ĐTC ca ngợi can đảm của các đấng sáng lập các dòng truyền giáo khi đi đến với những người ở xa. ĐTC cũng nhắc rằng lý do để các thừa sai lên đường truyền giáo trước hết và trên hết phải là Chúa Kitô. Và các nhà truyền giáo cần phải có niềm vui Tin Mừng.
Trưa ngày 30/9, ĐTC đã tiếp phái đoàn của các dòng truyền giáo có nguồn gốc từ nước Ý. Phái đoàn gồm 70 người, do cha tổng quyền dòng Comboniani hướng dẫn.
“Dấu chỉ của sự can đảm và tin tưởng vào Thiên Chúa”
Trong bài nói chuyện, trước hết ĐTC đề cao việc sáng lập các dòng truyền giáo, là “dấu chỉ của sự can đảm và tin tưởng vào Thiên Chúa”, trong giai đoạn lịch sử khó khăn từ giữa thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX. Khi mà các dòng dường như lo duy trì sự tồn tại thì các đấng sáng lập này lại đến với người khác và những người ở xa.
Tiếp đến, ĐTC mời gọi các nhà truyền giáo tái khám phá lại sự huyền nhiệm của sứ vụ, khao khát được hiệp thông với Chúa Kitô thông qua các chứng tá, điều mà các đấng sáng lập đã sống và đã thúc đẩy các ngài hoàn toàn tận hiến.
Chúa Kitô là lý do truyền giáo
Như Mẹ Maria lên đường thăm bà Elizabet vì có Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần ở cùng Mẹ, ĐTC nói với các nhà truyền giáo: “Không có lý do khác nào hợp lý, nếu không phải là Chúa Kitô, khi anh chị em quyết định lên đường, để lại những tình cảm tốt đẹp nhất, quê hương xứ sở, bạn bè, văn hóa của mình. Thật là đẹp khi nghe trong lời của anh chị em niềm hăng say vì Chúa Kitô và vì Vương quốc của Người. Đây là nền tảng và căn bản của sự dấn thân vì sứ vụ đến với muôn dân”.
Truyền giáo không phải là “đường một chiều”
Một đóng góp điển hình khác của các dòng truyền giáo cho Giáo hội được ĐTC nhắc đến là các vị giúp nhận thấy rằng truyền giáo không phải là “đường một chiều” – từ châu Âu đến phần còn lại của thế giới – mà là sống sự trao đổi”.
Cần có niềm vui của Tin Mừng
ĐTC nhắc các nhà truyền giáo cần có niềm vui của Tin Mừng. “Không có điều này, chúng ta không thể truyền giáo, chúng ta sẽ loan báo một Tin Mừng không hấp dẫn.”
Đến gần, trở thành bạn với “người ở xa nhưng nay đã ở tại các nước của chúng ta”
Cuối cùng, ĐTC nhắc rằng Giáo hội tại Ý cũng cần các nhà truyền giáo, cần chứng tá, lòng hăng say và can đảm của các vị để nhận ra rằng “muôn dân ở xa giờ đây đã đến và ở tại các nước của chúng ta, họ là những nguời lạ ở nhà bên cạnh.” Do đó cần tìm con đường để đến gần họ, trở thành bạn, đón tiếp và giúp đỡ nhau. (REI 30/9/2019)
Hồng Thủy
(VaticanNews 30.09.2019)
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.