Trào lưu tục hoá

Hỏi (chi tiết): 

Thưa cha, đọc tin tức, con thấy nhiều Văn Kiện Toà Thánh và diễn văn của Đức Giáo Hoàng nói tới trào lưu tục hoá và những thách đố do trào lưu này gây ra cho đời sống đức tin của tín hữu và sứ mạng của Giáo Hội. Xin cha cho biết tục hoá nghĩa là gì?

N.V.G

Đáp:

Phân biệt từ ngữ

Trong tiếng việt, thuật ngữ “tục hoá” được dùng để dịch từ “Sécularisation”. Ý nghĩa của từ ngữ này khác nhau tuỳ theo nguyên ngữ của nó:

– Trong trường hợp từ tục hoá phát xuất từ ngữ sécularis trong tiếng La tinh thời Trung Cổ thì nó chỉ hai điều: một là nhà nước chiếm hữu tài sản của Giáo Hội hay cũng gọi là “quốc hữu hoá”, hai là giáo luật, “tục hoá” (sécularisation) có nghĩa là cho phép một tu sĩ đã khấn được ra khỏi dòng: nếu là linh mục thì trở thành linh mục triều, nếu là một tu sĩ không linh mục thì trở thành giáo dân.

– Trong trường hợp từ tục hoá bắt nguồn từ nguyên ngữ “secular” trong tiếng Anh thì lại mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. Nó chỉ một hiện tượng lịch sử được bắt đầu từ thế kỷ VIII, khi xã hội Âu Châu bắt đầu tiến trình tách rời ra khỏi Kitô giáo để trở nên tự trị, độc lập vói Giáo Hội và các giới luật tôn giáo cũng như luân lý do giáo hội đề ra. Tiến trình này kéo dài nhiều thế kỷ và ngày nay trở nên mạnh mẽ hơn.

Những khía cạnh tích cực của tiến trình tục hoá

Tuy tiến trình tục hoá tách rời khỏi Giáo Hội là một điều đau thương, nhưng nếu nghiên cứu một cách sâu xa thì nó cũng có nhũng khía cạnh tích cực là đưa tới việc nhìn nhận một sự độc lập đúng đắn của các thực tại trần thế và nhân bản, nghĩa là sự độc lập của nhà nước: văn hoá, chính trị, đời sống xã hội.

Đối với Giáo Hội và các quy luật của Giáo Hội: nhìn nhận tính chất đời, sự độc lập của chính trị và không lẫn lộn với tôn giáo; nhìn nhận sự kiện này là các thực tại nhân bản có những giá trị riêng, luật lệ riêng, phương pháp riêng, chứ không lệ thuộc vào tôn giáo.

Những điểm tiêu cực của trào lưu duy thế tục

Ngoài những khía cạnh gọi là “lành mạnh” và tích cực đó, tiến trình tục hoá có thể bị một số người đưa tới trào lưu gọi là “duy thế tục” (sécularisme) mà Kitô giáo không thể chấp nhận vì trào lưu này có nghĩa là coi các thực tại nhân bản hoàn toàn tuyệt đối độc lập khỏi Thiên Chúa và các luật luân lý tự nhiên, vốn là cốt lõi của luân lý Kitô giáo. Người ta tìm cách loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống và sống như thể Thiên Chúa không hề hiện hữu trong mọi lãnh vực của đời sống con người (cá nhân cũng như xã hội) cũng như trong các luật lệ của quốc gia.

Trào lưu duy thế tục này đạt tới cao điểm trong đời sống xã hội dân sự và phong hoá. Người ta tục hoá việc thông truyền sự sống bằng cách ban hành những luật lệ cho phép phá thai, hoặc cho dùng những phôi thai người vào những mục tiêu chữa bệnh. Người ta tục hoá việc hôn nhân nhất phu nhất phụ và bất khả phân ly bằng cách cho phép ly dị và coi những hình thức nam nữ sống chung không kết hôn hoặc những cặp đồng phái tính cũng có giá trị ngang với hôn phối. Tính dục được tục hoá, được “giải phóng” khỏi mọi quy luật luân lý mà người ta cho là có tính chất đàn áp và sợ hãi tính dục. Sự chết cũng được tục hoá bằng cách loại trừ mọi sự trợ giúp người sắp chết, cho phép kết liễu sinh mạng người bệnh nan y theo yêu cầu của đương sự, hoặc trợ tử.

Sự tách biệt giữa điều ‘hợp luân lý’ và điều ‘hợp pháp’

Chính vì sự tục hoá này mà con người đã tạo nên một sự rạn nứt và đổ vỡ hoàn toàn giữa điều ‘hợp luân lý’ và điều ‘hợp pháp’: đây là một ý tưởng hoàn toàn mới trong lịch sử Âu Châu vì trong những thế kỷ trước đây, luật pháp dân sự vẫn phù hợp với luân lý Kitô giáo.

“Chỉ vài thập niên trước, Mười Giới Răn vẫn còn là điểm tham chiếu của các chính phủ và các lề luật xã hội, mọi người hầu như đều nhìn nhận giá trị phổ quát của Mười Giới Răn: luân lý và pháp luật phù hợp nhau. Nhưng ngày nay các giá trị trên đã thay đổi. Sau tôn giáo, đến lượt luân lý không còn ảnh hưởng và chi phối trên xã hội, thay vào đó, người ta chỉ coi nó là một vấn đề lương tâm riêng của mỗi cá nhân mà thôi”.

Như vậy luân lý đã bị ‘tư hữu hoá’, mỗi người có thể tạo cho mình một nền luân lý riêng cũng như một tôn giáo riêng tuỳ ý thích của mình.

Ngoài ra, còn một khía cạnh khác của trào lưu tục hoá cũng nên lưu ý cách đặc biệt, đó là vấn đề thời gian. Trước đây, ngày Chúa Nhật và lễ trọng xen kẽ những ngày làm việc và nghỉ ngơi, đời sống xã hội quay quanh lịch phụng vụ. Ngày nay, Chúa Nhật được thay thế bằng “week-end”, bằng “cuối tuần”, bắt đầu từ chiều thứ sáu và kết thúc vào chiều Chúa Nhật hoặc sáng thứ hai vì thế một số đông dân chúng tham dự thánh lễ chiều thứ bảy. Việc mở các cửa tiệm vào Chúa Nhật cũng làm cho cả ngày Chúa (ngày sa-bat) mất đi tính chất thánh thiêng. Những ngày lễ lớn khác như Giáng Sinh, Phục Sinh, Đúc Mẹ Lên trời, các lễ Thánh hoặc lễ Hiển Linh, tuy vẫn còn và có một chỗ đứng quan trọng trong đời sống con người (cả với hững người không tín ngưỡng), nhưng những ngày lễ ấy hầu như đã mất hết ý nghĩa tôn giáo, và chỉ còn được coi là những dịp nghỉ ngơi, hoặc tổ chức buổi họp mặt gia đình hay là dịp để tiêu xài mà thôi.

Sự tục hoá trong lãnh vực văn hoá có tính cách cực đoan từ thế kỷ XVIII trở đi với chủ thuyết soi sáng: người ta tin tưởng nơi khả năng của lý trí có thể giải quyết mọi vấn đề của đời sống con người và bảo đảm cho nhân loại một sự tiến bộ ngày càng lớn mạnh mà không cần phải nhờ tới tôn giáo, đặc biệt là Kitô giáo. Kitô giáo bị chủ thuyết soi sáng lên án là vô lý, huyền thoại, mê tín, phản tiến bộ và tai hại.

Sự tục hoá này là đặc tính của nhiều sản phảm văn chương và nghệ thuật tại Châu Âu cũng như trong việc nghiên cứu khoa học đến độ người ta quả quyết có sự mâu thuẫn hoàn toàn giữa đức tin và lý trí. Đồng thời người ta cũng gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi phạm vi của các khoa học và coi Thiên Chúa là yếu tố gây xáo trộn cho sự nghiên cứu khoa học.

Theo quan niệm tục hoá như thế, sự nghiên cứu khoa học chỉ có giá trị nếu nó ở trong phạm vi những gì có thể quan sát được bằng những dụng cụ và phương pháp khoa học, loại bỏ mọi nguyên tắc siêu hình học về nguyên nhân và mục đích. Trong bối cảnh đó, để giải thích nguồn gốc sự sống trên mặt đất này mà không phải nại tới Nguyên Nhân Siêu Việt, người ta chủ chương sự sống là do tình cờ ngẫu nhiên mà có, và do sự tất yếu….. và như thế không phải giải thích gì cả.

Cũng trong quan niệm tục hoá, con người không được coi là một thụ tạo được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa vì thế nó cũng không phải là một thân xác có hồn thiêng, có trí tuệ thông minh, có lương tâm, tự do, trách nhiệm luân lý và có một vận mạng là đời sống với Thiên Chúa, Đấng là cùng đích tối hậu và là hạnh phúc tuyệt đối của con người. Trái lại, con người theo quan niệm tục hoá chỉ là một sản phẩm do sự tiến hoá mà thành, nhờ đó con người là một động vật cao đẳng. Vì thế, không có lý do gì mà nói về “nhân phẩm”, phẩm giá con người, hoặc sự tôn trọng nhân phẩm và các quyền bất khả nhượng của con người.

Cũng vậy, đối với thiên nhiên, quan niệm tục hoá cho rằng thiên nhiên không do Thiên Chúa tạo thành và thiết định với những luật lệ riêng mà con người phải tôn trọng và thích ứng để thiên nhiên phục vụ và mưu ích cho con người về vật chất cũng như tinh thần. Theo quan niệm tục hoá, nguyên tắc duy nhất có giá trị trong việc đối xử với thiên nhiên: con người là chủ thể tuyệt đối của thiên nhiên, vì thế con người có thể làm tất cả những gì mà kỹ thuật có thể làm được mà không cần để ý tới nguyên tắc luân lý nào cả. Theo quan điểm như thế về thiên nhiên thì những gì khả năng con người có thể chế tạo đều là những kỳ công, bất chấp điều đó có chống lại con người hay không.

Người phụ trách: 

 Lm. Agostino Nguyễn Văn Dụ

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi