ĐTC Phanxicô gặp các cấp chính quyền, đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoàn tại Madagascar

Mở đầu bài diễn diễn văn trước các cấp chính quyền, đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoàn tại Madagascar, ĐTC Phanxicô trích dẫn Hiến pháp của Madagascar: “Ở phần mở đầu Hiến pháp, quý vị đã muốn khẳng định một trong những giá trị nền tảng của văn hóa “fihavanana”, gợi lên tinh thần chia sẻ, trợ giúp hỗ tương và tình liên đới”.

Khi đến Dinh Iavoloha ĐTC được Tổng thống Cộng hòa đón tiếp tại lối vào chính của Dinh.

Sau khi hội kiến riêng với Tổng thống và gia đình của ông, ĐTC đã ký vào sổ vàng lưu niệm và hai bên đã  tặng quá cho nhau. Tiếp đó, Tổng thống và phu nhân tháp tùng Đức Giáo hoàng đến gặp Chính quyền, đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoàn.

Buổi gặp gỡ  được bắt đầu với bài chào mừng của Tổng thống  Andry. Đáp lời Tổng thống, ĐTC chào và cám ơn Tổng thống Cộng hòa Madagascar vì đã mời ngài đến thăm đất nước xinh đẹp này. Tiếp đến ĐTC chào Thủ tướng, các thành viên Chính phủ, Ngoại giao đoàn, các đại diện xã hội dân sự. Các giám mục, các thành viên của Giáo hội Công giáo, đại diện các tôn giáo. Cuối cùng ĐTC cám ơn tất cả những ai đã tham gia phục vụ cho việc đón tiếp này.

Tinh thần chia sẻ, trợ giúp, liên đới được Hiến pháp quy định

Đi vào nội dung chính của bài diễn văn ĐTC khởi đi từ phần mở đầu Hiến pháp của Madagascar. ĐTC nói: “Ở phần mở đầu Hiến pháp, quý vị đã muốn khẳng định một trong những giá trị nền tảng của văn hóa “fihavanana”, gợi lên tinh thần chia sẻ, trợ giúp hỗ tương và tình liên đới. Nó cũng nói lên tầm quan trọng của các mối dây ràng buộc gia đình, tình bạn và lòng nhân từ giữa con người với nhau và với thiên nhiên. Đây là “linh hồn” dân tộc của các bạn, và những đặc điểm đặc trưng đó cho phép dân tộc các bạn chống chọi nhiều nghịch cảnh và khó khăn mà dân chúng phải đối mặt mỗi ngày với lòng can đảm và hy sinh. Nếu chúng ta công nhận giá trị và đánh giá cao vùng đất được chúc lành này do vẻ đẹp và sự giàu có thiên nhiên, thì chúng ta cũng phải làm như thế đối với “linh hồn” này, vì nó mang lại cho quý vị sức mạnh để tiếp tục gắn bó với cuộc sống như cha Antonio di Padova Rahajarizafy đã nhắc nhở chúng ta”.

 Chính trị phải xây dựng quyền công dân

Từ tinh thần của Hiến pháp, ĐTC đề cập đến vai trò của những người lãnh đạo đất nước, những người làm chính trị. ĐTC nói: “Sau khi Quốc gia của các bạn giành lại độc lập, nó khao khát sự ổn định và hòa bình. Điều này cho thấy “chính trị là một phương tiện nền tảng để xây dựng quyền công dân và các hoạt động con người” (Thông điệp lần thứ 52 Ngày Thế giới Hòa bình) khi nó phục vụ cho cộng đồng nhân loại. Như thế rõ ràng chức năng và trách nhiệm chính trị là một thách đố liên tục đối với những ai có sứ vụ phục vụ và bảo vệ người dân, đặc biệt những người dễ bị tổn thương và khuyến khích các điều kiện để phát triển công bằng và hợp lý, liên hệ đến tất cả mọi người. Bởi vì như Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã nhắc nhở về sự phát triển quốc gia :“Sự phát triển quốc gia không chỉ ở mức tăng trưởng kinh tế. Phát triển thực sự phải là hướng đến toàn diện, nghĩa là thúc đẩy cho tất cả mọi người” (Enc. Populorum progressio, 14).

“Trong viễn cảnh này, tôi khuyến khích quý vị đấu tranh với sức mạnh và quyết tâm chống lại tất cả các hình thức tham nhũng và đầu cơ làm gia tăng bất bình đẳng xã hội và đối mặt với các tình huống bấp bênh và loại trừ, luôn tạo ra các điều kiện nghèo đói vô nhân đạo. Do đó, cần phải dùng tất cả các công cụ có thể đảm bảo phân phối thu nhập tốt hơn và thúc đẩy toàn diện cho tất cả người dân, đặc biệt là những người nghèo. Sự thúc đẩy này không thể chỉ giới hạn ở việc hỗ trợ mà còn kêu gọi các pháp nhân tham gia vào việc xây dựng tương lai người dân” (Tông huấn Niềm vui Tin Mừng Evangelii gaudium, 204-205).

 

Phát triển toàn diện

Nói về sự phát triển đất nước, ĐTC nhắc nhở các vị lãnh đạo phải chú ý đến sự phát triển toàn diện chứ không chỉ giới hạn trong một số lãnh vực. ĐTC nói rằng không thể nói về sự phát triển toàn diện nếu không chú ý đến ngôi nhà chung của chúng ta và chăm sóc nó. Điều này không chỉ là việc tìm kiếm các công cụ để bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, mà tìm kiếm “những giải phát toàn diện”, xem xét sự tương tác giữa các hệ thống tự nhiên và các hệ thống xã hội. Không có hai cuộc khủng hoảng tách biệt, một môi trường và một xã hội, mà chỉ là một cuộc khủng hoảng môi trường xã hội phức tạp (Thông điệp Laudato si’, 139).

Từ nguyên tắc trên ĐTC đề cập đến hoàn cảnh cụ thể của Madagascar. ĐC nói: “Hòn đảo Madagascar xinh đẹp của quý vị phong phú, đa dạng sinh học thực vật và động vật, nhưng sự phong phú này đang bị đe dọa do nạn phá rừng vì lợi ích của một số ít người. Điều này gây tổn hại cho tương lai của đất nước và ngôi nhà chung của chúng ta. Như quý vị đã biết, những khu rừng còn lại hiện đang bị hỏa hoạn, lâm tặc, khai thác gỗ bất hợp pháp đe dọa. Sự đa dạng động thực vật đang gặp nhiều rủi ro do buôn lậu và xuất khẩu bất hợp pháp. Chỉ vì để đáp ứng cho nhu cầu hiện tại mà hiện nay có nhiều hoạt động gây hại cho môi trường. Bởi thế điều quan trọng là tạo ra việc làm cũng như các hoạt động thân thiện với môi trường và giúp mọi người thoát nghèo. Nói cách khác, không thể tiếp cận sinh thái học, một hành vi cụ thể bảo vệ môi trường nếu không có một xã hội công bằng bảo đảm quyền đạt đến mục đích chung của tài sản trái đất cho các thế hệ hiện tại, mà còn cho tương lại”.

Chung tay vì cộng đồng

Tiếp đến ĐTC mời gọi mọi người cùng chung tay tham gia. ĐTC nói: “Trên con đường này, tất cả chúng ta phải tham gia, trong đó có cộng đồng quốc tế mà hôm nay có nhiều vị đại diện đang hiện diện tại đây Chúng ta phải công nhận rằng các tổ chức quốc tế đã giúp cho Madagascar phát triển rất nhiều. Điều này cho thấy sự mở ra với thế giới của đất nước. Nguy cơ của việc mở cửa làm cho văn hóa trở thành “văn hóa phổ quát”, bị coi thường, chôn vùi và ngăn chặn di sản văn hóa của mỗi dân tộc. Toàn cầu hóa kinh tế, có giới hạn ngày càng hiển nhiên, không được đưa đến một sự đồng nhất văn hóa. Nếu chúng ta tham gia vào một quá trình trong đó chúng ta tôn trọng các ưu tiên và lối sống ban đầu và trong đó kỳ vọng của người dân được tôn trọng, chúng ta sẽ làm sao để sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế không phải là sự bảo đảm duy nhất cho sự phát triển của đất nước; chính người dân dần dần tự chịu trách nhiệm về bản thân họ, trở thành người tạo ra vận mệnh của chính họ”.

Đó là lý do tại sao chúng ta phải đặc biệt chú ý và tôn trọng xã hội dân sự địa phương. Bằng cách hỗ trợ các sáng kiến và hành động của họ, tiếng nói của những người không có tiếng nói sẽ được nghe rõ hơn, cũng như các hòa âm khác nhau, thậm chí là xung đột, của một cộng đồng quốc gia tìm kiếm sự thống nhất cho chính mình. Tôi mời quý vị tưởng tượng con đường này trong đó không ai bị đặt sang một bên, hoặc đi một mình hoặc bị lạc lối.

ĐTC nhắc đến Chân phước Victoire Rasoamanarivo, mẫu gương tinh thần đối thoại, tình yêu đối với vùng đất và truyền thống, phục vụ những người nghèo như một dấu hiệu của niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô cho chúng ta thấy con đường mà chúng ta cũng được mời gọi bước đi.

Quyết tâm của Giáo hội tại Madagascar trong việc đối thoại liên tôn

Cuối cùng ĐTC tái khẳng định ý chí và sẵn sàng của Giáo hội Công giáo ở Madagascar trong việc đóng góp một cuộc đối thoại không ngừng với các Kitô hữu thuộc các giáo hội khác, với các thành viên của các tôn giáo và với tất cả các chủ thể xã hội dân sự, đến của một tình huynh đệ thực sự luôn coi trọng “fihavanana”, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người, để không ai bị loại trừ.

Cuối buổi gặp gỡ ĐTC và tổng thống cùng trồng cây Baobab ngay tại lối vào chính của Dinh Iavoloha. Cây Baobad là biểu tượng của vùng châu Phi, là nguồn dự trữ nước quan trọng, nó cũng chịu được các điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Ngọc Yến

(VaticanNews 07.09.2019)

PopeFrancis_07Sep2019_03.jpg

PopeFrancis_07Sep2019_04.jpg

PopeFrancis_07Sep2019_05.jpg

PopeFrancis_07Sep2019_06.jpg

PopeFrancis_07Sep2019_07.jpg

PopeFrancis_07Sep2019_08.jpg

PopeFrancis_07Sep2019_09.jpg

PopeFrancis_07Sep2019_10.jpg

PopeFrancis_07Sep2019_11.jpg

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi