Tóm tắt và thảo luận Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Truyền giáo 2021

TÓM TẮT VÀ THẢO LUẬN

SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2021

“Chúng tôi không thể không nói về những điều
chúng tôi đã thấy và đã nghe” (Cv 4:20)

Lm. Giuse Nguyễn Duy Khương

  1. Chủ đề của Ngày Thế Giới Truyền Giáo năm nay “Chúng tôi không thể không nói về những gì chúng tôi đã thấy và đã nghe” (Cv 4:2 0) là một lời kêu gọi mỗi người chúng ta “sở hữu” và đem đến cho người khác những gì chúng ta mang trong tim mình. Chính các Tông đồ khi được trải nghiệm sức mạnh tình thương và sự hiện diện từ phụ của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu đã là những người đầu tiên chia sẻ cho chúng ta điều này. Cũng vậy, một khi cảm nghiệm được sự hiện diện của Đức Giêsu trong tim mình, chúng ta được thúc đẩy thi hành sứ mạng yêu thương mà không sợ hy sinh và bị hiểu lầm. Thật vậy, Đức Giêsu đã khai mào thời đại tương lai, đồng thời nhắc nhớ chúng ta rằng “chúng ta đã được tạo dựng để hoàn thành điều chỉ có thể tìm thấy trong tình yêu” (Fratelli Tutti, 68). Nhận thức được điều này, Hội Thánh không ngừng nhắc nhớ lại với tấm lòng biết ơn rằng Chúa đã yêu chúng ta trước. Theo đó, sống “trong tình trạng truyền giáo” là một phản ánh của lòng biết ơn” (Sứ điệp cho các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, 21-5-2020).

1.1. Đâu là ý nghĩa của chủ đề cho ngày thế giới truyền giáo năm nay “Chúng tôi không thể không nói về những điều chúng tôi đã thấy và đã nghe” (Cv 4:20)?

1.2. Đâu là những biến cố giúp bạn cảm nhận cách sâu sắc tình yêu và sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời của mình?

  1. Với Đức Giêsu, chúng ta cũng đã thấy, đã nghe và trải nghiệm rằng các sự việc có thể được biến đổi. Điều này được thể hiện cách sống động trong sách Công vụ Tông đồ. Các Kitô hữu sơ thời bắt đầu cuộc sống đức tin của họ giữa sự thù nghịch và khó khăn. Nhưng, những trải nghiệm ấy, thay vì là một trở ngại khiến họ lui bước hay khép kín trong nội bộ, trái lại, chúng thúc đẩy họ biến những vấn đề, những mâu thuẫn, những giới hạn và khó khăn thành những cơ hội và động lực cho sứ mạng loan báo Tin Mừng cho mọi người. Sách Công Vụ dạy chúng ta chịu đựng những khổ cực bằng cách bám chặt vào Đức Kitô, để lớn lên trong “niềm xác tín rằng Thiên Chúa có thể hành động trong mọi hoàn cảnh, thậm chí cả giữa những cái có vẻ là thất bại.”

2.1. Hãy nêu lên những ví dụ cụ thể trong sách Công Vụ Tông Đồ để cho thấy các Kitô hữu tiên khởi đã vượt thắng những khó khăn và thử thách để nhiệt thành thực thi sứ mạng loan báo Tin Mừng?

2.2. Hãy chia sẻ những kinh nghiệm cho bạn thấy chính niềm tin vào Chúa đã giúp bạn vượt qua những khó khăn thử thách trong cuộc đời?

  1. Đây quả là bài học quí giá cho chúng ta hôm nay: cơn đại dịch đã cho thấy rõ hơn và nặng nề hơn những nỗi đau đớn, cô đơn, thất vọng, nghèo khổ và bất công mà biết bao người phải trải qua. Tuy nhiên, trong những thử thách này, chúng ta có thể nghe thấy Lời sự sống vang lên mạnh mẽ: “Người không có ở đây, nhưng đã sống lại rồi (Lc 24:6)! Thông điệp hy vọng này xua tan mọi hình thức của chủ nghĩa định mệnh và mang đến cho chúng ta tự do và sự mạnh dạn cần thiết để đứng dậy và tìm mọi cách tỏ lộ lòng thương xót, để biến sự giãn cách trong cơn đại dịch này thành một cơ hội để gặp gỡ, chăm sóc và thăng tiến. Chính lòng thương xót mà chúng ta đã trải nghiệm và thể hiện có thể trở thành điểm tham chiếu và nguồn mạch của sự khả tín, giúp chúng ta phục hồi niềm đam mê chung đối với việc xây dựng “một cộng đồng của những người thuộc về nhau và liên đới với nhau, xứng với thời gian, nghị lực và các tài nguyên của chúng ta (Fratelli Tutti, 36).

3.1. Trong nhãn quan truyền giáo thì đâu là những khó khăn thử thách và đâu là những cơ hội mà đại dịch Covid-19 mang lại cho chúng ta?

3.2. Chúng ta phải sống lòng thương xót Chúa và rao giảng Tin Mừng như thế nào trong bối cảnh của đại dịch Covid-19?

  1. Trong các hoàn cảnh hiện nay, nhu cầu cấp bách là phải có những người thừa sai của niềm hy vọng, những người được Chúa xức dầu để có thể cống hiến một lời nhắc nhở tiên tri rằng không ai được cứu rỗi một mình. Là Kitô hữu, chúng ta không thể giữ lấy Chúa cho riêng mình: sứ mạng Phúc Âm hoá của Hội Thánh được thể hiện qua việc biến đổi thế giới và việc chăm sóc công trình tạo dựng. Theo đó, mọi sự chúng ta nhận được từ Chúa là để chúng ta đem ra sử dụng một cách có ích và tự

nguyện chia sẻ với người khác. Cũng vậy, đời sống đức tin tự bản chất kêu gọi một sự mở rộng ngày càng nhiều hơn để bao gồm mọi người, mọi nơi.

4.1. Đâu là sứ mạng Phúc Âm Hóa của Hội Thánh mà chúng ta được mời gọi dấn thân?

4.2 Chúng ta có thể làm điều này như thế nào trong bối cảnh đại dịch này?

  1. Vào Ngày Thế Giới Truyền Giáo, chúng ta hãy nhớ ơn tất cả những người nam và người nữ mà nhờ chứng tá đời sống của họ, họ giúp chúng ta canh tân cam kết rửa tội của mình để là những tông đồ can đảm, quảng đại và vui tươi của Tin Mừng. Quả thật, Đức Giêsu luôn cần những trái tim có khả năng trải nghiệm ơn gọi như là một câu truyện tình thực sự thúc đẩy họ ra đi tới những vùng ngoại biên của thế giới, trong tư cách là những sứ giả và tác nhân của lòng thương xót. Sống trong tình trạng truyền giáo là muốn suy nghĩ như Đức Giêsu, cùng tin với Người rằng những người xung quanh chúng ta cũng là những anh chị em của chúng ta. Xin tình yêu thương của Người chạm đến trái tim và làm cho tất cả chúng ta thành những môn đệ truyền giáo đích thực.

5.1. Đâu là mẫu gương truyền giáo cụ thể đã thúc đẩy ý thức truyền giáo của bạn?

5.2. Đâu là những “vùng ngoại vi” mà chúng ta được mời gọi vươn đến trong sứ vụ truyền giáo? Chúng ta có thể vươn đến những “vùng ngoại vi” đó như thế nào trong bối cảnh đại địch?

WHĐ (03.10.2021)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi