Ngoại giao Bắc Hàn không biết một giới hạn nào. Nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un hy vọng Đức Phanxicô sẽ đến Bình nhưỡng, và trong dịp này ông sẽ “nồng nhiệt đón tiếp”, ngày thứ ba 9 tháng 10, phủ Tổng thống Nam Hàn loan báo tin trên và cho biết sẽ chuyển lời mời này đến Vatican. Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in người công giáo sẽ có buổi tiếp kiến riêng với Đức Giáo hoàng khi ông đến Vatican vào ngày 17 và 18 tháng 10 sắp tới. Ông Kim Eui-kyeom, phát ngôn viên của Tổng thống Moon Jae-in cho biết: “Trong buổi gặp Đức Phanxicô, Tổng thống Nam Hàn sẽ chuyển lời mời của chủ tịch Kim Jong Un theo đó, ông Kim Jong-un sẽ nồng nhiệt đón Đức Giáo hoàng khi ngài đến Bình nhưỡng.”
Từ ngày 13 đến 21 tháng 10, tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in có chuyến đi dài qua Âu châu, ông sẽ đến Pháp, Ý và Đức và ông sẽ phải giải thích cho các nhà lãnh đạo Âu châu về đường lối chính trị xích lại gần Bắc Hàn của ông và các tiến triển gần đây của vùng bán đảo này.
Một nền ngoại giao Bắc Hàn không có giới hạn
Sau nhiều năm căng thẳng vì chương trình hạch nhân, từ đầu năm nay, vùng bán đảo Triều Tiên là sân khấu của một sự thư giãn lạ thường bởi ba cuộc họp thượng đỉnh giữa tổng thống Moon Jae-in và chủ tịch Kim Jong-un. Kim Jong-un sẽ đến Maxcơva sắp tới và sẽ tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình trước khi đến Seoul để có một buổi họp thượng đỉnh lịch sử khác.
Đức Tổng Giám mục Nam Hàn Hyginus Kim Hee-joong đã tháp tùng tổng thống Nam Hàn trong buổi họp nam-bắc hàn ở Bình nhưỡng vào ngày 19 tháng 9 vừa qua.
Theo nguồn tin báo Thập giá có được, “Tổng Giám mục đã chuyển sứ điệp đến Kim Jong-un qua trung gian của tổng thống Moon Jae-in và phản ứng của Kim không bất lợi chút nào”. Trong một lần nói chuyện với Tổng Giám mục Hyginus Kim Hee-joong Nam Hàn, chủ tịch Kim Jong-un đã nhờ chuyển đến Vatican ý muốn xây dựng hòa bình của mình.
Một linh mục ở Nam Hàn phân tích như sau: “Lời mời này hẳn làm cho hội đồng giám mục Nam Hàn hân hoan. Hiện nay vai trò của ngoại giao rất quan trọng trong tiến trình xích lại gần Bắc Hàn, nhưng đứng trên quan điểm đạo đức thì sẽ rất khó để biện minh cho một cuộc thăm viếng ở một đất nước hoàn toàn vô thần, loại bỏ mọi tín ngưỡng hay mọi hình thức giữ đạo.”
Tự do tín ngưỡng có trong Hiến pháp Bắc Hàn nhưng mọi sinh hoạt tôn giáo đều được quy định chặt chẽ và hoàn toàn bị cấm bên ngoài các cơ sở chính thức.
Bình Nhưỡng, cựu “Giêrusalem của Á châu”
Vào đầu thế kỷ 20, trước khi bán đảo Triều Tiên phân chia, Bình Nhưỡng là trung tâm tôn giáo quan trọng có nhiều nhà thờ và có một cộng đoàn giáo dân có tên “Giêrusalem của Á châu”. Nhưng nhà sáng lập chế độ Bắc Hàn và chủ tịch Kim Il Sung, ông của Kim Jong-un, xem kitô giáo là một đe dọa cho chế độ của độc tài của ông. Ông loại hẳn kitô giáo bằng các vụ thanh trừng, giam bắt trong các trại cải tạo.
Từ đó, chế độ Bắc Hàn cho phép các tổ chức công giáo có nhiều chương trình nhân đạo nhưng họ không có một quan hệ nào với Vatican. Trong chuyến đi Nam Hàn năm 2014, Đức Phanxicô đã cử hành một thánh lễ ở thủ đô Seoul với ý chỉ cầu nguyện cho sự thống nhất của hai miền.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Nguồn tin: Phanxico
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.