Phác họa một chân dung
Thánh Giuse Sampedro Xuyên với 37 tuổi đời, chín năm truyền giáo, ba năm Giám mục (hai năm làm Giám mục phó), những con số tương đối khiêm tốn, nhưng sự nghiệp của thánh nhân thật lẫy lừng vì ngài đảm nhiệm một giáo phận lớn nhất khi đó (154.000 người) và là giáo phận chịu bách hại nặng nề nhất. Hơn nữa, cuộc đời ngài mãi mãi là mẫu gương sáng ngời của một người luôn sống có lý có tình, trung thành từ những việc nhỏ, khắc khổ hãm mình, nhiệt tân truyền giáo, chuyên chăm cầu nguyện và đặc biệt là, lòng sùng kính Đức Mẹ.
Tuổi xuân đầy hứa hẹn
Giuse Melchior Garcia Sampedro sinh ngày 29. 04.1821 tại Sampedro de Arrojo, tỉnh Oviedo, Tây Ban Nha. Gia đình cậu tuy thuộc dòng dõi quý tộc, nhưng đã sa sút đến chỗ nghèo khổ. Ngay từ nhỏ, cậu Melchior đã bộc lộ khuynh hướng đạo đức của mình. cậu thích tụ tập những em nhỏ để dạy kinh. Trong giờ đọc kinh ban tối ở gia đình, cậu sốt sắng nhận phần xướng kinh, và nghiêm trang quỳ suốt buổi kinh.
Năm 12 tuổi, Sampedro có ý xin đi tu làm linh mục. Cha mẹ cậu tuy nghèo nhưng vẫn vui vẻ dành dụm gởi cho con theo học tiếng Latinh với tu sĩ Alvarez, để tiết kiệm cho gia đình, cậu quyết định tự nguyện đi bộ mỗi ngày đến trường. Những ngày nghỉ, cậu về giúp song thân trong việc đồng áng. Năm 1835, cậu ghi tên vào đại học Oviedo. Để giải quyết khó khăn kinh tế, cậu phải xin dạy học tư gia và phải thường xuyên dùng sách mượn. Nhờ chăm chỉ, cậu đạt thành quả cao trong các kỳ thi.
Từ năm 1842, tuy vẫn còn học, thày Sampedro đã được mời làm giáo viên dạy văn chương, La ngữ và âm nhạc tại trường San Jose. Năm 1844, khi đã tốt nghiệp triết học và thần học, thày được chọn làm giáo sư phụ tá dạy lý luận cho các tân sinh viên. Để chia sẻ vói hoàn cảnh khó khăn của gia đình, mỗi kỳ nghỉ, thày đều trở về quê phụ giúp cha làm ruộng. Khi học sinh tỏ vẻ ngạc nhiên, thày nói: “Không có việc nào làm mất danh dự, nếu nó không trái với ý Chúa. chính Chúa trên trời cũng đã chọn sinh ra nơi hang đá và nằm trong máng cỏ”.
Ngoài ra trong các kỳ nghỉ hè, thày Sapedro vẫn dạy giáo lý chó các em thiếu nhi để chuẩn bị lãnh nhận các bí tích. Dân chúng trong vùng tỏ vẻ mến phục thày và quen gọi là “ông cầu nguyện”, vì thời gian dài” ông cầu nguyện” quỳ trước Thánh Thể cũng như tập quán thày giữ suốt đời là đọc và suy niệm sốt sắng 15 mầu nhiệm Mân Côi mỗi ngày.
Tu sĩ thuyết giáo
Thế nhưng thày Sampedro chưa thấy vậy là đủ, thày cảm thấy Chúa kêu gọi mình hiến thân cho Ngài một cách trọn vẹn hơn trong việc truyền giáo cho lương dân. Thày xin vào tỉnh dòng Đaminh Mân Côi để loan báo tin mừng ở Viễn Đông, dù gia đình phản đối mãnh liệt, dù lời ngăn đe và nước mắt, thày đã cương quyết từ bỏ chức giáo sư, đến Ocana, trung tâm huấn luyện của tỉnh dòng. Thày lãnh tu phục ngày 16.8.1845 khi đã 24 tuổi. Ngày 18.8.1846, thày tuyên khấn trọng thể trong dòng Đaminh.
Vì đã mãn khóa thần học ở Oviedo, bấy giờ thày Sampedro chuẩn bị lãnh các chức thánh và thụ phong linh mục ngày 29.5.1847 tại Madrid, rồi ngày 06.6 vị tân linh mục dâng thánh lễ mở tay ở Ocana. Chín tháng sau, cha Sampedro từ Cadiz đi theo tàu Victoria cùng bốn bạn đồng hành sang Manila ngày 25.7.1848 nhằm lễ thánh Giacôbê. Khi đến nơi, Bề trên đã xếp đặt để cha phụ trách khoa triết lý cho trường đại học Santo Tomas, nhưng cha xin phép trình bày ý nguyện đi truyền giáo ở Việt Nam, và Bề trên đã chấp thuận.
Chỉ ba tháng sau, cha đáp tàu đến Macao, rồi đến Đông Xuyên ngày 28.2.1848 đem theo hai sắc lệnh của Tòa Thánh bổ nhiệm hai Đức cha Hermosilla Liêm và Marti Gia coi sóc hai giáo phận Đông và Trung mới được phận chia. Sau một thời gian học hỏi kinh nghiệm với vị linh mục lão thành Hermosilla, cha Sampedro được ngài đặt tên mới là Xuyên.
Sau đó, Đức cha Liêm gửi cha đến Nam Am học tiếng Việt và phục vụ cho đến tháng 3 năm 1850 thì được Đức cha Sanjurjo An đặt làm Giám đốc chủng viện ở Cao Xá. Tháng 7 năm đó, cha được làm đại diện Bề trên phụ tỉnh, và tháng 8.1852 thì nhận chức Bề trên phụ tỉnh, chu toàn trách nhiệm giáo dục của mình, cha Sampedro còn nêu gương cho các chủng sinh về đời tông đồ truyền giáo. Cha giữ luật chay tịnh, hãm mình theo luật dòng, mặc áo nhặm và gia tăng nhiều việc hy sinh khác. Ngoài ra, cha còn xuất bản nhiều tập sách nhỏ truyền bá đức tin, và đi giảng cho lương dân. Đức cha An xác nhận cả một họ đạo mới thành lập gồm 54 gia đình, 500 tín hữu ở gần Cao Xá là kết quả lòng nhiệt thành của cha bề trên Sampedro Xuyên.
Giám mục trong cơn bách hại
Tháng 8.1852, Đức cha Sanjurjo An lên kế vị Đức cha Marti Gia (qua đời ngày 26.8). Vì giáo phận quá đông, ngài xin phép Tòa thánh để chọn Sampedro làm Giám mục phụ tá hiệu tòa Tricomia. Lễ phong chức được cử hành rất trọng thể ngày 16.9.1855 tại Bùi Chu, với sự hiện diện của hai Giám mục, 49 linh mục và rất đông giáo hữu. Trong chức vụ mới, Đức cha Sampedro Xuyên càng nhiệt thành hơn với việc truyền bá đức tin. Trong hoàn cảnh nạn dịch lan tràn, việc rửa tội cho trẻ em ngoại đạo sắp chết gia tăng rất nhanh. Chỉ trong năm 1855 được 35.349 em được rửa tội.
Dầu hoàn cảnh khó khăn, Đức cha Xuyên vẫn lén lút đi thăm các họ đạo, và phải thi hành việc phục vụ hầu hết vào ban đêm. Tháng 5.1857, khi Đức cha An bị bắt, Đức cha Xuyên tìm mọi cách để đưa ngài ra, nhưng việc chưa thành thì Đức cha An đã bị xử tử vào ngày 20.07.
Cuộc bách hại ngày càng gia tăng. Quan quân triệt hạ các nhà thờ Bùi Chu, Lục Thủy, Phú Nhai, bệnh viện, cô nhi viện và các chủng viện. Tổng đốc Nguyễn Đình Tân hăng hái quyết lùng bắt hết các Giám mục, linh mục trong khu vực của ông. Thủ cấp của Đức cha Xuyên được treo giá cao nên khắp nơi đều có người rình bắt ngài.
Về phần Đức cha, sợ giáo phận có ngày mất chủ chăn, đã dùng quyền Tòa Thánh để chọn cha Berrio Ochon Vinh làm Giám mục phụ tá có quyền kế vị. Lễ tấn phong âm thầm có một không hai cho vị Giám mục “gậy tre mũ giấy” này đã được cử hành trong một nhà giáo hữu ngày 13.6.1858 ở Ninh Cường.
Điều hành giáo phận trong những ngày khó khăn, cuộc sống của Đức cha Xuyên nổi bật về lòng đạo đức và tinh thần cầu nguyện. Ngài thường tự xưng là “kẻ tội lỗi khốn khổ !” Ngài thường khuyên người khác: “hãy nhìn khuyết điểm của tha nhân để sửa mình và sẵn sàng lắng nghe ý kiến của mọi người”. Đức cha vẫn luôn mặc áo nhặm và suy gẫm chuỗi Mân Côi, mỗi ngày suy niệm về Đức Mẹ Sầu Bi, Nữ Vương các Thánh Tử Đạo, mẫu gương hiệp thông với những đau khổ của Chúa. đặc biệt vì tôn kính Đưc Mẹ, ngài luôn khởi đầu thư từ và các buổi nói chuyện bằng lời chúc tụng AVE MARIA.
Ngục tù và án lăng trì
Sau lễ tấn phong cho vị Giám mục phụ tá, Đức cha Xuyên đi lên Quần Cống, rồi qua Thôn Đông vài ngày, và đến Kiên Lao tạm trú nhà ông trùm Khanh. Ngày 08.7.1858 quân lính đã vây bắt được vài ngài và hai chú giúp lễ: Đaminh Nguyễn Tiệp và Mai Hiến. Quan bắt Đức cha mang gông xiềng nặng nề và giải ba cha con lên tỉnh Nam Định.
Sau 20 ngày trong ngục, Đức cha lãnh án lăng trì ngày 28.7.1858. trên đường ra pháp trường Bảy Mẫu, đi sau đám lính đông đảo và lý hình 20 người tuốt gươm trần, Đức cha Sampedro Xuyên một tay cầm sách nguyện, một tay giơ lên ban phép lành cho dân chúng. Tuy nhiên cũng có kẻ lấy bùn ném vào ngài.
Tại pháp trường, hai cậu Tiệp và Hiến đón nhận phép lành của Đức cha, rồi đưa cổ chịu chém. Sau đó, lý hình xô vị Giám mục nằm sấp trên chiếu có phủ vải sẵn, tước hết y phục, chỉ để cho ngài mặc chiếc quần cụt. Rồi họ cột chân tay thật căng vào bốn cọc ở bốn phía, và thêm hai cọc ở dưới nách để nạn nhân khỏi cựa quậy.
Năm lý hình cầm năm cái rìu chờ lệnh quan ám sát ra dấu, lần lượt từng người thi hành nhiệm vụ. Họ chặt từng chân, từng cánh tay rồi mới chặt đầu. Máu tuôn ra đọng lại thành vũng, trong khi vị tử đạo vẫn giữ được vẻ mặt bình tĩnh, không ngừng kêu tên Chúa Giêsu cho đến khi tắt thở.
Mấy phút sau, đám lính mổ bụng ngài, cắt buồng gan giơ lên cao và nói: “Xem này, Gan Tây thật là to”, rồi họ chia nhau ăn. Cuối cùng họ đẩy thi thể ngài xuống một hố sâu, lấp đi và muốn cho voi dày xéo nữa. Nhưng họ thúc giục hò la mà đàn voi vẫn không đạp lên hố. Thủ cấp của vị tử đạo sau ba ngày bị bêu nơi công cộng, quân lính băm nát rồi ném xuống sông. Đến sau các giáo hữu đưa thi thể của Đức cha về mai táng tại Phú Nhai. Năm 1888, thi hài ngài được dời về quê hương Oviedo, nhưng tay phải của ngài thì để lại Bùi Chu, và tay trái được đưa về Malina, sau bị thất lạc trong Thế Chiến Thứ Hai vì bom đạn.
Ngày 29.4.1951, Đức thánh cha Piô XII đã suy tôn Đức cha Giuse Melchior Garcia SAMPEDRO XUYÊN lên bậc Chân Phước cùng với Đức cha An và 23 vị tử đạo người Việt Nam. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.
Lm. Đào Trung Hiệu, OP
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.