Phỏng vấn Đức TGM Nagasaki: Đức tin các anh hùng tử đạo cho thấy tầm quan trọng của Đức tin nước Nhật hiện nay

Phóng viên cao cấp của hãng tin Zenit, Deborah Castellano Lubov, đã có cuộc phỏng vấn độc quyền trên chuyến bay với Đức Tổng Giám Mục (ĐTGM) Nagasaki, Joseph Takami Mitsuaki, chủ tịch Hội đồng Giám mục Nhật bản, trong chuyến tông du của Đức Thánh Cha (ĐTC) đến Thái Lan và Nhật Bản, từ ngày 19-26 tháng 11. ĐTGM Nagasaki là người đã đại diện HĐGM Nhật Bản đọc diễn văn gửi ĐTC hôm thứ Bảy vừa qua.

Sau đây là cuộc phỏng vấn mở rộng và độc quyền của hãng tin Zenit:

ZENIT: Kính thưa Đức Tổng, thông điệp trong chuyến tông du của ĐTC Phanxicô đến Nhật bản là “Bảo vệ tất cả sự sống”. Theo ý kiến của Đức Tổng, thông điệp này đề cập đến điều gì và tại sao nó là cần thiết ?

TGM Joseph Takami Mitsuaki: nói chung, tôi nghĩ rằng người dân Nhật bản có một sự quý trọng lớn lao với cuộc sống. Tuy nhiên, trong xã hội Nhật bản hiện đại, nhiều vấn đề khác nhau đang xảy ra. Chúng bao gồm phá thai, tự tử, hệ thống án tử hình, lạm dụng trong các gia đình, bắt nạt ở trường học và tại nơi làm việc, giết người vì động cơ ích kỷ và hủy hoại môi trường.

Tại Nhật Bản, vào năm 1948, một đạo luật được gọi là Luật bảo vệ sự ưu sinh ra đời để hợp pháp hóa việc phá thai, và vào năm 1996, luật này đã được sửa đổi và trở thành Luật Bảo vệ thai sản. Theo luật này, nếu mang thai trước 21 tuần và 6 ngày thì được phép phá thai và khi được thực hiện bởi bác sĩ có giấy phép. Tại Nhật Bản, có khoảng 1,17 triệu ca phá thai vào năm 1955, khoảng 600.000 vào năm 1980, khoảng 340.000 vào năm 2000 và khoảng 160.000 vào năm 2017.

Liên quan đến tự tử, trong nhiều năm có khoảng 30.000 vụ tự tử hàng năm tại Nhật Bản, nhưng gần đây đã có một xu hướng giảm. Tuy nhiên, người ta nói rằng những vụ tự tử ở những người trẻ tuổi ở độ tuổi thiếu niên và hai mươi đang gia tăng.

Tại Nhật Bản, khoảng 60% ủng hộ việc tiếp tục án tử hình, trong khi chỉ có 9% ủng hộ việc bãi bỏ nó.

Số bạo lực gia đình và lạm dụng ở Nhật Bản cũng không phải là không đáng kể. Có những trường hợp trẻ em đã chết vì bị cha mẹ ngược đãi, ngoài ra người ta nói rằng số trường hợp người chồng bạo lực với vợ có còn cao hơn.

Tôi nghĩ rằng việc mọi người hiểu về phẩm giá của cuộc sống thì cần thiết.

ZENIT: Có nhiều dự đoán cho các chuyến thăm của Giáo hoàng đến Nagasaki và Hiroshima, những thành phố duy nhất bị ném bom hạt nhân. Chuyến viếng thăm của Giáo hoàng có ý nghĩa gì với những nơi đó, ảnh hưởng của các vụ đánh bom đó vẫn còn tiếp tục như thế nào và làm sao làm chứng cho đức tin ​​ở Nagasaki ?

ĐTGM Joseph Takami Mitsuaki: Hiroshima và Nagasaki là những thành phố duy nhất bị đánh bom nguyên tử trong chiến tranh.  Đức Giáo hoàng đến nơi bom nguyên tử rơi xuống để nhấn mạnh rằng: những hành vi này nhất định không bao giờ được lặp lại lần thứ hai, đồng thời điều đó cũng mang ý nghĩa sâu sắc đối với giá trị của hòa bình khi làm nổi bật sự tàn bạo của vũ khí hạt nhân và nỗi thống khổ về thể chất và tinh thần  mà chúng gây ra.

Nhiều người sống sót sau bom nguyên tử vẫn còn sống đến ngày nay, trong tiếng Nhật người ta gọi họ là “hibakusha”.

Sau một thời gian bách hại kéo dài 250 năm, người Công giáo địa phương đã dành 30 năm để xây dựng một nhà thờ lớn gọi là Nhà thờ Urakami, mặc dù họ cực kỳ nghèo khổ. 20 năm sau khi hoàn thành, nhà thờ này đã bị phá hủy hoàn toàn bởi bom nguyên tử. Ngày nay, người Công giáo ở Nagasaki cầu nguyện cho việc hiện thực nền hòa bình trên thế giới và làm chứng cho đức tin của họ bằng cách tham gia vào các hoạt động hòa bình.

ZENIT: Đức Tổng mong đợi gì từ chuyến thăm của Đức Giáo hoàng đến Nagasaki và Hiroshima ?

ĐTGM Joseph Takami Mitsuaki: Tôi hy vọng rằng từ Nagasaki, nơi đã trở thành nạn nhân của vụ đánh bom nguyên tử thứ hai, ĐGH sẽ ủng hộ tầm quan trọng của việc hủy bỏ hạt nhân, cụ thể là ký kết và phê chuẩn Hiệp ước về Cấm vũ khí hạt nhân và có sự kêu gọi đặc biệt với những quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. 

ZENIT: Khi ĐTC John Paul II đến thăm Hiroshima và Nagasaki năm 1981, đó vẫn là kỷ nguyên của Chiến tranh Lạnh, với nguy cơ cụ thể là chiến tranh hạt nhân. Ở châu Á ngày nay có nhiều quốc gia sở hữu – hoặc đang phấn đấu để có được – vũ khí hạt nhân. Ngài nghĩ rằng những lời nói và hành động của ĐGH sẽ có tác dụng như thế nào với những quốc gia đó ?

ĐTGM Joseph Takami Mitsuaki: Tôi không biết sẽ có phản ứng gì với những lời nói và hành động của Đức Giáo hoàng, nhưng tôi rất muốn thấy một số phản ứng tích cực hoặc chủ động.

ZENIT: Tại Nhật Bản, Giáo hội địa phương đã phải chịu một cuộc đàn áp kéo dài trong nhiều thế kỷ qua. Kinh nghiệm đó đã để lại gì cho Giáo hội Nhật Bản ngày nay là gì ?

ĐTGM Joseph Takami Mitsuaki: Người ta nói rằng ở Nhật Bản, chỉ trong những trường hợp ghi nhận được, có ít nhất 5.000 người tử đạo Công giáo. Năm 1862, 26 vị tử đạo Nhật Bản đã được phong thánh, và năm 1867, 205 vị đã được phong chân phước. Vào thời điểm đó, lệnh cấm Kitô giáo lâu dài của Nhật Bản vẫn còn hiệu lực. Phần lớn trong số 205 chứng nhân vừa được đề cập đã tử vì đạo ở Nagasaki. Năm 1987, thêm 16 vị tử đạo của Nhật Bản – trong số đó là các linh mục dòng Đa Minh – đã được phong thánh. Sau đó, vào ngày 24 tháng 11 năm 2008, 188 vị tử đạo của Nhật Bản đã được phong chân phước trong sân vận động bóng chày Nagasaki, nơi ĐTC Phanxicô sẽ cử hành thánh lễ tại Nagasaki. Trong nhóm các vị tử đạo này có 3 linh mục Dòng Tên và 1 linh mục dòng Augustin trong khi số còn lại là giáo dân. Nhiều gia đình nằm trong số những người tử vì đạo. Mặc khác, những vị tử đạo này bao gồm nhiều phụ nữ và trẻ em. Cuối cùng, vào năm 2017, võ sĩ đạo Nhật Bản Justo Takayama Ukon đã được phong chân phước ở Osaka với tư cách là một vị tử đạo.

Trên khắp Tổng giáo phận Nagasaki, đặc biệt có rất nhiều lễ tưởng niệm các vị tử đạo, được tổ chức hàng năm những nơi mà các ngài đã chết vì đức tin của mình và trong thời gian đó Thánh lễ thường được cử hành. Những dịp này tạo cơ hội cho mọi người tìm hiểu về các vị tử đạo và hành hương đến những nơi họ đã đổ máu làm chứng. Chứng nhân đức tin của các vị tử đạo cho mọi người thấy tầm quan trọng của đức tin nước Nhật Bản hiện nay và đem lại họ lòng can đảm làm chứng cho điều đó.

ZENIT: Xin Đức Tổng vui lòng cho chúng con biết về các giáo xứ trong Tổng giáo phận của ngài. Vào một ngày chủ nhật nào đó, một vị khách đến thăm một trong những giáo xứ của Đức Tổng sẽ thấy điều gì và cuộc sống của giáo xứ đó như thế nào ?

ĐTGM Joseph Takami Mitsuaki: Trong Tổng giáo phận Nagasaki, tỷ lệ những người đi lễ vào ngày Chúa Nhật vào khoảng 30%. Số lượng du khách đến các nhà thờ thuộc Tổng giáo phận ngày càng tăng, đặc biệt sau khi 7 nhà thờ được UNESCO ghi nhận là Di sản Thế giới vào năm 2018. Nhiều du khách trong số này được đánh động trước cảnh người Công giáo địa phương cầu nguyện sốt sắng. Trước đây, tôi nghĩ việc mọi người trở về nhà sau Thánh lễ Chúa Nhật là điều bình thường. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2001, hội đồng giáo phận đã được cải cách và các công nghị mục vụ ở cấp giáo xứ, giáo hạt và tổng giáo phận được thành lập với hy vọng rằng những cộng đoàn đức tin này được thành lập với hy vọng, sẽ tăng trưởng và phát triển. Vào năm 2015, dịp kỷ niệm 150 ngày “Khám phá của các Kitô hữu”, thượng hội đồng đầu tiên của tổng giáo phận đã được tổ chức, nơi đã chấp thuận việc khởi động cho việc định hướng việc đào tạo giáo lý viên, việc thành lập “ Các cộng đoàn Kitô hữu nhỏ” (SSC) và thành lập một tổ chức từ thiện có tên là Nagasaki Misericordia. 

ZENIT: Đức Tổng đã đóng vai trò như thế nào với tư cách TGM Công giáo ở một đất nước mà người Công giáo thuộc một nhóm thiểu số như vậy ? Có bất kỳ sự thù địch hay thờ ơ nào đối với người Công giáo, và có khi nào ngài cảm thấy bị phán xét hoặc phân biệt đối xử vì đức tin của ngài không ?

ĐTGM Joseph Takami Mitsuaki: Tôi chưa bao giờ trải qua bất kỳ sự phân biệt đối xử nào từ những người không phải là Kitô hữu. Thay vào đó, ở Nagasaki, tôi làm cố vấn cho một tổ chức liên tôn, vì mục đích chung sống hòa bình, các đại diện từ các tôn giáo khác nhau đã cùng nhau thúc đẩy quan hệ bằng hữu. Ngoài ra, kể từ khi tôi tham gia một tổ chức địa phương đang tìm cách bảo vệ Điều 9 của hiến pháp Nhật Bản, tôi đã nhận được sự thừa nhận đáng giá từ những người tham gia vào các hoạt động hòa bình mà chúng tôi là người Công giáo cũng đang cố gắng làm gì đó để thúc đẩy hòa bình. 

Một số người ở Nhật Bản, bao gồm ở Nagasaki, coi Kitô giáo là tôn giáo nước ngoài, và dường như phần lớn những người Nhật Bản có thể coi các tôn giáo độc thần như Kitô giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo là tôn giáo gây ra rắc rối. Thỉnh thoảng, khi một người Công giáo kết hôn với một người ngoài Kitô giáo, gia đình của người ngoài Kitô giáo hoặc người đó sẽ không chấp nhận một đám cưới ở nhà thờ hoặc không muốn bất kỳ đứa trẻ nào được rửa tội từ cuộc hôn nhân đó. Những trường hợp như vậy, có thể vẫn còn tiềm tàng một số loại định kiến ​​đối với Kitô giáo.

ZENIT: Người dân Nhật Bản nói chung biết gì về Công giáo và mọi người vẫn còn nhớ chuyến viếng thăm của Giáo hoàng John Paul II đến Nhật Bản vào năm 1981 không thưa Đức Tổng ?

ĐTGM Joseph Takami Mitsuaki: Tôi nghĩ rằng hầu hết những người dân Nhật Bản không nhận thức được Công giáo là gì. Tuy nhiên, tôi nghĩ nhiều người học ở trường biết rằng người đầu tiên giới thiệu Kitô giáo cho Nhật Bản là thánh Phanxicô Xavie và biết phân biệt Công giáo và Tin lành.

Nhiều người nhớ rất rõ về chuyến viếng thăm của Giáo hoàng Gioan Phaolô II đến Nagasaki năm 1981, đặc biệt là Thánh lễ mà ĐTC cử hành trong trời tuyết. Tôi cũng nghĩ rằng Lời kêu gọi vì Hòa bình mà ngài đã đưa ra ở Hiroshima thậm chí còn tiếp tục chạm đến trái tim của nhiều người dân Nhật Bản cho đến ngày nay.

ZENIT: Thông điệp nào mà Đức Tổng hy vọng Đức Giáo hoàng sẽ để lại cho xã hội Nhật Bản ?

ĐTGM Joseph Takami Mitsuaki: Tôi hy vọng ĐTC sẽ để lại cho chúng ta những thông điệp liên quan đến phẩm giá của cuộc sống, tầm quan trọng của việc giúp đỡ những người đang đau khổ và đã chịu khổ khi đối mặt với trào lưu tìm kiếm sự tăng trưởng tài chính hoặc một lối sống xa xỉ, và để lại cho chúng ta những chất vấn cụ thể như: chúng ta có thể làm như thế nào để bảo vệ môi trường và làm thế nào để có thể thúc đẩy hòa bình. 

ZENIT: Chuyến thăm hai quốc gia của Đức Thánh Cha đến Thái Lan và Nhật Bản có ý nghĩa gì đối với toàn bộ Châu Á ?

ĐTGM Joseph Takami Mitsuaki: Người ta nói rằng Philippines là quốc gia Kitô giáo duy nhất ở Châu Á. Kitô hữu là một thiểu số trong tất cả các nước châu Á. Tôi không biết gì về lý do của chuyến thăm của Giáo hoàng đến Thái Lan, nhưng có lẽ ĐTC đến thăm Thái Lan và Nhật Bản vì số lượng Kitô hữu ở các nước này quá ít và ngài mong muốn chúng tôi suy tư về tầm quan trọng của việc hiện diện và vai trò của Giáo hội ở Châu Á. (Theo Deborah Castellano Lubov, Zenit)

Nguồn: Hãng tin Zenit

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi