Trong buổi tiếp kiến dành cho 150 người thuộc phái đoàn của Hiệp Hội các bác sĩ Ý chuyên về ung thư ngày 2/9 (2019), ĐTC nói đến một khoa ung thư học của lòng thương xót, không chỉ nhắm chữa trị bệnh nhưng nhắm đến bệnh nhân với các đặc tính căn bệnh cũng như đau đớn của họ.
Từ năm 1973, Hiệp Hội các bác sĩ Ý chuyên về ung thư đã dấn thân vào việc nghiên cứu và ngăn ngừa bệnh ung thư, để giúp cho việc chẩn đoán và chữa trị được tốt hơn. Hiệp hội đã phát triển nhiều sáng kiến cập nhật và đào tạo cho các bác sĩ và nhân viên trong ngành ung thư.
Trong diễn văn, ĐTC đề cao mục đích của hội là “thúc đẩy tiến bộ trong lĩnh vực lâm sàng, thực nghiệm và trợ giúp xã hội”.
Phong cách hợp nhất thay vì chia rẽ
ĐTC nói: “Trong một thế giới như thế giới của chúng ta, thường bị đẩy vào tình trạng đối lập trong mọi lĩnh vực chung sống của con người, việc kiến tạo và thúc đẩy các mối quan hệ là một cam kết thiết yếu cho việc xây dựng lợi ích chung. Sự lựa chọn có ý thức và thường khó khăn của một phong cách hợp nhất thay vì chia rẽ được thể hiện trong suốt lịch sử của Hiệp hội, bằng cách quan tâm đến mối quan hệ với bệnh nhân, và ngày nay nó được biểu hiện chính xác bởi sự hiện diện của một số bệnh nhân giữa anh chị em. Lựa chọn cùng nhau tham dự cuộc họp này, ngồi cạnh nhau, bày tỏ một thông điệp mạnh mẽ và một dấu hiệu hùng hồn không chỉ cho thế giới y khoa, mà cho toàn xã hội, được kêu gọi canh tân chính mình theo phong cách liên đới và huynh đệ”.
Khoa ung thư học của lòng thương xót
ĐTC nói đến một khoa ung thư học của lòng thương xót, không chỉ nhắm chữa trị bệnh nhưng nhắm đến bệnh nhân với các đặc tính căn bệnh cũng như đau đớn của họ; nó vượt trên việc áp dụng kỹ thuật và nhắm phục vụ con người.
Nền văn hóa chú trọng đến giá trị của mỗi người
ĐTC nhấn mạnh: “Công nghệ không phục vụ con người khi nó giảm nhẹ con người thành một đồ vật, khi nó phân biệt người nào còn xứng đáng được chữa trị và người nào không được, bởi vì anh ta bị xem là một gánh nặng. ĐTC phê bình việc áp dụng euthanasia, điều được xem là khuyến khích tự do cá nhân nhưng trong thực tế nó dựa trên quan điểm thực dụng về con người: “con người bị xem là vô dụng hoặc là một tốn phí, nếu theo quan điểm y học, họ không có hy vọng cải thiện hoặc không còn có thể tránh được nỗi đau”. Thay vào đó, ngài mời gọi đồng hành với các bệnh nhân và gia đình, xây dựng một nền văn hóa chú trọng đến giá trị của mỗi người. ĐTC nói tiếp: “Nếu người ta chọn cái chết, các vấn đề, theo một nghĩa nào đó, được giải quyết, nhưng còn bao nhiêu cay đắng đàng sau lý luận này, và sự từ chối hy vọng liên quan đến việc lựa chọn từ bỏ tất cả và phá vỡ mọi mối quan hệ!”
Chúa Giêsu, Thầy thuốc được Chúa Cha sai đến, là gương mẫu
Cuối cùng, ĐTC mời gọi họ luôn nhìn vào gương mẫu của Chúa Giêsu, Thầy thuốc được Chúa Cha sai đến chữa lành cho nhân loại, để Người soi sáng các hành động và đồng hành với họ trên hành trình của mình. Chính Chúa Giêsu là ánh sáng soi chiếu, truyền cảm hứng cho các bệnh nhân và giúp họ tìm thấy sức mạnh để không cắt đứt các mối quan hệ yêu thương, để dâng những đau khổ vì anh em và giữ tình bạn sống động với Chúa.
Hồng Thủy
(VaticanNews 02.09.2019)
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.