Vào chiều ngày thứ hai 25 tháng 11 vừa qua tại hội trường thể thao Tokyo Dome (Nhật Bản), ĐTC Phan-xi-cô đã đến dâng thánh lễ đại trào cùng với hàng trăm linh mục và trên 50 ngàn giáo dân đến tham dự. Những ai theo dõi thánh lễ này, đều có chung một cảm nhận là khung cảnh và bầu không khí diễn ra thánh lễ thật trang nghiêm, long trọng, sốt sắng và có những nét đặc trưng “Nhật Bản”. Có người đã không ngần ngại thốt lên, “Ôi trên cả tuyệt vời!”.
Tuyệt vời không phải do những vòng hoa sặc sỡ, những bảng hiệu bắt mắt, những giàn âm thanh hoành tráng, những cờ quạt biểu ngữ rợp trời, những đội kèn-trống vĩ đại, những tiếng vỗ tay nồng nhiệt, những bài phát biểu rườm rà lê thê vv. là những điều mà chúng ta dễ dàng được chứng kiến trong các buổi lễ Công giáo hiện nay. Ở đây có thể nói ấn tượng về buổi lễ, chính là một sự trang nghiêm thanh thoát, sâu lắng được diễn tả thông qua khung cảnh, màu sắc chủ đạo và sự tối giản của buổi lễ.
Qua quan sát kỹ, chúng ta nhận thấy rằng bối cảnh diễn ra buổi lễ rất đơn giản nhưng không kém phần hiện đại. Trên lễ đài, phía sau ghế vị chủ tế là cây Thánh giá màu trắng vươn cao khoảng từ 10-12 m. Bên dưới có ba bức phông làm nền, bức chính giữa dài hơn và cao hơn một chút. Chính giữa không gian cử hành thánh lễ là một bàn thờ chưng bày sáu cây nến và một thánh giá nhỏ cao khoảng 30 cm. Phía sau bàn thờ là ghế ngồi của ĐTC, dựa vào một tấm nền cao có gắn huy hiệu Giáo hoàng. Bục giảng được bố trí đặt phía bên trái của lễ đài. Ngoài ra, ban tổ chức cũng có đặt phía bên phải lễ đài một tượng Đức Mẹ bằng đồng cao khoảng 1m20. Không hoa, không nến. Tất cả chỉ có thế. Rất đơn giản.
Về màu sắc, có thể thấy ngay màu trắng chính là màu chủ đạo của buổi lễ. Toàn thể lễ đài đều sáng lên màu trắng biểu tượng cho sự thanh khiết, thánh thiện. Kế đến là phẩm phục của ĐTC Phan-xi-cô và các vị giám mục, linh mục đồng tế cũng toàn màu trắng. Riêng ca đoàn thì mặc đồng phục đen, gồm đủ mọi tuổi tác, thành phần tham gia. Chỉ có một sự khác biệt về màu sắc, đó là tấm thảm đỏ, đó có thể là màu hồng-y, được trải dài suốt từ phía dưới lên trên lễ đài. Màu đỏ hồng y đã nói lên sự kính trọng và sự tiếp đón đặc biệt đối với vị Cha chung của Hội thánh khi ngài là đấng nhân danh Chúa đến với đoàn chiên.
Diễn tiến buổi lễ cũng diễn ra một cách bình thường như bao thánh lễ khác. Riêng bài phát biểu cám ơn sau thánh lễ của ĐTGM Kikuchi của Tokyo cũng rất ngắn, chỉ chừng 3 phút. Sau khi cám ơn xong, ĐTGM Tokyo cũng được vị đại diện của ĐTC trao quà lưu niệm. Thánh lễ kết thúc trong sự hân hoan tột cùng của mọi người, và dư âm của buổi lễ đọng lại trong tâm trí chúng ta về một cách tổ chức lễ nghi Công giáo của người Nhật. Không ồn ào, không phô trương, không hình thức, nhưng sâu lắng và thánh thiện.
Chúng ta biết rằng người Nhật luôn đề cao sự đơn giản, họ coi đó như một triết lý sống. Họ quan niệm lối sống tối giản sẽ đem lại hạnh phúc, tự do và sự bình an cho con người. Vì thế, trong việc tổ chức lễ nghi hay sự kiện tôn giáo, người Nhật cũng muốn thể hiện triết lý “sống tối giản” của họ. Đối với họ, sự đơn giản cũng là một cái đẹp phản ánh sự trong suốt của tinh thần và sự bình an của nội tâm.
Sự đơn giản nhẹ nhàng trong lễ nghi phụng vụ của người Nhật vừa qua đã gợi cho chúng ta suy nghĩ về khuynh hướng của người Công giáo chúng ta tại nhiều nơi hiện nay thích tổ chức những lễ lạy quá thiên về hình thức bên ngoài.
Một tác giả đã kể lại câu chuyện sau: “Ngày 11 tháng 6 năm 2003, một ngày lịch sử của Giáo hội Hoa Kỳ, và cũng là một ngày vinh dự cho Giáo hội Việt Nam, một linh mục gốc Việt Nam, linh mục Đaminh Mai Thanh Lương, được tấn phong Giám mục Phụ tá Giáo phận Orange, bang California.
“Trong thánh lễ tấn phong, có Hồng y Roger Mahony, tổng giám mục Los Angeles, một số tổng giám mục, giám mục Hoa Kỳ, và hai giám mục đến từ Việt Nam, Giám mục Nguyễn Văn Yến, giám mục Phát Diệm, và Giám mục Nguyễn Văn Sang, giám mục Thái Bình. Nhiều quan khách từ phía chính quyền, các đại diện tôn giáo bạn. Hàng trăm linh mục, phó tế, nam nữ tu sỹ, đại diện giáo dân, và hàng ngàn khách mời danh dự.
“Một biến cố lịch sử như vậy, nhưng tất cả các nghi thức đều được diễn ra một cách uyển chuyển, nhịp nhàng, và hết sức trật tự. Điều khiến cho nhiều linh mục, tu sỹ nam nữ, giáo dân Việt Nam, và có lẽ cả hai vị giám mục đến từ Việt Nam phải hết sức bỡ ngỡ là trong suốt thánh lễ và mọi nghi thức tấn phong, Hồng y Mahony không hề phát biểu một câu. Ngài chỉ mặc phẩm phục Hồng y và quỳ chầu lễ. Tất cả các tổng giám mục, giám mục khác cũng ai nấy tham dự một cách hết sức trầm lắng. Và người giám lễ hôm đó không phải là một giám mục, đức ông, linh mục, hoặc tu sỹ, nhưng là một nữ giáo dân.
“Tân Giám Mục Mai Thanh Lương trong bài cám ơn cuối thánh lễ cũng rất vắn tắt và không một kể lể rườm rà. Cũng không có ông, bà chủ tịch đại diện các hội đoàn, đoàn thể. Không có đại diện chính quyền. Không có đại diện các tôn giáo bạn lên ngỏ lời chào mừng. Dĩ nhiên, có buổi tiếp tân sau đó tại hội trường nhà xứ dành cho hồng y, các tổng giám mục, các giám mục, các linh mục, tu sỹ nam nữ, các đại diện chính quyền, các đại điện các tôn giáo bạn, các quan khách, và giáo dân. Nhưng đó chỉ là một cuộc tiếp tân hết sức đơn giản”. [1]
Đức cố HY Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận có lần cũng đã đề cập đến mười căn bệnh làm băng hoại người Công giáo, trong đó ngài nhắc đến căn bệnh phô trương chiến thắng, như sau:
“Làm gì cũng chỉ nhắm chuyện phô trương là chính. Bệnh này tiếng pháp gọi là ‘triomphalisme’; người Mỹ cũng có từ ngữ ‘show up’. Thỉnh thoảng đây đó đọc trên những bản tin sinh hoạt cộng đoàn thật nức lòng: Đại lễ tổ chức vô cùng thành công, cuộc rước kéo dài cả nửa cây số, nhiều chục cha đồng tế, bữa tiệc kết thúc thật linh đình, bà con vô cùng hoan hỉ, chưa có bao giờ và có ai tổ chức được lớn như thế…Nhưng hết tiệc ra về rồi là hết. Đại lễ hôm qua hôm nay thành quá khứ xa lơ. Cảm xúc hôm qua hôm nay gọi mãi chẳng thấy về! Hãy cai chứng bệnh phô trương, vì cái chiều sâu thực sự ít ai quan tâm. Ta bảo sáng danh Chúa, nhưng xét cho kỹ Chúa mấy phần trăm, ta mấy phần trăm?
“Có những điều không cần phải phô trương. Nhưng nó sẽ từ từ thấm vào lòng người, người ta sẽ hiểu. Người ta hiểu, nhưng đồng thời người ta cũng có tự ái. Càng huyênh hoang, càng làm cho người ta ghét. Mà thành công đâu phải do mình tài giỏi gì. Nhưng mọi chuyện là nhờ ơn Chúa. Như vậy mình càng không có lý do gì để phô trương. Lúc đang huyênh hoang thì chính là lúc nguy hiểm nhất, tai hại nhất, vì đó là lúc mình mất cảnh giác. Khi nào thấy sau một cuộc lễ, có nhiều người ăn năn trở lại, Cộng đoàn hiệp nhất hơn, sốt sắng hơn, đó là dấu thành công thực sự”. [2]
Quả vậy, có nhiều trường hợp người tín hữu chúng ta dễ dàng bị lôi kéo vào cái vòng xoay của một thứ đạo mà tên gọi của nó có nhiều cách để gọi, chẳng hạn đạo-hình-thức, đạo-phô-trương, đạo-sinh-hoạt, đạo-lễ-nghi, đạo-hội-đoàn vv.
Đức HY Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận đã nhắc nhở chúng ta là hãy đặt Chúa lên trên việc-của-Chúa. Bởi vì khi chúng ta quá say mê làm những việc-của-Chúa, việc-của-cộng đoàn, việc-của-đoàn thể thì sẽ dễ dàng bỏ qua đời sống nội tâm, lơ là việc kết hiệp với Chúa, khô khan ít cầu nguyện, và không quan tâm tới thực thi bác ái đối với tha nhân. Khi đạo của chúng ta chỉ hời hợt bên ngoài với những việc làm thiên về phô trương, hoành tráng, cao ngạo, đua chen, hình thức thì lúc đó chúng ta đang sa đà vào cái thực trạng này là chúng ta có-đạo-nhưng-không-có-Chúa.
Chúng ta biết rằng, hình thức là cách thế để chuyển tải nội dung, nhưng nếu hình thức bị lạm dụng thì nội dung sẽ cằn cỗi hay bị biến thể. Khi tham dự thánh lễ, chúng ta vẫn nghe vị chủ thế đọc một cách dõng dạc rằng, “Chính nhờ Người, với Người và trong Người, mà mọi danh dự và vinh quang đều qui về Chúa là Cha toàn năng, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời” (Kinh Nguyện Thánh Thể II). Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, người tổ chức cuộc lễ lại cố làm mọi sự thật hoành tráng để làm cho mình được vinh danh, nổi bật hơn là để làm cho “Sáng Danh Chúa”.
Thánh lễ là Phụng vụ thờ phượng Thiên Chúa, cho nên tất cả mọi hoạt động phải quy về Thiên Chúa trong và nhờ Chúa Ki-tô. Chính Chúa Giê-su, khi nói về sự thờ phượng Thiên Chúa, cũng đã nhắc nhở chúng ta: “Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật” (Ga 4,19-24). Chúa nói như vậy cũng hàm ý là sự thờ phượng của chúng ta phải biết chọn lọc, cái gì là cái chính, điều gì là phụ thuộc. Nền tảng của sự tôn thờ của chúng ta không thể đánh đổi lấy danh thơm, tiếng tốt của trần gian. Đó là khuynh hướng tục hóa việc đạo của chúng ta.
Xin được nhắc lại lời của Đức cố HY Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận, như sau: “Hãy cai chứng bệnh phô trương, vì cái chiều sâu thực sự ít ai quan tâm. Ta bảo sáng danh Chúa, nhưng xét cho kỹ Chúa mấy phần trăm, ta mấy phần trăm?” [2] ./.
Aug. Trần Cao Khải
______________
[1] TS Trần Mỹ Duyệt – Người Ki-tô hữu trưởng thành: sống đạo theo hình thức – Theo Công giáo VN – Nguồn: tinmung.net
[2] Bài nói chuyện của Tôi tớ Chúa là Đức cố HY Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận khi còn làm Tổng Giám mục với giới trẻ VN hải ngoại tại Strasbourg (Pháp) chiều ngày 12-9-1998
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.