Trong những ngày này, từ 02 đến 13-12-2019, Hội nghị thượng đỉnh quốc tế thứ 25 của LHQ về sự biến đổi khí hậu, quen gọi là COP25, đang tiến hành tại Madrid, Tây Ban Nha, với sự tham dự của khoảng 150 quốc gia. Theo Hiệp định COP21 ký kết tại Paris hồi cuối năm 2015, các chính phủ đồng ý cập nhật các kế hoạch về khí hậu của mình trong năm tới 2020. Tựu trung trong vòng 14 tháng tới đây là rất quan trọng đối với nỗ lực của cộng đồng thế giới kiểm soát hiện tượng nhà kính do khí thải tạo nên, lên tới mức kỷ lục trong năm 2018.
Khoa học về khí hậu thật rõ ràng, theo đó thế giới đang đối đầu với một cuộc khủng hoảng ồ ạt và trầm trọng về môi sinh và nhân đạo. Đây là điều được coi là cấp thiết nhất ngày nay và không thể tránh né, vấn đề sẽ không giải quyết được nếu thế giới tiếp tục lệ thuộc vào các nhiên liệu khoáng thạch, cụ thể như dầu hỏa. Hội nghị COP25 nhắm thúc đẩy các nước cập nhật kế hoặch của mình về khí hậu.
Cũng như các Hội nghị trước đây, Tòa Thánh đã gửi phái đoàn cấp cao đến dự hội nghịp COP25 tại Madrid và hôm 04/12/2019, ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã tuyên đọc tại Hội nghị sứ điệp của ĐTC, trong đó ngài kêu gọi các chính quyền thực sự có ý chí chính trị để thi hành những qui định của Hiệp Ước Paris cách đây 4 năm nhằm chống nạn những biến đổi khí hậu đang đe dọa tương lai của trái đất và nhân loại.
Thiếu ý chí chính trị thi hành những cam kết
ĐTC viết: “Thật là buồn vì 4 năm sau hiệp định Paris về sự biến đổi khí hậu, chúng ta phải nhận rằng sự ý thức của nhiều tác nhân trong cộng đồng quốc tế về tầm quan trọng phải cộng tác với nhau trong việc xây dựng căn nhà chung của chúng ta vẫn còn yếu ớt, không thể đáp ứng một cách thích hợp về sự cấp thiết phải hành động mau lẹ để đối phó với sự biến đổi khí hậu. Các nghiên cứu mới nhất cho thấy những quyết tâm gần đây của các nước vẫn còn ở xa mức độ cần thiết để đạt tới những mục tiêu do Hiệp định Paris ấn định. Sự kiện đó cho thấy từ lời nói đến những hành động cụ thể thật xa dường nào!”
ĐTC nhận xét rằng hiện nay ngày càng có sự đồng ý về sự cần thiết phải thăng tiến những tiến trình chuyển tiếp cũng như cần biến đổi các kiểu mẫu phát triển của chúng ta, khuyến khích tình liên đới và tăng cường mối liên hệ mạnh mẽ giữa cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và nạn nghèo đói.
Thiếu sẵn sàng cung cấp các phương tiện thi hành hiệp định
ĐTC cũng khẳng định rằng “từ viễn tượng trên đây, chúng ta phải nghiêm túc tự hỏi xem có ý chí chính trị để, với tinh thần lương thiện, trách nhiệm và can đảm, cung cấp nhiều hơn các phương tiện nhân sự, tài chánh và kỹ thuật để làm dịu bớt những hậu quả do sự biến đổi khí hậu gây ra hay không, đồng thời giúp đỡ dân chúng nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất đang chịu đau khổ nhiều nhất vì những biến đổi khí hậu”.
ĐTC nói đến nhiều nghiên cứu cho thấy vẫn còn có thể giới hạn hậu quả của sự hâm nóng trái đất. Để thi hành điều này, chúng ta cần có một ý chí chính trị mạnh mẽ, rõ ràng, sáng suốt, nhìn xa trông rộng, theo đuổi một hành trình mới, nhắm tái đầu tư tài chánh và kinh tế vào những lãnh vực thực sự bảo tồn những điều kiện sống xứng đáng với con người trên một trái đất lành mạnh ngày nay và trong tương lai.
“Tất cả những điều đó kêu gọi chúng ta hãy suy tư một cách ý thức về ý nghĩa những kiểu mẫu tiêu thụ và sản xuất của chúng ta, và về những tiến trình giáo dục, gây ý thức, để làm cho chúng phù hợp với phẩm giá con người”. (SS. Vat. 4-12-2019)
Nhìn lại Hội nghị COP21
Cách đây 4 năm, ĐTC cũng kêu gọi hành động theo lương tâm của nhân loại và ngài kêu gọi chính quyền các nước tham dự Hội nghị COP21 về sự biến đổi khí hậu đặt công ích lên trên tư lợi.
Kêu gọi đừng đặt tư lợi trên công ích
Trong diễn văn chiều ngày 26/11 năm 2015 khi viếng thăm trụ sở ở Nairobi, Kenya, của hai cơ quan LHQ ở Phi châu, gọi là UNON, gồm ”Chương trình LHQ về môi sinh”, gọi tắt là UNEF, và Chương trình LHQ định cư con người, gọi tắt là UN-Habitat, ĐTC nhắc đến hội nghị COP21 ở Paris và khẳng định rằng: “Trong vài ngày nữa (30-11-2015) tại Paris sẽ bắt đầu một cuộc gặp gỡ quan trọng về sự biến đổi khí hậu, trong đó cộng đồng quốc tế sẽ tái bàn đến vấn đề này.
“Thật buồn, và tôi dám nói rằng, thật là thảm họa, nếu các tư lợi chiếm ưu thế trên công ích và đưa tới sự lèo lái thông tin để bảo vệ các dự án của họ.
“Khí hậu là một công ích của tất cả và cho tất cả mọi người (..) Biến đổi khí hậu là một vấn đề toàn cầu có âm hưởng nặng nề trên các môi trường, xã hội, kinh tế, phân phối cũng như chính trị, và là một trong những thách đố chính hiện nay đối với nhân loại. Câu trả lời cho vấn đề này phải bao gồm một viễn tượng xã hội, để ý đến các quyền căn bản của những người kém may mắn nhất”.
Tầm quan trọng của hội nghị COP21 ở Paris
ĐTC nhận xét rằng “hội nghị COP21 ở Paris về sự biến đổi khí hậu là một bước tiến quan trọng trong tiến trình phát triển một hệ thống mới về năng lượng, ít lệ thuộc các nhiên liệu phiến thạch, nhiều hiệu năng hơn về năng lượng và có cấu trúc nhờ sử dụng năng lượng có ít chất than hoặc không có chất này. Chúng ta đang đứng trước một sự dấn thân chính trị và kinh tế to lớn, hệ tại xét lại và sửa chữa những bất ổn và sai trái trong kiểu mẫu phát triển hiện nay”.
ĐTC cũng nhấn mạnh rằng: “Hiệp định ở Paris trong Hội nghị COP21 có thể gửi một tín hiệu rõ ràng theo chiều hướng đó, với điều kiện chúng ta tránh cám dỗ rơi vào một thứ chủ thuyết duy danh trong những lời tuyên bố nhắm trấn an lương tâm. Chúng ta phải cảnh giác làm sao để các cơ chế của chúng ta thực sự hữu hiệu. Vì thế tôi hy vọng Hội nghị COP21 sẽ đi tới kết quả là một hiệp định toàn cầu và biến đổi, dựa trên các nguyên tắc liên đới, công bằng, ngay chính và tham gia, hướng đến việc thực thi 3 mục tiêu phức tạp và liên hệ với nhau, đó là làm dịu bớt ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu, chiến đấu chống nghèo đói và tôn trọng phẩm giá con người”… Cần có sự đối thoại chân thành và cởi mở, với sự cộng tác trách nhiệm của tất cả mọi người: các giới chức chính quyền, cộng đồng khoa học, các xí nghiệp và xã hội dân sự”.
Nguồn: Vatican News
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.