Thánh Phanxicô Đỗ Văn Chiểu, Thày giảng dòng ba Đaminh (1797-1838) – Ngày 26 Tháng 06

Kết quả hình ảnh cho Thánh Phanxicô ĐỖ VĂN CHIỂU, Thày giảng dòng ba Đaminh Lễ vật đẫm máu.

Hình ảnh đáng ghi nhớ nhất trong cuộc tử đạo của thày giảng Phanxicô Chiểu là chiếc thủ cấp đẫm máu của thày, sau khi rời khỏi cổ, đã được Đức cha Minh nhận lấy, kính cẩn dâng lên cao như lễ vật tinh tuyền hiến dâng lên Thiên Chúa. Cả pháp trường đều thinh lặng ngây ngất trong giây phút linh thiêng có một không hai đó, giây phút kết tinh trọn cuộc đời của một người con cái Chúa. Thày Chiểu đã hòa lẫn máu mình với hy tế Đức Giêsu trên đồi Canvê, và giờ đậy hân hoan trở về trong vòng tay ấm êm của Chúa Cha từ ái.

Một tông đồ tràn đầy tâm huyết

Phanxicô Đỗ Văn Chiểu sinh năm 1797 tại làng Trung Lễ, giáo xứ Liên Thủy, Tỉnh Nam Định, thuộc giáo phận Đông Đàng Ngoài. Cậu Chiểu đi tu từ hồi niên thiếu, và được đào tạo thành thày giảng của giáo phận. Trong thời gian bốn năm học thần học, thày Chiểu luôn sống đạo hạnh và có tinh thần kỷ luật cao, nên được các vị hữu trách tín cẩn. Sau đó thày gia nhập dòng ba Đaminh, và trở thành cộng sự viên thân tín của Đức cha Minh.

Bận tâm lớn nhất của thày Chiểu là phần rỗi của mọi người. Lần kia, tại làng Kiên Lao, một người lính đến gặp thày ngỏ ý muốn được giúp xưng tội và rước lễ để thêm can đảm trong cơn bách hại. Thày đã tiếp truyện với anh khá lâu, khuyến khích anh trung thành với đức tin Kitô giáo cho đến chết. Hai người cùng nhau cầu nguyện sốt sắng trước khi chia tay. Lần khác khi nghe tin người em bị bắt vì đạo, thày xin cha Hiển dâng hai thánh lễ cầu cho người em được cam đảm chấp nhận mọi gian khổ để tuyên xưng đức tin.


Cùng chung số phận.

 

Từ năm, 1838 Tổng đốc Nam Định Trịnh Quang Khanh quyết tâm lùng bắt các vị thừa sai để lập công với vua Minh Mạng. Ông đã đem đến cho người Công Giáo Đàng Ngoài muôn điều khổ cực. Thày Chiểu theo Đức cha Henares Minh đến ẩn trốn tại làng Kiên Lao, một giáo xứ lớn tương đối an toàn.

Nhưng ngày 27.05.1838, do sự tố cáo của thày đồ Hy, quan Tổng đốc đã cho lính bao vây làng Kiên Lao. Quân lính bắt được Đức cha Delgado Y, còn Đức cha Henares Minh và thày Chiểu may mắn thoát nạn trong gang tấc, liền trốn ra bờ sông đi thuyền về Hải Dương. Dọc đường đi hai cha con vào trốn tạm tại nhà ông Nghiêm gần họ Hà Quang, xứ Trung Thành, sau qua làng Quần Anh và Xương Điền. Một ngư phủ ngoại giáo nhận cho hai vị trú ngụ và hứa che dấu cẩn thận. Ai ngờ, ngày 09.06.1838, chính người đó đi tố giác với quan, nên hai vị đã bị bắt. Đức cha Henares Minh thì bị lính nhốt trong cũi, còn thày Chiểu, quan bắt mang gông nặng và tống giam vào ngục. Trong ngục, thày tuyên bố: “Tôi sẵn sàng theo Đức cha Minh cho đến chết, sẵn sàng chịu mọi cực khổ như ngài, kể cả cái chết dữ tợn nhất”. Hai ngày sau, lính phủ Xuân Trường áp giải cả hai về tỉnh Nam Định.

Khi tới cổng thành Nam Định, mặc dù cổ mang gông nặng, dù bị những ngọn roi tàn bạo, thày Chiểu cố cúi xuống cầm lấy Thánh Giá dưới đất lên hôn kính, rồi chờ cho cũi của Đức cha Minh đi qua, thày mới để Thánh Giá lại như cũ và tiến vào thành.

Cực hình gian nan

 

Tại dinh Tổng đốc, các quan tra hỏi thày nhiều lần, lần nào thày cũng tuyên xưng đức tim một cách can đảm, không sợ sệt. Khi các quan bảo thày bước qua Thánh Giá thì sẽ được tha về, còn bất tuân thì sẽ bị xử tử, thày Chiểu trả lời: “Đức Chúa Trời là Chúa thật, là căn nguyên của mọi sự, người ta phải thờ lạy kính mến ngài. Vì thế tôi không giám bước qua Thánh Giá, chắc chắn tôi không làm được điều đó”.

Dùng lới khuyên dụ không được, quan sai lính trói tay chân thày vào cọc rồi đánh 30 roi, nhưng thày vẫn không nao núng. Quan truyền cho xích thày và tống giam vào ngục. Sau đó các quan kết án như sau: “Tên Đỗ Văn Chiểu đã đi theo và học với tên Trùm Hai (tức Đức cha Henares Minh). Nó học những điều giả dối. Nó ngoan cố và bất tuân lệnh vua cải tà qui chánh. Mặc dù bị bắt giam, bị tra tấn, nó vẫn nhất mực ngoan cố theo tả đạo Gia Tô. Vậy nay nó đáng phải chịu chảm quyết”.

Các quan đệ trình bản án này về kinh đô xin vua phê chuẩn. Trong 15 ngày bị giam, thày Chiểu đã trải qua nhiều thử thách, chịu đòn vọt, chịu đói khát. như thày viết gửi thày Quỳnh ngày 21.06: “Ở trong này tôi phải chịu nhiều cực hính đau đớn, chịu đói khát, không có tiền mua cơm ăn. Tôi nhờ thày gặp các cha xin các ngài giúp đỡ tôi. Thày xin lỗi mọi người giúp tôi nhé. Chắc chắn tôi sẽ được tử đạo, vì nhờ ơn chúa, tôi vẫn trung thành và bề đỗ với người”.

Trong khi đó, vua Minh Mạng phê bản án và gửi bản án về tới Nam Định ngày 25.06.1838. ngay trong ngày cuối đời, thày Chiểu còn phải đương đầu với những dụ dỗ của các quan. Quân lính dẫn thày ra công đường, quan đọc bản án và hứa nếu đạp lên Thánh Giá, quan sẽ tha ngay. Thày Chiểu bình tĩnh và mạnh dạn trả lời: “Khi quan lớn nằm nghỉ, quan có bằng lòng để cho người con của quan đạp lên không ? Phương chi Đức Chúa Trời là Chúa trời đất, mọi người phải kính thờ thì làm sao tôi giám bước qua ảnh của người”. Trước lời khẳng khái của thày, quan nổi giận và cho thày là xấc láo. Có ông đòi xử tử ngay, ông khác nói để đến ngày mai vì đã quá muộn, chỉ nên cho lính đánh đòn rồi tống ngục. Thế là quân lính ra tay đánh đập cho đến khi thày ngất lịm với biết bao vết bầm tím trên da thịt, mới khiêng thày ném vào ngục thất.


Giờ phút vinh quang.

Sáng hôm sau 26.06.1838, quân lính dẫn Đức cha Henares Minh tới pháp trường Bảy Mẫu, Nam Định. Tuy mang gông ở cổ, kèm thêm hai sợi xích nối từ gông xuống đến chân, thày Chiểu bình tĩnh lê từng bước như xưa Chúa Giêsu vác thập giá lên Núi Sọ. Thấy nhiều tín hữu khóc lóc, thày nói với họ: “Anh chị em về nhà đi, đừng khóc nữa thày trò chúng tôi hôm nay về Quê thật mà”.

Tới nơi, lính mở cũi đưa Đức cha ra, và tháo gông cho thày Chiểu. Đức cha Minh xin chém thày Chiểu trước để được thấy tận mắt người con thiêng liêng của mình đã trung thành với Chúa đến giây phút cuối cùng. Viên quan chỉ huy chấp thuận. Thế là thày Chiểu quỳ xuống trước mặt Đức cha và lãnh bí tích giải tội. Xưng tội xong, thày quỳ gối cầu nguyện và kêu tên Chúa Giêsu ba lần. Cũng như thánh Stêphanô xưa, thày Chiểu thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con phó linh hồn con trong tay Ngài”.

Ngay sau đó, lý hình chém một nhát trúng vào xích nơi cổ thày, họ phải chém thêm ba nhát nữa thì đầu mới lìa khỏi cổ, và linh hồn thày về hưởng phúc Thiên Đàng, thọ 41 tuổi. Lý hình tung thủ cấp thày lên ba lần cho các quan và mọi người thấy rõ. Thế rồi một khung cảnh trào dâng xúc động: Đức cha Minh đã cầm thủ cấp thày Chiểu và kính dâng lên Thiên Chúa như lễ vật hy hiến trước khi Đức cha được phúc tử đạo.

Giáo dân an táng thi thể thày tại nơi pháp trường, về sau di hài cốt về quê Trung Lễ.

Đức Giáo Hoàng Lêo XIII suy tôn Chân Phước thày Phanxicô Đỗ Văn Chiểu ngày 27.05.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.

Lm. Đào Trung Hiệu, OP  

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi