Có bao giờ bạn quyết định bỏ cuộc và quên mất mục đích ban đầu của mình hay không?
Một ông già bán hàng tạp hóa ven đường. Ông cảm thấy rất phiền lòng vì một đám trẻ con trong khu phố thường chơi đùa trước cửa hàng của ông vào mỗi buổi chiều khiến nơi đây trở nên ầm ĩ. Mặc dù ông đã thử nhiều phương án nhưng không có cách nào đuổi được lũ trẻ đi. Cho đến một ngày ông nghĩ ra “tuyệt chiêu mới”. Ông gọi lũ trẻ lại, cho mỗi đứa 10 đồng rồi nói: “Cám ơn các cháu, các cháu chơi ở đây làm ta rất vui. Ngày mai lại đến đây chơi nữa nhé”. Bọn trẻ rất vui sướng khi nhận được tiền, và dĩ nhiên ngày hôm sau chúng lại quay trở lại.
Nhưng lần này ông già chỉ cho chúng 5 đồng với lý do như hôm trước. Hôm sau nữa thì chỉ cho mỗi đứa 2 đồng, hôm sau nữa thì 1 đồng. Và đến ngày cuối cùng, ông đã không cho tiền bọn trẻ nữa. Điều này làm bọn trẻ cảm thấy rất khó chịu, “chúng ta chạy nhảy đứt cả hơi mà số tiền càng ngày càng ít, vậy lần sau đừng tới đây chơi nữa. Chơi nữa chẳng hóa ra ta reo hò miễn phí cho ông lão vui à?” Kể từ đó, ông lão không còn bị làm phiền bởi tiếng nô đùa của lũ trẻ nữa.
Người xưa có câu: “muốn nắm chặt thì phải thả lỏng”. Ông lão sau nhiều lần thất bại với những lời dọa dẫm và xua đuổi, đã hiểu rằng để lũ trẻ từ bỏ khu vui chơi ưa thích của mình thì chỉ có cách duy nhất là điều khiển một cách tinh tế tâm lý chúng.
Bí mật của ông lão
Ông lão đã thay đổi mục đích vui chơi ban đầu của lũ trẻ. Chúng đến với khoảng sân trước cửa hàng ông lão để vui chơi chủ yếu vì nơi này khá thoáng mát, rộng rãi và có nhiều cây xanh hay nói cách khác, chúng chơi ở đây là vì bản thân chúng thích thế. Nhưng ông lão lại thay đổi điều đó, ông khiến tụi nhỏ tin rằng chúng vui chơi là vì ông, vì ông sẽ trả tiền để bọn chúng chạy nhảy và hò hét.
Niềm tin này dần dần biến thành động cơ thực sự để chơi đùa của lũ trẻ. Chúng quên mất rằng, chúng chơi chỉ vì chúng thích thế. Thay vì tận hưởng từng giây phút được thoải mái cười đùa và leo lên những ngọn cây để hóng mát, chúng lại dành tâm trí để chờ đợi giây phút nhận được những đồng tiền thưởng của ông lão. Và ngay khi ông lão không còn cho chúng tiền thì chúng bỏ luôn hành vi chơi đùa của mình.
Câu chuyện trên là một câu chuyện giả tưởng, nhưng nó lại nói lên một thực tại đang diễn ra rất thật trong xã hội chúng ta. Có bao giờ bạn quyết định bỏ cuộc và quên mất mục đích ban đầu của mình hay không?
ST
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.