Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi chúng ta quan tâm đến trẻ em và người già, trong gia đình và xã hội nói chung. Trong Thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta hôm thứ hai, 30.09.2019, ngài nói rằng việc bỏ rơi người già và trẻ em chỉ bởi họ không tạo ra sản phẩm không phải là dấu chứng cho thấy sự hiện diện của Thiên Chúa.
Tình yêu của Thiên Chúa dành cho dân Ngài như một ngọn lửa bừng cháy. Dù cho họ phản bội và lãng quên Ngài, thì tình yêu của Ngài vẫn thế và lời hứa cứu độ vẫn tiếp tục được ban cho mỗi người chúng ta. Đức Thánh Cha nhấn mạnh những lời trên đây khi suy ngẫm về chương thứ 8 trong sách Tiên tri Dacaria trong phụng vụ hôm nay: “Đức Chúa các đạo binh phán như sau: “Vì Xi-on, Ta phát ghen dữ dội, Ta nổi giận đến tột cùng vì nó. Vì thế, Ta đã trở lại Xi-on, Ta sẽ ngự lại ở Giê-ru-sa-lem.” Chính nhờ tình yêu của Thiên Chúa mà Giêrusalem sẽ sống lại.
Chăm sóc người già và trẻ em là điều đảm bảo cho tương lai
Trong Bài đọc thứ nhất, “những dấu chỉ về sự hiện diện của Thiên Chúa” với dân Ngài rất rõ ràng. Chúng được minh chứng bằng sự hiện diện phong phú của người già và trẻ em, cả trong gia đình và ngoài xã hội: tại các quảng trường, những người già ra ngồi nghỉ, trẻ em nô đùa và cuộc đời tràn đầy sức sống.
Nơi nào có sự tôn trọng, quan tâm và yêu mến sự sống, nơi ấy cho thấy dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa giữa cộng đoàn. Sự hiện diện của người già là một dấu chỉ của sự trưởng thành. Thật là đẹp khi người già có vị trí của mình trong gia đình và xã hội. “Trên những quảng trường và đường phố Giê-ru-sa-lem, các cụ ông cụ bà ra ngồi nghỉ. Ai nấy tay chống gậy vì tuổi đã cao”. Cũng có rất nhiều trẻ em nữa. Tác giả sách Thánh sử dụng một từ biểu cảm thật đẹp, ‘chúng sẽ râm ran nô đùa’.
Và Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: Một dân tộc có sự phong phú của người già và trẻ em là một dấu hiệu cho thấy một dân tộc biết quan tâm, chăm sóc và coi họ như một báu vật, một kho tàng. Đó chính là dấu chỉ cho thấy sự hiện diện của Thiên Chúa, hứa hẹn một tương lai xán lạn.
Văn hoá vứt bỏ
Đức Thánh Cha nhớ lại lời tiên tri của ngôn sứ Giô-en: “người già sẽ có những giấc mơ, và người trẻ sẽ có những thị kiến”. Điều này nghĩa là có sự trao đổi giữa họ. Điều này chẳng thể xảy ra khi văn hoá vứt bỏ lên ngôi. Đó là thứ văn hoá “gửi trẻ em trở lại với người gửi”, nhốt người già trong các viện dưỡng lão chỉ vì họ không tạo ra sản phẩm, và bởi họ cản trở cuộc sống thường ngày. Đó thực sự là một sự huỷ hoại và đổ vỡ.
Và Đức Thánh Cha kể lại một câu chuyện mà chính bà ngoại của ngài thường kể. Ở một gia đình nọ, người cha quyết định chuyển ông nội vào nhà bếp trong giờ ăn, vì ông làm đổ súp và làm bẩn quần áo. Rồi một ngày nọ, khi trở về nhà, người cha thấy con trai của mình tự làm một cái bàn nhỏ vì cậu bé nghĩ rằng sớm muộn gì cậu cũng sẽ là nạn nhân tiếp theo bị cô lập như thế. Và Đức Thánh Cha nhấn mạnh:
Khi bạn loại bỏ trẻ em và người già, thì sau cùng, bạn sẽ trở thành một phần của xã hội hiện đại, một xã hội đã đưa cuộc sống vào mùa đông nhân khẩu. Khi một quốc gia có nhiều người già đi mà không có trẻ em, khi bạn không nhìn thấy trẻ em vui đùa trên đường phố và không còn thấy những phụ nữ mang bầu, khi bạn nhận ra rằng ở quốc gia đó số nhiều người nghỉ hưu nhiều hơn số người làm việc, thì cuộc đời thật là bi thảm!
Thật là bi thảm khi đánh mất những truyền thống được các thế hệ trước truyền lại. Truyền thống không phải là bảo tàng, mà là bài học cho tương lai, là thứ nhựa sống từ rễ làm cho cây phát triển và sinh hoa kết trái.
Người già và người trẻ: hy vọng cho đất nước và cho Giáo hội
Đâu là tâm điểm sứ điệp của Thiên Chúa? Đó chính là văn hoá hy vọng, văn hoá có sự hiện diện của người già và người trẻ. Chính sự hiện diện của người trẻ và người già cùng nhau là điều đảm bảo cho sự sống còn của đất nước và của Giáo hội.
Và để kết thúc bài giảng của mình, Đức Thánh Cha nhớ lại một hình ảnh đẹp trong rất nhiều chuyến tông du của ngài khắp thế giới. Khi ngài băng qua đám đông, rất nhiều các ông bố bà mẹ đã xin Đức Thánh Cha chúc lành cho các em bé. Họ cho thấy đâu thực sự là kho tàng, là niềm vui và là thành tựu của cuộc đời mình.
Tôi không bao giờ quên một bà cụ ở quảng trường trung tâm Iași, tại Rumani. Khi bà nhìn thấy tôi, bà đưa cháu trai mà bà đang ẵm trên tay cho tôi xem như thể muốn nói: “Đây là thành tựu của tôi, là chiến thắng của tôi.” Hình ảnh ấy có ở khắp nơi trên thế giới. Nó nói với chúng ta nhiều điều hơn cả bài giảng này.
Do vậy, tình yêu của Thiên Chúa là luôn gieo rắc tình yêu và làm cho dân ngài tăng tiến. Đừng sống văn hoá vứt bỏ. Xin lỗi anh em, các cha xứ, vào mỗi buổi tối, khi các cha làm phút hồi tâm hay xét mình, xin hãy tự hỏi mình câu hỏi này: hôm nay tôi đã cư xử thế nào với người già và với trẻ em? Nó sẽ giúp chúng ta rất nhiều.
Trần Đỉnh, SJ
(VaticanNews 30.09.2019)
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.