Chúng tôi không thể không nói về những điều chúng tôi đã thấy và đã nghe” (Cv 4, 20)
Nt. Maria Nguyễn Thị Bích Hương, OP.
Câu 1: Chủ đề của ngày Thế Giới Truyền Giáo năm 2021 là gì?
Chúng tôi không thể không nói về những điều chúng tôi đã thấy và đã nghe (Cv 4, 20).
Câu 2: Tại sao Đức Thánh Cha Phanxicô lại chọn chủ đề này cho ngày Thế Giới Truyền Giáo năm 2021?
Đứng trước những thách đố của thời đại này, cách riêng là đại dịch Covid 19 đang hoành hành, con người đang phải đối diện với những thử thách về đời sống hằng ngày, đặc biệt là đời sống đức tin. Đức Thánh Cha muốn mời gọi mỗi người Kitô hữu, những người đã được cảm nghiệm, đụng chạm và sống với Đức Kitô qua tương quan đời sống cộng đoàn hay cá nhân. Họ hãy can đảm dấn thân, ra đi và loan truyền về tình thương cứu độ của Thiên Chúa cho tất cả mọi người.
Câu 3: Đức Thánh Cha dựa vào đâu để thúc giục và mời gọi người Kitô hữu ra đi Loan Báo Tin Mừng?
Dựa vào lời chứng của các Tông Đồ, những người đã cùng ăn, cùng uống và cùng sống với Đức Giê-su. Các ông đã cảm nghiệm tình cha con, nghĩa thiết, các ông cũng đã chứng kiến những nghĩa cử mà Đức Giêsu đã thực thi, đặc biệt là tình yêu của Thiên Chúa dành cho người nghèo và những người bị bỏ rơi. Từ lời chứng các Tông đồ, Đức Thánh Cha mời gọi người Kitô hữu can đảm ra đi loan báo Tin mừng cho tất thảy mọi người.
Câu 4: Theo như Đức Thánh Cha Phanxicô thì động lực nào để các Kitô hữu dấn thân cho việc Loan Báo Tin Mừng?
Tình yêu đi bước trước, tình yêu luôn tiến tới, chính nó là đề tài và niềm cảm hứng cho người Kitô hữu dám hân hoan, vui mừng chia sẻ về những điều kỳ diệu và hy vọng của Kitô giáo cho tất cả anh em của mình như chính thánh Gioan Tông đồ xưa đã cảm nghiệm: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia” (Ga 1, 41).
Câu 5: Tại sao tình yêu lại quan trọng trong đời sống của người Kitô hữu, Đức Thánh Cha chia sẻ về điều này như thế nào?
Hội thánh hiện diện và diễn tả lại tình yêu mà Đức Kitô dành cho nhân loại. Hay nói cách khác, Hội thánh có nhiệm vụ trình bày và loan báo lòng biết ơn mà chính Chúa đã ban cho mỗi người chúng ta. Sống lòng biết ơn ấy, mỗi người tín hữu phải là một nhà truyền giáo, một người dám chia sẻ lòng biết ơn Chúa cho những người xung quanh.
Câu 6: Đức Thánh Cha có đưa ra những khó khăn và thách đố gì cho công cuộc Truyền Giáo ngày nay không?
Nhìn vào đời sống và sinh hoạt của các Kitô hữu thời sơ khởi, Đức Thánh Cha cũng đã trình bày những thách đố, thù nghịch mà họ đã phải đối diện đến từ đời sống nội bộ hay những tác động bên ngoài. Tuy nhiên, theo ngài thì những thử thách ấy sẽ trở thành cơ hội một khi chúng ta cậy dựa, bám víu vào Chúa Thánh Thần. Vì vậy, mục đích sau cùng của việc Truyền Giáo là tất cả mọi người được giải phóng khỏi những kèm kẹp, đe dọa của thế gian và được cứu độ trong tình yêu của Chúa.
Câu 7: Vai trò của Chúa Thánh Thần như thế nào trong công cuộc truyền giáo theo như ý Đức Thánh Cha Phanxicô?
Dẫn lời chứng từ sách Công vụ Tông Đồ, Đức Thánh Cha chỉ rõ ra rằng, chỉ có Thần Khí Ngôi Ba mới có thể dẫn dắt, hướng dẫn, đồng hành và đưa mọi người đến với Ngôi Hai Thiên Chúa. Hay nói rộng hơn, tất cả những ai dám phó mình cho Thiên Chúa, đời sống của họ sẽ sinh hoa kết quả dồi dào và sinh ích cho tha nhân.
Câu 8: Đức trước những thách đố của đại dịch Covid 19, Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến cáo người Kitô hữu những gì?
Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến cáo người Kitô hữu không được thoái lui, sợ hãi hay thỏa hiệp trước những ru ngủ của thế gian. Trái lại, Ngài lên án, vạch mặt những cám dỗ của thời cuộc. Hơn thế nữa, theo Ngài, niềm hy vọng Kitô giáo sẽ dẫn nhân loại đến bến bình an. Vì vậy, mỗi người, mỗi gia đình hãy khiêm tốn trở nên khí cụ, cánh tay nối dài để chuyển trao, rao giảng về một Đấng Kitô Phục sinh. Chính Ngài sẽ xua tan mọi bóng đêm của ma quỷ, tội lỗi và dẫn đưa mọi người đến chân lý vẹn toàn, ánh sáng của Đức tin đặc biệt cho những người bị bỏ rơi. Một Đức Kitô gần gũi, thân thiện, và đầy lòng xót thương.
Câu 9: Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, trong những ngày đại dịch này, người Kitô hữu cần phải làm gì để truyền giáo cho tốt?
Người Kitô hữu cần tận dụng những thời gian quý báu trong việc giãn cách xã hội để cảm nghiệm, sống tâm tình xót thương và biến nó thành cơ hội để truyền tải về sứ điệp yêu thương mà chúng ta đã được Chúa xót thương. Hay nói cách khác, chúng ta cần cậy dựa, sống các giá trị Tin mừng như Chúa đòi hỏi, có như vậy chúng ta mới mạnh dạn chia sẻ và trình bày về một Đức Kitô đang sống, Người đang hiện diện và đem ơn cứu rỗi đến cho mọi người. Lời thúc bách này đòi mỗi người Kitô hữu phải trở thành một nhà thừa sai, một nhà truyền giáo nhiệt thành trong bất cứ hoàn cảnh nào với một sứ mạng dứt khoát và hăng say loan báo: “Những gì chúng ta đã thấy và đã nghe” (Cv 4, 20).
Câu 10: Sau cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích chúng ta nhìn vào ai để có thể ra đi Loan Báo Lời Chúa”
Ngài mời gọi chúng ta nhìn vào gương lành và chứng tá của những nhà truyền giáo. Họ như những tấm gương phản chiếu tình yêu của Đức Kitô cũng như là niềm cảm hứng để chúng ta can đảm dấn thân đến với những cánh đồng đang thiếu thợ gặt (xc Lc 10, 2). Chính các nhà truyền giáo và những nhà thừa sai đã họa lại và sống đúng chất Tin mừng mà Thầy Giê-su đã khơi dậy và cũng đã thực thi cho muôn người, đặc biệt là người nghèo và những người bị bỏ rơi bên lề xã hội. Từ đó, Đức Thánh Cha Phanxicô thúc giục và gọi mời mọi người Kitô hữu hãy đi đến vùng ngoại biên, nhất là trong thời điểm Covid 19 này để nói về tình yêu và lòng thương xót của Chúa cho hết thảy anh em mình.
WHĐ (06.10.2021)
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.