Để trở thành những con người của cậy trông và hy vọng, chúng ta không được dính bén với điều gì và sống trong niềm mong mỏi hướng tới cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Nếu chúng ta đánh mất viễn tượng này, cuộc sống sẽ như một dòng nước ngưng đọng, không chuyển động và rồi hư hoại.
Cậy trông và hy vọng là cách thức hướng sang bờ bên kia. Đức Thánh Cha đã dùng hình ảnh ấy trong bài giảng thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Santa Marta để thúc giục các tín hữu sống “ trong khắc khoải” hướng tới cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Nếu không, cuộc sống của người Ki-tô hữu có nguy cơ trở thành một thứ “học thuyết triết học” nào đó mà thôi.
Khởi đi từ bài đọc thứ nhất trong Phụng vụ hôm nay, trích từ thư thánh Phaolô gửi tín hữu Rô-ma (Rm 8,18-25), Đức Thánh Cha nói về “bài ca cậy trông” của thánh Phaolô. Chắc chắn là “có những tín hữu thành Roma” phàn nàn kêu ca và thánh Phaolô kêu gọi họ nhìn về phía trước.
Sống trong niềm mong đợi gặp gỡ Thiên Chúa
“Tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta.” Cũng thế, “muôn loài thọ tạo ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người.” Cậy trông và hy vọng chính là hướng tới cuộc mạc khải của Thiên Chúa, hướng đến cuộc gặp gỡ với Người.
Cậy trông giống như ném chiếc mỏ neo sang bờ bên kia và bám vào sợi dây bên này. Nhưng “không chỉ một mình chúng ta”, mà toàn thể thụ tạo cũng hy vọng được giải thoát, để bước vào vinh quang dành cho con cái Thiên Chúa. Và cả chúng ta nữa, những người lãnh nhận “những ân huệ đầu tiên của Thánh Thần”, cũng đang rên xiết trong lòng trong khi mong đợi ngày vinh quang.
Hy vọng chính là luôn sống trong khắc khoải và mong đợi, trong khi biết rằng chúng ta không “làm tổ” ở nơi này. Cuộc sống của người Ki-tô hữu là “cuộc sống không ngừng khắc khoải”. Nếu một Ki-tô hữu mất đi viễn tượng này, cuộc sống của người ấy trở nên ngưng trệ. Và nếu một điều gì đó không chuyển động, nó sẽ bị hủy hoại. Nếu một dòng nước ngừng chảy, ngừng chuyển động, nó sẽ bị hư hoại. Một Ki-tô hữu không còn khả năng vươn tới, không còn khắc khoải, không còn hướng đến bờ bên kia, người ấy sẽ mất đi một điều gì đó, và rồi cuộc đời sẽ ngưng trệ. Với người ấy, cuộc đời Ki-tô hữu sẽ chỉ là một học thuyết triết học mà thôi. Và một khi sống như thế, người ấy sẽ nói rằng có đức tin nhưng chẳng hề có cậy trông và hy vọng.
Thánh Thần làm việc trong chúng ta với những điều nhỏ bé
Nhưng không phải dễ để hiểu được thế nào là cậy trông và hy vọng. Nếu chúng ta nói về đức tin, chúng ta sẽ nói đến “niềm tin vào Thiên Chúa – Đấng đã tạo dựng chúng ta, niềm tin vào Chúa Giêsu – Đấng đã cứu chuộc chúng ta; rồi đến việc đọc Kinh thánh, việc biết những điều cụ thể về đức tin”. Nếu chúng ta nói về đức ái, thì đức ái liên quan đến việc “làm điều thiện cho người thân cận, cho tha nhân”. Nhưng cậy trông là điều khó hiểu. Đó là “nhân đức khiêm nhường nhất” mà “chỉ người nghèo mới có thể có”.
Nếu chúng ta muốn trở thành những con người của cậy trông và hy vọng, chúng ta phải là những người nghèo, những người nghèo không gắn bó với bất cứ điều gì. Trở nên nghèo và mở ra với bờ bên kia. Cậy trông là khiêm tốn, và đó là nhân đức mà chúng ta cần phải sống mỗi ngày. Mỗi ngày, chúng ta phải sống lại điều ấy. Mỗi ngày, chúng ta phải cầm lấy sợi dây và thấy rằng chiếc mỏ neo đã được cố định ở đó rồi và tay mình giữ chặt lấy sợi dây; mỗi ngày chúng ta phải nhớ rằng chúng ta có sự bảo đảm, và rằng chính Thánh Thần làm việc trong chúng ta với những điều nhỏ bé.
Cậy trông không bao giờ làm ta thất vọng
Để làm rõ thế nào là cậy trông, Đức Thánh Cha đã dùng dụ ngôn mà Chúa Giê-su kể trong đoạn Tin Mừng hôm nay. Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải được người nọ lấy gieo trong vườn mình. Chúng ta mong đợi nó lớn lên. Chúng ta không cần phải ngày nào cũng đến xem nó ra sao, vì nghĩ rằng nếu không làm thế, nó sẽ chẳng thể lớn lên. Nói về cậy trông và hy vọng, thánh Phao-lô nói: “cậy trông cần lòng kiên trì”. Kiên trì chính là việc biết rằng chúng ta gieo, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên. Nói về lòng kiên trì, Chúa Giê-su còn dùng hình ảnh “nắm men” bà kia lấy vùi vào ba thúng bột. Nắm men không được cất trong tủ lạnh nhưng là được “nhào nặn giữa đời”, như hạt lúa được gieo vào lòng đất vậy.
Vì thế, hy vọng và cậy trông là một nhân đức không dễ để hiểu và cũng chẳng dễ sống. Cậy trông giúp chúng ta bước đi và chỉ được nhìn thấy từ bên dưới. Nhưng tôi muốn nói rằng đức cậy trông và hy vọng chính là không khí để người Ki-tô hữu hít thở, không khí của cậy trông. Ngược lại, người ấy sẽ không thể bước đi, không thể tiến bước vì không biết mình phải đi đâu. Chính hy vọng mang lại cho chúng ta sự bảo đảm: cậy trông không làm ta thất vọng. Không bao giờ! Nếu bạn cậy trông, bạn sẽ không phải thất vọng. Chúng ta cần phải mở ra với lời hứa của Thiên Chúa, hướng tới lời hứa ấy, nhưng chúng ta biết rằng có Thánh Thần hoạt động nơi chúng ta. Xin Thiên Chúa ban cho tất cả chúng ta ân sủng này: sống trong mối giằng co và căng thẳng. Đó không phải là vấn đề thần kinh và não bộ, mà là bởi Thánh Thần “ném” chúng ta sang bờ bên kia và giữ gìn chúng ta trong cậy trông và hy vọng.
Trần Đỉnh, SJ
(Vatican News 29.10.2019)
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.