Lời Chúa Lc 13,31-35: Thứ Năm Tuần XXX Thường niên – Năm C

Lời Chúa: Lc 13,31-35

 31 Một hôm, tại Giê-ru-sa-lem, có mấy người Pha-ri-sêu đến thưa Đức Giê-su rằng : “Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hê-rô-đê đang muốn giết ông !” 32 Người bảo họ : “Các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này : ‘Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất. 33 Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giê-ru-sa-lem thì không được.’

 

34 “Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem ! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi ! Đã bao lần Ta muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu. 35 Thì này, nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các ngươi. Mà Ta nói cho các ngươi hay : các ngươi sẽ không còn thấy Ta nữa cho đến thời các ngươi nói : Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa !”

Suy Niệm

Sống là bước đi mỗi ngày trong cuộc hành trình, phiêu lưu.

 Hơn ai hết Đức Giêsu đã sống phận người của mình như thế.

Cuộc sống nay đây mai đó, không chỗ tựa đầu.

 Cuộc sống bấp bênh, sống nhờ lòng tốt của người khác.

 Hơn thế nữa, cuộc sống này còn bị đe dọa bởi quyền bính đạo đời.

 Trong bài Tin Mừng hôm nay, vài người Pharisêu báo tin cho Đức Giêsu

 về việc tiểu vương Hêrôđê muốn giết Ngài (c. 31).

 Họ khuyên Ngài nên ra khỏi vùng đất dưới quyền của Hêrôđê,

 vì chính ông này đã giết ngôn sứ Gioan Tẩy giả.

Đức Giêsu lộ vẻ ung dung, không sợ hãi gì.

 Ngài gọi Hêrôđê là con cáo, một con vật ranh mãnh quỷ quyệt (c. 32).

Đe dọa của ông ta không làm Ngài chùn bước.

 Ngài vẫn tiếp tục làm điều đã làm như trừ quỷ và chữa bệnh.

 Hôm nay, ngày mai, ngày mốt vẫn cứ như thế.

“Tôi phải tiếp tục đi” (c. 33).

Đức Giêsu biết rất rõ mình đang đi đâu và đến đâu.

 Ngài sẽ tiếp tục lên đường, không phải vì sợ quyền lực của Hêrôđê,

 nhưng vì Ngài chấp nhận ở dưới quyền của Thiên Chúa.

 Ngài hướng tới Giêrusalem, nơi nhiều ngôn sứ đã chịu bách hại.

Đức Giêsu ý thức mình là một ngôn sứ của Thiên Chúa.

 Số phận của Ngài cũng chẳng hơn gì bao ngôn sứ khác.

 Cái chết đang chờ đợi Ngài ở Giêrusalem.

Giêrusalem là nơi đáng sợ, nhưng cũng là nơi đáng thương.

Đức Giêsu đã âu yếm gọi hai lần: “Giêrusalem, Giêrusalem!”

Ngài tự ví mình như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh.

“Đã bao lần Ta muốn… nhưng các ngươi lại không muốn” (c. 34).

 Một tình yêu bị từ chối nên thốt lên những lời thở than.

 Vị ngôn sứ Giêsu phải dừng bước khi con người khép lòng mình lại.

 Án phạt đến từ thái độ từ khước của con người,

 giống như đàn gà con không để cho gà mẹ chở che dẫn dắt.

“Nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các ngươi” (c. 35).

 Thiên Chúa bỏ đền thờ, bỏ thành thánh Giêrusalem mà đi,

để mặc cho quân thù vây hãm và tiêu hủy.

 Nhưng rồi sẽ đến ngày Đức Giêsu trở lại trong vinh quang.

 Lúc ấy mọi người sẽ tung hô: Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến.

Chúng ta cũng có sứ mạng làm ngôn sứ như Đức Giêsu.

 Những đe dọa, đụng chạm đến an toàn là điều không tránh khỏi.

 Nhưng chúng ta vẫn được mời gọi đi đến cùng con đường của mình,

 với một tinh thần bất khuất, không gì lay chuyển.

 Vẫn phải trung thành với việc được Thiên Chúa giao,

 dù điều đó dẫn ta đến với cái chết.

 Trước một Giêrusalem thù nghịch, xin có được đảm lược của Giêsu.

 Trước một Giêrusalem từ khước, xin có được lòng nhân hậu.

Để trái tim chúng ta biết kết hợp đảm lược với lòng nhân.

Cầu Nguyện

Lạy các thánh tử đạo Việt Nam,

 các ngài đã dám sống đến cùng ơn gọi Kitô hữu

 trong một hoàn cảnh khó khăn nguy hiểm.

 Sự hy sinh của các ngài

 cho thấy tình yêu mạnh hơn sự chết

 và chết là cửa mở vào cõi sống bất diệt.

 Dù mang phận người yếu đuối,

 nhưng nhờ ơn Chúa đỡ nâng,

 các ngài đã chiến thắng khải hoàn.

 

Xin cầu cho chúng con là con cháu các ngài

 biết can trường sống đức tin của bậc cha anh

 trong một thế giới vắng bóng Thiên Chúa,

 biết nhiệt thành làm chứng về tình yêu

 bằng một đời hiến thân phục vụ.

 

Ước gì ngọn lửa đức tin

 mà các ngài đã thắp lên

 bằng cuộc sống và cái chết,

được bừng tỏa trên Tổ quốc Việt Nam.

 

Ước gì máu thắm của các ngài

 thấm vào mảnh đất quê hương

để công cuộc truyền giáo sinh nhiều hoa trái.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi