Sáng 31/10, ĐTC Phanxicô tiếp các tham dự viên của khóa học về luật nhân đạo quốc tế dành cho các tuyên úy quân đội. Khóa học có chủ đề: “Sự thiếu tự do cá nhân trong những tình huống xung đột vũ trang. Sứ vụ của các tuyên úy quân đội”.
Trước hết, ĐTC cám ơn ĐHY Peter Turkson, ĐHY Fernando Filoni và Bộ Giám mục đã tổ chức khóa học. Tiếp đến, ĐTC kêu gọi các các tuyên úy quân đội phải tránh cám dỗ coi người khác như kẻ thù để tiêu diệt, không nhìn người khác như những cá nhân với đầy đủ phẩm giá và là hình ảnh của Thiên Chúa. Phải luôn nhớ rằng ngay cả trong những đau thương của cuộc chiến thì mỗi người đều vô cùng thánh thiêng.
Đề cập đến Luật nhân đạo quốc tế, ĐTC nói: “Luật nhân đạo quốc tế có nhiều điều khoản liên quan đến việc bảo vệ phẩm giá tù nhân, đặc biệt liên quan đến các cuộc xung đột vũ trang quốc tế. Nền tảng đạo đức và tầm quan trọng cốt yếu của các quy tắc này nhắm đến việc bảo vệ phẩm giá con người trong bối cảnh bi thảm của các cuộc xung đột vũ trang. Các quy tắc phải được tôn trọng và áp dụng đầy đủ và chặt chẽ. Điều này cũng áp dụng cho những ai bị giam giữ, bất kể tính chất và mức độ nghiêm trọng của tội ác mà họ đã gây ra”.
Tiếp đến, ĐTC trích dẫn Lời Chúa trong Tin Mừng Thánh Mathêu (25,36): “Ta bị tù đày, các ngươi đã viếng thăm Ta” để khích lệ các vị tuyên úy về sứ vụ đang thi hành. ĐTC nói: “Các thừa tác viên của Chúa Kitô trong thế giới quân sự cũng là những thừa tác viên đầu tiên của con người và các quyền cơ bản của họ. Tôi nghĩ đến các vị tuyên úy, hiện nay đang cùng với quân đội trong các cuộc xung đột quốc tế, họ được kêu gọi mở rộng lương tâm cho tổ chức bác ái toàn cầu, làm cho mọi người xích lại gần nhau hơn, bất kể chủng tộc, quốc tịch, văn hóa hay tôn giáo nào”.
Kết thúc bài huấn từ, ĐTC nhắc đến ngày 12 tháng 8, ngày kỷ niệm 70 năm Công ước bảo vệ nạn nhân chiến tranh đã được ký kết tại Genève năm 1949. ĐTC tái khẳng định Tòa Thánh luôn quan tâm đến luật nhân đạo quốc tế. ĐTC bày tỏ hy vọng các quy tắc của Công ước luôn được tôn trọng trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt là liên quan đến các cuộc xung đột vũ trang quốc tế, phải bảo vệ phẩm giá của những người bị tước đoạt tự do cá nhân vì những lý do liên quan đến những xung đột. (CSR_6429_2019).
Ngọc Yến
(vaticannews 31.10.2019)
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.