ĐTC đề cao đời sống chiêm niệm như dấu chỉ của đời sống vĩnh cửu mà con người hằng khao khát. Ngài mời gọi các nữ tu chiêm niệm hãy là hải đăng cho con người lênh đênh giữa biển đời, hãy đón tiếp và cầu nguyện cho những người đau khổ.
ĐTC đã dọn sẵn bài giảng trong giờ Kinh Trưa với các nữ tu chiêm niệm ở Madagascar, nhưng ngài chỉ trao cho họ và sau đó ngài ứng khẩu.
Trong bài giảng dọn sẵn, ĐTC suy tư về động từ “tiêu hao, mòn mỏi” được sử dụng trong Thánh vịnh 119 với 2 ý nghĩa chính.
Ý nghĩa thứ nhất: Người cầu nguyện tiêu hao vì mong ước gặp gỡ Thiên Chúa
Đầu tiên, người cầu nguyện “tiêu hao” mòn mỏi bởi mong ước được gặp gỡ Thiên Chúa. Các nữ tu chiêm niệm là chứng tá sống động của niềm mong ước không thể thỏa mãn luôn có trong tim của tất cả mọi người. Giữa nhiều tuyên bố được cho là có thể thỏa mãn khao khát của con người nhưng lại không thể, thì đời sống chiêm niệm là ngọn đèn đưa đến cuộc sống vĩnh cửu.
Các nữ tu chiêm niệm là hải đăng hướng dẫn con người tìm về sự sống vĩnh cửu
Con người luôn bị cám dỗ thỏa mãn mong muốn về sự vĩnh hằng bằng những thứ phù du. Họ thấy mình trôi giạt giữa biển đời giông tố và sự sống và tinh thần của họ bị giông tố cuốn trôi. Trong hoàn cảnh đó, ĐTC nói với các đan sĩ: “Thế giới cần các chị em như người thủy thủ trên biển cần ngọn hải đăng để hướng dẫn họ đến bến bình an. Hãy là hải đăng cho người xung quanh và đặc biệt là cho những người ở xa. Hãy là đuốc sáng đồng hành với con người trong đêm tối cuộc đời. Hãy là người lính gác lúc hừng đông (xem Is 21,11-12), loan báo bình minh (xem Lc 1,78). Với cuộc sống được biến đổi và với những lời đơn giản được nghiền ngẫm trong thinh lặng, chị em chỉ cho chúng tôi thấy Đấng là đường, là sự thật và là sự sống (xem Ga 14,6), là Chúa duy nhất đem lại sự viên mãn cho cuộc sống của chúng ta và ban sự sống dồi dào (xem Ga 10,10). Hãy hô lớn cho chúng tôi biết, như Anre đã hét to lên với Simon: “Chúng tôi đã tìm thấy Chúa” (xem Ga 1, 40); như Maria Madalena vào sáng ngày phục sinh, hãy loan báo với chúng tôi: “Tôi đã thấy Chúa” (Ga 20,18).
Ý nghĩa thứ hai: Kẻ gian ác bị hao mòn
ĐTC giải thích tiếp: Còn một cách thế “bị tiêu hao” khác. Nó nói về những kẻ xấu, những kẻ muốn hại người ngay lành. Qua đó, ĐTC mong ước rằng các đan viện, theo ơn gọi chiêm niệm và hiến pháp của mình, là nơi đón tiếp và lắng nghe những đau khổ của thế giới, đặc biệt những người bất hạnh.
Các nữ đan sĩ là chứng tá sự hiện diện của Thiên Chúa
ĐTC nói: “Hãy chú ý đến tiếng khóc và những khổ sở của những người nam nữ xung quanh chị em, những người bị hao mòn bởi sự đau khổ, bóc lột và chán nản, và họ đến với chị em. Đừng chỉ lắng nghe để giải trí, thỏa mãn sự tò mò hoặc thu thập các chủ đề trò chuyện…Những người xung quanh chị em thường rất nghèo khổ, yếu đuối, bị thương tích trong hàng ngàn cách, nhưng họ tràn đầy đức tin và nhận ra nơi chị em chứng tá sự hiện diện của Thiên Chúa, điểm quy chiếu quý giá đưa họ đến gặp Chúa và tìm được sự giúp đỡ của Người.”
Giá trị của đời sống chiêm niệm
Và cuối cùng, ĐTC đề cao đời sống chiêm niệm. Thế giới này, nước Madagascar này, những nhà truyền giáo, tất cả sẽ ra sao nếu không có các nữ tu chiêm niệm? Và ngài nói: “Tất cả dựa vào lời cầu nguyện của các chị và vào cuộc sống luôn được canh tân của các chị, món quà vô cùng quý giá trong mắt Thiên Chúa, Đấng đã cho các chị được tham dự vào mầu nhiệm cứu độ trái đất này và cứu độ những con người yêu quý sống trên mặt đất này.
Hồng Thủy
(VaticanNews 07.09.2019)
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.