Bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ tại sân vận động quốc gia Thái Lan

“Ai là mẹ tôi, ai là anh em tôi ?” (Mt 12,48)

Với câu hỏi này, Chúa Giêsu đã thách đố đám đông thính giả của ngài suy ngẫm về một điều rất rõ ràng và hiển nhiên: Ai thuộc về gia đình của chúng tôi, ai là người thân và người yêu thương của chúng tôi ? Sau khi dành thời gian cho sự tự vấn, Chúa Giêsu trả lời, “Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (câu 50). Qua đó, Ngài không chỉ phá đổ những xác tín về tôn giáo và pháp lý thời đó, mà còn phá đổ mọi đòi hỏi không chính đáng của những người nghĩ họ ở trên Ngài. Tin Mừng là một lời mời gọi và cũng là một quyền được ban tự do cho tất cả những ai muốn nghe.

Thật đáng ngạc nhiên khi thấy Tin Mừng có đầy những câu hỏi làm xáo trộn và khuấy động con tim của các tông đồ, mời họ lên đường để khám phá sự thật có khả năng ban phát và kiến tạo sự sống. Những câu hỏi thách đố chúng ta mở rộng trái tim và khối óc để gặp gỡ một điều mới mẻ, đẹp hơn nhiều so với những gì chúng ta có thể tưởng tượng. Những câu hỏi của Thầy Chí Thánh Giêsu luôn nhằm đổi mới cuộc sống của chúng ta và của những người xung quanh chúng ta với niềm vui không gì sánh được (Evangelii Gaudium, 11).

Đó là trường hợp của những nhà thừa sai lần đầu tiên đặt chân lên những vùng đất này. Bằng cách lắng nghe Lời Chúa và đáp lại những đòi hỏi của Lời Chúa, họ nhận ra rằng họ thuộc về một gia đình lớn hơn bất kỳ gia đình nào dựa trên dòng máu, văn hóa, địa giới hoặc sắc tộc. Được sức mạnh của Thần Khí thúc đẩy, và với những chiếc túi chứa đầy niềm hy vọng do những tin tốt lành của Tin Mừng mang đến, họ lên đường tìm kiếm những thành viên trong gia đình mà họ chưa biết. Họ lên đường tìm kiếm những khuôn mặt của những người ấy. Trái tim họ phải được mở ra cho một lối suy nghĩ mới có khả năng vượt qua “các tính từ” vốn gây nên chia rẽ; điều này thúc đẩy họ khám phá ra “nhiều bà mẹ và nhiều anh chị em” vẫn còn vắng mặt trong bàn tiệc ngày Chúa Nhật của họ. Không chỉ để chia sẻ với họ mọi thứ mà bản thân họ có thể cung cấp, mà còn để nhận được những gì họ cần để lớn lên trong đức tin và sự hiểu biết về Kinh thánh (x. Dei Verbum, 8).

Nếu không có cuộc gặp gỡ trên đây, Kitô giáo sẽ thiếu khuôn mặt của các bạn. Nó sẽ thiếu những bài hát và điệu nhảy miêu tả nụ cười của người Thái, là điều rất đặc trưng cho vùng đất của các bạn. Các nhà thừa sai đã hiểu đầy đủ hơn về kế hoạch yêu thương của Chúa Cha, một kế hoạch không chỉ giới hạn trong một vài điều được chọn hoặc một vài nền văn hóa cụ thể, nhưng nó lớn hơn tất cả các tính toán và dự đoán của con người chúng ta. Một nhà thừa sai không phải là một lính đánh thuê của đức tin hay một nhà chiêu dụ cải đạo, mà là một vị khất sĩ khiêm nhường cảm thấy sự vắng mặt của những anh chị em và người mẹ để chia sẻ với họ món quà hòa giải mà Chúa Giêsu ban cho tất cả. “Này, bữa tiệc tôi đã chuẩn bị sẵn rồi; vậy hãy đi ra các ngả đường và tất cả những ai các ngươi gặp, hãy mời họ vào dự tiệc cưới” (xem Mt 22, 4-9). Đối với chúng ta, lời mời này là nguồn vui, lòng biết ơn và hạnh phúc to lớn, vì nó làm cho chúng ta “được Thiên Chúa đưa vượt qua chính mình để đạt tới sự thật đầy đủ nhất về hiện hữu của mình. Ở đó, chúng ta tìm thấy nguồn mạch và cảm hứng cho mọi nỗ lực loan báo tin mừng của chúng ta.” (Evangelii Gaudium, 8).

Năm nay là năm kỷ niệm 350 năm thành lập Đại Diện Tông Tòa Xiêm (1669-2019), một dấu hiệu của vòng tay huynh đệ được đưa ra trên những vùng đất này. Chỉ với hai nhà thừa sai đến gieo hạt giống từ thời xa xưa, mà hạt giống ấy đã nảy mầm và lớn lên mạnh mẽ với một loạt các sáng kiến tông đồ, đóng góp tốt đẹp cho cuộc sống của đất nước chúng ta. Kỷ niệm này không phải là một kỷ niệm của nỗi nhớ về quá khứ, mà là một ngọn lửa hy vọng cho phép chúng ta, ở đây và bây giờ, hành động với quyết tâm, sức mạnh và sự tự tin như các vị thừa sai. Một kỷ niệm mang tính lễ hội và biết ơn giúp chúng ta vui vẻ ra đi để chia sẻ cuộc sống mới được sinh ra từ Tin Mừng cùng với tất cả các thành viên trong đại gia đình mà chúng ta chưa biết.

Tất cả chúng ta trở thành những nhà thừa sai khi chúng ta chọn trở thành một phần sống động trong đại gia đình của Thiên Chúa. Chúng ta làm điều này bằng cách chia sẻ với những người khác như Chúa Giêsu đã làm. Ngài ăn uống với những kẻ tội lỗi, bảo đảm với họ rằng họ cũng có một vị trí trong bàn tiệc của Chúa Cha và bàn tiệc của thế giới này; Ngài chạm vào những người bị coi là ô uế và khi để cho họ chạm vào mình, Ngài giúp họ nhận ra rằng Thiên Chúa gần gũi với họ và hiểu rằng họ được Thiên Chúa chúc phúc (x. Ecclesia in Asia, 11).

Ở điểm này, tôi nghĩ đến những trẻ em và phụ nữ là nạn nhân của mại dâm và buôn người, bị sỉ nhục trong nhân phẩm chân thực nhất của họ. Tôi nghĩ về những người trẻ bị nô lệ bởi nghiện ma túy và thiếu ý nghĩa cuộc đời, khiến họ chán nản và phá hủy giấc mơ của họ. Tôi nghĩ về những người di cư, bị mất nhà cửa và gia đình, và rất nhiều người khác, những người như họ có thể cảm thấy mồ côi, bị bỏ rơi, “không có sức mạnh, ánh sáng và niềm an ủi được sinh ra từ tình bạn với Chúa Giêsu Kitô, không có một cộng đồng đức tin để nâng đỡ họ, không có ý nghĩa và một mục tiêu trong cuộc sống” (Evangelii Gaudium, 49). Tôi cũng nghĩ về những tội nhân bị bóc lột và những người ăn xin trên đường.

Tất cả họ đều là một phần của gia đình chúng ta. Họ là mẹ của chúng ta, là anh chị em của chúng ta. Chúng ta đừng làm cho các cộng đoàn của chúng ta không nhìn ra khuôn mặt của họ, vết thương của họ, nụ cười và cuộc sống của họ. Chúng ta đừng ngăn cản họ trải nghiệm dầu thương xót của tình yêu Thiên Chúa – dầu  chữa lành vết thương và nỗi đau của họ. Một môn đệ thừa sai biết rằng loan báo tin mừng không phải là để có thêm thành viên hay để thêm quyền lực bên ngoài. Nhưng là mở các cánh cửa để trải nghiệm và chia sẻ vòng tay thương xót và chữa lành của Thiên Chúa là Cha, và điều đó cũng làm cho chúng ta nên một gia đình.

Các cộng đoàn Thái Lan thân mến, chúng ta hãy tiếp tục đi theo bước chân của những nhà thừa sai đầu tiên, để gặp gỡ, khám phá và nhận ra niềm vui trên khuôn mặt của tất cả những người mẹ và những người cha ấy, những người anh chị em ấy, là những người mà Chúa muốn ban cho chúng ta và họ đang còn vắng mặt trong bàn tiệc ngày Chúa Nhật của chúng ta.

Nguồn: Hội đồng Giám mục Việt Nam

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi