong hủi vừa thấy Người, liền sấp mặt xuống, xin Người rằng: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Người giơ tay đụng vào anh ta và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi.” Lập tức chứng phong hủi biến khỏi anh. (Lc 5,12-13)
Suy niệm: Một bàn tay giơ lên và một lời nói được thốt ra: “Tôi muốn, anh hãy sạch đi”, ngay lập tức hiệu quả được thực hiện. Không phải là bàn tay và lời nói của bất cứ ai mà phải là của Đức Ki-tô. Chúa Giê-su đã lập các bí tích như thế đó. Nơi các Bí Tích, ý muốn cứu độ của Đức Ki-tô được thành sự thông qua việc thực hiện những lời nói và những cử chỉ, không phải là của bất cứ ai, mà là của những người đã được Đức Ki-tô uỷ thác, đó là các tông đồ, và nối tiếp, là những người được các tông đồ uỷ thác. Truyền thống tông đồ ấy vẫn tiếp nối trong Giáo Hội cho đến ngày hôm nay, nơi các giám mục và linh mục. Thế nhưng vẫn còn một điều không thể thiếu, đó là đức tin nơi người lãnh nhận mà đại diện là niềm tin nơi người phong hủi: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.”
Mời Bạn: Sở dĩ người ta coi các bí tích như những thứ bùa chú, hoặc như một việc làm theo hình thức, là bởi vì họ đã không nhận ra được sự hiện diện thiêng liêng của Đức Ki-tô nơi đó. Điều đáng ngạc nhiên và đáng buồn là chính chúng ta, những người ki-tô hữu, cử hành các bí tích lắm khi cũng đã hồ nghi hoặc lãnh đạm như vậy.
Chia sẻ: Làm thế nào để việc học hỏi giáo lý về các bí tích được hữu hiệu hơn?
Sống Lời Chúa: Thành khẩn xin Chúa ban thêm đức tin mỗi khi lãnh nhận bí tích.
Cầu nguyện: Đọc kinh Tin (Lạy Chúa, con tin thật…)
11.01.20
THỨ BẢY SAU LỄ HIỂN LINH
Ga 3,22-30
THOÁT KHỎI CÁI BÓNG CỦA CHÍNH MÌNH
“Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.” (Ga 3,30)
Suy niệm: Có một người nọ muốn thoát khỏi cái bóng của mình… Nhưng càng trốn thì cái bóng càng đeo đuổi anh. Anh lăn lộn trên đất, anh đâm xuống nước, dù anh đi đâu, dù anh làm gì, cái bóng của anh vẫn còn đó. Có một người khôn ngoan nghe chuyện mới đến cố vấn cho anh ta. Người khôn ngoan ấy nói như sau: “Để thoát khỏi cái bóng của anh, anh chỉ cần đến đứng dưới bóng của một cây lớn”. Gio-an Tẩy Giả, vị tiền hô của Đấng Cứu Thế, nhưng đồng thời cũng là người luôn nép bóng trong Chúa Giê-su. Thánh Gio-an đã tóm tắt tất cả cuộc sống của ngài trong câu nói: “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.” Chúa Giê-su đã có lần khen tặng Gio-an là con người cao cả nhất được sinh ra từ người nữ. Vị tiên tri được xem là cao cả nhất trong lịch sử Ít-ra-en đã lôi kéo được một đám đông mà chưa từng có vị tiên tri nào đã qui tụ được… Và, cuối cùng, để hoàn tất sứ mệnh của mình, con người ấy đã nhỏ lại và lui vào trong kiếp tù đày và chết như một nhân chứng.
Mời Bạn: Có nép mình dưới bóng cây Thập giá của Chúa Giê-su, chúng ta mới có thể thoát được cái bóng của không biết bao nhiêu phù phiếm, hư ảo trong cuộc sống của chúng ta. Nhiều người đã không đón nhận Tin Mừng chỉ vì bóng mờ gương xấu của các ki-tô hữu. Bạn có thể làm gì để ẩn mình dưới bóng Thập giá để Chúa Giê-su được nổi bật lên?
Sống Lời Chúa: Làm những việc phục vụ tha nhân, dù chỉ là việc nhỏ, nhưng với tâm thức làm vì danh Chúa Giê-su.
Cầu nguyện: Trong từng giây phút cuộc sống, xin Chúa cho con biết cương quyết chống lại tội lỗi, ích kỷ, nhỏ nhen, để Chúa được lớn lên trong con.
12.01.20
CHÚA NHẬT TUẦN 1 TN – A
Chúa Giê-su chịu phép rửa
Mt 3,13-17
NGÀI ĐƯA TÔI LÊN CAO
Bấy giờ Đức Giê-su từ miền Ga-li-lê đến sông Gio-đan, gặp ông Gio-an để xin ông làm phép rửa cho mình. Nhưng ông một mực can Người và nói : “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!” (Mt 3,13-15)
Suy niệm: Trước hành động liên đới của Thiên Chúa dành cho con người, chúng ta có thể lấy cảm nghiệm sâu xa của Monier mà giải thích: “Thiên Chúa yêu thương con người, không phải vì con người xứng đáng với tình yêu. Nhưng con người xứng đáng với tình yêu Thiên Chúa bởi vì Thiên Chúa yêu thương con người.” Thực vậy, chỉ có tình yêu mới cắt nghĩa được lý do Chúa Giê-su liên đới với chúng ta. Theo luật Do Thái, những người tội lỗi, bị bệnh phong hủi phải hét lớn cảnh báo không để ai đến gần liên lụy với mình. Còn Chúa Giê-su lại chọn đứng xếp hàng chung với những người tội lỗi để liên đới với họ trong mọi nỗi khốn cùng và yếu hèn. Cần lưu ý, Ngài đến giữa tội nhân không phải để bình thường hóa tội lỗi, nói cách khác, Ngài đến không vì tội lỗi, nhưng vì chúng ta và để cứu rỗi chúng ta. Do đó, ngỡ ngàng trước tình yêu của Thiên Chúa bao nhiêu, người ta càng dùng ơn sức Ngài ban để chiến đấu chống trả tội lỗi bấy nhiêu.
Mời Bạn: Việc rước Chúa hằng ngày, hằng tuần có làm gia tăng tình yêu với Chúa và gớm ghét tội lỗi nơi bạn không?
Chia sẻ: Chúa Giê-su muốn liên đới với bạn thế nào trong bí tích Thánh Thể?
Sống Lời Chúa: Quyết tâm chừa bỏ một tật xấu để sống đẹp lòng Chúa hơn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, tình yêu là lý do duy nhất giải nghĩa việc Chúa đến với con. Xin cho con cũng biết đến với Chúa với hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn con.
13.01.20
THỨ HAI TUẦN 1 TN
Thánh Hi-la-ri-ô, giám mục, tiến sĩ HT
Mc 1,14-20
TIN VÀ ĐI THEO
“Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” “…Các anh hãy theo Tôi, Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người. (Mc 1,15-18)
Suy niệm: Tin Mừng Chúa Giê-su là một con đường đòi hỏi người ta tin và đi theo. Đó là cả một quá trình phấn đấu để trở thành người thấm nhuần con đường cứu độ của Chúa. Đó là con đường cách mạng nhân bản gồm ba điểm: tu thân, sống giáo lý đạo trời, và đi theo Chúa. Để tu thân, Chúa mở ra con đường mới: sống hòa bình chứ không hiếu chiến, yêu thương chứ không tàn ác, hối hận chứ không thù hận, sửa mình chứ không bêu xấu anh em. Nhờ giáo lý đạo trời, chúng ta được giải thoát khỏi đời sống thấp hèn, sống hòa hợp với Chúa và với anh em. Bước theo Chúa là bắt đầu lên đường và phải qua quá trình phấn đấu, thử thách, thanh tẩy, được huấn luyện và kiện toàn.
Mời Bạn: Chúng ta chỉ trở thành Ki-tô hữu khi chúng ta đặt đời sống của chúng ta trong đời sống Chúa Ki-tô. Hôm nay Chúa Giê-su vẫn cần bạn vì bạn là Ki-tô hữu. Thực tế gia đình và xã hội hôm nay đang đặt ra cho mỗi người chúng ta những vấn đề như băng hoại đạo đức, chà đạp nhân phẩm, bất công xã hội và đói nghèo. Không những chúng ta phải cầu nguyện nhưng còn phải dấn thân nhập cuộc nữa.
Chia sẻ: Bạn có muốn trở nên tông đồ của Chúa không? Bạn sẽ làm gì cho gia đình, cho giáo xứ bạn, nơi bạn làm việc?
Sống Lời Chúa: Quyết tâm từ bỏ một nết xấu như rượu chè, cờ bạc, cãi cọ…
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã yêu thương và mời gọi chúng con làm con cái Chúa. Xin giúp chúng con sống xứng danh người Ki-tô hữu, để nhờ đó mọi người nhận ra Chúa là tình yêu.
14.01.20
THỨ BA TUẦN 1 TN
Mc 1,21-28
ƯU TIÊN TÁI TRUYỀN GIÁO
Đức Giê-su và các môn đệ đi vào thành Ca-phác-na-um. Ngay ngày sa-bát, Người vào hội đường giảng dạy. (Mc 1,21)
Suy niệm: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”: Rao giảng Tin Mừng là một việc khẩn cấp không những phải làm ngay mà còn phải chọn đúng thời điểm và địa điểm để việc rao giảng mang lại hiệu quả tối ưu. Ngài đã chọn Ca-phác-na-um, một thành phố nằm trên bờ biển hồ Ti-bê-ri-a, làm trụ sở truyền giáo của Ngài. Và trong thành, hội đường, nơi người Do thái tập trung cầu nguyện, là một trong những địa điểm ưu tiên của Chúa. Còn thời điểm thích hợp là chính ngày sa-bát, ngày lễ nghỉ của người Do thái để thờ phượng Thiên Chúa. Chính trong khung cảnh ấy, Chúa Giê-su đã giảng dạy. Mà đối tượng ưu tiên Chúa phải rao giảng ngay lập tức là ‘những chiên lạc nhà Ít-ra-en’, những người đồng bào với Người.
Mời Bạn: Một lãnh vực hết sức quan trọng trong việc truyền giáo là tái truyền giáo. Biết bao người là ki-tô hữu nhưng niềm tin đã lung lay, cuộc sống đã lạc xa, thậm chí đi ngược với điều mình tuyên xưng. Với những người ấy, phải truyền giáo trước tiên. Khung cảnh cho công cuộc tái truyền giáo ấy là chính những nơi mà bạn đang sống, đang làm việc. Vậy bạn hãy bắt đầu truyền giáo ngay đi, ngay hôm nay, bắt đầu từ nơi nhà bạn.
Chia sẻ: Trong cộng đoàn, những giới nào (theo tuổi tác, nghề nghiệp, v.v…) đang cần được tái truyền giáo hơn cả?
Sống Lời Chúa: Bạn hãy tái truyền giáo cho gia đình mình bằng cách trung thành đọc kinh chung trong gia đình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thêm lòng nhiệt thành cho con, để con hăng say dấn thân vào công việc rao giảng Tin Mừng mà không quản ngại khó khăn.
15.01.20
THỨ TƯ TUẦN 1 TN
Mc 1,29-39
MỘT NGÀY Ở CA-PHÁC-NA-UM
Ra khỏi hội đường Đức Giê-su chữa bệnh,… chiều đến Người chữa những người bị quỷ ám… rồi sáng sớm, thức dậy Người đi cầu nguyện…” (Mc 1,29-39)
Suy niệm: Chúng ta nhìn ngắm Chúa Giê-su trong một ngày hoạt động trong Ca-phác-na-um: Ngài giảng dạy tại Hội đường, rồi đi đến nhà mẹ vợ ông Si-mon, chữa bà đang bị sốt nặng, chiều đến lại chữa những người ốm đau đủ thứ bệnh tật và bị quỷ ám, rồi sáng sớm thức dậy, Ngài lại đi ra nơi thanh vắng để cầu nguyện. Thế cũng chưa hết, Ngài còn “đi đến các làng xã chung quanh” để tiếp tục rao giảng. Có thế nói, một ngày của Chúa ở Ca-phác-na-um là tóm lược các hoạt động của Ngài trong ba năm của cuộc sống công khai.
Mời Bạn tiếp tục cùng nhìn ngắm Ngài hoạt động! Quả thật, “Tin Mừng” không phải chỉ là giảng dạy nhưng còn là “hành động” để giải thoát con người khỏi mọi nỗi đau khổ, và trên hết là đau khổ do ách tội lỗi. Cử chỉ Chúa “cầm lấy tay” bà mẹ ông Si-mon đỡ bà dậy thật giản dị mà thân ái biết bao! Việc Chúa ra đi cầu nguyện từ sáng sớm cho thấy Chúa yêu Chúa Cha tha thiết biết bao! Chúa lại tiếp tục lên đường rao giảng cho thấy Ngài nhiệt thành với công việc Chúa Cha trao phó biết bao. Bạn hãy để lòng mình đồng cảm trước tâm tình và cử chỉ của Chúa Giê-su.
Sống Lời Chúa: Mỗi khi rước lễ, bạn hãy gợi lại khung cảnh và tâm tình này để cầu nguyện với Ngài.
Cầu nguyện: Chúa Giê-su thân yêu của con, con tin Chúa vẫn hiện diện đầy quyền năng và thân thiết như ngày nào ở Ca-phác-na-um. Những lần con rước Mình Máu Thánh Chúa, xin Chúa cũng cầm tay con, đỡ nâng con dậy, dẫn dắt con đi trên con đường sứ mạng, tiếp tục loan báo Tin Mừng tình yêu Chúa.
16.01.20
THỨ NĂM TUẦN 1 TN
Mc 1,40-45
NỖI KHAO KHÁT TỘT CÙNG
Có một người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quì xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Người chạnh lòng thương, giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi.” (Mc 1,40-41)
Suy niệm: Theo luật Mô-sê, ai bị bệnh này phải bị cách ly khỏi cộng đoàn, sống trong hang hốc, mồ mả! Anh là một trong số những người bị loại trừ đó. Vậy mà anh dám “đến với Chúa Giê-su.” Anh này thật là bạo gan! Anh quá khổ sở với căn bệnh của mình đến nỗi không còn biết sợ là gì! Anh “quỳ xuống:” Nếu có cách nào hạ mình thấp hơn đất chắc anh đã dùng rồi! Rồi anh xin ngay: “Nếu Ngài muốn!” Đó là giải pháp duy nhất: Chỉ có Thiên Chúa mới có thể cứu anh khỏi căn bệnh đáng sợ hơn cả cái chết này. Mà Ngài thì đầy quyền năng và nhân hậu: chắc chắn là Ngài muốn cho anh lành sạch! Quả đúng như thế, Đức Giê-su nói: “Tôi muốn. Anh sạch đi!” Thế là anh được sạch; bởi vì Chúa Giê-su chính là Thiên Chúa.
Mời Bạn: Trong linh hồn ta, tội lỗi làm huỷ hoại tình yêu của ta đối với Chúa và tình Chúa đối với ta, chẳng khác nào bệnh cùi huỷ hoại cơ thể, phải không bạn? Bạn có phát hiện ra triệu chứng bệnh cùi tâm hồn của mình không? Vậy ta phải làm gì? Làm như anh cùi kia đi: chạy đến với Chúa Giê-su, quì xuống, và xin Ngài chữa lành cho bạn. Ngài đang chờ bạn nơi bí tích Hoà Giải để chữa lành cho bạn đấy, bạn ạ!
Chia sẻ: Điều gì khiến bạn khó đến với bí tích Hoà Giải? Hãy trao đổi với nhau để tìm cách khắc phục khó khăn đó.
Sống Lời Chúa: Mau mắn lãnh nhận bí tích Hoà Giải mỗi khi bạn lỡ lầm xúc phạm đến Chúa và anh em.
Cầu nguyện: Bạn sốt sắng đọc kinh “Ăn năn tội”.
17.01.20
THỨ SÁU TUẦN 1 TN
Thánh An-tôn, viện phụ
Mc 2,1-12
TÌNH BẠN NƠI KI-TÔ HỮU
Họ dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Chúa ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống. (Mc 2,4)
Suy niệm: Thế giới hôm nay có nhiều con người bị thương tích trong tâm hồn và thể xác, nhiều người chán chường, muốn bỏ cuộc trước đau khổ, thế mà trong nhà thờ vẫn còn nhiều chỗ trống! Có phải vì họ e ngại Giáo Hội hay vì không có Ki-tô hữu nào đưa họ đến nhà thờ gặp Chúa? Dù trả lời thế nào đi nữa, chúng ta vẫn cần học bài học tình huynh đệ nơi những người bạn khiêng người bại liệt đến với Chúa Giê-su. Tình bạn nơi họ không chỉ thể hiện qua sự vất vả vượt đám đông cản lối, mà còn trong sáng kiến táo bạo mở mái nhà đưa người bạn đến trước mặt Chúa Giê-su để Ngài ban ơn chữa lành và tha tội. Tình bạn buộc họ phải hành động, đức tin thúc bách họ xăn tay phục vụ. Một tình bạn như thế gây ngạc nhiên cho thế giới đang cạn kiệt tình yêu và đức tin.
Mời Bạn: Nhìn những chỗ trống trong nhà thờ, gương mặt của những người bạn chúng ta được gợi lên: bạn đời hay bạn đạo, bạn đồng nghiệp hay đồng liêu, cả những người thân thích nữa. Chỗ trống trong nhà thờ là chỗ của họ bên Chúa. Ngạn ngữ Phi châu có câu: “Muốn đi nhanh hãy đi một mình; còn nếu muốn đi xa, bạn hãy đi vơi người khác.” Một mình không thể “khiêng” người bạn đến với Chúa, thì mời gọi thêm nhiều người cùng khiêng. Chỉ tình yêu chân thật mới có khả năng liên đới, chỉ đức tin đích thực mới có sức thúc đẩy ta sáng kiến phục vụ tha nhân. Chỗ trống trong nhà thờ là chỗ của họ.
Sống Lời Chúa: Rủ thêm người tìm đưa một người bạn đến nhà thờ.
Cầu nguyện: Xin cho con biết yêu quý linh hồn con và linh hồn mọi người.
18.01.20
THỨ BẢY TUẦN 1 TN
Bắt đầu tuần lễ Hiệp Nhất Ki-tô hữu
Mc 2,13-17
HIỆN DIỆN CHO TỘI NHÂN
“Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” (Mc 2,16-17)
Suy niệm: Thiên Chúa làm người hiện diện cách hữu hình trên trần gian này là để đền bù tội lỗi nhân loại và thánh hoá họ. Ngài không chỉ bằng lòng với việc chữa lành bệnh tật mà còn ban ơn tha thứ tội lỗi, chẳng hạn khi chữa lành người bại liệt, Ngài nói: “Tội của anh đã được tha” (Lc 5,20). Hơn thế nữa, Chúa kêu gọi họ trở thành môn đệ, biến đổi họ từ tội nhân trở thành những thánh nhân: từ Lê-vi người thu thuế được biến đổi thành Mát-thêu vị tông đồ viết sách Phúc Âm; từ Sao-lô, kẻ bách hại các tín hữu được biến đổi thành vị tông đồ dân ngoại; từ Mác-đa-la, người bị bảy quỷ ám (x. Lc 8,2) Mác-đa-la, người nữ đầu tiên loan báo Tin Mừng Phục Sinh.
Mời Bạn: Con người luôn luôn cần sự hiện diện dịu dàng và khiêm hạ của Chúa trong tiến trình sám hối và hoán cải. Khi bạn muốn xét mình và đi xưng tội, hãy thực hiện điều đó với Chúa Giê-su dịu dàng và khiêm hạ, trong sự hiện diện của Chúa và trong quyền năng của Chúa Thánh Thần.
Chia sẻ: Chia sẻ kinh nghiệm về sự hiện diện dịu dàng và khiêm hạ của Chúa. Sự hiện diện đó giúp bạn can đảm xưng thú tội lỗi và nhận được ơn biến đổi thực sự.
Sống Lời Chúa: Không sợ để Chúa hiện diện với mình trong mọi nơi mọi lúc, nhất là những lúc yếu đuối, bất toàn. Mọi ơn hoán cải, biến đổi chỉ có thể diễn ra với sức mạnh quyền năng của Chúa Thánh Thần.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con giờ này. Xin giúp chúng con sám hối tội lỗi và chữa lành chúng con bằng tình yêu đầy thương xót của Ngài.
19.01.20
CHÚA NHẬT TUẦN 2 TN – A
Ga 1,29-34
GIỚI THIỆU ĐẤNG CỨU THẾ
“Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian.” (Ga 1,29)
Suy niệm: Người ta thường cảm phục những con người biết liều chết cứu người, xả thân vì quốc gia, dân tộc. Thế nhưng có một Đấng đã xả thân gánh hết tội lỗi cho nhân loại mà vẫn còn có quá nhiều người không hề biết đến. Đấng đó, Gio-an Tẩy giả giới thiệu, chính là Đức Giê-su, Đấng đến để xóa bỏ tội trần gian, Đấng đến để cứu vớt nhân loại đang chìm trong tội lỗi. Ngài muốn nhân loại nhận ra và tin vào Ngài để được cứu thoát.
Mời Bạn: Bạn đã tin nhận Chúa Giê-su là Đấng đã cứu sống bạn khỏi cái chết đời đời do tội lỗi, thì giờ đây, bạn cũng hãy giới thiệu Ngài cho con người thời đại hôm nay bằng lời rao giảng cùng với chính đời sống của bạn. Tất cả đời sống của bạn đều phải qui hướng về mục đích này. Bạn đừng lấy làm đủ chỉ vì bạn không bỏ Thánh Lễ Chúa Nhật ngày nào. Bạn phải sống sao cho gương mặt của “Đấng xóa tội trần gian” được người ta nhận ra qua chính đời sống của bạn, Bao lâu bạn không quan tâm đến việc đem Chúa đến cho người khác, bấy lâu bạn không con là môn đệ đích thực của Đức Giê-su.
Chia sẻ: Bao nhiêu lần trong cuộc đời bạn đã giới thiệu Đức Giê-su cho những người chưa nhận biết Chúa và bạn đã giới thiệu như thế nào?
Sống Lời Chúa: Thực hành lời dạy của Thánh Phao-lô: “Dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1Cr 10,31).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, gương mặt Đức Giêsu, “Đấng xóa bỏ tội trần gian” lắm khi bị lu mờ vì đời sống tội lỗi của chúng con. Xin cho chúng con biết canh tân đời sống để giới thiệu Đức Giê-su cho mọi người.
20.01.20
THỨ HAI TUẦN 2 TN
Thánh Pha-bi-a-nô, giáo hoàng, tử đạo
Mc 2,18-22
CANH TÂN THEO LỜI CHÚA
“Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu da cũng hư. Nhưng rượu mới, bầu da cũng phải mới.” (Mc 2,22)
Suy niệm: Thật khó khăn và rất sợ hãi khi phải đổi mới, bởi chúng ta thường an tâm với những gì mình kiểm soát được. Vì thế, Đức Phan-xi-cô cho biết đó là lý do khiến chúng ta khó tín thác vào Chúa, bởi lòng tín thác luôn đòi hỏi ta phải chấp nhận đổi mới theo Phúc Âm, vì đổi mới-sám hối là đòi hỏi thiết yếu của Phúc Âm. Ai có thể giải thích được sự lớn mạnh của Giáo Hội từ số mười hai người bất toàn đến số đông các tín hữu hôm nay trên thế giới, nếu không phải do Lời Chúa thôi thúc họ vượt ra khỏi sự an toàn thường ngày để ra đi truyền giáo làm nên điều mới mẻ trong thế giới? Như vậy, sự mới mẻ của Lời Chúa là men của rượu mới mà Chúa Giê-su nói đến và đòi hỏi Ki-tô hữu phải đổi mới tương hợp với Lời Chúa. Sự đổi mới đòi buộc này làm Ki-tô hữu ái ngại, nhưng là lẽ sống của Ki-tô hữu nếu không muốn “rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu da cũng hư.”
Mời Bạn: Chủ nghĩa duy cảm đang biến chúng ta thành những người dễ dãi, không cần từ bỏ tội lỗi, không cần đón nhận Lời Chúa và chấp nhận được đổi mới theo Lời Chúa. Giờ đây, bạn có ưng thuận lắng nghe Lời Chúa hằng ngày không? Rượu Lời Chúa luôn mới đòi hỏi chúng ta phải như bầu da mới canh tân cuộc đời theo Lời Chúa.
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày dành giờ riêng tư với Chúa và đọc Lời Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban ân sủng Chúa cho chúng con, và xin ban cho chúng con “Thần Trí dũng mãnh” của Chúa để Ngài “đổi mới mặt đất này” (Is 11,2; Tv 104,30).
21.01.20
THỨ BA TUẦN 2 TN
Thánh Anê, trinh nữ, tử đạo
Mc 2,23-28
ĐƯỢC LÀM GÌ NGÀY SA-BÁT?
“Ngày sa-bát được tạo ra cho loài người… Con Người làm chủ luôn cả ngày sa-bát.” (Mc 2,27-29)
Suy niệm: Đối với người Do Thái, ngày sa-bát – đối với chúng ta là ngày Chúa Nhật – là ngày phải được thánh hóa theo lệnh Chúa truyền. Các luật lệ đặt ra phải giúp người ta đạt được mục đích đó. Việc các môn đệ bứt vài bông lúa “vò trong tay để ăn” cho đỡ đói không thể là hành vi vi phạm luật thánh thiêng của ngày sa-bát. Chúa Giê-su trưng dẫn từ Sách Thánh: Khi Đa-vít và đoàn tuỳ tùng bị đói, các tư tế cho phép lấy bánh tiến trong đền thờ ăn để cứu đói. Chúa mới là chủ của ngày sa-bát. Thế nên đừng vì soi mói tiểu tiết mà phế bỏ điều thiết yếu lớn lao hơn cả, đó là “công lý, lòng nhân và thành tín” (Mt 23,23) để rồi biến con người, thay vì là chủ, trở thành nô lệ của lề luật.
Mời Bạn: Thánh hoá ngày Chúa Nhật không chỉ là tham dự thánh lễ, mà còn là thực thi điều thiết yếu nhất là”công lý, lòng nhân và thành tín.” Đó là làm việc tông đồ bác ái, tham gia những hoạt động công ích, giúp phát triển cộng đồng, gia tăng việc chăm sóc gia đình, bồi dưỡng giáo lý… Khi thực hiện như thế, con người làm đúng ý Chúa, vì Ngài là chủ ngày sa-bát, Ngài muốn dùng thời gian này để con người biết ơn Ngài và mưu ích cho tha nhân.
Chia sẻ: Trong bối cảnh xã hội hiện nay, việc “kiêng việc xác ngày Chúa Nhật” cần phải được thực hiện thế nào?
Sống Lời Chúa: Ngày Chúa Nhật, bạn tham dự thánh lễ và có những hoạt động thiết thực để thánh hoá ngày đó.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin tôn thờ Chúa là Chủ thời gian, là Chủ vận mệnh đời con. Xin giúp con dùng thời giờ Chúa ban cho nên lành nên thánh. Amen.
22.01.20
THỨ TƯ TUẦN 2 TN
Thánh Vinh-sơn, phó tế, tử đạo
Mc 3,1-6
TÍCH CỰC LÀM ĐIỀU LÀNH
“Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?” (Mc 3,4)
Suy niệm: Những va quẹt nhẹ trên đường phố, những xích mích nhỏ trong đời thường, những cãi cọ thách đố nhau trên mạng xã hội dễ dàng dẫn đến những cuộc ẩu đả thậm chí những vụ án mạng nghiêm trọng. Tình trạng bạo lực gia tăng đáng ngại trong gia đình và cả ở học đường, nơi những học sinh mặt còn búng ra sữa. Câu ca dao quen thuộc: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng” đã từng là chuẩn mực luân lý không cần bàn cãi, giá trị nhân văn ngàn đời của dân tộc, giờ đây không còn mang tính đương nhiên, mà còn bị xói mòn, thách thức, và loại bỏ. Chúa Giê-su đã “buồn rầu và giận dữ” trước sự chai đá của những người Pha-ri-sêu và kinh sư. Bởi vì trước lời chất vấn của Chúa: “Ngày sa-bát cứu người hay giết người?” câu trả lời tưởng chừng như rất hiển nhiên; thế mà họ đã lặng thinh, không dám trả lời. Một cách gián tiếp họ đã phủ nhận mệnh lệnh tuyệt đối ấy của lương tâm chỉ vì tự ái và những tham vọng của họ.
Mời Bạn: Bạn hãy sống thật với lương tâm là tiếng Chúa nói trong tâm hồn mình dù có phải đi ngược với thói đời, dù có phải chịu thiệt thòi quyền lợi trong xã hội.
Sống Lời Chúa: Luôn tuân theo mệnh lệnh của lương tâm, đó là tích cực làm điều lành, xa tránh điều dữ, và nhất là tìm kiếm và thi hành thánh ý Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin ban cho con một lương tâm ngay chính để con biết phân định ý Chúa. Xin ban cho con Lời Chúa là ánh sáng soi dẫn bước chân con. Xin ban cho con ơn dũng cảm để con mạnh dạn thực thi Lời Chúa dẫu con phải chịu khổ đau, thiệt thòi. Amen.
23.01.20
THỨ NĂM TUẦN 2 TN
Mc 3,7-12
“LÁNH ĐI” ĐỂ LAN TỎA
Đức Giê-su cùng với các môn đệ của Người lánh về phía Biển Hồ. (Mc 3,7)
Suy niệm: “Con người là sinh vật mang tính xã hội.” Tự nơi sâu thẳm, con người mang tính liên đới, hiệp thông, thông truyền. Điều này không có gì lạ vì con người, theo Kinh Thánh, là hình ảnh Thiên Chúa, Một Chúa Ba Ngôi hiệp thông trọn vẹn. Thế nhưng, đối nghịch lại, cũng có khuynh hướng thích tách riêng, đề cao chủ nghĩa cá nhân thay vì tinh thần liên đới. Thế giới hôm nay, với Facebook, Twitter là các công cụ nối kết, chia sẻ, giúp con người xích lại gần nhau hơn, nhưng cũng có thể làm đánh mất tương quan, xa lạ với chính mình. Không ít người dùng các công cụ truyền thông để tìm sự nổi tiếng, coi mình như trung tâm, tôn thờ chính mình. Tin Mừng hôm nay tóm kết hoạt động chữa bệnh của Đức Giê-su. Từ khi xuất hiện, Ngài trở nên một hiện tượng, một con người nổi tiếng. Thế nhưng, Ngài lại trốn lánh sự nổi tiếng đó, Ngài cùng các môn đệ lánh sang nơi khác. Khi dân chúng kéo nhau tìm đến Ngài, Ngài đã lên chiếc thuyền để lánh, khỏi bị đám đông chen lấn. Ngài không muốn người ta quy tụ bên Ngài chỉ vì sự nổi tiếng. Ngài lánh tiếng khen, để lan toả đến mọi người điều chính yếu: Tin Mừng Nước Trời, Tin Mừng sự sống.
Mời Bạn: Những cuộc thăm viếng, gặp gỡ ngày Tết sắp đến, bạn sẽ thông truyền, lan tỏa điều gì?
Sống Lời Chúa: Làm một việc giúp người nghèo trong dịp Tết, nhưng tránh tiếng khen và khoe khoang.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, vì yêu con người, Chúa cứu chữa con người và Chúa lánh những lời khen tặng. Xin giúp chúng con noi gương Chúa, tay phải làm việc thiện việc lành, mà không muốn tay trái biết. Amen.
24.01.20
THỨ SÁU TUẦN 2 TN
Thánh Phan-xi-cô Sa-lê-si-ô, giám mục, tiến sĩ HT
Mc 3,13-19
HOA VÀ GỐC
Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng. (Mc 3,14)
Suy niệm: Chúa Giê-su chọn gọi các môn đệ. Thế nhưng Ngài không vội vàng sai họ đi rao giảng, Ngài muốn họ ở lại với Ngài trước đã. Kim chỉ nam của hội viên Legio Mariae nhắc lại cho chúng ta ‘cái lý’ của Chúa: “Cầu nguyện là gốc, công tác là hoa. Hoa không gốc sẽ tàn.” Chúng ta thường chỉ nghĩ đến ‘hoa’ tức là ‘đi rao giảng,’ mà quên ‘gốc,’ nghĩa là ‘ở với Người.’ Chúa mời gọi chúng ta kín múc sức mạnh, nguồn ân sủng nhờ luôn kết hợp với Người. Chính mối tương quan này sẽ giúp chúng ta bền chí trên con đường theo Đức Ki-tô, và sẽ tạo nên những hương thơm cho anh chị em xung quanh.
Mời Bạn: Là con cái Thiên Chúa và là môn đệ Thầy Giê-su, chúng ta luôn được mời gọi ra đi làm chứng cho Tin Mừng. Điều đó cũng phải lẽ thôi, vì làm sao không hãnh diện, tự tin, và vui mừng khi chúng ta có Chúa là Cha nhân lành, có Đức Giê-su vừa là bậc Thầy khôn ngoan, đồng thời cũng là người Bạn chân tình hướng dẫn. Nhưng để có được niềm vui, tự tin, và hãnh diện ấy, mỗi một người chúng ta cần phải sống thân mật với Chúa, tạo mối tương quan thân thiết với Ngài. Thánh nữ Tê-rê-xa Hải Đồng dù không ra khỏi bốn bức tường, nhưng được đặt làm bổn mạng các xứ Truyền giáo, do đời sống cầu nguyện của ngài. Mời bạn hãy bắt đầu mọi việc bằng tâm tình kết hợp với Chúa. Chắc chắn bạn sẽ đem lại hiệu quả cho anh chị em mình. Bạn có tin điều đó không?
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa luôn mong muốn các môn đệ ở với Chúa. Xin cho chúng con biết sống kết hợp với Chúa trong mọi lúc, để hương thơm của Chúa qua chúng con đến được với thế giới hôm nay. Amen.
25.01.20
THỨ BẢY TUẦN 2 TN
Thánh Phao-lô tông đồ trở lại
Mồng Một Tết – Cầu bình an năm mới
Mt 6,25-34
LỜI CHÚC ĐẦU NĂM CỦA CHÚA
“Anh em đừng lo lắng tự hỏi : ta sẽ ăn gì, uống gì hay mặc gì đây?… Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6,31-33)
Suy niệm: Trong những ngày đầu năm mới, chúng ta vẫn có thói quen chúc nhau những điều thật tốt đẹp. Thế nhưng chúng ta cũng mường tượng rằng những lời chúc đó nếu không phải là những ngôn từ rập theo khuôn sáo thì cùng lắm cũng chỉ là những ước mơ mà thôi. Phần Chúa, Ngài cũng dùng Lời Ngài mà chúc chúng ta, cách đặc biệt trong phụng vụ ngày đầu năm mới. Lời chúc của Ngài nhắm thẳng vào những nhu cầu thường nhật nhưng cấp thiết, là những mối bận tâm lo lắng hàng đầu của chúng ta: “ăn gì, uống gì, lấy gì mà mặc”. Thế nhưng, tất cả những thứ đó “Chúa đã biết thừa”. Ngài sẵn lòng “ban thêm” cho chúng ta những điều đó, sau khi Ngài ban cho chúng ta điều quan trọng hơn, quí giá hơn nhiều; đó là chính trọng tâm lời chúc của Ngài: “Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người.” Lời chúc cũng là lời hứa. Mà đã hứa thì Chúa sẽ thực hiện.
Mời Bạn: Bạn có dám tin, dám nhận vào lời hứa-chúc của Chúa không? Mà dám tin cũng có nghĩa là dám liều: dốc sức việc “tìm kiếm Nước Thiên Chúa” trước, và sẵn sàng phó thác những sự khác – “ăn gì, uống gì hay lấy gì mà mặc” – để cho Chúa tuỳ nghi định liệu.
Sống Lời Chúa: Trong ngày đầu năm mới bạn và gia đình bạn đọc kinh gia đình và dâng lên Chúa lời cầu xin và quyết tâm của toàn thể gia đình.
Cầu nguyện: Đọc Kinh Trông Cậy hoặc hát “Con vẫn trông cậy Chúa”.
26.01.20
CHÚA NHẬT TUẦN 3 TN – A
Mùng Hai Tết, kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ
Mt 4,12-23
CÁM DỖ NGÀY THƯỜNG
“Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” (Mt 4,17)
Suy niệm: Trong những ngày giỗ, tết chúng ta thường kính nhớ tổ tiên để tỏ lòng hiếu kính biết ơn đối với bậc sinh thành, và trên hết, tôn thờ cảm tạ và ngợi khen Thiên Chúa là nguồn gốc mọi sự, là Đấng chúng ta phải tạ ơn và tôn vinh suốt đời, không chỉ trong những biến cố lớn lao, mà cả trong những đau khổ thường ngày. Quả thật, cuộc đời chúng ta không chỉ là những ngày tết, hay những biến cố quan trọng, mà phần lớn là những ngày bình thường như mọi ngày. Cám dỗ lớn nhất của chúng ta là để cho những ngày đó trở thành tầm thường, tẻ nhạt. Chúng ta được mời gọi hoán cải liên lỉ để luôn làm mới các tương quan thường ngày với Chúa, với tha nhân, cách riêng với những người thân cận của mình trong gia đình.
Mời Bạn: ĐTC Phan-xi-cô nói: “Hoán cải hằng ngày là cố gắng liên tục để thanh tẩy trái tim”. “…nếu bạn không thể nói xấu người khác, thì bạn đã đi đúng con đường nên thánh… khi muốn chỉ trích một người láng giềng, hãy cắn lưỡi nhẹ một chút. Lưỡi bạn sẽ hơi sưng nhưng linh hồn bạn sẽ lành thánh hơn trên con đường này… Không có gì to tát, không có việc hành xác, thật là giản dị. Xin đừng lui bước…”. Bạn có sẵn sàng cho việc hoán cải chính mình trong từng việc nhỏ mỗi ngày như vậy không?
Sống Lời Chúa: Quan tâm chăm sóc người thân của mình với ý thức “Bổn phận là ý Chúa trong giây phút hiện tại” (ĐHV.17).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết khiêm tốn và biết đón nhận những hy sinh trong những vất vả hằng ngày; để tâm hồn con được thanh tẩy, để biết yêu mến Chúa và ngày càng trở nên giống Chúa hơn. Amen.
27.01.20
THỨ HAI TUẦN 3 TN
Mồng Ba Tết – Thánh hóa công ăn việc làm
Mt 25,14-30
NGƯỜI TÔI TRUNG CỦA CHÚA
“Anh đúng là tôi tớ tài giỏi và trung thành.” (Mt 25,20-21)
Suy niệm: Đem những yến bạc đi làm ăn sinh lợi tất nhiên là vất vả và rủi ro hơn nhiều so với giải pháp “an toàn” là chôn giấu nó đi. Làm cho của cải sinh lời dĩ nhiên là khó hơn để chúng ngủ yên trong két sắt. Những người tôi tớ đã làm ăn sinh lời chỉ cần nói một cách giản đơn: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây.” Vì vậy, không lạ gì ông chủ khen họ là những “tôi tớ tài giỏi và trung thành.” Còn người đầy tớ với kết quả kinh doanh của mình chỉ là một con số không, thì lấp liếm sự bất tài và lười biếng của mình bằng đủ thứ lời biện bác. Những người tôi trung của Chúa nhất định không phải là những người ỷ lại, thụ động, ngồi há miệng chờ sung. Trái lại người tôi tớ “tài giỏi và trung thành” là người dám bạo dạn xả thân, hoạt động tích cực để sinh lợi cho Nước Trời. Hình mẫu “người Tôi Trung của Chúa” được hiện thực nơi Đức Giê-su Ki-tô, Người đã “người đã tự ý trở nên ghèo khó, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2Cr 8,9).
Mời Bạn: Bạn là người quản lý của Thiên Chúa và tất cả những gì bạn có – tài năng, tiền của, sức khoẻ, thời gian,… và cả sự hiện hữu của bạn – đều là những yến bạc Chúa ban. Bước vào năm mới Canh Tý này, trong các dự định cho công ăn việc làm, bạn nhớ đặt chỉ tiêu làm ăn để “sinh lợi cho Nước Trời”.
Sống Lời Chúa: Tập thói quen dừng lại một giây để dâng công việc bạn sắp làm với mục đích làm vinh danh Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin lấy Chúa làm niềm vui của con trong năm nay; vì chỉ với niềm vui ấy, con mới có thể sống và làm việc cho Danh Chúa cả sáng. Amen.
28.01.20
THỨ BA TUẦN 3 TN
Thánh Tô-ma A-qui-nô, linh mục, tiến sĩ HT
Mc 3,31-35
GIA ĐÌNH ĐƯỢC QUI TỤ
“Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi.” (Mc 3,34)
Suy niệm: Trong Tin Mừng hôm nay, thánh sử Mác-cô cho ta thấy hai hình ảnh gia đình của Đức Giê-su. Một gia đình đang “đứng ở ngoài, cho gọi Người ra,” và một gia đình “đang ngồi chung quanh Người,” chăm chỉ lắng nghe và đi theo Người. Đám đông ấy được qui tụ xung quanh Thầy Giê-su, tạo nên đại gia đình mới của Người. Gia đình này không được hình thành từ mối quan hệ huyết thống, nhưng là hoa quả đầu mùa của Giáo Hội, thuộc về cộng đoàn được qui tụ từ đức tin vào Thầy Giê-su. Họ là người nhà thân thiết với Thầy Giê-su, vì thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Khi thi hành thánh ý Chúa, ta trở nên người họ hàng với Chúa Ki-tô.
Mời bạn: Hội Thánh, giáo phận, giáo xứ, giáo họ của bạn là gia đình đức tin được qui tụ bên nhau và bên Chúa. Thật hạnh phúc và an bình khi được chia sẻ với nhau Lời Hằng sống và Thánh Thể; cùng cộng tác với vị mục tử và mọi người trong việc xây dựng xứ đạo, loan báo Tin Mừng. Hãy là những người anh, người chị trong gia đình đức tin này, lan tỏa sứ điệp yêu thương cho nhau và những người sống quanh bạn!
Chia sẻ: Hiện tại bạn đang “đứng bên ngoài” hay “đang ngồi chung quanh” gia đình giáo họ, giáo xứ,.. của mình ?
Sống Lời Chúa: Tôi cố gắng loại bỏ các lời nói, hành động làm cản trở tình hiệp thông, hiệp nhất trong xứ đạo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa đã cho con được là thành viên trong gia đình Giáo Hội. Xin cho con biết chân thành cộng tác với mọi người, để gia đình của Chúa thắm đượm tình thương yêu, bác ái và đầy ắp tiếng cười vui. Amen.
29.02.20
THỨ TƯ TUẦN 3 TN
Mc 4,1-20
CÓ HẠT SINH MỘT TRĂM!
“Người gieo giống ra đi gieo giống…” (Mc 4,3)
Suy niệm: Thiên Chúa gieo Lời của Ngài vào mọi thứ đất. Dù là chỗ đá sỏi, vệ đường, bụi gai hay là mảnh đất tốt, hễ chỗ nào có khoảng trống là Ngài lại gieo. Dường như Ngài cứ mặc tình gieo Lời một cách hào phóng, chẳng ngại phí phạm và cũng không hề quan tâm tới chất lượng đất hay sản lượng thu hoạch được. Thực ra, có đấy! Ngài có quan tâm đến sản lượng đấy! Hạt giống Lời Chúa tất nhiên là tốt rồi. Nhưng Lời có sinh hoa trái hay không và sinh nhiều hay ít là tuỳ theo chất lượng đất, tuỳ theo khâu dọn đất và chăm sóc. Có điều là, khâu dọn đất, chăm sóc – mảnh đất tâm hồn mình hay của tha nhân – thì Chúa lại giao cho chúng ta thực hiện. Mà ai lại không muốn hạt giống sẽ sinh lời gấp trăm? Sứ mạng truyền giáo không chỉ là gieo giống mà còn phải bắt đầu sớm hơn, từ công việc cải tạo đất, làm cho đất sẵn sàng đón nhận hạt giống.
Mời Bạn phiên dịch những ẩn dụ trong dụ ngôn thành mệnh lệnh cụ thể cho những hoạt động truyền giáo của bạn: – nhổ cỏ, dọn gai góc sỏi đá phải chăng là sám hối, chừa bỏ tính hư nết xấu? – cày bừa phải chăng là rèn tập nhân đức, cởi mở tâm hồn để đón nhận ơn cứu độ?
Chia sẻ: Bạn có thể làm gì để anh em lương dân nghe biết về Đức Ki-tô và yêu mến Ngài nhiều hơn?
Sống Lời Chúa: Dâng các việc trong ngày, và cầu nguyện cho một người bạn lương dân, và khi tiếp xúc, bạn hãy cư xử bác ái với người đó và chia sẻ với họ cảm nghiệm đức tin của bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con ước ao được đáp lại lòng mong mỏi của Chúa là đem Tin Mừng đến cho biết bao người đang khao khát mong chờ. Xin Chúa biến đổi con thành tông đồ của Chúa.
30.01.20
THỨ NĂM TUẦN 3 TN
Mc 4,21-25
LÀ ÁNH SÁNG CHO ĐỜI
“Chẳng lẽ mang đèn tới để đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường? Nào chẳng phải là để đặt trên đế sao?” (Mc 4,21)
Suy niệm: “Có hai cách tỏa sáng; là ngọn đèn hay là gương phản chiếu ngọn đèn ấy” (Nhà văn E. Wharton). Ngọn đèn ở đây là chính Đức Giê-su, nguồn ánh sáng của nhân loại, không thể bị che dấu, nhưng phải được các Ki-tô hữu giới thiệu, rao truyền cho những người lân cận. Đức Giê-su đã cống hiến cho nhân loại một mẫu người lý tưởng sống mối tương quan với Chúa, với tha nhân, và với chính mình qua đời sống và lời rao giảng của Ngài. Rồi tựa như đèn được đặt trên đế cao, ta cũng không được đem Lời Ngài, sứ điệp Tin Mừng của Ngài đi chôn giấu, nhưng phải truyền bá cho mọi người biết, vui hưởng, và sống Tin Mừng hay Lời Hằng sống ấy. Tin Mừng của Ngài đem lại ý nghĩa cho cuộc sống con người; Lời Ngài soi sáng cho lối ứng xử mẫu mực của ta với Chúa và với nhau.
Mời Bạn: “Ngọn nến nhỏ tỏa ra ánh sáng xa biết bao! Cũng vậy, một việc tốt soi sáng cả một thế giới buồn chán” (Thi hào W. Shakespeare). Chúa Ki-tô cũng gọi bạn là ánh sáng, muối men cho đời. Bạn là tấm gương phản chiếu ánh sáng Chúa Ki-tô cho người lân cận qua các nghĩa cử bác ái, hy sinh quên mình, quảng đại chia sẻ, đỡ nâng người khác.
Sống Lời Chúa: Tôi không giữ Chúa Ki-tô cho riêng mình, nhưng phải nói về Ngài, giới thiệu Tin Mừng vui tươi của Ngài cho người trong chính gia đình, gia tộc, bạn hữu, láng giềng của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con tuyên xưng Chúa là ánh sáng cho thế gian lắm bóng đêm này. Con cũng cảm tạ Chúa tin tưởng giao cho con nhiệm vụ là ánh sáng cho trần gian. Xin giúp con làm trọn nhiệm vụ này. Amen.
31.01.20
THỨ SÁU TUẦN 3 TN
Thánh Gio-an Bốt-cô, linh mục
Mc 4,26-34
CHÚA GIÊ-SU LÀ DỤ NGÔN
Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà rao giảng lời cho họ, tùy theo mức độ họ có thể nghe. (Mc 4,33)
Suy niệm: “Đức Giê-su kể dụ ngôn cho dân chúng vây quanh Ngài, sử dụng các câu chuyện liên hệ đến đời sống họ, rút ra sự thật thiên đàng và gói nó bằng một nội dung trần thế” (Nhà biên kịch S. Kendrick). Nghệ thuật rao giảng của Đức Giê-su là nói nhiều hơn bằng cách nói ngắn hơn, với ít từ ngữ nhất. Đa số các dụ ngôn của Ngài đều dưới 250 từ. Dụ ngôn gần gũi với người nghe vì là các câu chuyện đến từ cuộc sống thường ngày, ai cũng hiểu dễ dàng. Thế nhưng, qua câu chuyện đời thường ấy, dụ ngôn đưa ta đi vào thế giới huyền nhiệm của Thiên Chúa: kế hoạch cứu độ của Chúa, tương quan giữa Ngài với con người, giữa con người với nhau, nhất là sự hiện diện của Nước Trời trên trần thế.
Mời Bạn: “Việc giảng dạy của Đức Giê-su bắt đầu bằng câu chuyện và kết thúc bằng biểu tượng – câu chuyện bắt đầu bằng dụ ngôn và kết thúc nơi ta. Đây không phải là câu chuyện Kinh thánh ta học hỏi, nhưng là câu chuyện của ta” (L. Sweet). Bạn hãy đi vào thế giới kín ẩn của Chúa bằng cách tập tạo mối tương quan thân thiết với Ngài. Lúc đó, dụ ngôn mà bạn được nghe trở thành câu chuyện cuộc đời của bạn.
Sống Lời Chúa: Tôi thường xuyên nghiền ngẫm những lời dạy, dụ ngôn của Chúa Giê-su để cho mối tương quan giữa mình với Chúa Giê-su ngày càng thêm thân thiết đến mức có thể nói “Tôi sống là Chúa sống trong tôi.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa là Dụ ngôn, Câu chuyện Thiên Chúa nói với con người. Xin cho con cảm nhận dụ ngôn là chính câu chuyện đời con, giúp con đi vào thế giới huyền nhiệm của Chúa. Amen.
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.