Lắng nghe Chúa trong thinh lặng

Một trong những phẩm tính đáng ngưỡng mộ nhất được nhận thấy trong cuộc đời Thầy Chí Thánh Giêsu, Mẫu gương trọn lành của chúng ta, là sự thinh lặng. Tất cả những huyền nhiệm của cuộc sống dương gian, cũng như đời sống thần linh cao vời của Người đều mang dấu ấn thiêng thánh của sự thinh lặng.

Hội Thánh cho chúng ta biết rằng Hài Nhi Giêsu đã đến giữa thế gian trong sự yên ắng của toàn vũ trụ: “Khi vạn vật chìm sâu trong thinh lặng, lúc đêm trường chừng như điểm canh ba, thì từ trời cao thẳm, Lời toàn năng của Ngài đã rời bỏ ngôi báu” (Kn 18,14). Ba mươi năm đầu đời của Chúa Giêsu đã được bao trùm bởi một sự thinh lặng ấn tượng. Sau đó là thời gian ba năm đời sống công khai rao giảng của Người, thời gian để Thiên Chúa cất lời và đối thoại với con người. Dẫu vậy, ngay cả trong thời kỳ này cũng chất chứa thật nhiều điều kỳ diệu của sự thinh lặng. Thinh lặng là một nét đặc thù trong Cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu đến nỗi Tiên tri Isaia đã loan báo trước rằng: “như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, Người chẳng hề mở miệng.”(Is 53,7)

Trong Bí tích Thánh Thể, chẳng phải sự thinh lặng khôn thấu của Người làm cảm kích chúng ta và thông truyền chính Người cho chúng ta mỗi khi chúng ta tiếp cận đó sau?

Sự thinh lặng không được coi là một nhân đức, nhưng nó chính là môi trường để các nhân đức triển nở, và nó cũng là dấu hiệu cho thấy sự trưởng thành của các nhân đức. Điều này giống như khi nhìn thấy những bông lúa vàng xuất hiện trên cánh đồng, chúng ta biết hạt lúa đã chín, cũng vậy, khi một nhân đức được nhuốm màu thinh lặng, chúng ta nhận thức được rằng nó đang vươn tới sự trưởng thành.

Hãy suy tư về sự thinh lặng của Chúa Giêsu, đồng thời cố gắng suy đi gẫm lại bên trong tâm hồn chúng ta để mỗi người có thể noi gương sự thinh lặng của Người nơi đời sống của chính mình.

Học cách thực hành thinh lặng nội tâm

Chúng ta hãy nhìn xem sự thinh lặng trong ba mươi năm đầu sống ẩn dật của Chúa Giêsu. Sự thinh lặng này quả thật không thể hiểu thấu. Nếu có một con người nào với đủ tất cả quyền hạn để cất tiếng nói, tất cả ân ban để lôi kéo sự chú ý, tất cả phương tiện để tạo ra cơn chấn động, thì con người đó phải là Chúa Giêsu, bởi chính Người là Chủ tể muôn loài, Thượng Trí vô tạo, đặc biệt Người là Ngôi Lời Vĩnh Cửu của Thiên Chúa Cha, và cũng là Đấng mà thế nhân hằng mong đợi từ rất lâu. Chắc chắn, nếu có bất kỳ sự kiện nào gây rúng động trong dòng lịch sử, đó phải là sự nhập thể và cư ngụ giữa chúng ta của Chúa Giêsu. Thế nhưng, thay vào đó, một sự thinh lặng bao trùm ba mươi năm đầu tiên ấy.

Kinh Thánh gần như cũng không cho chúng ta biết gì hơn khi nói đến giai đoạn này. Rất nhiều lần chúng ta muốn biết thêm một chút về những bí nhiệm trong thời thơ ấu của Chúa Giêsu để dưỡng nuôi lòng đạo đức của mình. Mặc dầu vậy, Kinh Thánh chỉ thi thoảng đề cập đến những năm đầu đời của Người. Như tiếng thì thầm thoảng qua nơi đồng vắng, một vài trang kể về những sự kiện trong giai đoạn đời sống ẩn dật của Chúa Cứu Thế đã nhấn mạnh và làm bật lên mà không hề phương hại gì đến sự thinh lặng: Ba nhà đạo sĩ đăng trình thờ lạy Hài Nhi Giêsu, cuộc trốn chạy qua Ai Cập của Thánh Gia, việc dâng trẻ Giêsu trong đền thờ – ba sự kiện này không những không gây xáo trộn sự thinh lặng của giai đoạn ẩn dật, nhưng làm hiển lộ một cách rõ ràng hơn.

Chúng ta cảm nhận được sự thinh lặng đặc biệt trong lối sống của gia đình Nazareth. Đó là “ngôi nhà của thinh lặng”, chúng ta gần như chẳng thể mường tượng được ý niệm nào khác về Thánh gia ngoài điều này. Mỗi khi chúng ta suy gẫm về những mầu nhiệm đã diễn ra ở đó, chúng ta luôn nhận thấy mỗi thành viên của Thánh gia đều cư ngụ trong một sự thinh lặng thần thiêng. Có thể nói, sự hiện diện của gia đình Nazareth đã lưu giữ tâm hồn chúng ta đắm chìm trong thinh lặng.

Thánh Cả Giuse không hề có một lời nào được viết lại trong Tin Mừng, và chúng ta chẳng thể hình dung điều gì về ngài ngoại trừ việc say mê lặng ngắm những mầu nhiệm diễn ra trong cuộc đời của ngài.

Đức Trinh nữ Maria cũng luôn ở trong sự thinh lặng. Đó là sự thinh lặng của bất ngờ và tình yêu được mang đến bởi sự xuất hiện của Thiên Chúa trong cuộc đời Mẹ; một sự thinh lặng tiếp tục được củng cố bằng ánh sáng thánh thiêng của Chúa Giêsu và bởi những dấu lạ mà Mẹ đã chứng kiến và tham dự vào. Sau khi thuật lại những dấu lạ, Tin Mừng còn nói thêm một lời về Đức Mẹ mà qua đó chúng ta bắt gặp một ánh nhìn soi lối vào tận đáy sự thinh lặng và chiêm niệm bên trong cõi lòng Đức Trinh Nữ, đó là: “Mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2,52). Mẹ không hề trao đổi những điều ấy với thánh Giuse, nhưng giữ lại và suy ngắm chúng trong lòng mình.

Và chàng trai Giêsu, dù sống và làm việc trong xưởng mộc của thánh Giuse như một người bình thường, nhưng hẳn đã sống một đời sống thầm lặng với tất cả linh hồn và trái tim đắm chìm nơi Thiên Chúa Cha. Linh hồn và Trái tim ấy luôn hòa quyện trong hình dung, thao thức về linh hồn và trái tim của mỗi con người chúng ta. Người luôn mơ những giấc mơ tình yêu và khổ nạn, luôn nghĩ suy về những vinh quang mà Người sẽ mang lại cho Chúa Cha và sự cứu rỗi mà các linh hồn sẽ được hưởng nhờ bởi tay Người. Tâm hồn Người hoàn toàn đắm say vào những huyền nhiệm của Thiên Quốc. Và theo như tôi thấy, đây đích thực là sự thinh lặng của chiêm niệm và đời sống nội tâm.

Thinh lặng và sự tập trung

Thinh lặng, hay thậm chí nói chuyện bình thường, cũng luôn mời gọi chúng ta tập trung vào bên trong chúng ta, đồng thời gẫm suy về những gì quan trọng và sâu sắc. Ví dụ, khi chúng ta ở trong một khu rừng, hoặc lênh đênh trên đại dương, hay lang thang trong sa mạc, chúng ta sẽ kinh nghiệm được sự cần thiết của việc tập trung và hồi tâm nơi bản thân mình. Bộ máy tâm lý của chúng ta dễ bị những tiếng ồn làm phiền và kéo chúng ta ra khỏi bản thân, chúng làm chúng ta xao nhãng và mất đi năng lực tập trung; sự ồn ào cũng khiến tâm hồn chúng ta chỉ lảng vảng xung quanh những thứ tầm thường bên ngoài mà không thể đi sâu vào con người mình. Nhưng khi sự thinh lặng chiếm ưu thế, chúng ta sẽ lại tập trung và một lần nữa sống thinh lặng và đi sâu vào đời sống nội tâm.

Theo như quy luật tâm lý này, chúng ta cần đi vào bên trong con ngươi mình để sống với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa chỉ có thể được tìm thấy nơi sâu thẳm nội tâm mỗi người. Lẽ dĩ nhiên, việc giữ thinh lặng bên ngoài không chỉ là cửa ngõ dẫn vào đời sống nội tâm, nhưng còn là điều kiện cần thiết cho cuộc sống đối thoại mật thiết với Thiên Chúa. Nguồn sống của đời sống nội tâm và chiêm niệm chính là sự thinh lặng; do đó, các bậc thầy trong đời sống thiêng liêng luôn đề cao sự thinh lặng; cũng vì thế, việc giữ thinh lặng đã trở thành một trong những điều luật căn bản đời sống tu trì.

Để có thể sống đời chiêm niệm hay đời tu trì dưới bất kỳ hình thức nào, hoặc một đời sống nội tâm thực sự, thì sự thinh lặng bên ngoài là điều không thể thiếu. Đồng thời, để nhận ra được tầm quan trọng của nó trong đời sống kết hiệp với Chúa, trong đời sống hướng lên chứ không phải hướng xuống, chúng ta đừng bao giờ rời bỏ thực tế: thinh lặng không phải là một biện pháp kỷ luật đơn thuần hoặc là một cách thức giữ trật tự thường được áp dụng trong các lớp học, nhưng là một điều kiện cần thiết và không thể thiếu cho đời sống nội tâm.

Tác giả: Luis M. Martinez
Chuyển ngữ: Quang Sáng
Theo: catholicexchange.com(29.7.2021)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi