Vào lúc 9h30 sáng ngày 16.9.2019, Đức Hồng Y Peter Turkson, Bộ trưởng Bộ Phục vụ phát triển nhân bản toàn diện, đã chủ sự lễ giỗ lần thứ 17 Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận tại Roma. Có 30 linh mục Việt Nam và Italia đồng tế với ĐHY Turkson tại Nhà Thờ Đức Mẹ Cầu Thang (Madonna della Scala) với sự hiện diện của khoảng 150 người gồm các viên chức của Bộ cùng với tu sĩ và giáo dân Việt Nam.
Sau đây là những ý chính của bài giảng: Chúng ta tụ họp nhau vào ngày 16.9 mỗi năm để tạ ơn Thiên Chúa về món quà cuộc đời và sứ vụ giám mục của ĐHY Nguyễn Văn Thuận cũng như để cầu nguyện cho tiến trình tuyên thánh. Vào năm 1995, tôi được gặp ĐHY khi ngài đến nói chuyện với Hội đồng Giám mục Ghana với chủ đề cầu nguyện. Ngài cầu nguyện với những tù nhân trong tù cho mọi người. Trong tay ngài luôn có cỗ tràng hạt Mân côi. Trong thư gửi môn đệ Timôthê, thánh Phaolô khuyên mọi người dâng lời cầu xin, khấn nguyện, nài van và tạ ơn cho mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh. Đó là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa, đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý (1Tm 2,1-8). Cầu nguyện không có biên giới và không có giới hạn. Cầu nguyện là hành động cá nhân cũng như cộng đoàn. Xã hội cầu nguyện thì sẽ có hòa bình và thanh thản. Thánh Luca thuật lại việc viên sĩ quan sai vài người kỳ lão Do thái di xin Chúa Giêsu đến cứu chữa đầy tớ của ông (Lc 7,1-10). Những người này van xin Chúa Giêsu ban cho ông điều ông xin vì ông đã yêu mến dân chúng và xây hội đường cho họ. Khi Chúa gần đến nhà, ông nhờ mấy người bạn đến thưa với Chúa Giêsu rằng ông không xứng đáng mời Chúa đến nhà nhưng chỉ xin ngài phán một lời thì đấy tớ được lành mạnh. Ông đã tin Chúa Giêsu và ông được điều ông xin… Tôi mới đi thăm một nhà tù ở Camerun. Có những tù nhân có hình ĐHY Thuận và họ cầu nguyện với ngài. Hơn nữa, họ cùng cầu nguyện cho những người ở trong nhà tù và ngoài nhà tù, theo gương của ĐHY Thuận là người của cầu nguyện. Hôm nay, chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người, đặc biệt những người nhờ chúng ta cầu nguyện cho họ.”
Cuối thánh lễ, chủ tế và các vị đồng tế tiến đến nhà nguyện Đức Mẹ Mân Côi, dưới bàn thờ có mộ của Đấng Đáng Kính Nguyễn Văn Thuận để cùng đọc kinh cầu xin Chúa cho ngài sớm được tôn vinh trên bàn thờ.
Lm. Nguyễn Tất Thắng, O.P
(Vietcatholic 16.09.2019)
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.