Lễ Giáng sinh, nguồn hy vọng – Ý nghĩa của máng cỏ

ROMA – Tại sao Kitô hữu chào mừng sự ra đời của một hài nhi cách đây hơn 2000 năm? Tại sao Kitô hữu kỷ niệm việc ra đời này bằng cách thực hiện hoặc giải thích một máng cỏ? Việc ba nhà đạo sĩ đến và sự hiện diện của con lừa và con bò có đúng với thực tế không? Và ngày nay sự ra đời như thế có ý nghĩa gì?

Mangco.jpg

Linh mục Pietro Messa, Giám đốc trường Cao đẳng nghiên cứu Trung cổ và Phan sinh thuộc Đại Học Giáo Hoàng Antonianum, trả lời cho độc giả của hãng tin Zenit.

Zenit – Theo cha, đâu là các lý do mà nhờ đó truyền thống làm máng cỏ là một điều tốt lành?

Cha Messa – Đức tin trước tiên là sự nhìn nhận một sự Hiện diện trong lịch sử cá nhân và cộng đồng, và cầu nguyện là kỷ niệm, chứ không chỉ nhớ, sự hiện diện của Chúa bên cạnh chúng ta. Từ cuộc gặp gỡ này nảy sinh một cuộc sống mới, nói cách khác nảy sinh một sự đạo đức: nếu không có như vậy, hành động của con người rơi vào một luân lý èo uột. Chính vì thế cần có các dấu hiệu để giúp chú ý đến sự đồng hành của Chúa bên cạnh con người, chẳng hạn các bài hát, hoặc một hình ảnh, hoặc đọc một bản văn.

Máng có là thực sự như thế: là một phương tiện, qua nhiều thế kỷ, đã được chứng minh là hiệu quả để không làm quên Chúa Giêsu, người bạn đồng hành khiêm hạ của Thiên Chúa bên cạnh con người.

Zenit – Đâu là các lý do thúc đẩy thánh Phanxicô Átxidi suy nghĩ và thực hiện một máng cỏ? Và các lý do nào vẫn luôn là hợp thời?

Cha Messa – Tác giả Tôma thành Celano, nhân dịp lễ phong thánh cho Thánh Phanxicô Átxidi, chưa đầy hai năm sau khi thánh nhân qua đời, đã viết tiểu sử của Ngài, kể rằng tại Greccio năm 1224, thánh nhân muốn “kỷ niệm việc Hài nhi ra đời tại Bê Lem, và nhận ra một cách nào đó với con mắt thân xác các khó khăn, mà Hài nhi gặp phải, khi sinh ra mà không có các vật cần thiết cho một bé sơ sinh; làm thế nào Hài nhi đã nằm trong máng cỏ và làm thế nào Hài nhi đã nằm giữa con bò và con lừa”. Do đó người ta hiểu rằng Noel năm ấy Thánh Phanxicô muốn rằng bản thân mình và các người khác kỷ niệm việc làm thế nào Chúa xuống thế trong nghèo khó; kỷ niệm một cách cụ thể riêng cho mầu nhiệm nhập thể, bằng cách cũng làm cho con mắt thân xác can thiệp vào nữa.

Cũng cần phải nhắc lại rằng trong đêm ấy “nghi thức long trọng của Thánh lễ được cử hành trên máng cỏ”. Không có sự đại diện nào của Chúa Giêsu, bởi vì Thánh Phanxicô nhận ra rằng Thánh Thể là ở nơi mà mỗi ngày Đấng Tối Cao xuống giữa chúng ta, và nơi mà Chúa Giêsu thực sự hiện diện với thịt và máu của Người.

Zenit – Trong cuốn sách mới nhất của mình, ĐTC Biển Đức XVI khẳng định rằng con bò và con lừa không được đề cập trong các sách Tin Mừng, nhưng chúng có một ý nghĩa thần học chính xác. Cha có thể giải thích rõ về điều này không?

Cha Messa – Con bò và con lừa vắng mặt trong các trình thuật Tin Mừng, nhưng các Giáo Phụ giải thích câu Kinh Thánh “Con bò còn biết chủ, con lừa còn biết cái máng cỏ nhà chủ nó” (Is 1, 3), khi đồng hóa con bò và cái ách với dân Do Thái phục tùng lề luật, và đồng hóa con lừa với dân ngoại, nghĩa là với người chưa chịu cắt bì. Như thế, qua việc ra đời giữa con bò và con lừa, thì Chúa Giêsu, như lời thánh Phaolô nói, đã làm cho cả hai dân thành một dân, bằng cách chỉ hạ bức tường ngăn cách thù hận. Thánh Phanxicô, người học Tin Mừng chủ yếu qua phụng vụ và truyền thống của Giáo Hội, đã muốn rằng trong đêm Noel năm 1224 tại Greccio, cũng có con bò và con lừa.

Zenit – Việc các đạo sĩ đến và hiện diện bên máng cỏ là một sự kiện lịch sử có thật, hay chỉ là một huyền thoại?

Cha Messa – Chúa Giêsu là sự hoàn tất các lời hứa mà Thiên Chúa làm cho dân Do thái của Ngài, nhưng cũng là ước muốn và khát vọng của tất cả mọi người, và chính chuyến thăm của các nhà đạo sĩ từ phương Đông đến Bê Lem nói lên điều này. Điều quan trọng là các sách Tin Mừng, như thánh Phanxicô khẳng định, cần được đọc với đức tin, với con mắt của tâm hồn về những gì con mắt xác thịt đã thấy. Nhị thức “thấy và tin” là quan trọng đối với vị thánh thành Átxidi; do đó, đức tin ngay thẳng là không mù quáng, nhưng trái lại là “nhìn thấy” cách sâu hơn vào mầu nhiệm của các sự kiện, kể cả chuyến thăm của các đạo sĩ đến Bê Lem.

Zenit – Xin cha cho một suy tư gợi ý cho Giáng Sinh năm nay…

Cha Messa – Trong bối cảnh lịch sử hiện nay, sự cám dỗ liên tục, mà chúng ta phải chịu cho cá nhân và cộng đồng, chính là sự nản lòng, sự sầu não trước cuộc khủng hoảng, không chỉ về kinh tế, mà còn gia đình, xã hội, trong đó người ta sinh sống. Lễ Giáng sinh, là loan báo rằng trong thực tại chính xác, rất phức tạp và mâu thuẫn đến nỗi gần như phi lý, có sự hiện diện của Chúa, Vị Mục Tử Nhân Lành. Tất cả điều này sẽ trở thành một nguồn hy vọng, không phải trong một ý nghĩa lạc quan, nhưng trong sự tin chắc rằng Hài nhi ở Bê Lem là thực sự trung tâm của vũ trụ và lịch sử. Vì vậy, lễ Giáng sinh là sự loan báo niềm hy vọng cho mọi người!

 

 


(Nguyễn Trọng Đa, ZENIT.org 17-12-2012)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi