ĐHY Parolin kêu gọi các nước phê chuẩn Hiệp ước cấm thử nghiệm vũ khí hạt nhân

ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh kêu gọi các quốc gia phê chuẩn Hiệp ước cấm thử nghiệm hạt nhân, được phê duyệt hơn 20 năm trước và chưa bao giờ có hiệu lực.

8 quốc gia chưa ký Hiệp ước

Trong bài tham luận tại phiên họp thứ 74 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về Ngày Quốc tế loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân tại trụ sở Liên Hiệp quốc ở New York, ĐHY Parolin nhắc rằng Hiệp ước, được phê duyệt năm 1996, trên thực tế không hoạt động do thiếu sự phê chuẩn của 8 quốc gia, bao gồm các cường quốc hạt nhân lớn hoặc được xem là lớn, cụ thể là các nước Ấn Độ, Pakistan, Bắc Triều Tiên, đã không ký kết Hiệp ước và các nướcTrung Quốc, Ai Cập, Iran, Israel, Hoa Kỳ, đã không phê chuẩn.

Cần sự khôn ngoan và lãnh đạo dũng cảm của các nước

Đối với các quốc gia đang ngăn chặn hiệp ước này có hiệu lực, ĐHY mời gọi họ “nắm lấy cơ hội thể hiện sự khôn ngoan, sự lãnh đạo dũng cảm và dấn thân vì hòa bình và lợi ích chung của tất cả mọi người”.

Vũ khí hạt nhân đe dọa hòa bình

ĐHY lưu ý rằng “việc Hiệp ước bắt đầu có hiệu lực là điều cấp thiết hơn nếu chúng ta xem xét các mối đe dọa đương thời đối với hòa bình”, xuất phát từ những thách thức liên tục do “phổ biến hạt nhân” và “hiện đại hóa vũ khí hạt nhân” của một số quốc gia, là điều “trái với các nguyên tắc cơ bản của thỏa thuận” và “thỏa hiệp an ninh quốc tế”.

Lơ là ưu tiên thật sự của gia đình nhân loại

Sự leo thang và chạy đua vũ khí cho thấy chi tiêu đáng kể của các quốc gia trong khi ưu tiên thật sự của gia đình nhân loại là chống lại nghèo đói, thăng tiến hòa bình, thực hiện các chương trình giáo dục, sinh thái, y tê và thăng tiến nhân quyền thì lại được đặt ở hàng thứ yếu.

Vũ khí hạt nhân không mang lại an ninh thật sự

ĐHY cảnh giác rằng vũ khí hạt nhân mang lại một ý nghĩa an toàn giả tạo. Vũ khí hạt nhân không thể tạo nên một thế giới ổn định và an toàn. Ngài cũng lên án việc dùng vũ khí hạt nhân để làm đối phương nể sợ và không tấn công mình.

ĐHY kết luận: “Vào thời điểm căng thẳng gia tăng, việc Hiệp ước có hiệu lực sẽ tạo nên một biện pháp thiết yếu để củng cố niềm tin và là biểu hiện quan trọng của sự dấn thân đối với đạo đức trách nhiệm này”.

Nguồn: Vatican News

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi