Luân lý tính dục

Hỏi (chi tiết): 

Thưa cha, xin cho con biết Giáo Lý của Giáo hội dạy thế nào về “những tội nghịch cùng đức khiết tịnh”? Từ nhỏ con đã được dạy rằng “nếu đá đến những chỗ dơ dáy” là có tội và phải đi xưng tội. Trái lại, tâm thức của các bạn trẻ ngày nay dường như đã thay đổi, họ tham dự thánh lễ khá đông nhưng lại cho rằng chỉ cần xưng tội một năm ít nhất một lần là đủ…

Lu-Y M

 
Đáp: 

Thật là chuyện nghịch lý: một đàng, giáo huấn của Giáo Hội luôn khẳng định là không có việc thay đổi quy luật luân lý trong lãnh vực tính dục, đàng khác, nhiều người công giáo, khi có một vấn đề nào mới mẻ, lại muốn đặt lại toàn bộ vấn đề và bắt đầu lại từ số không. Điểm quy chiếu đối với họ đề là sự học biết từ khi còn nhỏ trong các lớp giáo lý, và chỉ dừng lại ở sự hiểu biết về những gì được phép và những điều bị cấm đoán, những gì là tội nhẹ và tội trọng.

Cần phải thoát ra khỏi đầu óc duy luật

Chúng ta có thể nắm chắc rằng luân lý không chỉ giới hạn vào sự hiểu biết. Một đời sống tốt và đúng không nhất thiết cần phải có sự hiểu biết sâu xa. Tuy nhiên chúng ta phải công nhận rằng: một sự hiểu biết hạn hẹp và nông cạn không giúp được gì cho những quyết định có ý nghĩa.

Chúng ta đừng ngạc nhiên về những người chỉ dừng lại ở mức độ duy luật cho rằng: tất cả đều được giải quyết bằng những từ ngữ “cho phép” và “cấm đoán”, bởi vì họ chỉ quan tâm đến những gì bị cấm cản ngày hôm qua và hôm nay lại được phép hoặc ngược lại. Nếu như vậy có nghĩa là đối với những người ấy, một hành động gọi là xấu bởi vì hành động đó bị cấm. Thay vì nghĩ như thế, chúng ta phải hiểu ngược lại mới là đúng: một hành động bị cấm bởi vì nó xấu. Đây không phải là một lối chơi chữ, nhưng là sự khác biệt giữa một nền luân lý độc tài độc đoán (= một việc xấu vì bị cấm) và một nền luân lý hợp lý-tin phục (= một việc bị cấm vì nó xấu).

Số 2396, sách giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, là một tổng hợp, là kết luận của một bài dài nói về đức khiết tịnh (xem các số 2337-2350). Những xác quyết về tính chất bất hợp pháp của việc tà dâm, thủ dâm, phim ảnh khiêu dâm và những việc đồng tính luyến ái, là vì chúng nghịch lại ý nghĩa của đức khiết tịnh.

Khiết tịnh là một nhân đức, và vì vậy, nó là của mọi người và cho mọi người. Nó đòi hỏi con người phải biết làm chủ bản năng tính dục thay vì bị khống chế bởi bản năng ấy.

Hay nói cách khác, những tình cảm, tình yêu và ước muốn tính dục:

– không phải là những điều cần phải loại bỏ,

– cũng không phải cứ để cho tự do mà không cần một sự tiết chế nào,

– nhưng cần phải được định hướng, nhằm xây dựng con người hoàn thiện, và xây dựng tương quan hoàn hảo giữa người với người.

Khiết tịnh hướng dẫn tính dục trong những bậc sống của con người vì sự lựa chọn hay vì hoàn cảnh khách quan dù con người có muốn hay không. Đặc biệt, quan điểm công giáo khẳng định rằng quan hệ tính dục diễn tả tất cả sự thật của nó trong việc bày tỏ tình yêu và trao ban sự sống trong bối cảnh sống nhất định của cuộc đời hai người đã thành hôn một cách hợp pháp.

Nói tóm lại, quan niệm công giáo, trong suốt 2000 năm lịch sử, luôn gắn liền tính dục với hôn nhân. Bởi vậy, việc tà dâm, cũng như sự thủ dâm và những hành động đồng tính luyến ái, xét theo khía cạnh luân lý, không thể được bênh vực, bởi vì chúng không những không diễn tả mà còn nghịch lại ý nghĩa của tính dục và đức khiết tịnh một cách khách quan.

Giá trị của khiết tịnh

Những gì người khác nói và làm không nhất thiết là tiêu chuẩn của sự thật. Nói cách khác, sự thật không tuỳ thuộc ở số đông. Nhận xét mà bạn đưa ra trong câu hỏi về bí tích thống hối không hợp với luật buộc xưng tội của Giáo Hội trước khi đi rước lễ đối với những ai ý thức về tội trọng mình đã phạm (xem GL 916), đặc biệt khi nó là một tội trọng thường vấp phạm. Chỉ cần thống hối trọn vẹn vì lòng yêu mến Chúa và ý muốn xưng tội sớm nhất, khi gặp linh mục hoặc người tín hữu do muốn xưng tội với cha giải tội riêng của mình.

Từ vấn nạn mà bạn nêu ở trên còn phải đặt ra nhiều câu hỏi quan trọng khác cho giáo lý viên và những người hoạt động mục vụ. Trước hết, chúng ta cần khám phá về ý nghĩa và giá trị của tính dục, tiếp đến là ý nghĩa của sự khiết tịnh. Đứng trước tình trạng tính dục và lối sống tự do hiện nay thì việc nhắc nhở những gì cho phép hay cấm đoán không đủ. Nếu luân lý Kitô giáo chỉ dừng lại ở những điều “ cho phép” hay “cấm cản” thì tiến trình nhân bản hoá tính dục và tương quan nam/nữ vẫn không thể mang lại sự tiến bộ nào.

Một kế hoạch sống

Nói một cách rõ ràng hơn, đây không phải chỉ đặt người tín hữu đứng trước những hành động xấu phải tránh hay những hành động tốt phải làm. Điều quan trọng đối với việc huấn luyện là trình bày những quy luật luân lý bằng cách nêu rõ mục đích mà mình nhắm đến, cũng như một kế hoạch sống cần phải có sự trưởng thành trong việc ưng thuận, cho dù nó tiến một cách chậm chạp nhưng vững chắc. Nếu không, sẽ rất khó làm cho người ta yêu mến một nền luân lý, mà chỉ tiếp tục cho họ thấy tính chất độc tài độc đoán, nặng đầu óc duy luật và trái với hạnh phúc của con người.

Giáo huấn của Giáo Hội trong những thập niên cuối cùng này đã thoát ra khỏi hình thức duy luật bằng cách trước hết nói về tính dục là gì và sau đó mới nói đến những việc cần phải làm. Trong chiều hướng đó, giáo lý của Giáo Hội Công Giáo có thể trở nên dụng cụ phù hợp cho một sự truyền thông đáng tin về luân lý, và không chỉ giới hạn vào phán quyết về tính chất hợp pháp/bất hợp pháp của từng hành vi tính dục.

Luân lý dẫn đến sự xác tín. Cộng với ơn Chúa, đó chính là con đường duy nhất có thể dẫn đến sự thay đổi chân thành về cách sống, và bảo đảm cho những người Kitô hữu một nền tảng vững mạnh đầy đủ trước những cám dỗ của một xã hội tục hoá và đa nguyên này. Con đường này cũng là con đường bước theo Giêsu, con đường tiến sâu vào sự hiệp nhất thánh thiện với Chúa Ba Ngôi và chia sẻ hạnh phúc trong sáng bình an với Ngài. Con đường này có “của ăn đàng” là Bí tích Thánh Thể, cung cấp sức mạnh để người tín hữu trung thành đi cho đến cuối đường.

Người phụ trách: 

 Lm. Agostino Nguyễn Văn Dụ

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi