Theo ký giả Edward Pentin, cơ quan của Tòa Thánh lo việc tái hợp nhất các người Công Giáo duy truyền thống sắp sửa bị dẹp bỏ, nhưng nhiều nguồn tin cho hay việc dẹp bỏ này là một động thái tích cực.
Ký giả này cho rằng Đức Phanxicô sắp sửa ban hành một sắc lệnh trong mấy tuần lễ tới để, trên thực tế, dẹp bỏ uỷ ban giáo hoàng nói trên.
Nhiều nguồn tin đáng tin cậy đã quả quyết với ông rằng Ủy Ban Giáo Hoàng có tên là ‘Ecclesia Dei’ (Giáo Hội của Thiên Chúa) sẽ bị hủy bỏ và việc làm của nó được nhập vào Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, một thánh bộ mà Ủy Ban vốn là một thành phần.
Tự sắc của Đức Giáo Hoàng cho phép sự thay đổi được cho là vẫn còn đang trong giai đoạn soạn thảo, nhưng dự kiến sẽ được công bố vào tháng 1. Những người khác nói rằng nó đã được viết xong và ký tên.
Mặc dù một số người đã lên tiếng lo ngại về động thái này, lần đầu tiên được công bố trên blog tiếng Ý Messa in Latino (Thánh Lễ Bằng Tiếng Latinh), các nguồn tin từ Vatican và các nơi khác có thiện cảm với ủy ban thì lạc quan hơn, nói với tờ Register rằng sự thay đổi về cơ cấu có thể có tính tích cực và thực sự tạo thuận lợi cho việc hợp thức hóa Hội Thánh Piô X đang ly khai.
Đức Tổng Giám Mục Marcel Lefèbvre đã thành lập Hội Thánh Piô X vào năm 1970 để chống lại những sai sót mà ngài tin rằng đã xâm nhập vào Giáo hội sau Công đồng Vatican II. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã thành lập Ủy ban Giáo hoàng này vào năm 1988 để đáp ứng quyết định của Đức Tổng Giám Mục Lefèbvre, năm đó, đã phong chức cho bốn giám mục mà không có phép của Đức Giáo Hoàng, một quyết định, theo Tòa thánh, mang tính ly giáo, đã dẫn đến vạ tuyệt thông cho Đức Tổng Giám Mục Lefèbvre. Đức Bênêđictô XVI đã tha vạ tuyệt thông cho bốn giám mục trong năm 2009.
Vai trò của Ủy Ban chủ yếu là chăm sóc những người theo Đức Tổng Giám Mục Lefèbvre nào muốn duy trì sự hợp nhất với người kế vị của Thánh Phêrô; nó mang tư cách là cơ quan chính của Vatican trong việc giám sát các nỗ lực nhằm hợp thức hóa hội Hội Thánh Piô X và đưa họ trở lại hiệp thông với Rôma.
Ủy ban cũng từng có nhiệm vụ hợp thức hóa các tình trạng giáo luật của các cộng đồng tôn giáo khác có bản chất duy truyền thống, đem lại cho họ một hình thức giáo luật tương ứng với đặc sủng của họ.
Thêm vào đó, ủy ban cũng có trách nhiệm làm việc với các giám mục địa phương để tạo điều kiện cho Thánh lễ theo hình thức Ngoại Thường của Nghi lễ Rôma (theo Sách lễ năm 1962) cho những tín hữu nào yêu cầu, đặc biệt là sau tự sắc Summorum Pontificum năm 2007 của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, là tự sắc đã cho tự do cử hành Thánh lễ Latinh truyền thống nếu một nhóm ổn định các tín hữu yêu cầu điều đó.
Nhưng theo trang web duy truyền thống Pháp L’Homme Nouveau (Người Mới), Hội Thánh Piô X đã xem Ủy ban Giáo hoàng như một trở ngại cho các cuộc đàm phán với Vatican và muốn giao dịch trực tiếp với Bộ trưởng của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, hiện là Đức Hồng Y Luis Ladaria Ferrer, thay vì phải đi qua chủ tịch hiện tại của Ủy ban Giáo hoàng ‘Ecclesia Dei’, tức Đức Tổng Giám Mục Guido Pozzo. Bài báo cho rằng: sau nhiều năm nói chuyện giữa Đức Tổng Giám Mục Pozzo và Hội, rất ít thành tựu đã được thực hiện.
Do đó, việc tái cấu trúc được đồn đại có thể giải quyết được những lo ngại mà vị bề trên cả mới được bầu của Hội Thánh Piô X, Cha Davide Pagliarini, đã thảo luận với Đức Hồng Y Ladaria tại cuộc họp ngày 22 tháng 11 tại Vatican.
Trong một tuyên bố được đưa ra sau những cuộc nói chuyện đó, Cha Pagliarini nhấn mạnh rằng đối với Hội Thánh Piô X, “vấn đề căn bản thực sự có tính tín lý”, một điều “vẫn tuyệt đối có tính chủ yếu” và, đối với Tòa Thánh cũng vậy, sẽ không có tư cách giáo luật nào được thiết lập cho Hội “cho tới sau việc ký một văn kiện tín lý”.
“Việc tái cấu trúc này phần nhiều có khả năng nhượng bộ đối với Hội Thánh Piô X, những người không quan tâm đến các cơ cấu như Ecclesia Dei” một nguồn tin thông thạo về Giáo hội nói thế và thêm rằng, “điều chính yếu lúc này là thảo luận về tín lý hơn là các khía cạnh thực tế”.
Một phần của việc cải tổ Giáo Triều?
Một lý do khả hữu khác của việc dẹp bỏ Ủy ban Giáo hoàng có thể là do việc cải tổ Giáo triều Rôma. Một tông hiến mới, Predicate Evangelium (Hãy Đi Rao Giảng Tin Mừng), dự kiến sẽ được công bố vào các tháng đầu tiên của năm mới, và phần lớn là về việc đơn giản hóa các phòng sở của giáo triều và làm chúng hữu hiệu hơn. Hiện tại, Ecclesia Dei có ngân sách riêng, do đó, việc kết thúc cơ cấu này và đưa nhân viên của nó nhập vào Bộ Giáo Lý Đức Tin có thể giúp đạt được điều đó như là một phần sắp xếp lại cơ cấu của toàn bộ Giáo Triều.
Nó cũng có thể đảm bảo rằng các khía cạnh khác nhau trong việc làm của ủy ban liên quan đến phụng vụ và đời sống tôn giáo được giữ trong giới hạn thiện cảm hơn của Bộ Giáo Lý Đức Tin thay vì được ủy thác cho Bộ thờ phượng Thiên Chúa và Bộ các Viện Đời Sống thánh hiến và Các Hội Đời Sống Tông Đồ, nơi mà quyền lợi của Hội Thánh Piô X và người Công Giáo duy truyền thống nói chung có thể sẽ nhận được một lỗ tai ít thuận lợi hơn nơi các viên chức của cả hai thánh bộ đó (bất kể Hồng Y bộ trưởng Thánh Bộ Thờ Phượng, Robert Sarah).
Phần lớn các báo động về những thay đổi được đồn đại này xuất phát từ các báo cáo gần đây về một số ý kiến phản đối Summorum Pontificum trong hội đồng giám mục Ý, và niềm tin chung – chưa được chứng minh cụ thể -; các báo cáo này cho rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn hủy bỏ nó và chống lại Hội Thánh Piô X. Tuy nhiên, Đức Phanxicô trước đây đã có một số cử chỉ hòa giải đối với Hội, đáng chú ý hơn cả là ban cho tất cả các linh mục của hội quyền được giải tội một cách hợp lệ trong và sau Năm Thánh Lòng Thương Xót.
Đức Bênêđictô XVI là người đầu tiên hội nhập ủy ban vào Bộ Giáo Lý Đức Tin khi vào năm 2009, ngài bổ nhiệm vị bộ trưởng của thánh bộ làm người đứng đầu chính thức của Ecclesia Dei thay vì một chủ tịch Hồng Y, là trường hợp cho đến lúc đó.
Vì tất cả những lý do trên, phương thức chung nơi các nguồn tin, cả ở Vatican và nơi các người Công Giáo duy truyền thống, là “giữ bình thản” và chờ xem những gì tự sắc cuối cùng sẽ cho biết.
Vũ Văn An
(vietcatholic 29.10.2018)
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.